“Ở Mỹ, sự hiệp thông trong Giáo hội đã bị rạn nứt”
la-croix.com, Céline Hoyeau, 2019-09-12
Trong khi có một số người lo ngại có sự rạn nứt với một phần người công giáo Mỹ, thì Đức Phanxicô “không sợ ly giáo”. Đối với nhà sử học Massimo Faggioli, giáo sư nghiên cứu tôn giáo ở Đại học Villanova, Mỹ thì Giáo hội công giáo Mỹ đã ở trong tình trạng “bán-ly giáo.”
Đức Phanxicô trong buổi họp báo trên chuyến bay từ Madagascar về Rôma ngày 10 tháng 9 – 2019. Alessandra Tarantino/EPA/MaxPPP
La Croix: Theo ông, nguy cơ ly giáo ở Mỹ có thật không?
Massimo Faggioli: Không, nếu hiểu theo nghĩa kinh điển của thời Trung cổ, đó là tạo ra một Giáo hội song song, một giáo hội được dẫn dắt bởi một người Mỹ chống giáo hoàng thì tôi không nghĩ có ly giáo ở Mỹ. Nhưng lịch sử đã biết các chủ nghĩa ly giáo ở nhiều dạng khác nhau, và nguy cơ đối với tôi là có thật, vì trên thực tế, Giáo hội công giáo Mỹ bị chia rẽ sâu sắc và sự hiệp thông nội bộ đã bị rạn nứt. Theo một cách nào đó, nước Mỹ đã ở trong tình trạng bán-ly giáo.
Mỗi người công giáo Mỹ đều biết, trong cùng một giáo phận có các giáo xứ khác nhau, với các nghi thức và các bài giảng rất khác nhau. Và nó luôn là như vậy, nhưng đã nặng hơn với Đức Phanxicô vì ngài đã tạo nên các phản ứng dữ dội.
Các nhà trí thức, các nhân vật trong giới tài chánh và truyền thông công khai chỉ trích ngài. Như vậy, ngoài trường hợp cụ thể của hồng y Burke, một hồng y của Giáo triều thì các giám mục Mỹ, gần đây nhất là giám mục Joseph Strickland của giáo phận Tyler bang Texas đã công khai tuyên bố, Đức Phanxicô sai tất cả. Họ là một số khoảng hai mươi người, cách đây một năm đã hỗ trợ cựu sứ thần Washington, Tổng Giám mục Carlo Maria Vigano khi ông yêu cầu Đức Phanxicô từ chức, cáo buộc ngài bao che các tội phạm…
Nhưng chỉ trích giáo hoàng có phải là ly giáo không?
Massimo Faggioli: Vấn đề không phải là chỉ trích. Chỉ trích là hợp pháp và nó phải có chỗ đứng trong Giáo hội. Sau Công đồng Vatican II, rất nhiều người công giáo gay gắt chỉ trích quan điểm của Đức Phaolô-VI về phụ nữ trong Tông huấn Sự sống Con người (Humanae Vitae). Nhưng họ chưa bao giờ lên án ngài là dị giáo, cũng không đặt lại vấn đề hợp pháp trong tư cách giáo hoàng của ngài. Điều mới ở đây, là bây giờ một vài nơi ở Mỹ, họ công khai cáo buộc giáo hoàng đang trên bờ vực dị giáo, nếu chưa nói hẳn là dị giáo.
Từ triều giáo hoàng của ngài năm 2013, các nhà phê bình đã lên tiếng không phải từ nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhân danh chính thống. Điều này làm người ta nghĩ đến ly giáo. Các giám mục Mỹ rõ ràng nghĩ Đức Phanxicô đã phản bội truyền thống của Giáo hội về tình dục, đặc biệt về gia đình, chỉ trích đã mở ra về đối thoại liên tôn giáo, phụng vụ, sinh thái từ ba năm nay.
Điều này đã bắt đầu từ Thượng hội đồng về gia đình năm 2014-2015 ?
Massimo Faggioli: Một cách công khai, có. Nhưng từ mùa xuân năm 2013, thậm chí trước khi công bố về thượng hội đồng này, một vài giới ở Mỹ đã cho rằng Đức Phanxicô không đủ chính thống và thậm chí có thể là dị giáo, vì ngài bắt đầu nói về người nghèo, về lòng thương xót…
Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI cũng nói về người nghèo và lòng thương xót…
Massimo Faggioli: Chắc chắn, nhưng hoàn toàn khác, vì người nói về người nghèo đến từ Giáo hội nghèo ở Châu Mỹ La Tinh. Trong não trạng người Mỹ, một tu sĩ Dòng Tên Châu Mỹ La Tinh làm giáo hoàng là cú sốc và bây giờ họ vẫn còn nghĩ vậy. Một mặt vì ở Mỹ có một loại chống-Dòng Tên một cách nào đó. Mặt khác vì dưới mắt Đức Phanxicô, nước Mỹ không phải là trọng tâm thế giới mà chỉ là một nước như các nước khác.
Thực chất, dù Đức Phanxicô có chính xác trích dẫn các lời của Đức Gioan-Phaolô II hay của Đức Bênêđictô XVI nhưng những lời từ miệng ngài, lập tức bị xem như từ một giáo hoàng nguy hiểm, có một ý tưởng công giáo không chính thống. Đối với người châu Âu chúng ta, ngài khác các giáo hoàng khác, còn đối với người Mỹ, ngài ngược với các vị tiền nhiệm. Các phản ứng đầu tiên viết về ngài năm 2013 đã nói đến một “giáo hoàng chống Mỹ”, “người cách mạng”… trước khi ngài đưa ra các quyết định quan trọng nhất! Và theo thời gian, điều này càng nặng thêm.
Một trong các lý do cho sự phản đối này có thể do đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một giáo hoàng danh dự sống bên cạnh giáo hoàng đang tại chức, và vì người ta chưa làm xong việc “thương nhớ” Đức Bênêđictô XVI chăng?
Massimo Faggioli: Chính xác vậy. Sự việc ngài từ chức là một yếu tố quan trọng để hiểu những gì đang xảy ra ở Mỹ. Thường thường mật nghị bầu giáo hoàng diễn ra vài ngày sau tang lễ vị tiền nhiệm. Một cách tâm lý, đó là một hình thức nào đó để chôn cha… Nhưng năm 2013, chuyện này đã không xảy ra. Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm nhưng ngài luôn ở đó. Chúng ta chưa để tang. Và ngài rất một vài giới ở Mỹ rất yêu chuộng, kể cả bên ngoài những người bảo thủ. Đối với họ, Đức Bênêđictô XVI vẫn tiếp tục là giáo hoàng vì người kế nhiệm ngài quá khác biệt.
Chúng ta có thể nói có các chia rẽ giữa những người “nghiêm khắc” và người “cải cách” không?
Massimo Faggioli: Đúng. Các vấn đề gia đình, hôn nhân, đồng tính chuyển tính đóng một vai trò trọng tâm giữa một Giáo hội kế thừa Công đồng Vatican II muốn có thể đối thoại với thế giới và một Giáo hội đã quyết định rằng đối thoại này là không thể, sẽ phá hủy Giáo hội và xóa tan Giáo hội trong thế giới hiện đại.
Khi nói ly giáo, giáo hoàng có nguy cơ quan trọng hóa tình trạng và tạo thành một thực tế mà ngài nêu ra không?
Massimo Faggioli: Tôi không nghĩ vậy. Ngài chỉ đơn giản đặt các từ trên những chuyện gì đã tồn tại. Quyển sách của tác giả người Pháp Nicolas Senèze – Làm thế nào người Mỹ muốn thay đổi giáo hoàng (Comment l’Amérique veut changer de pape, nxb. Bayard) đã nghiên cứu tình trạng, ngài không tạo ra nó.
Đức Phanxicô chỉ đơn giản kêu gọi có trách nhiệm: không những chỉ các giám mục nhưng với tất cả những ai có quyền lực trong Giáo hội, các nhà trí thức, các nhà tài chánh, các nhà báo. Đức Phanxicô không muốn ngăn chận một tiến trình nhưng lật ngược một tiến trình đã bắt đầu từ nhiều năm nay. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng tôi chưa thấy Giáo hội nào bị chia rẽ đến mức như vậy.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Một giáo hoàng đứng trước các lời chỉ trích