Bắc Macedoina: Đức Phanxicô gặp một Giáo hội năng động của vùng ngoại vi

104

Bắc Macedoina: Đức Phanxicô gặp một Giáo hội năng động của vùng ngoại vi

vaticannews.va, 2019-05-06

Đức Giám mục Kiro Stojanov, giám mục giáo phận Skopje. 

 Cuộc phỏng vấn của ký giả Jean Charles Putzolu – Thành đô Vatican

Phỏng vấn Đức Giám mục Kiro Stojanov, giám mục giáo phận Skopje. 

Các tháng gần đây, các linh mục, tu sĩ nam nữ và 20 000 giáo dân của Quốc gia nhỏ bé vùng vịnh Balkans này đã cùng nhau làm việc để chuyến đi ngắn ngủi của Đức Phanxicô là giây phút sâu đậm cho cộng đồng công giáo nhỏ bé của họ. 

Các tín hữu công giáo chỉ chiếm không đến 1% dân số, chính thống giáo chiếm 65% và hồi giáo 33%. Sự hiện diện của tín hữu kitô tại đây đã có từ rất xưa, miền đất này được hai Thánh Cyrille và Méthode truyền giáo từ thế kỷ thứ 9. Trước đó vào thế kỷ thứ 4, đất nước này cũng đã được phúc âm hóa nhưng các cuộc tấn công man rợ đã xóa mọi dấu tích.

Vào tiền bán thế kỷ 20, dù Hiến pháp Nam Tư quy định sự bình đẳng giữa các tôn giáo nhưng Giáo hội công giáo chịu nhiều kỳ thị, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục. Khi cộng sản lên nắm chính quyền, dưới chế độ của thống chế Tito năm 1945 và cho đến khi được độc lập 46 năm sau, tình trạng Giáo hội công giáo ở Nam Tư xuống dốc rõ rệt. Các quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh bị cắt đứt trước khi được Nhà nước Nam Tư tái thiết lập lại năm 1966. Sau khi tuyên bố độc lập năm 1991, Giáo hội khôi phục các hoạt động và Nhà nước nối lại quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.

Hiện nay đất nước có khoảng 20 000 người công giáo – 15 000 người theo nghi thức byzantin và 5 000 người theo nghi thức latin.

Đức Giám mục Kiro Stojanov là giám mục giáo phận Skopje, và cũng là người đứng đầu địa phận Trinh Nữ Maria Lên Trời Strumica-Skopje. Ngài nói với chúng tôi về Giáo hội của ngài: một Giáo hội thiểu số nhưng rất năng động.

Giáo hội công giáo Bắc Macedoina có hai giáo phận. Giáo phận Skopje là giáo phận xưa cổ, có từ các thế kỷ đầu tiên kitô giáo. Giáo hội thứ nhì là địa phận công giáo mới theo nghi thức byzantin, được Đức Phanxicô xây dựng năm ngoái. Dù có hai giáo phận nhưng chúng tôi là thành phần thiểu số. Tuy vậy sinh hoạt của chúng tôi rất năng động, tất cả giáo dân đều tham dự vào sinh hoạt giáo xứ từ trẻ con, người lớn đến người lớn tuổi. Ở Bắc Macedoina chúng tôi, chúng tôi cảm thấy mình thuộc về một gia đình. Tuy hai giáo phận có hai nghi thức khác nhau nhưng chỉ có một giám mục phụ trách. Dù theo nghi thức latin hay byzantin, chúng tôi là một gia đình. Trình độ hợp tác giữa các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân rất cao. Ngày nay, chúng tôi thật sự là một Giáo hội sống động trong xã hội.

Đức Phanxicô đến thăm một Giáo hội sống động. Đây là chuyến đi ngắn ngủi chỉ trong một ngày, nhưng chúng tôi hình dung cả gia đình công giáo dù theo nghi thức latin hay byzantin đều vui mừng đón chuyến thăm này. Các cộng đồng khác nhìn chuyến thăm này như thế nào?

Trước hết tôi muốn nói một điều, Đức Phanxicô thực sự muốn thăm Giáo hội công giáo Bắc Macedoina. Ông hiểu, ngay từ đầu giáo triều của ngài, ngài muốn thăm các Giáo hội ngoại vi. Chúng tôi là một trong các Giáo hội này. Ngày 7 tháng 5, Đức Phanxicô sẽ thăm Giáo hội ngoại vi chúng tôi. Dù chỉ một ngày nhưng lịch thăm dày đặc. Rất nhiều cuộc họp đã được dự trù. Theo nghi thức thì ngài sẽ gặp các nhà cầm quyền trước.

Sau đó ngài sẽ gặp các lãnh đạo các Giáo hội và các cộng đoàn tôn giáo có trong Hiến pháp Macedoina. Đức Phanxicô sẽ gặp: cộng đoàn chính thống giáo, cộng đoàn hồi giáo, cộng đoàn do thái giáo và cộng đoàn giáo phái mêtôđista. Cuộc họp sẽ diễn ra ở Nhà Tưởng niệm Mẹ Têrêxa vì Đức Phanxicô sẽ viếng thăm nơi Mẹ Têrêxa sinh ra ở Skopje. Trung tâm tưởng niệm này được xây trên nhà thờ chính tòa cũ của giáo phận Skopje chúng tôi, nhà thờ bị phá hủy trong trận động đất năm 1963. Tôi nghĩ đây là nơi thích hợp để có cuộc họp, phù hợp với tinh thần Mẹ Têrêxa, người luôn yêu thương các dân tộc.

Bên cạnh trung tâm này, Đức Phanxicô sẽ gặp người nghèo, nơi đây các nữ tu Dòng Mẹ Têrêxa giúp người nghèo có bữa ăn trưa gần như mỗi ngày. Bất cứ đi đâu, Đức Phanxicô cũng sẽ đến thăm người nghèo, người trẻ, cả những người thuộc các sắc dân thiểu số hoặc tôn giáo khác nhau. Và ở đây ngài cũng sẽ thăm như vậy.

Sau đó Đức Phanxicô sẽ dâng thánh lễ ở quảng trường trung tâm Skopje. Ngoài các tín hữu địa phương còn có các tín hữu của các nước lân cận. Các nhà cầm quyền, các lãnh đạo tôn giáo và các khách mời sẽ dự thánh lễ.

Sau thời gian nghỉ ngơi ngắn, Đức Phanxicô sẽ gặp các người trẻ chính thống giáo, hồi giáo và công giáo, họ sẽ nói lên lời chứng của họ. Đó là điều chúng tôi muốn chứng tỏ, với các nhóm sắc dân và tín ngưỡng khác nhau, chúng tôi sống trong tình huynh đệ với nhau.

Như trong tất cả chuyến đi của mình, Đức Phanxicô sẽ gặp Giáo hội chúng tôi. Đây là giây phút hỗ trợ cho tất cả chúng tôi làm việc ở đây, cho Giáo hội công giáo Bắc Macedoina. Tôi rất biết ơn Đức Phanxicô, ngài nhận lời đến gặp các linh mục. Tôi muốn nói một chuyện rất đặc biệt ở đây: trong cuộc gặp này, sẽ có các linh mục theo nghi thức latin và nghi thức byzantin với các thân nhân của họ, vì đa số các linh mục theo nghi thức byzantin đều lập gia đình. Và Đức Phanxicô sẽ gặp gia đình họ. Một trong các linh mục theo nghi thức byzantin sẽ nói chứng từ của một linh mục lập gia đình và phụ trách giáo dân và tín hữu của mình.

Chúng ta ở một đất nước mà một phần ba dân số theo đạo Hồi. Gần đây Đức Phanxicô đã đến thăm Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất và ngài cũng đã ký một tài liệu chung với giáo sĩ  của Viện Al-Azhar. Năm 2001 ở Bắc Macedoina cũng có các căng thẳng mạnh giữa các cộng đoàn. Cha có nghĩ tiến trình liên tôn của Đức Phanxicô có thể có tác động tích cực cho giáo phận Skopje không?

Ông cũng biết, chúng tôi là một nước dân chủ trẻ, trong những năm gần đây đã có các tình huống rắc rối, một tình trạng thiếu hòa bình. Nhưng tôi cũng muốn nói, những chuyện bối rối như thế này không bao giờ liên quan đến đức tin. Và chính xác, chính các nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm cho tình hình được dịu hơn.

Người ta nghĩ có một tình trạng hoang mang, chiến tranh hay bất ổn do có nhiều tôn giáo khác nhau, nhiều nhóm sắc tộc khác nhau trong nước, nhưng không đúng như vậy. Các quan hệ thật sự là tốt. Chúng tôi có một hội đồng liên tôn và chúng tôi, các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi thường hay gặp nhau. Khi tôi nói với họ về chuyến đi của Đức Thánh Cha, tất cả đều chấp nhận. Họ ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì chuyến đi này của Đức Phanxicô, ngài mang đến hòa bình và ơn lành cho đất nước chúng tôi.

Trong một ngày, cả thế giới sẽ hướng về đất nước của cha. Điều này có quan trọng không?

Chắc chắn là quan trọng. Tôi xem đây là một chuyện rất quan trọng: Đức Phanxicô muốn nhấn mạnh Mẹ Têrêxa sinh ra ở Skopje, tại Bắc Macedoina và chúng tôi, chúng tôi cũng mang tinh thần của Mẹ Têrêxa, có nghĩa là quan tâm đến người nghèo. Là một Giáo hội nhỏ bé, một Quốc gia nhỏ bé và là nơi Mẹ Têrêxa sinh ra, tất cả điều này sẽ có một tầm quan trọng cho thế giới và cho tất cả các ký giả sẽ đến đây.

Còn về phần Giáo hội nhỏ bé ở đây, tôi cũng muốn nêu lên, nhờ sự linh hoạt và công việc của các linh mục, Giáo hội có báo định kỳ, có đài phát thanh trên Web, và gần đây chúng tôi được phép phát thanh đài Radio Maria. Chúng tôi rất vui vì ít nhất ở vùng này chúng tôi có được tần số. Qua đài phát thanh này, các tín hữu và những người có thiện tâm sẽ nghe tin tức của Giáo hội toàn cầu, những gì Đức Thánh Cha nói mỗi ngày, tin tức thời sự của Giáo hội công giáo ở Bắc Macedoina.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Bắc Macedoina: Vai trò tích cực của thiểu số công giáo trong việc gắn kết đất nước

Hành hương đến nhà Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta ở Skopje