Ở Sri Lanka, “chúng tôi hãi sợ và chúng tôi không có lời giải thích”

1011

Ở Sri Lanka, “chúng tôi hãi sợ và chúng tôi không có lời giải thích”

Vụ nổ nhắm vào ba nhà thờ ở Sri Lanka, trong khi giáo dân đang tham dự lễ Phục Sinh. Hình ảnh tại Negombo. STR / EPA

la-croix.com, Vanessa Dougnac, 2019-04-21

Tại Sri Lanka, một loạt các cuộc tấn công phối hợp nhắm vào các khách sạn và nhà thờ trong lúc người công giáo tham dự lễ Phục Sinh. Hơn 200 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công. Đây là vụ nổ tàn sát nhiều người nhất kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến tại hòn đảo có 21 triệu dân này, một đất nước có đại đa số là người phật tử.

Từ nơi thường trú của ông ở Colombo, ông Ruki Fernando, người bảo vệ nhân quyền công giáo trả lời các câu hỏi của báo la Croix

Ruki Fernando: Có ba vụ nổ vào sáng nay tại 3 nhà thờ: một ở thủ đô Colombo, một ở Negombo, phía bắc thủ đô và một ở Batticaloa, phía đông Sri Lanka. Ba khách sạn cũng bị nhắm làm mục tiêu. Vào buổi chiều, có thêm hai vụ nổ khác. Truyền thông địa phương cho biết có gần 400 người chết và hơn 500 người bị thương, tuy nhiên các con số này chưa được xác nhận. Cảnh sát cũng cho biết họ đã bắt giữ một số nghi phạm. Chính phủ áp đặt lệnh giới nghiêm và ngăn chặn các trang mạng xã hội. 

Các phản ứng trong dân chúng và đặc biệt là thiểu số tín hữu kitô là gì?

Chúng tôi hãi sợ. Đó là một cú sốc lớn đối với tất cả chúng tôi. Kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến cách đây 10 năm, chúng tôi chưa bao giờ trải qua mức độ bạo lực lớn lao như vậy. Mọi người còn sợ hãi hơn sau vụ nổ mới xảy ra vào buổi chiều, chúng tôi có cảm giác loạt khủng bố này có thể còn tiếp tục. Những gì xảy ra hôm nay là vô cùng khó hiểu. Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng ra. Tôi không có lời giải thích nào.

Dấu vết hồi giáo đã được cảnh sát đưa ra…

Trước mắt, chưa ai nhận là tác giả các cuộc tấn công này và chính phủ cũng chưa tố cáo ai là tội phạm. Mọi suy đoán đều đáng sợ, đặc biệt khi chỉ định một cộng đồng, vì có nguy cơ gây căng thẳng tôn giáo và bạo lực. Vì thế phải rất cẩn thận.

Một vài giờ trước đó, ông đã công bố bài báo có tiêu đề “Tín hữu kitô và tự do tôn giáo đang bị đe dọa” trên trang Người quan sát chúa nhật (Sunday Observer). Ông tố cáo các cuộc tấn công gần đây chống lại các nhà thờ trên cả nước…

Chúng tôi không có bằng chứng về mối liên hệ giữa các sự kiện trước đây với các cuộc tấn công hôm nay. Nhưng trong những năm gần đây, đã có một xu hướng đáng báo động về sự thù địch và bạo lực chống các nhà thờ kitô giáo. Tự do tôn giáo của kitô hữu và quyền tự do giữ đạo của họ đã bị nhắm làm mục tiêu. Từ ngày 3 tháng 2 đến ngày 14 tháng 4, việc cử hành thánh lễ đã bị xáo trộn trong 11 ngày chúa nhật liên tiếp ở các vùng khác nhau của Sri Lanka: xáo trộn trong các phụng vụ, ném đá, phá hủy dụng cụ hoặc đe dọa…

Năm nay, có 35 sự việc như thế được báo cáo. Nhưng cảnh sát đã vô cùng miễn cưỡng khi nhận đơn khiếu nại, ngay cả khi những người có trách nhiệm trong các vụ này đã quá rõ ràng. Không thể chấp nhận việc chính phủ đã không làm gì để ngăn chặn các cuộc tấn công này. Nhưng, tôi xin nhắc lại: dường như rất khó để có thể hình dung ra mối liên hệ giữa các vụ bạo lực trước đây và các cuộc tấn công hôm nay. 

Bức hình nói lên tất cả hiện trạng đau thương của Giáo hội Kitô ở những nước mà người tín hữu kitô bị bách hại.

Ai chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công vào các nhà thờ trong những tháng gần đây?

Một số người đã có danh tánh. Họ là các tu sĩ Phật giáo hoặc các thanh niên trẻ trong làng. Không có sự cố liên quan đến người hồi giáo, ngoại trừ một trường hợp.

Có phải trong quá khứ cộng đồng Hồi giáo cũng đã bị nhắm làm mục tiêu?

Đúng vậy. Có những sự cố quan trọng, đặc biệt là vào năm 2014 và năm 2018, với một tầm mức bạo lực, các nhà thờ Hồi giáo hay các ngôi nhà bị cháy bị nhắm làm mục tiêu.

Đâu là mối quan hệ giữa hai nhóm thiểu số tôn giáo Kitô giáo và Hồi giáo, trong quá khứ?

Các mối quan hệ này luôn thân tình. Nói chung căng thẳng tôn giáo tập trung giữa người phật tử và người hồi giáo, giữa người phật tử và kitô hữu.

Trong những năm gần đây, ông có thấy sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ở Sri Lanka không?

Các báo cáo chính thức đề cập đến sự tồn tại của các nhóm vũ trang. Nhưng tôi chưa gặp phải sự cố nào liên quan đến việc này. Trong cuộc chiến ở phía đông bắc, du kích Cọp Tamoul (Tigres tamouls) đã có những hành động bạo lực cực đoan đối với người hồi giáo; không có phản ứng dữ dội nào từ người hồi giáo. 

Ngày nay sức nặng của cuộc chiến kết thúc mười năm trước trong sự tàn bạo hàng loạt có đè nặng lên các căng thẳng tôn giáo ở Sri Lanka không?

Cuộc chiến liên hệ đến cuộc xung đột sắc tộc. Đúng là sự tàn bạo tôn giáo cũng đã xảy ra: quân nổi loạn Cọp tamoul đã tấn công các nhà thờ Hồi giáo, chủ yếu là các chùa Phật giáo. Ngược lại quân đội vũ trang Colombo cũng giết nhiều người trú ẩn ngay trong khuôn viên nhà thờ. Nhưng vấn đề của cuộc chiến tranh này là ở cơ sở các sắc dân chủng tộc chứ không phải tôn giáo. Chuyện xảy ra ngày hôm nay là chưa từng có.

Hơn 200 người bị thiệt mạng và hơn 400 người bị thương trong một loạt tấn công có chủ đích…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tháng 1 năm 2015, Đức Phanxicô đã đến thăm Sri Lanka, trong dịp này ngài đã lên tiếng không được lợi dụng đức tin tôn giáo để làm cớ cho bạo lực và chiến tranh.

Xin đọc thêm: Không bao giờ được lợi dụng đức tin tôn giáo để làm cớ cho bạo lực và chiến tranh