Bản năng giới tính không phải là chuyện gối chăn
Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Là linh mục công giáo, nên khi nói và viết về dục tính, người ta không tin tưởng tôi mấy. Khi nào họ cũng nói: “Cha biết gì nào, cha đâu có làm tình!”
Tôi rất thích câu phê bình này vì nó diễn tả đúng thái độ mà tôi muốn tranh luận, xác định thế nào là bản năng giới tính và hành vi tình dục.
Đây là một sai lầm nguy hiểm và, trên bình diện cảm xúc, ít chuyện nào gây tổn hại nhiều cho chúng ta bằng chuyện này. Nhưng học thuyết Freud phổ thông đã thuyết phục chúng ta như vậy. Nó làm chúng ta tin rằng, tình yêu và tình bạn đích thực, ít nhất là giữa hai giới, đòi hỏi có những quan hệ tình dục.
Ngắn gọn, nó làm chúng ta tin rằng tình dục là cần thiết để phát triển trọn vẹn. Chúng ta nghĩ rằng, không có tình dục, cuồi cùng rồi chúng ta sẽ cằn cỗi, héo khô, trai quá lứa, gái quá thì. Thiếu tình dục, tình yêu và tình bạn của chúng ta sẽ thành “lý thuyết suông,” thiếu sức sống và không thực tế.
Cùng lúc, chúng ta nuôi dưỡng trong đầu ý tưởng tình dục là thuốc tiên cho tất cả nỗi cơ đơn và thất vọng tình cảm. Giới tính học thường dùng nó để thay thế cho việc cứu độ: hạnh phúc và buồn bã tùy thuộc vào việc có hay không có quan hệ tình dục trọn đủ.
Tất cả những chuyện này làm chúng ta khổ về mặt cảm xúc. Nếu bản năng giới tính bị đồng nghĩa với quan hệ tình dục thì, ngoài những phút giây ngắn ngủi, chúng ta sẽ bị hụt hẫng và bất mãn hoài. Vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta không thể ngủ với những người chúng ta thấy họ hấp dẫn và, cũng như tình bạn và tình yêu bây giờ quá liên hệ đến tình dục, nên chúng ta thường bị giằng co giữa tính không chung thủy và hụt hẫng.
Bi kịch không chỉ là do tính không chung thủy về tình dục và cảm xúc mà chúng ta cảm nhận, mà còn do chẳng có bao nhiêu tình bạn và tình yêu giữa hai giới khác nhau (dù trong đời sống hôn nhân).
Vì thế sẽ không ngạc nhiên, khi trong nền văn hóa chúng ta, tìm một người tình thì dễ hơn tìm một người bạn, cũng không ngạc nhiên khi, trinh tiết, độc thân, khiết tịnh trong tình bạn sâu đậm và tiết chế định kỳ trong đời sống hôn nhân thường được xem là không thực tế, thậm chí còn có hại. Tuy nhiên, khát khao sâu đậm nhất hướng chúng ta về các tương quan giữa hai giới hơn là làm tình. Đàn ông, đàn bà mơ một giấc mơ thầm kín nhất, mình là người của nhau, hơn chỉ là người tình của nhau.
Không có gì là ngạc nhiên. Bản năng giới tính là một thực tế mênh mông. Các ước muốn ở dưới nhiều hình thức. Chữ “tình dục” có nguồn gốc từ chữ la-tinh secare, nghĩa đen là cắt, chặt. Ở tất cả mọi mức độ, chúng ta đều cảm nhận mình hữu tính: bị cắt, bị chặt, không nguyên vẹn, giống như bị bứt ra từ một đơn vị. Chúng ta sốt ruột muốn được trọn với nhau, muốn kết hợp trong một dạng nguyên vẹn.
Vì lý do này bản năng giới tính không chỉ đơn thuần là quan hệ tình dục. Nó là một chiều kích của nhận thức chúng ta có về bản thân mình. Nó là thứ ái tình, một đòi hỏi không thể kìm nén được, đẩy chúng ta yêu thương, cung cấp một năng lượng để chúng ta thực hiện được. Nhờ nó, chúng ta đi ra khỏi vỏ bọc của tính ái kỷ là tính tự yêu mình. Nhờ nó, chúng ta đi tìm quan hệ, trao đổi, tình cộng đoàn, óc sáng tạo. Nhờ nó, chúng ta được lôi cuốn, được đẩy ra khỏi con người mình.
Cảm nhận bản thân mình là hữu tính, là bị chặt, luôn luôn hiện hữu trong con người chúng ta cũng như nhịp đập quả tim. Nó thấm đến mọi tầng mức của cá tính và tô màu lên trên tất cả các mối quan hệ của chúng ta.
Chúng ta đầy dục tính. Về các mặt thể lý, tâm lý, cảm xúc, tinh thần, tri thức và thẩm mỹ, chúng ta hướng về hợp nhất một đơn vị, một cái gì đó ở ngoài bản thân mình. Nam tính hút nữ tính và ngược lại. Dục tính tô màu lên tất cả.
Tuy vậy hành vi tình dục chỉ là một hình thức đặc biệt diễn tả bản năng giới tính của chúng ta. Nó là một khía cạnh, dù là một khía cạnh rất lý thú, của một thực tế rộng lớn mà chúng ta gọi là bản năng giới tính. Vì không thể hiểu được nó, ngày nay chúng ta bị nó ám ảnh. Tựa như bị nhiễm vi trùng, chung quanh chúng ta bao phủ một ý tưởng, sự triển nở hay chai cứng nhân cách chúng ta tùy thuộc vào việc có hay không có một quan hệ dục tính thỏa mãn.
Nhưng nếu bản năng giới tính là xung năng hướng chúng ta về tình cộng đoàn, gia đình, bằng hữu, tình yêu và óc sáng tạo thì, đâu có quan trọng nếu ngủ một mình hay không. Tình cộng đoàn, gia đình, bằng hữu và sáng tạo vẫn ở đó. Chúng ta có thể sống có hoặc không có tình dục, nhưng chúng ta không thể sống thiếu tình cộng đoàn, gia đình, bằng hữu, và óc sáng tạo. Chúng làm cuộc sống chúng ta đầm ấm, có ý nghĩa và trọn vẹn hơn.
Ngược lại, thiếu chúng, chúng ta sống trong lạnh lùng, chua cay, cằn cỗi và khô héo. Nỗi khao khát mãnh liệt của chúng ta là nỗi khao khát cho tình cộng đoàn, gia đình, bằng hữu và óc sáng tạo. Bản năng giới tính là nỗi khao khát và năng lượng để chúng ta sống với các nỗi khát khao này.
Các quan hệ tình dục phải luôn được hiểu trong bối cảnh này. Nó có thể có lợi và cũng có thể có hại. Nó có lợi khi nó làm lợi thế cho tình cộng đoàn, gia đình, bằng hữu và óc sáng tạo. Nó có hại khi làm cản trở các chuyện này. Trong phạm vi nhân cách và đời sống xã hội, thì, gần như không thể được, các quan hệ tình dục lại có thể có lợi cho tình cộng đoàn, gia đình và bằng hữu nếu nó ở ngoài quan hệ yêu thương, ngoài hôn nhân, ngoài cam kết sống lâu dài với nhau.
Kinh nghiệm có thể xác minh điều này. Sự kiện cắt đứt mối dây giữa tình dục và hôn nhân không làm tăng thêm tình bạn, tình cộng đoàn, tình gia đình hay tình yêu. Chúng ta cô đơn hơn bao giờ hết.
Có tình dục xác thịt và tình dục của quả tim. Cái trước đầy bất mãn, lợi dụng, nông cạn, loạn thần kinh, cuối cùng là chán (vì, như W.H. Auden nhận xét, “tất cả chúng ta đều không biết gì nhiều về những chuyện con người có thể làm như động vật có vú”). Cái sau tràn đầy tình bằng hữu, tình yêu và đam mê. Nó là tình dục của quả tim, nó chữa lành cô đơn và xây dựng gia đình, cộng đoàn, tình bằng hữu.
Thêm một lần nữa, chúng ta phải học để phân biệt bản năng giới tính và quan hệ tình dục.
Nguyễn Kim An dịch