Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Có một câu chuyện kể về một cậu bé Do Thái bốn tuổi, Mortakai, cậu không muốn đến trường để học tiếng Do Thái và kinh Torah. Mỗi lần cha mẹ ráng đưa cậu đến trường thì cậu đều bỏ trốn, tung tăng chơi đùa một mình. Dù cố gắng mọi cách, từ thuyết phục đến dọa dẫm, nhưng cha mẹ đành chịu thua. Cậu không muốn hiểu hay chấp thuận, âm thầm và bướng bỉnh cậu khước từ đi học. Cuối cùng họ đưa cậu đến gặp bác sĩ tâm thần. Cũng vô ích. Cậu tiếp tục trốn học bất cứ lúc nào có cơ hội trốn được.
Cuối cùng, thất vọng, họ đưa cậu đến gặp một giáo sĩ Do Thái, một vị minh triết cao niên. Cha mẹ cậu giải thích vấn đề cho vị giáo sĩ nghe. Không nói lời nào, vị giáo sĩ bồng cậu lên và ôm cậu sát vào quả tim ông một lúc lâu. Sau đó, vẫn không nói lời nào, vị giáo sĩ đặt cậu xuống. Kể từ đó, Mortakai không còn trốn học và gây rắc rối nữa.
Chúng ta làm gì khi lời của chúng ta không đủ? Chúng ta làm gì khi cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi? Chúng ta làm gì khi cảm thấy không có khả năng đương đầu với những phức tạp, mơ hồ của đời sống và của tình yêu chúng ta? Chúng ta làm gì khi cần sức mạnh vượt bản thân để mang lại tình yêu, một sự trọn đủ và một bình an, mà chúng ta không thể tự cho mình?
Chúng ta thường làm đủ mọi điều, nhưng lại không làm cái tối thiểu, cái thường hay làm chúng ta thất vọng, chán nản và tuyệt vọng.
Nhưng có một cái chúng ta có thể làm được. Chúng ta có thể chạm vào gấu áo Đức Ki-tô. Chúng ta có thể dâng Thánh lễ. Trong bí tích Thánh Thể, một cách không giải thích được, chúng ta được trao ban bình an và sức mạnh vì trong nghi lễ đó, Thiên Chúa ôm chặt chúng ta vào quả tim Ngài.
Câu chuyện người phụ nữ chạm vào gấu áo Đức Ki-tô đưa ra một luận thuyết cho điều này. Kinh Thánh kể, người phụ nữ ấy đã chịu đau đớn vì bị xuất huyết nhiều năm. Trong suốt những năm ấy, bà đã cố gắng đủ cách trong khả năng của mình để tự chữa lành. Nhưng không có tác dụng. Tất cả nổ lực của bà chỉ làm cho tình trạng bệnh của bà nặng thêm, cuối cùng bà chỉ thêm mệt mỏi và chán nản. Rốt cùng, với tất cả năng lực còn sót lại, và trọn con người đã kiệt sức, bà quyết định chạy đến và chạm vào Đức Ki-tô. Khi chạm vào Chúa, bà cảm thấy một sức mạnh tuôn chảy trong người. Bà cảm thấy trọn đủ.
Một cái gì đó vượt bản thân bà, một cái gì vượt ra ngoài cái bình thường, đã tuôn chảy nơi mà trước đây bà bị xuất huyết. Sự va chạm thực tế với Đức Ki-tô đến sau đó.
Chức năng của Thánh Thể mang ý nghĩa đó. Qua bí tích Thánh Thể chúng ta chạm vào gấu áo Đức Ki-tô và được quả tim Người ôm chặt. Những gì xảy ra vượt quá ngôn ngữ và hiểu biết, dù nó không vượt quá tình yêu.
Giống như tình yêu, Thánh Thể không cần được hiểu hay giải thích, Thánh Thể chỉ cần được chạm đến. Trong Thánh Thể, như trong tình yêu, điều duy nhất là chúng ta được ôm chặt.
Có lẽ hình ảnh hữu ích nhất về chức năng của Thánh Thể là hình ảnh bà mẹ ôm đứa con đang sợ hãi, mệt mỏi, căng thẳng. Trong Thánh Thể, Thiên Chúa đóng chức năng bà mẹ. Thiên Chúa bồng lên; bồng những đứa con đang sợ hãi, mệt mỏi, bất lực, than van, chán nản và phản kháng, ôm chúng ta vào lòng mãi cho đến khi chúng lắng dịu, bình an, bớt căng thẳng, đến khi sức mạnh tuôn chảy trong chúng ta.
Một đứa trẻ đang mệt mỏi, căng thẳng được mẹ ôm vào lòng sẽ dịu xuống và trở lại chơi đầy sức mạnh nhờ mẹ ôm. Vòng ôm của bà mẹ truyền cho con bình an và sức mạnh, cái không thể truyền qua lời nói. Nó cũng đúng với cái ôm của bạn bè và người yêu.
Trong cái ôm có một cái gì đó vượt lên những gì có thể giải thích được về mặt sinh học hoặc tâm lý. Sức mạnh được truyền đi qua tình yêu vượt lên hiểu biết của lý trí.
Đó là lý do vì sao sau khi Đức Giê-su đã nói hết với chúng ta những gì cần nói, Người để lại Thánh Thể cho chúng ta.
Đó là lý do vì sao khi chúng ta đã nói hết những gì cần nói thì chúng ta dâng bí tích Thánh Thể. Khi lời nói, quyết định và hành động của chúng ta là không đủ để thoa dịu sự nhức nhối trong quả tim thì chúng ta cần cái ôm của người mẹ, Thiên Chúa. Điều này diễn ra trong Thánh Thể.
Đó là một nghi lễ bất tận, một vòng ôm. Như tình yêu, Thánh Thể là một điều gì đó chúng ta không bao giờ có thể hiểu hay giải thích trọn vẹn. Nhưng chúng ta không cần hiểu Thánh Thể. Chúng ta chỉ cần để nghi lễ ấy tự làm việc của nó. Cuối cùng chúng ta đến với Thánh Thể để bản thân mình được ôm chặt.
Chúng ta thường xuyên sống trong giới hạn khả năng của mình, nơi lời nói là không đủ, nơi mà nguồn lực của chúng ta không đủ và chúng ta cảm thấy một cách sâu xa sự tăm tối, lỗi lầm, bất lực, cay chua và khoảng cách của mình với Thiên Chúa và với người khác.
Chúng ta luôn bất lực, bất lực để tự chữa lành và bất lực để dâng mừng. Trong nỗi mệt nhọc và căng thẳng đó chúng ta cần buông bỏ bản thân mình cho vòng ôm, cho Thánh Thể.
Không quan trọng phải hiểu hết những gì diễn ra ở đó, ngay cả cũng không nhất thiết phải đi vào Thánh Thể với niềm hăng say nhiệt tình trọn vẹn – tôi ngờ rằng các tông đồ cũng như thế ở Bữa Tiệc Ly. Quan trọng là chúng ta đi vào nghi lễ ấy. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được Thiên Chúa ôm vào lòng.
Nguyễn Kim An dịch
Xin đọc thêm: Trong vòng tay Thiên Chúa