Xa lánh: một dạng đặc thù của cô đơn (3/7)

435

Xa lánh: một dạng đặc thù của cô đơn (3/7)

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser  

Các dạng đặc thù của cô đơn

Vượt trên định nghĩa chung này, cô đơn có thể được chia thành nhiều loại khác nhau. Nhắm đến mục tiêu phân tích nói chung, và phân tích thần học nói riêng, tôi đã chia cô đơn thành năm dạng ý niệm, mà tôi gọi là Xa lánh (Alienation), Thao thức (Restlessness), Huyễn hoặc (Fantasy), Không cội rễ (Rootlessness), và Suy thoái tâm lý (Psychological Depression). Vì chúng là những kiểu mẫu, nên không phải lúc nào chúng cũng khác nhau. Có một số trùng khớp, nhưng cũng có một phân biệt rõ ràng giữa chúng, mà chúng ta có thể rút ra dựa trên nguyên do, ý nghĩa và giải pháp của chúng.

Xa lánh

Xa lánh là dạng dễ nhận biết nhất của cô đơn. Nó là điều mà hầu hết mọi người muốn nói khi họ dùng từ cô đơn. Đơn giản, nó nhắm đến trải nghiệm của việc bị người khác xa lánh hay ghẻ lạnh. Đó là trải nghiệm chúng ta có khi chúng ta không thể yêu thương và thông hiểu, cũng như khi chúng ta không được yêu thương và thông hiểu, cách đầy đủ như chúng ta muốn, hay trọn đủ như những gì mà một hiện hữu nhân tính như chúng ta đáng có được. Khi các mối quan hệ của chúng ta không thỏa đáng đến mức làm cho chúng ta đau đớn, hụt hẫng, lúc đó chúng ta chịu đựng sự xa lánh.

Có nhiều lý do gây nên sự xa lánh: ví dụ như nỗi sợ, xấu hổ, thiếu tự tin, cuồng hoảng, khác biệt tư tưởng với người khác, ích kỷ, sợ bị người khác ruồng bỏ, bị người khác ruồng bỏ, khuyết tật thể lý, thiểu năng xúc cảm, chia rẽ về mặt thể lý với người khác, hay bất cứ gì cản trở chúng ta liên hệ gần gũi thân mật với người khác như chúng ta muốn. Như đã thấy trong chương 1, ngày nay một số yếu tố văn hóa như không còn cá thể riêng, thay đổi luôn luôn, cú sốc tương lai, và tình trạng ngày càng gia tăng tính riêng tư, là các lý do có tiềm năng gây ra xa lánh.

Chúng ta là những sinh thể xã hội, có nghĩa là sống trong tình yêu và tình thân thiết với người khác. Bản tính tự nhiên của chúng ta đòi hỏi điều đó. Khi vì lý do nào đó, chúng ta không có được tình yêu và không truyền thông được tình yêu như mong muốn, thì có một cái gì thiếu vắng trong lòng chúng ta, và đây là điều chúng ta cảm nhận được! Chúng ta cảm thấy bị xa lánh và ghẻ lạnh.

Cách tốt nhất để chúng ta hiểu được sự xa lánh và những điều tương tự với nó là xem xét một ví dụ trong dạng cao nhất của nó. Để có được một ví dụ “cổ điển” về dạng cô đơn này, tôi xin trích nguyên văn bức thư tôi vừa nhận của ông hiệu trưởng một trường trung học lớn. Vài ngày trước đây, ông có đọc một bài diễn văn đầu năm cho toàn thể học sinh. Ông kết thúc bài diễn văn đó với câu: “Tôi hy vọng các em sẽ hạnh phúc và gặt hái được một nền giáo dục đáng giá ở đây.” Sau đó vài ngày, ông thấy một bức thư chuồi dưới cửa văn phòng mình.

Kính thưa Thầy,

Xin chào thầy! Em là nam học sinh lớp 11 của trường. Em muốn viết thư gởi đến thầy và các giáo viên khác trong trường một số ý nghĩ của em về điều mà em (và có lẽ là các bạn khác) phải chịu đựng! Em không nghĩ là các học sinh khác đang chịu đựng điều giống như của em. Em hy vọng thầy sẽ đọc thư của em và suy nghĩ về nó, nếu điều thầy đã nói trong bài diễn văn: “Tôi hy vọng các em sẽ hạnh phúc và gặt hái được một nền giáo dục đáng giá ở đây” là điều mà thầy thực sự nghĩ đến.

Từ khi vào lớp 7, em luôn bị quấy rối và gây sự. Em không thấy mình có lý do gì để bị các bạn gây sự, nhưng thực tế em luôn luôn bị gây hấn nặng nề. Thầy sẽ không thể tin được em đã bị xách nhiễu nhiều như thế nào. Ai cũng gây sự với em, ở tất cả mọi lớp và tất cả mọi học sinh. Em bị các bạn gọi là “thằng bóng” và “thằng đồng tính”, vv… Em không phải là người như vậy và em không thể chịu đựng bị quấy nhiễu thêm nữa. Em cố để loại bỏ nó hay cố không để nó làm mình bực, nhưng em là người nhạy cảm và em quá bực vì chuyện này! Em bị xách nhiễu rất nhiều và dường như các giáo viên không làm gì để ngăn chặn tình trạng này. Mỗi hai tuần em gặp bác sĩ gia đình và hàng tuần em gặp bác sỹ tâm lý vì chứng cuồng hoảng. Em đang bị hoảng loạn và rất tự kỷ vì những gì xảy ra cho em ở ngôi trường này. Em không điên nhưng em đang rất bối rối và mỏng manh vì tất cả những chuyện này. Em không xấu xa. Em không xấu trai và chơi với bạn cũng được. Nhưng không một ai là bạn của em, như thể họ không muốn dính dáng gì đến em, vv… Có được một cô bạn gái là điều quan trọng đối với em, nhưng dường như đó là điều không thể có được vì em bị xách nhiễu quá mức. Em không cường điệu hóa. Và tất cả những chuyện này đang tác động đến thói quen học tập của em và nhiều thứ khác nữa, nó tác động hoàn toàn đến cuộc sống của em.

Năm ngoái, mẹ và em đã có được một giáo viên quan tâm đến vấn đề này, và rồi thực sự chẳng làm được gì hết. Em nhận ra rằng, thầy không thể dừng chuyện này lại được, nhưng thầy có thể nói với các giáo viên khác để họ gắng ân cần với người khác hơn. Đặc biệt là với các giáo viên có tôn giáo. Em nghĩ vậy vì đây là trường Công giáo!

Em không có ý định đến dự buổi lễ tốt nghiệp năm này hay năm tới, và em cũng không bao giờ đến bất cứ buổi dạ hội nào bởi vì em bị mọi người quấy rối.

Em thật sự đã đến bước cùng của chịu đựng, em không làm gì được hơn. Bác sĩ cho em thuốc an thần để bớt căng thẳng và xúc động, để em học tốt hơn. Em hy vọng thầy và các giáo viên khác sẽ nhận ra được điều mà em đang phải trải qua! (Có lẽ là những người khác nữa!)

Em hy vọng thầy sẽ nói cho các giáo viên khác biết chuyên này hay ít nhất sẽ đề cập đến nó. Em hy vọng điều này sẽ giúp thầy nhận ra được thêm chút ít về những gì đang xảy ra trong ngôi trường của chúng ta. Em hy vọng các giáo viên sẽ chú ý về cách đối xử tử tế ân cần với người khác. Xin thầy nói với các giáo viên là họ đừng nêu bức thư này ra vì sẽ có một số bạn sẽ nghĩ bức thư này do em viết. Xin thầy bảo đảm không một học sinh nào biết lá thư này. Em luôn luôn bị suy thoái tinh thần về chuyện này. Em biết là thầy thực sự không thể làm ngưng chuyện này nhưng thầy có thể giúp.

Em hy vọng thầy hiểu em và hy vọng thầy không nổi khùng lên vì lá thư này. Em xin lỗi nếu em đã làm thầy mất thì giờ.

Em đang lo cho năm học này, nhưng em hy vọng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn cho em.

Cám ơn thầy đã bỏ thì giờ cho em!

Nam học sinh lớp 11

Đây là một ví dụ về sự xa lánh. Có nhiều thứ khác nữa: người câm điếc, phải vật lộn để giao tiếp; đứa trẻ bị bạo hành, lớn lên trong chua cay và uất hận, không thể yêu thương người khác; cô gái không đẹp, không được hẹn hò, sớm bị đóng kín vì diện mạo xấu cùng với nỗi hổ thẹn làm cho cô bị trói buộc; người lớn tuổi, bị coi thường và không được màng đến, chết dần trong nhà điều dưỡng; người mang xúc cảm sợ hãi, sống trong bức tường bảo vệ, không thể mạo hiểm ra ngoài vỏ bảo vệ của mình; người ngoại quốc, đối tượng của phân biệt chủng tộc, vật lộn để được chấp nhận; đứa trẻ mập phì, bị trêu chọc và kiếm chuyện nơi sân chơi; người mộng mơ thi sĩ, bị hiểu lầm và không chia sẻ được tâm hồn sâu đậm của mình với người khác. Tất cả những điều này là ví dụ cho sự xa lánh cách mạnh mẽ nhất.

Tuy nhiên sự xa lánh không chỉ tác động vào những người như thế này. Xét cho cùng, nó tác động trên tất cả chúng ta ở một chừng mực nào đó. Nhiều hay ít, ai cũng chịu sự xa lánh. Trong những trường hợp quá đáng, đương sự phải cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia. Không phải luôn luôn, nhưng thông thường, đó là vấn đề của nỗi đau và hụt hẫng hiện diện trong đời sống chúng ta do các quan hệ liên đới của chúng ta không được trọn vẹn.

Sự xa lánh cũng có thể ở dưới các dạng tinh vi. Đôi khi chúng ta cô đơn theo một kiểu đau đớn đến mức chúng ta không nhận ra nỗi đau này là nỗi đau của xa lánh. Ngày nay nhiều người trong chúng ta thấy nỗi đau này là thật khi họ nhìn lại quan hệ của họ với thiên nhiên, với đất mẹ. Có một cô đơn mạnh mẽ do chúng ta không liên kết đủ với mảnh đất, với cơm gạo chúng ta ăn.

Ví dụ, ít ai đọc quyển Chùm nho phẫn nộ (The Grapes of Wrath) của John Steinbeck mà có thể quên những đoạn văn sâu sắc mô tả sự xa lánh, do chúng ta đánh mất quan hệ thích đáng với thiên nhiên. Trong một đoạn đặc biệt mạnh mẽ cực kỳ, Steinbeck đặt trọn thông điệp của mình vào hình ảnh ông mô tả chiếc máy kéo đang cày bừa thửa đất. Hình ảnh này trở nên mạnh mẽ khi chúng ta hiểu được cái nền phía sau nó.

Nạn hạn hán thập niên 1930 đã đẩy các nhà nông nhỏ ở vùng Trung Bắc Mỹ phải giao đất để gán nợ cho ngân hàng, một đối tác không có tên, một quyền lực không người nắm giữ và dường như không có người đứng trách nhiệm. Không một ai biết ngân hàng ở đâu và ai ra lệnh. Nông dân chỉ biết họ nợ ngân hàng, và ngân hàng đòi đất của họ, và ngân hàng đuổi họ đi. Khi ngân hàng xiết đất, và khi từng nông dân rời bỏ mảnh đất, họ ngoái đầu nhìn lại cái xe kéo bằng sắt to lớn, biểu tượng cho tiến bộ, đang đến cày bừa trên mảnh đất của họ. Những đường ranh cũ, những ngôi nhà cũ, những cách làm nông cũ và lối sống cũ, tất cả đều tan tành trước xe kéo to lớn, trước sự tiến bộ đang băng băng thẳng tiến! Và chiếc xe kéo làm việc cho ngân hàng, một quyền lực tối hậu họ không biết được! Trong một đoạn văn có sức tác động mạnh mẽ, Steinbeck mô tả cái xe kéo vận hành, là chính người lái đường cho tiến bộ:

Người đàn ông ngồi sau cỗ máy sắt không giống một con người; tay mang găng, mắt trợn tròn, chiếc mặt nạ cao su chống bụi bọc mũi và miệng, ông là một phần của con quái vật, một người máy đang ngồi. Tiếng ầm ầm của cỗ nghe vang vọng khắp đồng quê, hòa làm một với không khí và mặt đất, đến nỗi mặt đất và không khí rùng mình thì thầm giao cảm. Khi chiếc xe băng qua đồng quê, người lái không thể điều khiển nó, xe cắt xuyên qua hàng chục cánh đồng, rồi đi lui đi tới. Một cần điều khiển có thể đổi chiều chiếc xe, nhưng người lái không thể đẩy cần gạt vì quái vật đã chế tạo cỗ máy và gởi nó đến đây, để cách nào đó, quái vật nhập vào trong đôi tay, bộ não, cơ bắp của người lái, đã soi vào và làm ông câm nín, soi vào trí não, và câm nín miệng lưỡi, soi vào nhận thức và bịt miệng phản kháng của ông. Người lái không thể nhìn thấy mảnh đất như trước, không còn ngửi được mùi đất, bàn chân ông không dẫm lên phiến đất hay cảm thấy hơi ấm và sức mạnh của mặt đất. Ông ngồi sau một đống sắt và chân ông nhấn lên bàn đạp sắt. Ông không thể phấn khích hay chán nản hay nguyền rủa hay nâng đỡ áp lực trong sức mạnh của mình, và vì điều này, ông không thể tự làm cho mình phấn khích hay chán nản, không thể nguyền rủa hay nâng đỡ chính mình. Ông không nhận biết cũng không sở hữu, không đặt niềm tin cũng không khẩn nài mảnh đất này. Nếu một hạt giống gieo xuống không sinh sôi, nó chẳng là gì cả. Nếu vụ mùa đang mong đợi bị héo úa trong hạn hán, hay úng ngập trong lũ lụt, nó cũng chẳng là gì đối với người lái hay với cỗ máy kéo.

Ông không thương đất và ngân hàng cũng không thương đất gì hơn. Ông có thể trầm trồ chiếc máy kéo – máy móc, sức mạnh, tiếng gầm rú của xảy-lanh, nhưng chiếc xe không phải của ông. Phía sau cỗ máy là cuồn cuộn những dĩa sáng chói, những lưỡi dao cắt vào mặt đất – không cày bừa, mà là phẫu thuật, đặt miếng đất bị cắt vào đúng chỗ để hàng dĩa thứ hai cắt nó và đẩy nó về bên trái, lưỡi dao mỏng sáng lên, bóng loáng do vạt đất bị cắt rời. Và cuồn cuộn phía sau các chiếc dĩa là cái bừa kết hợp với bánh răng sắt để phá vỡ cục đất và làm mặt đất mềm đi. Sau cái bừa, máy gieo hạt dài với mười hai đầu mũi cong bằng sắt vung lên, mạnh mẽ khi được sang số, cưỡng chiếm đất đai cách máy móc kỹ thuật, cưỡng chiếm không chút thương xót. Người lái ngồi sau đống sắt và tự hào về những đường thẳng không phải từ ý chí của ông, tự hào về chiếc máy kéo mà ông không sở hữu cũng không yêu quý, tự hào về sức mạnh mà ông không thể điều khiển được. Và khi mùa vụ đến, được thu gặt, vẫn chẳng có ai cầm nắm viên đất và rắc rơi nó qua kẻ tay. Không một ai đụng vào hạt giống, hay say mê mong muốn nó lớn lên.

Con người ăn những thứ họ không trồng, không một liên hệ nào với của ăn. Đất đai chịu phiền nhiễu bởi sắt thép và chết dần mòn dưới đống sắt thép; bởi cỗ máy đó không yêu thương cũng không ghét bỏ, không nguyện chúc cũng không nguyền rủa.

Rõ ràng, với hình ảnh này, Steinbeck đơn giản đã nhẹ nhàng cho chúng ta thấy tầm quan trọng của mối liên hệ với thiên nhiên. Tuy nhiên, điều ông nói về mối quan hệ này không nên bị bôi xấu. Sự xa lánh có nhiều dạng và một số dạng khá tinh vi. Cũng vậy, thiên nhiên mang trong mình ý nghĩa tình thân thiết bạn bè, và khi chúng ta đánh mất mối liên hệ đúng đắn với nó, kết quả sẽ là một tâm trạng cô đơn đau đớn.

Sự xa lánh luôn luôn có nguồn gốc từ yếu tố con người cụ thể, và luôn luôn ít nhất cũng mang một nét bệnh lý nào đó. Không như các dạng bồn chồn thao thức khác, sự xa lánh không bao giờ là một tình trạng lành mạnh. Vì nó được cấu thành do yếu tố con người, về lý thuyết, nó có thể thắng vượt nếu tình trạng lệch lạc được chỉnh sửa lại.

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Đưa vấn đề cô đơn vào trọng tâm thần học (1/7)

Cần có một định nghĩa về cô đơn (2/7)

Tâm trạng cô đơn: Mối nguy và cơ hội

Tâm trạng cô đơn và các vấn đề