Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit: “Cho Nhà thờ Đức Bà là cho cả trái tim của mình”
Ngày thứ tư 17 tháng 4, Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit chào giáo dân đến dự thánh lễ Truyền Dầu tại nhà thờ Saint-Sulpice, phần lớn các phụng vụ Tuần Thánh sẽ cử hành tại nhà thờ này. Corinne Simon/Ciric
la-croix.com, Bruno Bouvet và Claire Lesegretain, 2019-04-19
Trả lời báo Thập giá (La Croix), Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit tuyên bố: “Cho Nhà thờ Đức Bà là cho cả trái tim của mình.” Ngài vui mừng trước nhiệt tình tương trợ của toàn thế giới để xây dựng lại nhà thờ chính tòa “của mình”. Ngài xác nhận Chúa luôn rút điều tốt từ sự dữ, ngài kêu gọi vực dậy Giáo hội sau vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trong những năm vừa qua.
La Croix: Đức Cha cảm nhận gì từ sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ngày thứ hai 15 tháng 4?
Đức Giám mục Michel Aupetit: Trước hết là hốt hoảng. Làm sao có thể tưởng tượng có ngày Nhà thờ Đức Bà cháy? Từ 850 năm, nhà thờ chưa bao giờ bị cháy. Sau tê điếng tâm hồn là buồn bã, kèm theo là cả một xúc động toàn thân. Ngay từ đầu vụ hỏa hoạn, tôi đã đến sân trước nhà thờ. Cùng với bà Anne Hidalgo, thị trưởng thành phố Paris và đại tướng chỉ huy Đội Cứu hỏa, cứ nửa giờ một, tôi theo dõi công việc của các nhân viên cứu hỏa. Nhưng bây giờ tất cả các nguy cơ chưa được loại hẳn: tòa nhà vẫn còn nhiều điểm yếu, nhất là cánh ngang phía bắc rất mong manh. Từ sau vụ cháy, có các phần của vòm đã rơi và các phần khác cũng sẽ tiếp tục rơi. Như thế trong vài tuần tới chưa có thể làm gì tại đây.
Cha có thấy rã rời chán nản?
Không, nhưng là một nỗi buồn sâu thẳm, tôi không chán nản. Với hình ảnh của tất cả mọi người bắt đầu cầu nguyện. Tất cả mọi người đều muốn đứng vững! Giống như các bạn trẻ, tôi đến quảng trường Thánh Micae với họ. Tôi thấy đây là một dấu hiệu rất quan trọng. Cả nước Pháp và ngay cả thế giới đều nâng đỡ và mong muốn giúp đỡ chúng ta. Nhờ nhiệt tình tương trợ này, chúng tôi được lên tinh thần để xây lại trọng tâm sống động này của nước Pháp, nơi được du khách đến thăm nhiều nhất Âu châu. Chẳng hạn, tôi rất đánh động khi thấy một nhóm du khách Trung quốc đến thăm Nhà thờ Đức Bà trong tâm tình kính trọng. Khi họ vào nhà thờ chính tòa, họ ngừng hết mọi chuyện…
Họ thấy tôi quỳ trước Thánh Thể, họ không thể nào hiểu vì sao một mẫu bánh nhỏ này lại quan trọng như thế, nhưng họ tôn trọng một cái gì vượt quá suy nghĩ của họ. Nhà thờ Đức Bà không phải là viện bảo tàng, Nhà thờ Đức Bà là một trái tim! Bởi vì đây là nơi của mọi người, nên việc xây lại ngôi thánh đường đã được đặt ra ngay lập tức.
Tầm quan trọng của các khoản đóng góp đã bắt đầu gây tranh luận, một số người lấy làm tiếc các khoản tiền này không được cho nghèo. Cha phản ứng như thế nào?
Từ lâu chúng tôi luôn lo cho những người nghèo nhất, và chúng tôi vẫn tiếp tục lo. Quỹ Đức Bà nhận tiền đóng góp xây nhà thờ cũng giúp cả cho người nghèo nhất. Trong giáo phận, Hiệp hội cho tình Bằng hữu (APA) tổ chức việc ở chung giữa những người trước đây sống ngoài đường và các người trẻ mới ra trường. Chúng tôi cũng điều phối chương trình “Mùa đông tương trợ” để các giáo xứ chia sẻ phòng ốc và để các thiện nguyện viên làm việc cho những người không có nơi cư trú cố định.
Còn với các nhà tài trợ lớn, chúng ta tôn trọng nghĩa cử của họ và đừng phán xét quá nhanh. Chúng ta không biết được những gì họ đã làm cho xã hội. Rất nhiều người có các quỹ giúp người khốn khó nhất. Ngoài những nhà tài trợ nổi tiếng, tôi thấy có rất rất nhiều người cho 10 âu kim, cho 20 âu kim. Với họ, cho Nhà thờ Đức Bà là cho một phần quả tim của họ. Khắp nơi trên thế giới, đâu đâu, ai ai cũng muốn góp cục đá của mình, theo đúng nghĩa đen của nó.
Chữ “phép lạ” nhanh chóng loan truyền khi thấy lửa không chạm tới đà của hai tháp trụ đỡ tháp chuông. Xin cha cho biết cha nghĩ gì?
Phép lạ thuộc về Chúa chứ không thuộc về tổng giám mục. Vào đầu vụ chữa cháy, đại tướng chỉ huy chữa cháy đã nói “Chúng tôi sẽ cứu tháp chuông”. Rồi có lúc chúng tôi không chắc gì. Tôi thấy lòng dũng cảm và tính chuyên nghiệp của các lính cứu hỏa, họ làm việc với một độ chính xác và nghiêm ngặt đáng kể. Cùng lúc đó là giáo dân cầu nguyện. Sự kết hợp giữa chữa cháy và cầu nguyện có thể đã ngăn chận được điều tệ nhất đã không xảy ra.
Cha có thấy đây là bài đọc thiêng liêng của chuyện mà mới đầu được xem như một tai nạn thảm thương không?
Xem lại sau khi sự việc đã xảy ra thì luôn dễ dàng. Về sau chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa tất cả những chuyện này. Điều duy nhất tôi xác tín là Chúa luôn rút điều tốt từ sự dữ. Dưới chân thập giá, khi mọi chuyện đã hoàn tất, có một người còn đứng vững: đó là Đức Mẹ. Và ngày thứ ba, Chúa Kitô sống lại. Từ cái chết của Con Mình, Thiên Chúa đã mang đến điều tốt lành: sự sống lại và sự cứu rỗi cho tất cả mọi người. Với tai tiếng các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội, Chúa buộc chúng ta phải quay về với Tin Mừng, với khó nghèo và quy tụ chung quanh Chúa Kitô. Như Thánh Phanxicô đã làm: ngài biết mình phải xây dựng lại San Damiano, rồi ngài vực Giáo hội lên trên cơ sở các giá trị của Tin Mừng.
Làm thế nào để vực Giáo hội lên?
Trước hết là thanh tẩy, sống trong sự thật như Chúa Kitô đã đòi hỏi. Từ nhiều năm nay, ở giáo phận Paris chúng tôi đã đi trên con đường thanh tẩy: chúng tôi luôn tố cáo các vụ lạm dụng, chúng tôi tháp tùng các nạn nhân. Thứ bảy vừa qua, tôi đã gặp rất lâu các nạn nhân đã bị lạm dụng trong những năm 1940-1965. Họ giải thích cho tôi hiểu vì sao họ muốn gặp tôi. Họ đã bị các bạn cùng khóa ruồng bỏ vì đã tố cáo cha tuyên úy được yêu mến, họ cần tôi nói với họ: “Tôi tin họ”.
Có một số người có vẻ như chống việc thanh tẩy, cho rằng các vụ tai tiếng này bị giới truyền thông phóng đại…
Giới truyền thông làm công việc của họ. Đúng là Giáo hội không nên là người duy nhất làm công việc thanh tẩy này. Trước đây khi làm bác sĩ, tôi đã thấy các vụ lạm dụng xảy ra trong các gia đình. Nhưng chúng ta, là Giáo hội, chúng ta phải là tấm gương – vì với chúng ta, chuyện này còn tai tiếng hơn – và nếu người khác bắt chước việc thanh tẩy của chúng ta, thì đó là một chuyện đáng làm.
Tai tiếng các vụ lạm dụng tình dục đã làm hoen ố hình ảnh Giáo hội và có thể làm cho một số giáo dân ra đi. Cha nói gì với họ?
Có rất ít người xin bỏ phép rửa tội của họ. Ngược lại, các tín hữu đau khổ thì lại muốn vực Giáo hội lên. Tôi không thấy sự mệt mỏi, nhưng chính xác là ngược lại. Có 6000 người tham dự Thánh Lễ Truyền Dầu chiều thứ tư 17 tháng 4, và chắc chắn cũng sẽ có đông giáo dân đến dự trong các buổi phụng vụ sắp tới. Khi mình đã sụp xuống đất thì phải tìm sức mạnh để đứng lên. Và để được như vậy, một ơn đã được ban cho chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Lễ Truyền Dầu cảm động ở Nhà thờ Saint-Sulpice