Đức Phanxicô xin cầu nguyện cho các nhà cầm quyền

331

Đức Phanxicô xin cầu nguyện cho các nhà cầm quyền

Bài giảng tại Nhà nguyện Thánh Marta: Đức Phanxicô xin cầu nguyện cho các nhà cầm quyền

Thánh lễ  ở Nhà nguyện Thánh Marta 6-2018

vaticannews.va, Giada Aquilino, 2019-09-16

Sau thời gian nghỉ hè, sáng thứ hai 16 tháng 9, Đức Phanxicô tiếp tục các bài giảng trong thánh lễ hàng ngày ở Nhà nguyện Thánh Marta. Bình giải thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi tín hữu Timôthê, ngài xin chúng ta cầu nguyện cho các nhà cầm quyền. Đặc biệt ngài kêu gọi người Ý, họ đã cầu nguyện đủ cho các người được gọi để dẫn dắt đất nước của họ chưa.

Suy gẫm về đoạn thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi tín hữu Timôthê, Đức Phanxicô giải thích lời xin của Thánh Phaolô vẫn còn giá trị đến ngày hôm nay: các câu hỏi, các khẩn nguyện, các lời cầu nguyện cho mọi người, kể cả vua và những người cầm quyền để được an cư lạc nghiệp, để sống đạo đức và nghiêm chỉnh, hoàn toàn hướng về Chúa.

Thánh Phaolô nhấn mạnh đến mội trường sống chung quanh người tín hữu: đó là cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ như sau: Anh chị em hãy cầu nguyện cho mọi người, để chúng ta có thể sống bằng yên, xứng đáng và hướng về Chúa. Cầu nguyện để điều này có thể xảy ra. Nhưng có một điều tôi muốn dừng lại: “Cầu nguyện dành cho tất cả mọi người, sau đó ngài lại thêm, cho cả các vua, cho tất cả các người cầm quyền. Vì thế đây là lời cầu nguyện cho các chính trị gia, các người nắm quyền, những người có trách nhiệm để một thể chế chính trị, một quốc gia, một thành phố được đi tới.”

Cầu nguyện cho những người nghĩ khác mình

Tương quan với các nhà cầm quyền thường không phù hợp và không quân bình, vì những người này nhận các lời lăng mạ, xúc phạm. Có các chính trị gia nhưng cũng có các linh mục và giám mục cũng bị xúc phạm. Một vài người “đáng bị” nhưng ngài lo ngại về vấn đề này vì bây giờ “đã trở thành thói quen”, một chuỗi lăng mạ, một chuỗi lời chửi rủa nhắm đến các người có trách nhiệm trước công chúng. Và Đức Phanxicô chất vấn: “Còn chúng ta, chúng ta để họ một mình, chúng ta không xin Chúa chúc lành cho họ.”

Sau đó Đức Phanxicô trực tiếp nhắc đến “cuộc khủng hoảng cai trị” đang là chuyện thời sự của nước Ý trong thời gian vừa qua. Ngài đặt câu hỏi: “Ai trong chúng ta đã cầu nguyện cho nhà cầm quyền? Ai trong chúng ta đã cầu nguyện cho nghị viện để họ có được thoả thuận để đưa đất nước đi tới? Có vẻ như tinh thần yêu nước chưa đến được với cầu nguyện.” Ngài lấy làm tiếc dường như lời cầu nguyện cho họ bị thay thế bằng các lời xúc phạm, chê trách, ngài mong mọi người được như Thánh Phaolô đã nhấn mạnh, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc. Đức Phanxicô nhấn mạnh, chúng ta có thể tranh luận và phải tranh luận nhưng không triệt hạ người khác. Ngược lại chúng ta phải cầu nguyện cho người khác dù họ có quan điểm khác mình.

Lời mời gọi hoán cải

Trước những ai nghĩ rằng chính trị gia này “quá cộng sản”, chính trị gia kia “tham nhũng”, ngài trích dẫn Tin mừng thánh Luca hôm nay, không đặt vấn đề về “thảo luận chính trị”nhưng nhấn mạnh đến cầu nguyện. Một vài người cho rằng “chính trị là bẩn” nhưng ngài nhắc lại, chính Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI nghĩ rằng chính trị là “hình thức cao nhất của đức ái”.

Mỗi nghề đều có cái bẩn. Chính chúng ta làm bẩn nghề chứ nghề không bẩn. Tôi tin chúng ta phải hoán cải và cầu nguyện cho tất cả chính trị gia, cho tất cả! Hãy cầu nguyện cho những người điều hành và cai trị. Đó là những gì thánh Phaolô yêu cầu chúng ta.

Khi nghe Lời Chúa, tôi nghĩ đến một điều rất đẹp của Tin Mừng hôm nay, người cai trị cầu nguyện cho người cấp dưới, người đại đội trưởng cầu nguyện cho người phục vụ mình. Cũng thế, những người cai trị cũng phải cầu nguyện cho người dân của mình. Người đại đội trưởng này đã cầu xin cho người nô lệ của ông. “Đó là người phục vụ tôi, tôi có trách nhiệm trên anh ấy.” Những người cai trị có trách nhiệm cho cuộc sống của cả một đất nước, một dân tộc. Thật tuyệt vời khi nghĩ người dân cầu nguyện cho người cai trị mình, và người cai trị cầu nguyện lại cho người dân, giống như người đại đội trưởng khẩn xin cho người phục vụ mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch