Đức Phanxicô ca ngợi Maurice, đất nước của tình huynh đệ
Đức Phanxicô được Tổng thống lâm thời Barlen Vyapoory đón ở Port-Louis, thủ đô nước Cộng hòa Maurice ngày 9 tháng 9 năm 2019 | © Vatican Media
cath.ch, 2019-09-09
Đến thăm đảo quốc Maurice ngày thứ hai 9 tháng 9 năm 2019, Đức Phanxicô ca ngợi mô hình huynh đệ của đất nước đa sắc tộc này. Được người di cư xây dựng, đảo quốc Maurice đã biết thành lập một “dự án chung dù có nhiều khác biệt.” Đức Phanxicô cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo đừng “nhường bước trước mô hình kinh tế thần tượng”.
Sau khi cử hành thánh lễ ở Đài Nữ Vương Hòa Bình, Đức Phanxicô ăn trưa với các giám mục của Hội đồng Giám mục Ấn Độ Dương, sau đó ngài đến viếng thăm đền thánh Cha Laval. Cuối cùng, ngài đến lâu đài Réduit để gặp Tổng thống Barlen Vyapoory và thủ tướng Pravind Jugnauth của đảo quốc Maurice.
Tình huynh đệ vì lợi ích chung
Mở đầu bài diễn văn, Đức Phanxicô hoan nghênh sự hiện diện của các đại diện các tín ngưỡng và các tôn giáo khác. Ngài nói: “Đất nước Maurice được người di cư có nhiều nguồn gốc khác nhau xây dựng. Tất cả đã thành công xây dựng một tình huynh đệ quan tâm đến lợi ích chung”.
Ngài nhấn mạnh ở điểm, đất nước Maurice có thẩm quyền để chứng tỏ cho thấy, hòa bình ổn định là điều có thể tồn tại trong sự hài hòa của các khác biệt. Do đó, một dự án chung có thể tồn tại mà không bị gạt ra bên lề hoặc bị loại trừ.
Một chính sách kinh tế “dựa trên con người”
Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1968, nước Cộng hòa Maurice đã xây dựng được một truyền thống dân chủ và vì thế Maurice là một ốc đảo hòa bình. Tuy nhiên Đức Phanxicô lấy làm tiếc, sự tăng trưởng kinh tế hiện tại đã không bao gồm một số người dân nào đó, đầu tiên là các người trẻ. Vấn đề này là trọng tâm bài giảng sáng nay của ngài. Do đó ngài kêu gọi một chính sách kinh tế “dựa trên con người” đòi hỏi sự phân phối thu nhập tốt hơn.
Thay đổi cách sống
Đức Phanxicô kêu gọi người dân Maurice đừng “nhường bước trước mô hình kinh tế thần tượng, một mô hình muốn có lợi thế ngay lập tức” không màng đến các thế hệ tương lai và các thế hệ nghèo nhất. Theo ngài, một sự thay đổi lối sống là cần thiết để sự tăng trưởng mang lợi ích đến cho tất cả mọi người. Thêm nữa, ngài hy vọng sự “thay đổi sẽ ngăn chận được các hậu quả khủng khiếp của việc thay đổi khí hậu”.
Qua lời nói quan trọng này, ngài ám chỉ chính sách thuế của Maurice ở trong danh sách xám của “thiên đàng lậu thuế” do Liên Hiệp Âu Châu đưa ra. Theo trang tài chánh của báo Le Monde (nước Pháp) thì lãnh vực tài chính chiếm ít hơn 50% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của đất nước. Theo báo này, Maurice là nước chuyển doanh thu thuế từ Châu Phi.
Bài phát biểu cuối cùng của chuyến tông du
Ngoài ra Thủ tướng Pravind Jugnauth nhân cơ hội này đã lên tiếng chống việc “tách rời bất hợp pháp” của quần đảo Chagos của Anh lúc Maurice giành độc lập. Ông cho biết: “Cáùc hòn đảo này là một phần không thể thiếu của đảo quốc Maurice” và chính quyền sẽ “tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi các hòn đảo này.”
Sau bài diễn văn, Đức Phanxicô làm phép một số cây tượng trưng cho 100.000 cây sẽ được trồng ở Maurice để kỷ niệm chuyến tông du và để chống lại nạn phá rừng.
Sau đó ngài ra phi trường Maurice để về Madagascar nghỉ đêm trước khi về lại Rôma vào ngày thứ ba 10 tháng 9. Dự trù ngài sẽ về phi trường Rome-Ciampino lúc 19:00 cùng ngày.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Đức Phanxicô một ngày ở đảo quốc Maurice
Dự án chống nghèo đói của Đức Phanxicô sẽ đến thăm Madagascar