Không cội rễ: một dạng đặc thù của cô đơn (6/7)

222

Không cội rễ: một dạng đặc thù của cô đơn (6/7)

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser

Các dạng đặc thù của cô đơn

Vượt trên định nghĩa chung này, cô đơn có thể được chia thành nhiều loại khác nhau. Nhắm đến mục tiêu phân tích nói chung, và phân tích thần học nói riêng, tôi đã chia cô đơn thành năm dạng ý niệm, mà tôi gọi là Xa lánh (Alienation), Thao thức (Restlessness), Huyễn hoặc (Fantasy), Không cội rễ (Rootlessness), và Suy thoái tâm lý (Psychological Depression). Vì chúng là những kiểu mẫu, nên không phải lúc nào chúng cũng khác nhau. Có một số trùng khớp, nhưng cũng có một phân biệt rõ ràng giữa chúng, mà chúng ta có thể rút ra dựa trên nguyên do, ý nghĩa và giải pháp của chúng.

Một dạng thứ tư của cô đơn có thể được gọi là Không cội rễ. Ngắn gọn, nó là dạng cô đơn mà chúng ta cảm nhận khi trải nghiệm chính mình không có nguồn cội nào, không có tuyệt đối nào, không có neo giữ, dật dờ không bến đỗ an toàn, không nơi ổn định, không có được một truyền thống ý nghĩa và không có một thứ gì neo giữ, cho dù là nhỏ bé thôi, trong dòng chảy của biến động, thời gian và lịch sử.

Có một tâm trạng cô đơn thực sự nơi những hiện hữu không có cội rễ vững chãi. Đó là cô đơn của cảm nhận tận cùng mình chẳng có chỗ gối đầu. Chúa Giêsu đã từng than “Con Người không có chỗ tựa đầu.”  Tôi không nghĩ nếu Chúa trở lại thế gian ngày nay, Chúa sẽ than phiền theo cách khác. Có nhiều khả năng, Ngài sẽ tìm được chỗ để gối đầu, nhưng có thể đó là nơi căn nhà mong manh, hay ngôi nhà bằng nhựa dùng một lần (có thể tốt cho một năm hay khoảng 200 giấc ngủ), và khổ nhất là bất cứ lúc nào Ngài cố để tựa đầu, thì vị trí đó lại thay đổi!

Và thế giới cũng như tất cả những gì trong đó, có vẻ như đang chuyển dời. Một cô đơn thực sự và nỗi đau tồn tại trong đó. Đó là cô đơn và nỗi đau hiện sinh vì một cơn bão nên chúng ta không thể tìm thấy được nơi nương ẩn, để giấu mình và tìm chút hơi ấm cùng an toàn để chống lại cái lạnh và giông tố. Chúng ta có thể thưởng thức cơn bão, nhưng chỉ khi nào chúng ta có nơi an toàn, để từ đó, trong ấm áp và an toàn, chúng ta ngắm nhìn cơn bão và có thể mạo hiểm đi vào cơn bão một chút tùy theo hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta thuần túy bị cuốn trong cơn bão, không nơi trú ẩn, thiếu chuẩn bị và không có áo quần phù hợp, thì cơn bão đó có thể là một kinh nghiệm vô cùng đau thương. Cơn bão cuộc đời cũng không khác mấy. Nếu ít nhất, đôi lúc chúng ta có thể trú vào một khe đá và bám chặt vào một điều gì đó vững chãi để bảo vệ chúng ta khỏi sức ép của giông tố, thì chúng ta có thể đương đầu với cơn bão. Nhưng nếu không tìm ra được nơi trú ẩn đó, thì cơn cuồng phong sẽ là một trải nghiệm lạnh buốt và cô độc.

Ngày nay, càng ngày càng có ít người có thể tìm được nơi trú ẩn an toàn đó. Nhiều thứ trong đời sống đã từng là cội rễ của chúng ta – ràng buộc gia đình, giá trị tôn giáo và đạo đức, những tư tưởng và những anh hùng, những chân lý không thể lay chuyển và những thể chế bền vững – giờ lại là những thực thể đã bị giật khỏi tay chúng ta. Phần lớn chúng ta lớn lên trong những gia đình hạt nhân (mà trong gia đình như vậy, trước khi đến tuổi trưởng thành, chúng ta vẫn có nguy cơ bị gãy đổ), không có liên hệ ý nghĩa nào với các thế hệ khác trong gia đình và với nguồn cội đặc biệt cũng như với truyền thống. Chúng ta thật sự không biết hay không quan tâm xem tổ tiên của chúng ta đến từ Ý, Châu Phi, nước Nga, hay Ailen – hay liệu họ ăn mì ống, khoai tây hầm hay nấm xào! Chúng ta di chuyển từ nơi này qua nơi khác, ăn uống bất kỳ thứ gì, lãng quên đi lịch sử và để mất dần các ràng buộc tôn giáo cũng như giá trị đạo đức. Thay vào đó, xã hội vứt bỏ những gì còn sót lại của nền đạo đức tuyệt đối của chúng ta, giải mã các huyền thoại đã từng hình thành các thể chế vững chãi, và lật mặt các anh hùng, những tấm gương cho chúng ta có được tư tưởng và cảm hứng, cho họ là những kẻ suy đồi đạo đức. Bên cạnh đó, chúng ta thấy những điều được cho là hiển nhiên khi chúng ta học ở trung học và đại học, gồm cả các phép toán (và có cái gì chắc hơn là toán học?) không còn đúng nữa. Tất cả cội rễ của chúng ta bị liên tục cắt rời, và khi đó, chúng ta giống như con thuyền không neo, trôi dạt theo cơn gió, mong có cái gì đó giữ mình lại, nhưng trong tầm tay chúng ta chẳng có gì vững chắc: không có lịch sử cũng không có truyền thống, không có sùng kính bất diệt cũng không có thể chế bền vững, không có mệnh lệnh tuyệt đối đạo đức cũng không có những níu giữ với những gì thần thiêng cao vượt hơn lịch sử, thật vậy, thậm chí vũ trụ vật chất và toán học thuật chứng cũng chẳng còn liên quan. Chúng ta không có cội rễ! Và từ sự trôi dạt vật vờ này, xuất hiện một nỗi cô đơn.

Dạng cô đơn này thể hiện rõ nhất nơi các thanh niên than rằng cha mẹ họ đã cho họ “tất cả mọi thứ, trừ một điều gì đó để họ tin!” Ai nói lên câu này thì người đó là một người cô đơn; một người không tìm được nơi nương ẩn. Tất cả chúng ta đều cần một điều gì đó tối hậu không được mang tính tương đối, một điều không thể hạ thấp được. Khi không có điều này, tâm hồn chúng ta trở nên thiếu vắng.

Có một câu chuyện thú vị về nhà khoa học triết gia vĩ đại của thế kỷ hai mươi, Pierre Teilhard de Chardin. Ngày nọ, khi mới lên năm, mẹ ông cắt tóc cho ông. Vừa cắt đi các sợi tóc, bà vừa ném chúng vào bếp lửa bập bùng. Đầu tiên, cậu bé Teilhard thích thú say mê nhìn tóc bị cháy rụi trong vài giây. Rồi bỗng nhiên, cậu bắt đầu khóc và vùng chạy. Vài ngày sau, cậu bắt đầu thu thập các mảnh kim loại (“bởi vì chúng có thể chịu được ngọn lửa mà không bị thiêu rụi”). Sau đó, cậu thấy kim loại cũng bị bào mòn, cậu vứt bộ sưu tập kim loại và bắt đầu thu thập đá. Đối với cậu, hòn đá mới không bị phá hủy. Teilhard làm điều này khi mới chỉ là một đứa bé lên năm. Về sau, khi đã trưởng thành, trí tuệ vĩ đại của ông nỗ lực nắm bắt chân lý, là điều không thể phá hủy, có thể đứng vững trước tàn phá của ngọn lửa và rỉ sét, trước những ý tưởng chợt hiện và những kiểu cách tân thời, trước sự tương đối và ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, chủ thuyết tương đối đang tiến dần dần, nhưng rất thật, nó làm thay đổi tâm hệ và nhận thức của chúng ta về đời sống. Không như cậu bé Teilhard, ngày nay chúng ta đã quen với việc ngồi xem mọi thứ biến đi. Điển hình của thời đại chúng ta là phản ứng của cô bé Karen, con gái của nhà văn Alvin Toffler, được mô tả trong Cú sốc tương lai.

Có một lần, vợ tôi bảo đứa con gái mười hai tuổi đi đến siêu thị cách căn hộ Manhattan chúng tôi mấy tòa nhà. Trước đây, đứa con gái nhỏ chúng tôi đã từng đến đó một hai lần. Nửa giờ sau, cô bé quay về lúng túng. “Chắc hẳn nó bị dỡ bỏ rồi”, cô nói “Con không tìm thấy.” Sự thực không phải vậy. Lạ lẫm với cảnh chung quanh, chỉ vì Karen đã nhìn nhầm tòa nhà. Nhưng cô là đứa trẻ trong Thời đại Xuyên khoa học, kết luận ngay lập tức rằng tòa nhà đã bị san bằng và đã được thay thế, một kết luận tự nhiên của một đứa bé mười hai tuổi lớn lên ở Mỹ lúc đó. Một đứa bé sống nửa thế kỷ trước sẽ chẳng thể nghĩ ra một ý niệm như thế khi gặp tình huống này. Môi trường quang cảnh thời đó bền vững hơn và mối liên hệ của chúng ta với chúng ít mang tính nhất thời hơn.

Chúng ta dần dần trở nên giống Karen, dần dần học được cách dự trù rằng tất cả mọi thứ cuối cùng sẽ bị san bằng. Chúng ta dự trù rằng, tất cả sẽ biến mất, không chỉ các tòa nhà cũ, nhưng tất cả mọi thứ! Chúng ta dự trù xe chúng ta sẽ bị cũ và hư, cuộc hôn nhân sẽ đi đến ly dị, bạn bè sẽ thay đổi công việc và dời thành phố, linh mục và nữ tu sẽ bỏ chức thánh và đời tu, và người ta sẽ vươn lên cao hơn những ham thích và những dấn thân hiện thời để đạt đến những điều khác. Chúng ta dự tính những giá trị và niềm tin của chúng ta rồi sẽ trở nên lỗi thời. Chúng ta không còn ngạc nhiên nữa! “Có ai ở một chỗ cả đời không?” Có vẻ là không.

Ở đây, tình trạng không cội rễ gây nên cô đơn. Tâm trạng cô đơn này khá khác biệt so với các dạng cô đơn mô tả ở trên. Không cội rễ, chúng ta không cảm nhận đau nhiều như khi cảm thấy mình bị xa lánh hay bị dồn vào thao thức triền miên, hay vì huyễn hoặc do trí tưởng tượng của mình không cho mình hòa hợp với thực tế, nhưng đúng hơn vì thiếu cội rễ nên chúng ta xa rời thực tế. Chúng ta không thể là bạn trọn vẹn với thực tại vì chúng ta không tìm được trong thực tại một nơi chốn nào bền vững, nơi chốn nào cũng tương đối, có nguy cơ, vì thế hiện thực không thể quay lưng với chúng ta bất cứ lúc nào. Chúng ta không có nơi nương ẩn để từ đó chúng ta có thể bạo dạn đi ra đi vào, tận hưởng ánh mặt trời chiếu rọi và trú ẩn lúc giông tố kéo đến. Như thế, vì hiện thực dường như không cho chúng ta nơi trú ẩn này, thì rốt cùng nó không phải là bạn của chúng ta. Và nếu chúng ta không là bạn trọn vẹn với sự thực đó, thì tất nhiên, chúng ta quá cô đơn.

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Đưa vấn đề cô đơn vào trọng tâm thần học (1/7)

Cần có một định nghĩa về cô đơn (2/7)

Xa lánh: một dạng đặc thù của cô đơn (3/7)

Thao thức: một dạng đặc thù của cô đơn (4/7)

Huyễn hoặc: một dạng đặc thù của cô đơn (5/7)