Làm thế nào để thắng tính lười biếng tự nhiên
fr.aleteia.org, Philip Kosloski, 2019-01-23
Lười biếng là một tật xấu mà đôi khi chúng ta phải thú nhận là rất khó để chống lại. Có bao nhiêu lần chúng ta thích tiếp tục ngồi xem truyền hình, ngồi bấm điện thoại thay vì phải đi làm cho xong các việc đang chờ mình? Chắc chắn là rất nhiều lần. Chúng ta dễ rơi vào cám dỗ này hơn là đứng dậy đi làm các việc đang chờ! Cứ nhường bước kiểu này thì rồi cái vòng luẩn quẩn cứ xoay. Việc càng chất đống thì càng không muốn đụng tay vào.
Cám dỗ này không phải mới có gần đây. Từ thế kỷ 16, linh mục người Ý Laurent Scupoli đã cảm thấy khó để chiến đấu với thói lười biếng này. Trong quyển Cuộc chiến thiêng liêng, quyển sách nổi tiếng của linh mục xuất bản năm 1589, ngài đã để nguyên một chương để khuyên chúng ta khắc phục tật xấu này. Các lời khuyên này vẫn còn hợp với thời bây giờ.
Làm ngay lập tức việc được yêu cầu
“Cố gắng siêng năng đáp ứng các cảm nghiệm của Chúa, thi hành lệnh bề trên, làm mọi việc đúng lúc và theo cách được mong muốn”.
Làm mọi việc nhanh chóng…
“Đừng trì hoãn một giây khi hoàn thành việc được giao phó; hãy nghĩ đến việc chậm trễ đầu tiên sẽ kéo theo các chậm trễ khác; thêm nữa khi nào mình cũng đi lui, lại sợ bị phạt, rồi thích nghỉ ngơi gia tăng khi mình nếm được sự dịu ngọt của nó”.
… và rồi
“Hãy lưu ý, không những làm nhanh và không trì hoãn là đủ, nhưng chọn lúc thời gian mà bản chất hành động yêu cầu; và khi làm thì phải làm hết sức chu đáo để mình thỏa mãn việc mình làm: vì cuối cùng không phải là chăm chỉ nhưng là lười biếng khéo che đậy khi mình làm nhanh cho xong, không nhọc công xem việc đã làm có đàng hoàng hay không, làm cho nhanh để đi nghỉ cho sớm”.
Một công việc dường như quá nhiều? Hãy chia nhỏ ra
“Bắt đầu làm các việc này như thử bạn có ít việc để làm; làm như thử công việc này không kéo dài bao lâu; tấn công từng ‘kẻ thù’ một, người này sau người khác, như thử bạn chỉ có một kẻ thù để chiến đấu, làm với ơn Chúa thì bạn sẽ mạnh hơn tất cả: bằng phương cách này bạn sẽ thoát được tật lười biếng và có được đức tính siêng năng. Bạn cũng làm như vậy với kinh nguyện. Nếu giờ kinh nguyện của bạn là một giờ, bạn thấy quá lâu, bạn chia nhỏ ra từng mười lăm phút và từ mười lăm phút này qua mười lăm phút khác, bạn sẽ không thấy quá khó như cầu nguyện nguyên giờ”.
Khi bị cám dỗ lười biếng, chúng ta có thể dựa trên các lời khuyên này. Chúng ta xin Chúa ơn để khắc phục các yếu đuối của mình, để có thể tận dụng tối đa thì giờ Chúa cho chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch