Từ thị trấn Enney ở Thụy Sĩ đến cổng Giáo hoàng Phanxicô ở Vatican

lagruyere.ch, Valentin Castella, 2019-01-10
“Barack Obama luôn có vẻ thoải mái, thanh thản. Nhưng khi tôi ‘hộ tống’ ông đến trước Giáo hoàng Phanxicô, tôi lại thấy mình căng thẳng, ấn tượng bởi nơi chốn và bởi nghi thức.” Ít người ở Gruyère, Thụy Sĩ ngay cả ở cả thế giới có thể khoe mình đã hộ tống cựu Tổng thống Mỹ đến trước Đức Giáo hoàng. Nhưng ông Didier Grandjean kể mà không có chút gì huyênh hoang! Ông chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình, một cận vệ Thụy Sĩ.
Bây giờ ông là phó đội trưởng của lực lượng quân sự Vatican, lớn lên ở thị trấn Enney, Thụy Sĩ, trước đây ông ở trong ngành thiết kế cây cảnh, ông vào Đội cận vệ Thụy Sĩ năm 2011. Tám năm sau là phụ tá phát ngôn viên của Đội cận vệ Thụy Sĩ. Liên lạc với báo chí, quan hệ với giới truyền thông đại chúng, các mạng xã hội, làm video cổ động: Didier Grandjean phụ trách quản lý hình ảnh của quân đội nhỏ nhất thế giới được thành lập năm 1506. Chẳng hạn, trong lần Đức Phanxicô đến Genève năm vừa qua, chính ông là người đứng trên sân khấu và ở cả phòng ghi âm của đài RTS để tường trình chuyến đi của ngài.
Một công việc “rất thú vị” tuy nhiên không chiếm hết tất cả thì giờ của ông. “Tiếc thay chúng tôi không thể nào hoạt động năng động trên lãnh vực truyền thông vì chúng tôi còn phải hoàn tất nhiệm vụ canh gác.” Năm nay 29 tuổi, cũng như các đồng bạn của mình, anh phải bảo vệ an ninh cho cựu Tổng Giám mục Buenos Aires. “Các lính canh ở các vị trí ra vào khác nhau ở Vatican, trước Dinh Tông Tòa, trước cửa ra vào Nhà Thánh Marta. Tôi canh ở đây mấy ngày một tuần nên tôi có dịp tiếp xúc thường xuyên với Đức Phanxicô. Một người rất đơn sơ, khi nào ngài cũng trao đổi vài câu.” Khi mô tả ông chủ của mình, anh Didier Grandjean cũng bảo vệ hình ảnh Đức Bênêđictô XVI. “Dĩ nhiên ngài ít nồng hậu hơn, nhưng ngài rất tôn trọng công việc của chúng tôi.” Một tuần một lần, anh phó-đội trưởng canh căn hộ của một trong những người quan trọng nhất thế giới. “Đôi khi cũng khá đặc biệt vì ngài là giáo hoàng đầu tiên ở Nhà Thánh Marta, bên cạnh Đền thờ Thánh Phêrô. Ngài không muốn ở Dinh Tông Tòa như các vị tiền nhiệm của mình. Vì thế, việc canh gác nơi này trở nên phức tạp. Ngài thích tiếp xúc với người chung quanh, đôi khi ngài còn ở trong thang máy với nhiều người khác. Có người được phép vào Nhà Thánh Marta, họ đi lầm tầng lầu và đến ngay trước phòng ngài!
An ninh tăng cường
Phát triển trong thời buổi của các đe dọa khủng bố… “Một chương trình quân sự được hình thành sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris năm 2015, hiến binh Ý thường xuyên liên lạc với Interpol. Tất cả thông tin sau đó được chuyển đi. Khi tôi vào Đội năm 2011, chúng tôi ít canh chừng hơn. Năm nay, nhân ngày lễ Phục Sinh, chúng tôi chờ để đón tiếp 100 000 người. Và tất cả đều được kiểm soát.”
Một mở ra với thế giới
Anh phó-đội trưởng có đối diện với các đe dọa không? “Ví dụ với trường hợp Đức Phanxicô, chúng tôi phải lưu ý đến tình cảm dào dạt của những người vượt ra lề để đến ôm ngài. Và chính ngài nhiều khi cũng ngừng lại gặp các tín hữu mà không báo trước. Ngoài những việc này, tôi không bao giờ cảm thấy thật sự sợ hãi. Chúng tôi luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ ngài.” Trung bình thời gian tối thiểu một cận vệ Thụy Sĩ ở Vatican là hai mươi sáu tháng. Didier Grandjean người rành bốn thứ tiếng đã ở bảy năm dưới Đền thờ Thánh Phêrô. Nếu bây giờ cấp bậc của ông cho ông một căn phòng riêng ở trong doanh trại, nhưng ông không sống sang trọng. Chẳng hạn khi nào ông cũng ăn chung với bạn bè.
Ông không bao giờ hối tiếc đời sống trong quân đội. “Tôi hiểu thế nào là tình anh em giữa các bạn cận vệ. Tôi làm việc trong bối cảnh quốc tế giúp tôi mở ra với thế giới. Trước đây tôi không biết gì nhiều ngoài thị trấn Enney ở Thụy Sĩ của tôi. Nhờ công việc này, tôi đã gặp nhiều nhân vật như Merkel, Trump, Hollande, Macron hay các nhà lãnh đạo Thụy Sĩ. Tôi cũng sống được nội tình bên trong sự kiện giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm và bầu giáo hoàng mới năm 2013. Thế giới đổ dồn nhìn về Vatican. Và Rôma như viện bảo tàng lộ thiên, tôi sống giữa các bức tường đầy sự kiện lịch sử.”
Tháp tùng giáo hoàng trong các chuyến đi
Didier Grandjean cũng nhắc đến các chuyến đi với Đức Phanxicô. Ông đã đi Chi-lê, Lituani và vài tuần sắp tới sẽ đi Tiểu Vương quốc Ả-Rập với Đức Phanxicô. “Mỗi lần như vậy, chúng tôi đến nước sở tại vài ngày trước để chuẩn bị. Sau đó chúng tôi tháp tùng ngài, trong các sinh hoạt này, chúng tôi luôn mặc đồ dân sự. Trách nhiệm rất lớn. Mình phải biết việc mình làm, phải tin chắc ở mình. Cá nhân tôi, cuộc phiêu lưu này đã thay đổi tôi rất nhiều. Nó giúp cho tôi tin tưởng ở mình.”

Không phải là một nhóm diễn hành
Được Giáo hoàng Jules II thành lập Đội năm 1506, Đội gồm có 110 người Thụy Sĩ. Những người được tuyển chọn, được đào tạo nghiệp vụ một cách tinh nhuệ. Mặc áo truyền thống có từ thời Phục hưng, họ thuộc thành phần ‘trang trí’ cho Vatican. Có phải họ chỉ là một nhóm diễn hành không? Didier Grandjean cự lại: “Không và hoàn toàn không. Dù mang khía cạnh truyền thống, nhưng đội ở đỉnh cao về mặt kỹ thuật. Đồng phục chỉ được dùng để phục vụ cho danh dự. Nhưng bình thường thì họ mặc đồ dân sự để phục vụ và có mang vũ khí.”
Tuyển dụng hiện đại
Anh nói tiếp: “Mới đầu Đức Phanxicô nghi ngờ tính hữu dụng của Đội. Nhưng bây giờ ngài không còn nghi nữa. Một trại mới sẽ được xây, quân số sẽ được tăng và sắp tới chúng tôi sẽ theo ngài trong các chuyến đi ở Ý. Trước đây thì không như vậy.” Nếu Đức Phanxicô ủng hộ Đội, người Thụy Sĩ có chú ý đến họ không? “Trong tương lai tuyển dụng 110 người Thụy Sĩ sẽ rất khó. Nhưng chúng tôi cố thuyết phục các đồng bạn tương lai qua các trang mạng xã hội, chia sẻ đời sống hàng ngày của chúng tôi và đăng các video cổ động.”
Ngoài các điều kiện trên, các người thừa kế chiến binh danh tiếng Thụy Sĩ này còn phải thường xuyên đi lễ. “Khó mà đi theo ơn gọi này, hy sinh thể xác tâm hồn mình cho một người mà mình không có đức tin.”
Một đức tin có thể gặp khó khăn với vô số vụ tai tiếng làm hoen ố hình ảnh Giáo hội… “Dĩ nhiên tôi lên án các hành vi không thể tha thứ này. Nhưng lòng tin vượt lên các sự việc này, và tôi hạnh phúc thấy người đứng đầu cao nhất của Giáo hội là người liêm chính.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch