la-croix.com, Gauthier Vaillant, 2019-02-04
Bà Noura Al Kaabi, bộ trưởng Văn hóa và Phát triển kiến thức của Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất giải thích ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô ở đất nước bà từ ngày 3 đến 5 tháng 2-2019.

Bà Noura Al Kaabi, bộ trưởng Văn hóa và Phát triển kiến thức của Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất ở Viện bảo tàng Louvre của Abu Dhabi, tháng 2, 2018. / Christopher Pike/Reuters
La Croix: Theo bà và theo đất nước của bà, việc đón Đức Phanxicô có ý nghĩa gì và sứ điệp ngài gởi qua sự kiện này là gì?
Bà Noura Al Kaabi: Tất nhiên đây là giây phút lịch sử mang ý nghĩa tượng trưng rất cao. Ở đất nước chúng tôi có rất nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau cùng sống chung với các lối sống rất khác nhau. Sứ điệp của chuyến đi này là khích lệ để tìm kiếm những gì làm chúng tôi hiệp nhất, vượt ra ngoài các khác biệt của đức tin và văn hóa. Đó là ý tưởng về sự khoan dung mà chúng tôi chia sẻ với các tín hữu kitô.
Nhưng đặc nét của chuyến thăm này cũng là do nhân cách của chúnh Đức Phanxicô. Ngài là giáo hoàng đầu tiên từ Châu Mỹ La Tinh. Ngài nói với tất cả mọi người. Ngài có thể nhìn thấy những chuyện vượt ra ngoài bề mặt của họ. Trong một thế giới có quá nhiều xung đột, ngài mang lại thông điệp hợp nhất và tìm kiếm hòa bình. Đó là lý do tại sao ngài đến đây không phải chỉ vì Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất hay thế giới hồi giáo nhưng còn vượt xa hơn thế.
Chính trong khuôn khổ “Năm Khoan dung” mà có chuyến đi của Đức Giáo hoàng. Bà xác định khái niệm này như thế nào?
Noura Al Kaabi: Sự khoan dung như chúng tôi hiểu, đó là chấp nhận nhau. Và đây không phải là lý thuyết nhưng là thực hành trong đời sống hàng ngày, ở sở làm, ở trường học… Chúng ta phải có thể sống và làm việc mỗi ngày với những người có quốc tịch khác nhau. Hơn nữa sự khoan dung này không những áp dụng cho con người mà cho cả vùng đất nơi chúng ta sống, với môi sinh, với súc vật… Đó là một giá trị mà những người sáng lập đất nước chúng tôi đã mang đến.
Chẳng hạn, chúng tôi cần phải biết sự hiện diện của tín hữu kitô ở Abu Dhabi có trước khi Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất chúng tôi được thành lập năm 1971, ngay từ đầu những năm 1960, tiểu vương của Abu-Dhabi đã dành một vùng đất cho người công giáo để họ xây nhà thờ. Ngày nay chúng tôi có rất nhiều nơi thờ phượng của các tôn giáo khác nhau và chúng tôi mong tất cả đều được tự do giữ đạo của mình. Đó là lý do vì sao chuyến đi của Đức Giáo hoàng không phải chỉ dành riêng cho người công giáo: chuyến đi này mang một sứ điệp chung lớn hơn và trong sự tôn trọng lẫn nhau. Một ý tưởng mà chúng tôi muốn truyền tải cho các người trẻ, mời gọi họ khoan dung hơn với người lớn tuổi.

Hình: Ngày thứ hai 4-2-2019, Thái tử Thừa kế Mohammed Ben Zayed tặng Đức Phanxicô bằng khoán ngày 22 tháng 6 năm 1963 của Tiểu Vương quốc Ả-Rập cho đất để xây dựng nhà thờ đầu tiên ở Abu-Dhabi.
Các Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất tuyên bố một sự cởi mở lớn với thế giới, nhưng đất nước có một nền văn hóa và căn tính rất mạnh. Làm sao có thể phối hợp được cả hai?
Noura Al Kaabi: Đây là một vấn đề rất quan trọng, người của Tiểu Vương quốc Ả-Rập lại là người thiểu số trong chính đất nước của họ. Đây là một trong các chủ đề lớn cho công việc chúng tôi ở bộ Văn hóa: vừa giữ gìn văn hóa, truyền thống vừa làm việc trên các phương pháp giúp chúng tôi thích ứng với hiện đại. Như vấn đề ăn mặc chẳng hạn: rất nhiều phụ nữ kết hợp mang voan với y phục hiện đại (luật ở Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất không bắt buộc mang voan).
Và đây cũng là một thách thức rất lớn để làm cho nét văn hóa này trở nên hấp dẫn với chính người trẻ của chúng tôi. Chúng tôi thường hướng dẫn họ đặt câu hỏi, sự việc chúng tôi là thiểu số làm suy yếu hay củng cố căn tính chúng tôi. Tôi tin chắc nó củng cố vì tình trạng này thúc đẩy chúng tôi luôn quan tâm và luôn làm việc lại với nó.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...