Là linh mục năm 2019

521

Là linh mục năm 2019

lavie.fr, Pierre Jova, 2019-06-19

Dù ơn gọi có giảm, dù có các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội, các bạn trẻ vẫn chọn chức thánh. Phóng sự tại chủng viện Saint-Yves ở Rennes và tu viện Thánh Tôma Aquinô ở Toulouse.

“Nào, chúng ta lặp lại!” Một cảnh là lạ ở nguyện đường chủng viện Saint-Yves ở Rennes, dưới ánh nhìn của tượng gỗ Chúa Kitô và Mẹ Maria, đứng chung quanh bàn thờ, năm linh mục tương lai tập nghi thức cho buổi lễ chịu chức sắp tới.

Hai tay giương cao, một trong các linh mục tương lai đọc lời cầu nguyện Thánh Thể: “Chúng con cầu xin lòng nhân lành Chúa; cùng với Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa…” Nhà đào tạo ngắt lời : “Đừng quên Thánh Giuse!” Các chủng sinh đã học xong, chuẩn bị chịu chức và đang tập các nghi thức cho buổi lễ, họ được một thầy giáo mặc cổ áo La Mã, tay áo xắn lên giúp đỡ. Anh nói: “Dù đang tập, các bạn cũng cố gắng giữ nghiêm túc!” để kìm nén nụ cười đồng tình của họ vào một buổi chiều thứ sáu mệt mỏi. Dần dần họ tập trung. Một chủng sinh người Togo, 35 tuổi nhẹ nhàng cầm bánh thánh trong tay, anh nói trong hơi thở: “… Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con…” Và Pierrick, chủng sinh 30 tuổi kết thúc buổi tập bằng lời chúc trọng thể Chúa Sống lại: “Ngày Thương Khó đã chấm dứt!… và của chủng viện!” Các bạn lặp lại! “Amen!”

Sau bảy năm đào tạo, các chủng sinh sốt ruột, họ mong rời tòa nhà được xây từ thế kỷ 19 ở khu phố bình dân Rennes, đây cũng là tòa nhà của tòa giám mục và ban điều hành giảng dạy công giáo của vùng Ille-et-Vilaine. Sau khi chủng viện Caen đóng cửa năm 2015, chủng viện Rennes đón nhận ơn gọi của toàn vùng Bretagne và Basse-Normandie, tổng cộng họ có 32 chủng sinh và ngày 23 tháng 6 sắp tới sẽ có bốn chủng sinh thụ phong linh mục.

Các ứng viên sốt ruột

Ở một nơi khác ở đầu bên kia nước Pháp, cũng có bầu khí sốt ruột: bốn chủng sinh Dòng Đa Minh Thánh Tôma Aquinô ở Toulouse chuẩn bị chịu chức linh mục ngày 29 tháng 6 này. Linh mục phụ trách đào tạo Augustin Laffray nói đùa: “Sẽ có đủ sắc da ở đây!” Trong tòa nhà của Tỉnh dòng Toulouse được xây năm 1957 có 13 chủng sinh đang được đào tạo để làm linh mục.

Khác với sứ mạng của giáo phận thường, Dòng Đa Minh được Thánh Dominique thành lập năm 1215 có thiên chức đặc biệt, học hỏi nghiên cứu và đi rao giảng. Nhưng ngoài Thánh Vincent Ferrier, Dòng Đa Minh, người rao giảng Tin Mừng ở vùng Bretagne và Toulouse vào thế kỷ 14, có một sợi dây liên kết mạnh giữa các chủng sinh ở Rennes và các anh em ở Toulouse. Anh Maxime ở tu viện Thánh Tôma Aquinô tóm tắt: “Theo Chúa Kitô và làm cho Ngài hiện diện trong các bí tích”. Linh mục Pierre de Cointet, giám đốc chủng viện Saint-Yves ở Rennes giải thích: “Điều kết hợp các chủng sinh năm 2019 là ước mong của họ được bám rễ trong những điều chủ yếu của đức tin: Chúa Kitô, Giáo hội, truyền thống sống động, Thánh Kinh, cầu nguyện, phục vụ. Và ở chủng viện chúng tôi ít nói về chính trị hơn cách đây 20 năm…”

Quá trình và chân dung không điển hình

Tuy cùng có chung ước muốn được làm linh mục, nhưng các linh mục tương lai này có nguồn gốc khác nhau. Ở Rennes, trung bình tuổi của chủng sinh là 29, Quentin tốt nghiệp cơ khí ở bên cạnh anh Paul-Hervé, cựu tay trống của ban nhạc rock, Jean là nhân viên 12 năm trong Hải quân: “Tôi rất hạnh phúc trong quân đội  nhưng tôi cảm thấy thiếu một chiều kích trọn vẹn cho bản thân. Khi tổ chức chuyến đi hành hương cho các bạn trẻ ở Finistère, tôi nhận ra chính trong Giáo hội tôi mới đi đến cùng được: niềm vui của tôi lớn hơn là khi tôi ở ngoài biển!”, anh vừa chạy bộ về, người còn chảy mồ hôi.

Còn anh Gaetan, 42 tuổi thuộc giáo phận Saint-Brieuc là nhân viên của sở nông nghiệp và được bầu vào tòa thị chính. Anh Pierrick ở giáo phận Sées thì mới là kitô hữu được 10 năm! Anh là cựu trưởng hướng đạo, người vững chãi gốc Ferté-Macé, vùng Orne, anh cho biết: “Tôi sinh ra hai lần: “Lần đầu là mẹ sinh và lần thứ nhì là lúc rửa tội”. Khi anh 18 tuổi, cái chết của một người bạn đã làm cho anh ở trong vòng tay của Chúa Kitô: “Nếu có một người nào biết đau khổ là như thế nào thì đó là bạn tôi.” Anh tham dự trong một buổi họp ở thành phố nhỏ của anh, nhưng buổi họp lại không có linh mục, một tia sáng chức thánh lóe lên trong lòng anh. Thân phụ anh, “người tin lành vô thần” phải mất một thời gian mới chấp nhận ơn gọi của người con vững vàng của mình. May mắn, mối quan hệ với gia đình từ đó được êm đẹp. Linh mục Pierre de Cointet, giám đốc chủng viện cho biết: “Một nữa các chủng sinh xuất thân từ các gia đình không có đạo hoặc có đạo nhưng không giữ đạo, đa số đã có việc làm. Càng ngày càng ít có chủng sinh từ các gia đình đạo hạnh mà bình thường khi nào cũng có con đi tu.”

Các ơn gọi khác nhau

Dù thán phục trước các quá trình không điển hình này, linh mục giám đốc nhấn mạnh đến tình trạng bất ổn định của ơn gọi: “Có năm chúng tôi có 10 chủng sinh, có năm không có ai.” Cũng như vậy với các cha Dòng Đa Minh, linh mục Augustin Laffay ghi nhận: “Ơn gọi bây giờ khác nhau và bị chậm và, nhất là do thời gian học tập”. Đó là trường hợp của Jean-Thomas, chủng sinh sẽ chịu chức ngày 29 tháng 6, anh là sinh viên xuất sắc ở trường Khoa học Chính trị. Anh đơn sơ nói: “Vấn đề của tôi bị chậm vì tôi yêu! Việc anh tôi vào chủng viện và kinh nghiệm các thánh lễ chui ở Trung quốc, giáo hữu công giáo trung thành với giáo hoàng dù có thể bị tù đã đánh động tôi rất nhiều.” Một kỳ tĩnh tâm Phục Sinh ở tu viện Dòng Đa Minh Bordeaux đã thuyết phục anh. Anh kết luận: “Thích tìm hiểu sự thật, kết hiệp giữa đời sống cầu nguyện, học hỏi và đi giảng là những chuyện đã làm cho tôi quyết định”. Linh mục Augustin Laffay giải thích: “Các chủng sinh vào Dòng chúng tôi với nhiều lý do khác nhau, nhưng họ rất chính xác. Thường là họ đi tìm một cấu trúc tri thức, và họ thích đời sống cộng đoàn được chống đỡ bằng hương nguyện và phụng vụ”. 

Bị nguy cơ giải thể năm 1965 vì thiếu ơn gọi, Tỉnh dòng Đa Minh ở Toulouse được vực dậy trong những năm 1970 nhờ linh mục André Gouzes cải tiến về mặt phụng vụ, đặc biệt với các bài hát Gregoria và Byzantin. Đường lối phụng vụ này cọng thêm đường lối giáo lý chính thống đóng một vai trò trong sự lôi cuốn của Tỉnh dòng. Linh mục Laffay ghi nhận: “Phải hiểu là đời sống tu trì đi ngược với dòng đời  vào thời đó! Sự dấn thân của chúng tôi dựa trên Lời, mà Lời thì không còn bao nhiêu giá trị trong một xã hội thiếu đức tin”.

Sự lựa chọn triệt để cho chức thánh, các tân linh mục rất xác quyết. Anh Jean ở Saint-Yves cho biết: “Tôi hiểu chức thánh phải trả bằng giá cô đơn nhưng tôi không hình dung chức thánh lại ở ngoài bậc sống độc thân. Tôi muốn tận hiến hoàn toàn cho Chúa”. Anh Réginald sẽ chịu chức vào cuối tháng 6, anh nói rõ: “Nếu tôi ở lại với chức thánh là vì tình yêu của tôi với Chúa Kitô. Nếu tôi muốn có địa vị trong xã hội thì tôi đã nhận chức nghiên cứu gia mà tôi được đề nghị!” Anh Marie-Philippe cũng xác nhận: “Trong bảy năm tu trì, tôi thấy có 11 trường hợp các anh em đang được đào tạo bỏ ngang. Sự từ bỏ lớn nhất của tôi là phải xa gia đình. Một buổi tối, một thầy lớn tuổi ở đây nghe tôi khóc và đã an ủi tôi! Đời sống cộng đoàn rất quý: chúng tôi không ở một mình trong cơn bão!”

Khủng hoảng lạm dụng tình dục

Ngoài các thử thách hàng ngày, anh em chủng sinh triều cũng như dòng còn đương đầu với các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội công giáo. Năm 2018-2019 là năm có không biết bao nhiêu là vụ tai tiếng được đưa ra ánh sáng: vụ cựu hồng y McCarrick, vụ tự tử của các linh mục ở Rouen và ở Orléans, vụ án hồng y Barbarin và vụ phát hành phim Nhờ ơn Chúa (Grâce à Dieu), đó là không kể phim tài liệu Các Nữ tu bị lạm dụng của đài truyền hình Arte tố cáo vụ các nữ tu bị hãm hiếp. Anh Johann sắp chịu chức vào tháng 6 ở giáo phận Vannes thú nhận: “Dù tôi đã nghe nói về các vụ lạm dụng này trước khi vào chủng viện, nhưng năm nay là một năm khủng khiếp. Nỗi đau thấm vào tất cả chúng tôi. Tôi đã phải khóc”. Linh mục Pierre de Cointet phụ trách các nhóm phát biểu nói thêm: “Tháng 9 năm 2018 khi tôi về làm giám đốc chủng viện, chủ đề này vẫn còn là chuyện cấm kỵ, nhưng tài liệu của đài truyền hình Arte đã làm cho các chủng sinh chấn động. Họ không mù quáng: con số ghi tên cho các bạn trẻ bị giảm, họ cảm thấy bị đè nặng trước cái nhìn của nhiều người, ngay cả những người công giáo giữ đạo. Một gánh nặng thật khó để gánh”. Tình trạng tương tự như vậy cũng xảy ra ở Toulouse. Linh mục Augustin Laffay kể: “Toàn bộ chủng sinh theo học bị đánh gục!”

Nỗi đau xen lẫn với khó khăn trong việc lượng định toàn bộ các tội ác này. Anh Réginald công nhận: Điều này làm biến dạng hình ảnh của linh mục, linh mục phải là hình ảnh của Chúa Kitô. Tôi không làm sao hình dung được chuyện này, tôi không nghĩ ra”, anh Réginald bị tổn thương vì có thể bị đánh đồng với những kẻ gây tội ác này. Ở Rennes cũng như ở Toulouse, các tân linh mục cảm thấy họ ở xa với các tranh cãi về “nạn giáo quyền” như Đức Phanxicô đã nêu lên, đó là cội rễ của các lạm dụng trong Giáo hội. Một chủng sinh ở Rennes cho biết: “Tôi cảm thấy  khó chịu vì sự đánh đồng này, tôi sợ kiểu “đuổi phù thủy” do phản ứng chia rẽ giữa phe bảo thủ và tiến bộ. “Đừng nghĩ vấn đề Giáo hội là sự việc của một chiến trường!” Một chủng sinh khác thú nhận sự phức tạp: “Tôi không hiểu “nạn giáo quyền” là gì. Theo tôi, vấn đề thực sự là người tu sĩ đã đánh mất tầm cao cả căn tính của mình.” Một cảm nhận cũng giống cảm nhận của anh Jean-Thomas ở Toulouse: “Trước hết đây là vấn đề thiêng liêng, phải bao gồm ý nghĩa của ơn gọi và trách nhiệm. Và phải kể đến tội!”

Tâm lý và chỗ đứng của phụ nữ

Linh mục giám đốc chủng viện Saint-Yves điều hòa các phản ứng này: “Việc tranh luận về giáo quyền vẫn chưa rõ ràng trong Giáo hội, vì vậy nó vẫn còn mơ hồ đối với các linh mục tương lai…” Linh mục ước mong đặt nặng vấn đề tình cảm và tình dục trong việc đào tạo các chủng sinh: “Một hoặc hai lần mỗi năm, có các khóa về chủ đề này với các bác sĩ và các tâm lý gia. Tôi muốn tổ chức một khóa học tâm lý, bởi vì chính họ sẽ phải đồng hành với người khác.”

Thường thường các chủng sinh xin theo một chương trình trị liệu theo danh sách các nhà phân tâm học hoặc các bác sĩ tâm thần liên kết với chủng viện Saint-Yves. Năm nay linh mục Pierre de Cointet nhờ bà Nathalie Droneau, cố vấn đời sống vợ chồng và gia đình ở Aix-en-Provence đến chủng viện nói chuyện. Bà ghi nhận: “Về ấu dâm thì khó để dò tìm. Nhưng chúng ta có thể hành động trên sự trưởng thành về cảm xúc mà từ lâu thường bị coi nhẹ. Các linh mục trên 40 tuổi thừa nhận họ chưa được đào tạo để xử lý ham muốn tình dục của họ. Vẫn còn ý tưởng cho rằng một ‘linh mục thánh thiện’ là đủ!” 

Rất thẳng thắn, bà Nathalie Droneau đề cập đến tất cả các chủ đề. Theo bà, chìa khóa là phải biết phân định cảm xúc của mình, không nên sống trong cô lập cảm xúc, bà nói: “Các linh mục có quyền có quan hệ bạn bè, tình anh em. Đây không phải là ích kỷ! Thế hệ chủng sinh này hiểu chuyện này.” Bằng chứng là các chủng sinh ở Saint-Yves thường gặp bạn bè cùng lớp hay bạn cũ thời trung học. Bà Droneau xác định: “Tôi so sánh sự triển nở trong bậc sống độc thân với sự trung thành trong đời sống vợ chồng. Người phối ngẫu không ở đó để giải quyết các thôi thúc tình dục của người kia. Cả hai bậc sống đều có ‘dễ dàng’ và ‘khó khăn’ mặt này mặt kia. Sự so sánh này là một chỉ dẫn tốt.” Các linh mục tương lai thường dễ dàng thổ lộ với một phụ nữ bên ngoài hơn là các người hướng dẫn họ: “Chúng ta cần triển khai một chỗ đứng cho phụ nữ trong các chủng viện.” Đó là điều giám đốc chủng viện Saint-Yves suy nghĩ: “Chúng tôi dự trù một cặp vợ chồng hoặc các phụ nữ thánh hiến sống quanh năm với các chủng sinh.” Về phần mình, năm 2016 các chủng sinh ở Toulouse đã nhận một danh sách những thái độ bị cấm: không bao giờ cho quà hay tiền bạc cho một trẻ vị thành niên hay một người ở tình trạng mong manh, không được dùng tên giả trên Internet, không đi một mình đến các quán bar hay những nơi gặp gỡ…

Đào tạo và sứ mạng

Quá trình đầy đủ của chủng sinh địa phận ở Rennes bắt đầu bằng một năm dự bị ở  Saint-Pern (Ille-et-Vilaine) tại nhà mẹ của Tiểu muội của người nghèo. Linh mục Pierre de Cointet khen việc này: “Vì thế khi đến chủng viện, họ đã quen với đời sống cộng đoàn.” Còn với Dòng Đa Minh thì giai đoạn đầu tiên là ở nhà tập. Chủng viện cũng như tu viện là nơi cầu nguyện, các linh mục tương lai ở đó để cầu nguyện trong các giờ kinh và dâng thánh lễ. Ở Rennes cũng như ở Toulouse, họ đều có kinh nghiệm tại hiện trường: ngay năm đầu tiên, vào cuối tuần, chủng sinh địa phận được gởi đến một giáo xứ để sống với các linh mục khác ở đây và năm thứ sáu thì ở từ hai đến ba tuần trong chức vụ phó tế.

Còn ở Dòng Đa Minh thì các thầy làm việc “tông đồ”, như anh Jean-Thomas làm tuyên úy cho các bạn trẻ. Việc đào tạo chủng sinh triều hay dòng về mặt tri thức gồm hai năm triết học và bốn năm thần học, nhưng sau khi chịu chức các tu sĩ Dòng Đa Minh còn tiếp tục học theo đường hướng riêng của Dòng về thần học, lịch sử, khảo cổ học… Dù chủng viện địa phận hay của tu viện Dòng Đa Minh, cả hai đều thống nhất trong việc giảng dạy rao giảng. Được thừa hưởng căn tính di truyền của Dòng, các tu sĩ Dòng Đa Minh có khả năng giảng dạy Tin Mừng, đó là mối quan tâm của các giáo phận… họ thường nhờ đến các chuyên gia này.

Ở Saint-Yves, các linh mục tương lai có khóa học các bài của linh mục Timothy Radcliffe, cựu bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh. Linh mục Augustin Laffay khẳng định: “Thật sự có cả một mong chờ nơi các chủng sinh.” Vì nếu việc rao giảng là cần thiết thì thời gian không chờ. Các chủng sinh không có ảo tưởng về việc Giáo hội Pháp thu hẹp. Anh Jean cười: “Tôi có thể đến cộng đoàn Saint-Martin được các sĩ quan hải quân công giáo đánh giá cao, nơi tôi có thể có nhiều tín hữu. Nhưng Chúa gởi tôi đến Finistère, nơi con số giáo xứ từ 300 xuống còn 20!” Các chủng sinh nước ngoài ở Saint-Yves rất sáng suốt, anh Bertholy người Haiti sẽ được chịu chức ở Haiti vào tháng 8, anh là chủng sinh truyền giáo, anh nói: “Người ta không giấu gì chúng tôi về thực trạng Giáo hội ở Pháp. Tôi hơi nhớ bầu khí nồng nhiệt và trẻ trung ở nước tôi. Nhưng ở đây tự do tôn giáo mang tính cách rộng lớn hơn!”

Ở Saint-Yves, quyển sách của linh mục người Canada James Mallon, Cẩm nang để sống còn cho các giáo xứ (Manuel de survie pour les paroisses) ở trên các bàn làm việc. Anh Pierrick đặt câu hỏi: “Mình có phải dâng thánh lễ ở mọi nơi không? Tôi không nghĩ như vậy.” Giống như đa số các bạn chủng sinh của mình, anh hiểu có tình trạng các giáo xứ nhập lại. Tất cả đều từ chối phải đưa ra quyết định, để có thể tập trung vào việc cử hành các bí tích và tháp tùng thiêng liêng. Tất cả đều muốn sống với các linh mục khác. Anh Johann chủ trương: “Khi có vấn đề, chúng ta có thể nói chuyện như anh em với nhau, đó là sự đảm bảo cho sứ vụ có hiệu quả: khi chúng tôi hợp nhau thì điều này thấy rõ!”

“Quay về với việc phúc âm hóa đại chúng”

Mong muốn có một đời sống chung này không làm cho các tu sĩ Đa Minh ngạc nhiên. Dòng cũng bị lung lay bởi việc giải bỏ kitô giáo. Anh Jean-Thomas cho biết: “Chúng ta phải đi trở lại với cách phúc âm hóa đại chúng!” Anh đi từng nhà ở các khu phố miền bắc Marseille và cho biết áo dòng trắng Đa Minh là một lợi thể để mở đầu thảo luận: “Chính vì vậy mà tôi thích làm tông đồ trong các trường học: đây là một trong những nơi cuối cùng mà chúng ta có thể đến gặp những người không đi nhà thờ, anh kêu gọi sự hợp tác giữa các giáo phận và các tu sĩ. Các tu sĩ Dòng Đa Minh phải đến thăm các giáo xứ thường xuyên hơn, để giảng trong một tuần hoặc để giải tội.” Về phần mình thì anh Pierrick thích về vùng ngoại vi nước Pháp nơi anh lớn lên: “Cha mẹ tôi phải đi 45 cây số để gặp bác sĩ. Nước Pháp của những người bị bỏ quên, đó là hiện tại của Giáo hội, không phải tương lai. Nhưng nếu chúng ta muốn đem anh em mình về thánh lễ thì trước hết phải gặp họ. Chủng viện Saint-Yves đã và đang làm việc, chủ đề sứ mạng truyền giáo là chủ đề cho năm 2018-2019 của họ. Tháng 5 các chủng sinh đã có một tuần truyền giáo ở Quimper (Finistère) với một giáo xứ địa phương. Chương trình: Đi từng cửa, phát phúc âm, canh thức cầu nguyện. Một việc chưa bao giờ thấy ở vùng Bretagne.

Địa phận cũng như Dòng Đa Minh, các linh mục tương lai là các nhà truyền giáo. Họ rất khác nhau, nhưng thống nhất với nhau về tầm nhìn về Giáo hội, về chức linh mục, các chủng sinh này vẫn không kém phần bí ẩn với người đương thời của họ. Chiều thứ tư, họ đọc kinh chiều ở tu viện Toulouse, Jean-Thomas đọc trước cộng đoàn đoạn thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô (1, 26-31), đoạn tiêu biểu cho tinh thần của các chủng sinh: “Khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan.” Hơi điên cuồng nhưng họ cũng phải hơi hơi điên như thế để trong vài ngày nữa, họ có thể trả lời với giám mục: “Con đây!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Ở tuổi 30, bạn kiếm được bao nhiêu? Cyrille, linh mục, kiếm được 1.111 âu kim mỗi tháng

Các linh mục được trả lương như thế nào?