Biểu tình quốc gia chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội
Các thành viên của nhóm Sapec đi đầu trong các người biểu tình chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội © kath.ch
cath.ch, Maurice Page, 2019-06-30
Ngày 29 tháng 6, khoảng 150 người đi biểu tình ở Berne, thủ đô Thụy Sĩ để chống các lạm dụng tình dục trong Giáo hội công giáo. Các người biểu tình mang theo chổi để xin Vatican xử lý vấn đề này.
Các thần học gia ở thành phố Zurich, Thụy Sĩ tổ chức cuộc họp ở Helvetia Platz, đây là dịp họ xin Giáo hội công giáo cải tổ sâu đậm để bảo vệ quyền cho các nạn nhân.
Bà Marie-Jo Aeby, thành viên của Hội đồng nâng đỡ những người bị lạm dụng trong quan hệ với cơ quan tôn giáo (SAPEC) cho biết, dù sự tham dự của người Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp thấp nhưng cuộc họp đã rất thành công: “Đây là bước khởi đầu tốt, tổ chức hoàn hảo, các đóng góp ở mức độ cao và chất lượng các trao đổi rất tốt. Tôi thật sự bằng lòng.”
Giáo hội giống như một chế độ toàn trị
Nữ thần học gia người Đức Doris Wagner làm chứng trong tư cách là một cựu nữ tu bị lạm dụng: “Điều tàn khốc nhất trong sự hung bạo này, đó là cảm nhận mình bất lực và cô đơn.” Tác giả của các vụ lạm dụng có cuộc sống dễ dàng khi nạn nhân của họ không có cách nào để tự vệ. Qua các hành động của mình, kẻ tấn công nói với nạn nhân: “Bạn không có giá trị. Không ai có thể giúp bạn. Không ai tin bạn. Tôi có thể làm gì tôi muốn trên bạn. Bạn một mình, bạn bị Chúa bỏ mặc”.
Đứng trước tình trạng này, các người có trách nhiệm thường thích quay đi chỗ khác. Theo bà Doris Wagner, Giáo hội giống như một chế độ toàn trị. Các khả năng để chính thức tự bảo vệ mình gần như không có. Không có nghị viện, không có tranh luận mở, không có tìm tòi thần học thật sự tự do. Không có quy trình lập pháp minh bạch. Không có thẩm phán độc lập, không có ủy ban điều tra, không có cơ quan giám sát. Và cuối cùng, không có thủ tục sa thải.
Một ngôi nhà nơi mọi người được tôn trọng
Theo cựu nữ tu Wagner của “Das Werk”, bây giờ chúng ta không thể chấp nhận Giáo hội là căn nhà nơi sự cai trị của kẻ mạnh nhất chiếm ưu thế, nơi một vài người áp đặt lối suy nghĩ của họ lên người khác. Một căn nhà mà những người dám nói bị ném ra ngoài cửa. “Chúng tôi muốn Giáo hội là một căn nhà tốt cho mọi người. Một nơi mà những người mong manh nhất được an toàn, một nơi mà mỗi người đến nói lên các kinh nghiệm riêng và nhu cầu của mình”. Một nơi mà những người ở vị trí lãnh đạo không phải chỉ có quyền, nhưng họ còn đảm nhận trách nhiệm lắng nghe, chăm sóc, bảo vệ và khuyến khích.
Công lý cho nạn nhân
Ông Jean-Marie Fürbringer, thành viên của nhóm Hội đồng nâng đỡ những người bị lạm dụng trong quan hệ với cơ quan tôn giáo (Sapec) nhắc lại các yêu cầu của nạn nhân. Họ có quyền được biết, quyền công lý, quyền đền bù và đảm bảo mọi chuyện phải được thực hiện để các vụ lạm dụng không còn xảy ra nữa.
Muốn vào hồ sơ và thư liệu để xem là chuyện thường không thể được trong các trường hợp lạm dụng. Nạn nhân muốn được giải thích tại sao, làm thế nào và ai quyết định thuyên chuyển linh mục lạm dụng thay vì trừng phạt.
Quyền công lý là quyền của nạn nhân
Quyền công lý là quyền của nạn nhân để thấy những người đã hành động sai trái vì lợi ích, vì thiếu can đảm hoặc để tránh tiết lộ những sai lầm của chính họ bị tố cáo.
Quyền bồi thường. Hiện nay tại Thụy Sĩ, các nạn nhân được công nhận, họ nhận được khoản bồi thường từ 5.000 đến 20.000 quan Thụy Sĩ. Nhưng mặt khác, các nạn nhân thậm chí không có cơ hội để việc họ bị lừa dối được công nhận.
Cuối cùng ngay cả khi tình trạng không bị trừng phạt có giảm, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo ‘bất khoan dung hoàn toàn’, để những chữ này không phải là những chữ chết cho cả thủ phạm lạm dụng và cho cả những người có trách nhiệm chủ động hay thụ động bao che.
Bà Marie-Jo Aeby cũng lưu ý sự vắng mặt của các đại diện chính thức các giáo phận: “Tôi không biết lý do tại sao nhưng tôi rất tiếc. Tôi nghĩ chúng ta đang đi từng bước nhỏ trong việc nhận thức cần phải có cải cách, nhưng điều này sẽ đến từ nền tảng từ cơ sở. Các cây chổi mà chúng tôi mang theo sẽ được đem về lại giáo xứ, các cây chổi khác sẽ được trao lại cho tòa sứ thần với kiến nghị xin cải cách trong Giáo hội.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch