Con người và bản chất con người

350

Con người và bản chất con người

 

Tại sao mình có những màu mình thích?

Mình sẽ thắng gì khi mình thắng chiến tranh?

Vì sao con luôn tồn tại?

Con không thích thua. Vì sao đó là một thiếu sót?

Tại sao có sáng con vui, có sáng con không vui?

Tại sao người lớn hút thuốc lá? Họ biết là không tốt…

sao khi nào người ta cũng đặt câu hỏi?

Tại sao vàng có nhiều giá trị mà mình không làm gì hết với chúng?

Người ta nói mỗi con người đều dùng vào một việc gì đó? Còn chúng ta?

Vì sao có người nói dối thì mình thấy ngay, có người thì mình không thấy?

Vì sao mẹ con không để con chơi PlayStation suốt ngày?

Tại sao chúng ta phải thương yêu nhau chứ không chỉ thương mình?

Mẹ nói triết lý trả lời tất cả mọi sự. Nhưng triết lý có biết cái ví tiền nhỏ con làm mất và con tìm mãi không ra không?

Vì sao chúng ta không chắc về mình?

Tại sao thỉnh thoảng con thấy con vô hình?

Mình có phải tôn trọng người dữ không?

Vì sao con không là ông và ông không là con?

Trích sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, tác giả Tomi Ungerer. Nxb. l’écoles des loisirs.

Tại sao mình có những màu mình thích?

Adèle, 8 ans

Ông nghĩ đó là các phối hợp ý tưởng làm chúng ta thích một số màu. Chính vì vậy chúng ta có khuynh hướng thích màu xanh da trời, màu hồng phơn phớt hơn là thích màu xanh cứt ngựa, hay màu xám xịt. Người mù không có chọn lựa, họ chỉ có màu đen để thích. Màu đen là màu ông thích, nhất là khi nó được dùng để làm tương phản với các màu khác.

Mình sẽ thắng gì khi mình thắng chiến tranh?

Eric, 7 tuổi

Chúng ta có thể thắng các trận chiến nhưng không thể thắng chiến tranh. Chính vì vậy cả hai bên đối thủ đều bị thiệt hại vô cùng, đất nước vừa bị phá hủy, các nạn nhân vô tội vừa bị mất mát tàn khốc.

Mỗi chiến tranh đều nuôi hận thù nơi người bị thua, nuôi hống hách nơi người thắng trận. Khi chiến tranh này chấm dứt thì người ta lại loan báo sắp có chiến tranh khác tới. Chiến thắng không bao giờ được ăn mừng.

Là người Alsace, vùng đất giữa nước Đức và nước Pháp, ông biết hai cuộc chiến thất bại. Năm 1940 người Đức chiếm vùng Alsace và họ cấm dân vùng này nói tiếng Pháp. Năm 1945 nước Pháp chiếm lại vùng này và họ cấm người dân nói tiếng Đức hay tiếng vùng Alsace. Biết bao nhiêu người dân vùng này chiến đấu dưới đồng phục Đức, rồi đồng phục Pháp, cứ thay phiên nhau thế! Vậy mà dân vùng ông đã sống một phép lạ: chưa bao giờ trên thế giới có một cuộc giải hòa nhanh như thế giữa nước Pháp và nước Đức, dù hai dân tộc đã thảm sát nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khổ thay tấm gương này không được lập lại! Đây là một trong các trường hợp hiếm hoi một cuộc chiến khủng khiếp lại đưa đến sự giải hòa của hai dân tộc.

Còn ông, ông ghét hận thù.

Vì sao con luôn tồn tại?

Marco, 5 tuổi

Trước hết, người ta không bao giờ tồn tại mãi, chúng ta chỉ tồn tại trong mỗi ngày của cuộc hiện sinh của mình. Và sau đó? Mình có thể tồn tại ở chỗ khác… Trong giấc ngủ, mình ít tồn tại. Chính vì vậy kẻ lười biếng ít tồn tại.

Tồn tại, là ý thức sự hiện diện của mình trên quả đất này và hành động theo ý thức này. Điều này cần phải mở mắt to!

Con không thích thua. Vì sao đó là một thiếu sót?

Camille, 12 tuổi

Nếu mình không thích thua thì không đáng công để thắng. Người Anh có một chữ rất hay, không được ăn gian, fair-play.

Khi ông chơi trò chơi ráp chữ (Scrabble), điều ông thích nhất là nghệ thuật chơi, ông sẵn sàng mất vài điểm để “đối thủ”, mà ông xem họ như “đối tác”, có thể để một chữ vào ô, để trò chơi được trải rộng ra và cuối cùng là có thể có lợi hơn cho ông!

Muốn thắng bằng mọi giá là làm hỏng trò chơi! Điều tệ nhất là khi muốn thắng là mình… ăn gian, như thế là rất đáng khinh đó con.

Trong lãnh vực này, ông thấy không có gì tệ hơn là nhìn các cuộc ẩu đả do các người ủng hộ một nhóm đá bóng gây ra. 

Tại sao có sáng con vui, có sáng con không vui?

Ludovic, 11 tuổi

Đó là kết quả của giấc mơ xấu còn đọng lại của giấc ngủ. Hay không vui vì phải đối diện với các thách thức quá gay go. Hay chỉ đơn giản do áp suất không khí xuống thấp. Nếu con ngủ dậy không vui, ông có lời khuyên cho con: con bước qua thế tấn công ngay, đừng do dự. Một ngày mới đang chờ con, con phải chinh phục nó. Để làm được chẳng có gì tốt hơn là con hát một bài hát ngắn. Các bài kiểu: Trường làng tôi, cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên tưng bừng…

Nghe chim hót vang lên, con sẽ tung chăn dậy! Và ngày mới bắt đầu!

Tại sao người lớn hút thuốc lá? Họ biết là không tốt…

Emilie, 10 tuổi

Đây là thói quen mà dần dần biến thành nhu cầu và thành nghiện. Thuốc lá cũng có hại như rượu. Mình thành nô lệ của chúng, ông hiểu điều này. Ông đã làm đủ cách để bỏ thuốc lá, nhưng không được.

Ông bắt đầu hút khi ông 15 tuổi. Ông còn nhớ cái vị khủng khiếp, nó làm cho cái miệng mình sền sệt, nướu răng khó chịu, lá phổi như tráng nhựa. Thuốc là làm cho cuống họng và mũi của mình luôn ở trong tình trạng ngứa ngáy khó chịu.

Tất cả ở trong một thói quen chán ngấy kỳ quặc, vậy mà ông vẫn còn hút. Đôi khi ông cầu xin ‘thánh Nicôtin’, quan thầy của những người hút thuốc là giải thoát ông khỏi chuyện này, nhưng không có cách nào!

Con thấy đó, các thói quen xấu không phải lúc nào cũng… tốt!

sao khi nào người ta cũng đặt câu hỏi?

Matteo, 7 tuổi

Để thỏa tính hiếu kỳ, để hiểu biết hơn, để bù cho các thiếu sót của mình.

Có hai loại câu hỏi.

Các câu hỏi cụ thể, căn cứ trên các hiểu biết thực sự. Trong trường hợp này, các câu trả lời giúp mình có thêm hiểu biết.

Và các câu hỏi trừu tượng gồm các câu hỏi về xúc cảm, lương tâm hay câu hỏi về cuộc hiện sinh. Trong trường hợp này thì các câu trả lời không có tính cách quyết định, nó cần được giải thích.

Dù sao, con đừng ngần ngại đặt câu hỏi, càng đặt nhiều càng tốt và dĩ nhiên là cũng cần tra tự điển, các tác phẩm chuyên ngành. Đây là vấn đề khai sáng. Khi trong đầu con đầy cả các cây đèn thì nó bắt đầu phát sáng.

Các câu hỏi được đặt ra khi thì như máy bay đáp xuống phi đạo, khi thì như con chịm đậu trên cành cây. Làm sao mà hai vật này bay được? Máy bay thì không có lông, con chim thì không có động cơ?

Tại sao vàng có nhiều giá trị mà mình không làm gì hết với chúng?

Yasmin, 9 tuổi

Vàng là một kim loại không hư được. Không một chất a-xít nào có thể làm vàng bị hư. Và vì thế vàng có giá trị cao, cũng như bạch kim và các đá quý. Vàng còn dùng để làm nhẫn cưới và các trang sức mà lợi ích chính là để trang điểm cho các bà lịch sự.

Vàng tạo niềm vui thích quá độ, làm cho các nhà kim hoàn sốt lên. Được thờ dưới hình thức con bò vàng, thần của nó là Thần Tài Mammon. Ngày nay đa số vàng được giữ trong ngân vàng dưới dạng vàng thỏi. Hoặc chúng ta có thể thấy vàng ở các huy chương vàng của các lực sĩ Thế vận.

Người ta nói mỗi con người đều dùng vào một việc gì đó? Còn chúng ta?

Nina, 12 tuổi

Nhưng “chúng ta” cũng là những con người sống, như “chúng họ”, “chúng anh”, “chúng chị”! Mỗi người có năng khiếu, khả năng, tài năng cần thiết để xã hội được điều hành. Trách nhiệm của chúng ta là hữu ích, là dụng cụ, như bánh xe trong guồng máy. Tất cả đều có thể dùng để phục vụ, dù một nụ cười hay một cơn giận!

Vì sao có người nói dối thì mình thấy ngay, có người thì mình không thấy?

Antonin, 7 tuổi

Mấy người nói dối họ biết cách giấu! Không do dự, họ nhìn thẳng vào mắt mình, họ tuôn ra các lập luận chi ly với tất cả xác quyết của họ để thuyết phục chúng ta. Thường thường, họ lại tin vào những chuyện lừa đảo của họ. Hoặc họ thích vậy, hoặc họ muốn làm ăn với mấy chuyện lừa dối này.

Ngược lại, rất nhiều trẻ con nói dối để khỏi bị phạt. Khi ông còn nhỏ, ông có một giáo sư, giáo sư này có thói quen khi ông kêu mình lên đọc thơ của mình, ông cầm lỗ tai của mình. Nếu mình ngưng đọc thì ông sẽ nhéo tai. Ông đó làm cho ông sợ. Một ngày nọ ông quá sợ vì chưa làm xong bài, ông lấy băng dán ngón trỏ rồi ông kêu đau. Ông giáo sư bi thảm nhìn ông qua cặp mắt kiếng: Gỡ băng dán ra ngay!

Ông vâng lời và mọi người thấy ngón tay còn nguyên! Vì thế trong thông tín bạ của ông có lời phê: “Học trò nói dối!” Mà ông, từ hồi nào đến giờ chưa bao giờ nói dối…

Sớm hay muộn, nói dối sẽ trồi lên mặt và làm cho chúng ta bị mang tiếng xấu.

Một khi bị mang tiếng rồi thì không ai tin chúng ta nữa, dù chúng ta nói thật. Nhưng nói dối chủ yếu vẫn là vấn đề của lương tâm. Nói dối là vấn đề khi điều này không giúp mình tôn trọng chính mình.

Thích nói quá cũng là một hình thức của nói dối, mà ông thú nhận ông rất dễ bị cám dỗ, ông cố gắng kiểm soát nó tốt hơn. Nhưng có phải nghề của ông là nghề kể chuyện đó không?

Vì sao mẹ con không để con chơi PlayStation suốt ngày?

Edouard, 11 tuổi

Vì bà có lý, các cha mẹ quá khoan dung khác phải làm như bà.

Chơi PlayStation suốt ngày sao? Không! Thỉnh thoảng thì được!

Tại sao không…

Chơi PlayStation không phải là một việc làm nhưng chỉ để giải trí, chỉ làm mất thì giờ. Cũng là mất thì giờ nhưng mơ màng có lợi hơn, vì nó làm cho mình tưởng tượng các phương cách để bay bổng.

Với truyền hình ít nhất mình có thể chọn các chương trình xây dựng hay giải trí. Nhưng để cả ngày để chơi với màn hình vô danh thì như con gián nằm co quắp.

Ngay cả ông cũng không ca tụng các lợi ích của đọc sách, của lắp ráp hay của thể thao! Nhưng dù vậy, ông cũng kể cho con nghe gương của một bé gái mà ông quen, em bé này chơi PlayStation không ngừng trong ba tuần, sau ba tuần mặt mày em sưng phồng, ngây dại, hai mắt lòi ra khỏi tròng như trái banh ping-pong đỏ, còn nước dãi thì nhớt nhờn nhợt rỉ rỏ chảy ở khóe môi như con đĩa. Em không nói được và cũng không còn ăn uống bình thường!

Tại sao chúng ta phải thương yêu nhau chứ không chỉ thương mình?

Marion, 6 tuổi

Người anh em mình là phản ảnh của chính mình. Vì thế không có tương phản khi thương người khác và thương chính mình: đây cũng là một chuyện.

Giống như Thánh Phanxicô Axixi đã nói: “Chính khi cho là lúc mình nhận.” Đối với một số người, yêu người khác là ơn gọi và ngay cả họ quyết định chọn đây là một nghề. Còn phần ông, ông rất kính trọng các cô y tá, họ biết xoa dịu cái đau của người khác.

Ông có người dì Suzanne là nữ phó tế. Dì rạng rỡ, người toát ra một phong cách bình thản và vui tươi. Chỉ nghe giọng nói của dì là cũng đủ trấn an mình. Nụ cười cũng như bình an nội tâm của dì làm lây lan. Dì qua đời đã lâu nhưng dì vẫn tiếp tục rọi sáng trên cuộc đời của ông như ngọn đèn pha. Đối với ông, dì là hiện thân của sự quên mình hoàn toàn, niềm vui được cho lớn hơn là niềm vui khi nhận. Điều mà ông gọi là “biết yêu”.

Nếu không thì mình bị rơi vào tình trạng cô đơn trong ích kỷ. Thu mình lại, không biết đến người khác thì giống như mình ở trong chiếc lọ kín, cằn cỗi.

Mẹ nói triết lý trả lời tất cả mọi sự. Nhưng triết lý có biết cái ví tiền nhỏ con làm mất và con tìm mãi không ra không?

 Arthur, 7 tuổi

Ví tiền bị mất hay bị lạc đâu đó, mất nó là một bài học. Phải cẩn thận hơn để không bị mất lại. Khi ông còn nhỏ, ông đi bộ, ông đi quá giang xe hay ông đi xe đạp, ông giữ cái ví tiền nhỏ trong áo có sợi dây cột lại.

Bị mất, cái ví nhỏ này có thể mang hạnh phúc đến cho người chủ mới.

Bị lạc, thì có thể nó nằm đâu đó dưới ghế.

Dù sao cái ví tiền cũng có thể thay thế được. Buồn nhất là mình mất mẹ mình ở nghĩa trang hay mất lý lẽ để rồi vào nhà thương điên.

Vì sao chúng ta không chắc về mình?

Raphael, 6 tuổi

 

Phải kiêu ngạo hoặc tự đủ mới tin chắc về mình. Đó là trường hợp của những nhà độc tài hay những kẻ cuồng tín, những người nghĩ mình luôn có lý và sẵn sàng tuyên bố mình có lý như con gà trống gáy trên đống phân.

Về phần ông, từ khi còn rất nhỏ, ông luôn nghiêng về hoài nghi và bất an. Dù vậy ông cũng khẳng định được khi ông nói lên các xác quyết của ông, ông cởi mở với việc thay đổi ý kiến. Ông thích thảo luận hơn là gây gổ. Sự không tin chắc thúc đẩy chúng ta dò tìm, với tinh thần hiếu kỳ và ma lanh khắp mọi hướng.

Ở trường học, sau thời chiến tranh, một giáo sư nhắc cho ông: “Con phải bỏ giọng Đức trước khi chú tâm đến văn chương!” Lời nhận xét này đã làm cho ông bị thua kém, nhưng lại củng cố căn tính người Alsace của ông, làm cho nó mạnh hơn. Giáo sư này đã tin chắc vào ông! Và ông biết ơn giáo sư đã dạy cho ông thế nào là xuẩn ngốc và mù quáng.

Nhưng khổ thay không có gì làm cho chúng ta tin chắc, vì mọi người đều không thể nào có lý tất cả! 

Tại sao thỉnh thoảng con thấy con vô hình?

Anna, 5 tuổi

Là vì con cần không ai nhận ra mình. Vì bất an, vì rụt rè, vì sợ bị tìm ra, vì sợ bị túm lấy. Đây là một hình thức đào thoát, như khi mình núp trong một giấc mơ. Và cuối cùng thì tốt hơn là người duy nhất hữu hình trong thế giới vô hình! Chúng ta hình dung một trận bóng mà người chơi và quần chúng không ai nhận ra ai và người trọng tài là người duy nhất được thấy! Người trọng tài này cũng có thể là con.

Mình có phải tôn trọng người dữ không?

Gaby, 6 tuổi

Chúng ta luôn cố gắng quyến rũ họ để cố tìm một chút dễ thương ở họ, cái mà người ta gọi là có óc “thực tiễn”. Những người đểu cáng, những người hay càu nhàu, những ông ba bị tất cả đều rất nhạy cảm.

Ông đã kể câu chuyện của em bé Zeralda, người có khiếu nấu ăn, em làm những món ăn nhỏ, biến con quỷ ăn thịt người thành món ăn vùng quê, còn hơn là các em bé khác có thói quen ăn sống… ôi ghê thiệt!

Như thế phải tôn trọng mấy người dữ, không phải vì họ dữ mà vì họ sẽ là người dữ. 

Vì sao con không là ông và ông không là con?

Eurydice, 7 tuổi

Trong gia đình, ông là người nhỏ nhất. Mọi người đều chọc ông. Bị dồn quá, bị tức quá và để bảo vệ theo cách của mình, ông nói: “Quý vị, quý vị không phải là tôi!” Thế là ông bị mẹ, bị các anh chị chế nhạo, họ nhái lại: “Quý vị, quý vị không phải là tôi; quý vị, quý vị không phải là tôi!” Rồi họ phá lên cười làm ông tức điên lên.

Một ngày nọ, quá giận, ông chạy đến bà chị lớn hơn ông 9 tuổi, ông đập bà. Bà xỉu xuống, ông tưởng bà chết. Ông nghĩ ông đã giết bà, ông khóc, ông lay bà để bà sống lại. Thật là phép lạ, bà sống lại ngay, bà phá lên cười và nói: “Quý vị, quý vị không phải là tôi!”

Nhưng… may thay chúng ta tất cả đều khác nhau, mỗi người đều có một cái gì mà người khác không có! Nếu không đời sống sẽ trở thành nhàm chán.

Dù vậy, xã hội vẫn bị đóng băng thành từng nhóm, từng binh đoàn, từng tổ chức. Để chen nhau hàng đống trong các sân vận động thể thao, trong các buổi hòa nhạc rock hay trước thần tượng. Trong những trường hợp này, tất cả “tôi” đều thành “người khác.” Ông phải thú nhận, mấy loại tập họp đông đảo này ông không thích chút nào. Bởi vì ông là ông và tự do của ông là ông vẫn là ông. Hoan hô sự khác biệt, dù cho có mặt nạ, có thời trang, có đồng phục!

Phải đặt mình ở địa vị người khác để hiểu họ hơn và để hiểu mình hơn. Đó là điều mà ông gọi là “bạn-tôi”. Tất cả đều bằng nhau, tất cả đều khác nhau, đung đưa giữa cái tốt và cái xấu. 

Trích sách “Không trả lời có, cũng không trả lời không”, tác giả Tomi Ungerer. Nxb. l’écoles des loisirs.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm:

Súc vật

Tình bạn  

Tình yêu

Tiền bạc

Hành tinh và Vũ trụ

Trẻ con và người lớn 

Gia đình