Đức Giám mục Luc Ravel: “Giáo hội đang bị ung thư di căn”

392

Đức Giám mục Luc Ravel: “Giáo hội đang bị ung thư di căn”

Đức Giám mục Ravel, tổng giáo phận Strasbourg, Pháp: “Các lạm dụng tình dục là trận địa chấn trong trái tim giám mục của tôi.” © archeveche-strasbourg.fr

cath.ch, Bénédicte Drouin-Jollès, 2019-03-07

Đức Tổng Giám mục Luc Ravel, tổng giáo phận Strasbourg vừa xuất bản quyển sách “Như quả tim lắng nghe” (Comme un cœur qui écoute, nxb. Artège, 2019), ngài rất lo cho vấn đề lạm dụng tình dục đau đớn này. Một suy tư phong phú về nguyên nhân và hậu quả, chỗ đứng của nạn nhân và cách để chống lại các vụ tai tiếng này.

Vào thời điểm này, không tuần nào mà chúng ta không khám phá ra một mục tử mới, thậm chí cả đến giám mục và hồng y đã lạm dụng tình dục. Từ các tiết lộ này, cha rút ra được gì?

Giám mục Luc Ravel: Tôi làm giám mục được 10 năm, tôi thấy được tầm mức rộng lớn của các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Giáo hội đã phải xác nhận, các con số cho thấy các tác hại quan trọng ở mọi mức độ. Dù đó là một linh mục thường hay một hồng y, điều này không thay đổi gì to tát nơi nỗi đau đớn của nạn nhân, nhưng đối với Giáo hội tác động của nó thật nặng nề. Không những một số người có trách nhiệm đã không rõ ràng trong cách xử lý mà họ còn trực tiếp can dự vào.

Trận địa chấn trong trái tim giám mục của tôi

Đó là trận địa chấn trong trái tim giám mục của tôi. Mỗi ngày khi tuyên xưng đức tin, tôi làm mới lại tình yêu của tôi với Giáo hội, một Giáo hội thánh thiện, công giáo và tông truyền, mà vì các sự kiện này làm lung lay đức tin của tôi. 

Cha khẳng định và giáo hoàng đã nhắc lại, các vụ bi thảm này bao gồm tất cả tín hữu kitô. Tại sao? Các giám mục và các bề trên chủng viện là những người đầu tiên can dự vào…

Tôi nói với những người muốn quay đi chỗ khác: “Xin bạn hãy can đảm nhìn, các vấn đề này liên hệ đến bạn, dù bạn không có lỗi”. Không làm cho tín hữu kitô bị mặc cảm tội lỗi; nhưng làm cho họ phải có trách nhiệm; chúng ta tất cả là chi thể của một thân thể: nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta dự phần vào niềm vui và đau khổ của Ngài. Chúng ta được mời gọi để mang các vụ bi thảm này, các nạn nhân trong lời cầu nguyện, ăn chay và ăn năn. Bằng sự cảnh giác của chúng ta, chúng ta có thể phòng ngừa hay giới hạn các lạm dụng này.

Ai biết mình bị ung thư sẽ tìm đủ mọi cách để chữa dù hóa trị hay xá trị rất đau đớn. Không một người bệnh nào nói: “Đi khám bệnh như vậy là đủ, tôi đi làm chuyện khác”. Bây giờ Giáo hội đã bị ung thư di căn. Chúng ta ở giữa dòng nước, các tiết lộ khác sẽ được đưa ra ở những nơi khác chứ không hẳn ở các nước phương Tây. Tôi nghĩ đến Ấn Độ, Phi châu, Á châu nơi tín hữu công giáo rất đông. Ở Châu Phi, chúng tôi biết các nữ tu trẻ bị các linh mục, các giám mục lạm dụng với sự đồng tình của bề trên của họ. Bây giờ chúng ta không đối diện với vấn đề này trong cương vị giáo dân hay tu sĩ thánh hiến là chúng ta tự tử. 

Cha có nghĩ có liên hệ giữa sự không sinh hoa trái của Giáo hội từ 70 năm nay và bệnh ung thư ấu dâm không? Đó là mối liên hệ nào?

Các chứng từ của nạn nhân giúp chúng ta thấy các tàn phá hữu hình cũng như vô hình. Trước hết Nhiệm Thể Chúa Kitô được ràng buộc qua các phép bí tích, tuy không hữu hình nhưng có thực. Mỗi bí tích chúng ta nhận được trong đức tin nuôi dưỡng sự hiệp thông trong Giáo hội. Ngược lại, các vụ lạm dụng tình dục rải chất độc làm cho Giáo hội bị biến chất cả hàng chục năm nay. Giáo hội không sinh hoa trái một phần do hàng ngũ của mình, do các chủng viện trống rỗng từ nửa thế kỷ nay, một phần cũng vì các lời chứng phản tác dụng này. 

Cha đã gặp nhiều nạn nhân trong giáo phận của cha, cái gì làm cha đánh động nhất nơi họ?

Tôi đã gặp hơn hai mươi nạn nhân, điều ghi nhận đầu tiên của tôi là dù các sự việc xảy ra đã rất lâu nhưng vết thương của họ vẫn còn nóng, một số người còn nghĩ đến nó mỗi ngày. Rất nhiều tín hữu không biết cuộc sống của những người bị linh mục lạm dụng như thế nào; làm sao họ tiếp tục tin ở Chúa, tìm được ý nghĩa cho cuộc sống của họ? Một điểm khác làm tôi xúc động là họ vẫn còn tin ở Giáo hội, họ đến gặp giám mục để nói chuyện. Một số người hiện nay khước từ Giáo hội dữ dội, họ yêu cầu tháo bỏ phép rửa tội cho họ, nhưng làm sao chúng ta không ngạc nhiên khi họ bị người của Chúa làm cho họ đau khổ?

Tất cả trẻ con đều có thể lúc này lúc khác là mục tiêu của lạm dụng, cha mẹ phải cẩn thận vô cùng, nhưng cũng không nên sống trong sự sợ hãi. Và chúng ta cũng nên biết, trong trường hợp có vấn đề, hiếp dâm hoặc lạm dụng thì sẽ tạo ra hiện tượng tê cứng, ngăn trẻ con không nói được.

Chúng ta có thể phát hiện ra các “linh mục lạm dụng không?”

Không phải dễ để nhận diện các linh mục này. Linh mục Maciel, sáng lập Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (Légionnaires du Christ), trụy lạc và đồi bại đã lừa dối các giám mục và thậm chí cả giáo hoàng. Nhưng một cách bí ẩn, bất chấp tất cả, ơn Chúa qua sự hiệp thông của Giáo hội đôi khi có thể sinh hoa trái qua ông. Thánh Âugutinô nói, mỗi lần Thánh Phêrô hay ông Giuđa Iscariot rửa tội là mỗi lần Chúa Giêsu rửa tội vì họ đã được chịu chức linh mục.

Chúng ta phải cố gắng phân định để trở về với Tin Mừng, chứ không phải để đi theo những người có cá tính quyến rũ mạnh.

Những kẻ lạm dụng tôi gặp, họ thường phủ nhận, họ giả vờ làm nạn nhân. Họ cho thấy cá tính thiếu trưởng thành và tự cho mình là trọng tâm, họ thường đồi trụy theo nghĩa tâm thần. Họ là những người đi quyến rũ và có khả năng thao túng: điều này theo định nghĩa là khó phát hiện. Họ xuất sắc, họ bỏ thì giờ ra để hành động, họ lạm dụng chức vụ linh mục của mình; họ lừa dối các gia đình bạn của họ cũng như cộng đồng giáo xứ. Họ thường gây chia rẽ: một bên là những người chống đối mãnh liệt, một bên là các tín hữu ngưỡng mộ trung thành. Các tín hữu thể hiện sự tôn trọng cũng như sự trưởng thành của mình đối với chủ chăn. Chúng ta phải cố gắng phân định để trở về với Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu đã cảnh báo phải phân biệt mục tử xấu và tiên tri giả, chúng ta không đi theo những người có cá tính quyến rũ mạnh. Các linh mục thánh thường quên mình, sự khiêm tốn của họ làm cho Chúa Giêsu Kitô được cả sáng. Chỉ một mình Chúa Kitô là người để chúng ta tin cậy. Ngài là Đấng cứu chuộc duy nhất. Và đó là điều mà Thánh Âugutinô đã khẳng định cách đây 15 thế kỷ khi ngài đối diện với các vấn đề tương tự.

Cha viết, việc muốn tránh các vụ tai tiếng đã góp phần cho sự ung thối của hệ thống. Cái gì có thể làm tẩy độc và tránh các vụ lạm dụng mới?

Đó là câu hỏi Lớn cho ngày hôm nay. Một số nạn nhân và báo chí hơi thất vọng về các kết quả thiếu cụ thể của Hội nghị về lạm dụng tình dục tổ chức ở Rôma ngày 21 đến 24 tháng 2 vừa qua. Thể chế phải hướng dẫn chúng ta, không khoan dung có nghĩa là gì? Trục xuất khỏi hàng giáo sĩ các thủ phạm của tội ác đã bị tòa án hình sự kết án? Làm thế nào để ngăn họ gây tác hại? Sau đó phải nghĩ đến việc phòng ngừa, đến tháp tùng nạn nhân. Nếu Giáo hội không rõ ràng, thái độ của Giáo hội sẽ bị lên án, bởi một xã hội tự nó đã lỏng lẻo, xem vấn đề này ở trong các thể chế của nó và trong gia đình.

Cha nói, Chúa để cho các thảm kịch này xảy ra để thanh tẩy Giáo hội của Chúa, điều này có nghĩa là gì?

Nhận thức đau đớn này mang lại một chút ánh sáng. Và nó là cần thiết, như Đức Phanxicô đã làm, ngài cám ơn báo chí đã tấn công những điều cấm kỵ này. Chúng ta phải thấy các hành vi này hoàn toàn trái ngược với Tin Mừng, Tin Mừng kêu gọi không được làm gương xấu cho trẻ em, phải bảo vệ kẻ yếu đuối. Các linh mục phạm các tội lạm dụng này, họ khai thác Lời Chúa một cách không chấp nhận được, họ theo trò chơi của Quỷ. Thánh Gioan Tẩy giả nhắc chúng ta phải hoán cải liên tục. Không có gì trong cuộc sống chúng ta cũng như cuộc sống của Giáo hội được xem, được một lần là được tất cả.

Ngày nay, con đường duy nhất mà Giáo hội có thể làm là đi vào tiến trình nhận lỗi lầm của mình trước công chúng. Từ nhiều thập kỷ nay, Giáo hội đã quá đặt mình lên đàng trước, thay vì loan báo Thiên Chúa của mình. Giáo hội mang một kho báu trong những chiếc bình bằng đất sét và phải khiêm tốn để truyền đạt và bảo vệ nó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Vụ bao che linh mục Preynat: Hồng y Barbarin đệ đơn từ chức lên Đức Giáo hoàng

 

Như quả tim lắng nghe”, Đức Tổng Giám mục Luc Ravel, (Comme un cœur qui écoute, nxb. Artège, 2019),