Các em bé mà Giáo hội không muốn thấy
“Ngày mà tôi muốn ôm bà ngoại, bà lấy hai tay đẩy tôi ra, mẹ tôi cúi mặt xuống.” “Khi mẹ tôi mang thai, một tu sĩ đến dàn xếp để mẹ tôi làm đám cưới với một ông tài xế của giáo xứ.”
lemonde.fr, Faustine Vincent, 2018-11-29
Họ đi tìm gốc gác và đụng tới sự câm lặng của thể chế công giáo về một vấn đề cấm kỵ. Nhưng nhờ Internet, từ năm 2014 đã có một mạng lưới toàn cầu giúp họ làm công việc này.
Mẹ của cô giữ bí mật cho đến ngày bà qua đời. Dù có hỏi bà, có gây gỗ nhưng bà không bao giờ nói cho con gái mình biết cha của cô. Susan chỉ khám phá cách đây năm tháng nhờ thử nghiệm ADN. Bà Susan 56 tuổi người Úc chỉ biết khi nhận ra mình có gien di truyền với một gia đình khác mà danh tính không biết. Bà nói chuyện với dì của mình, bà dì nhảy dựng lên khi nghe một tên họ quen thuộc. Bà dì lớn tuổi kêu lên: “Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi!” Bà nhớ rõ người đã mang tên này, ông là người cố vấn cho gia đình khi bà còn nhỏ. Bà ngần ngại nhưng rồi bà cũng nói: “Đó là một linh mục công giáo.” Không thể tin được, Susan xem lại gia phả. Bà thở dài: “Đúng là ông”.
Người phụ nữ nhỏ con nồng hậu làm việc với người khuyết tật và vẫn còn sốc khi chúng tôi gặp bà vào một ngày thứ tư tháng 10 ở một thành phố miền bắc-tây Ai Len. Bà từ Úc qua để tìm gốc gác và xem miền đất của “gia đình bên cha”, ông cũng là người Úc nhưng ông bà nội người Ai Len.
Nước mắt lăn trên má khi bà Susan nói, bà lấy làm tiếc: “Đời tôi là sự dối trá. Tôi muốn người ta trả căn tính lại cho tôi.” Bà muốn biết chuyện gì xảy ra cho mẹ của bà, bà là một công nhân, bà đã hoảng sợ khi nghe tin con gái mình đi tìm cha. “Mẹ tôi im lặng hoàn toàn, tôi không biết như thế nào.” Từ năm tháng nay, Susan đi tìm gốc gác đời mình. Tất cả đan chéo với nhau, tê điếng, nhục nhã, buồn bã, giận dữ, mặc cảm tội lỗi… Bà chùi nước mắt nói: “Con của một linh mục, tôi không biết chuyện này có trên đời!” Ở trường học công giáo, trước căn nhà của bà ở vùng nông nghiệp Úc, bà biết các linh mục công giáo tuân thủ luật độc thân và không có quan hệ tình dục. Làm sao hình dung họ có thể có con?
Đàng thánh giá
Tuy vậy Susan không phải là trường hợp duy nhất. Khi tìm trên Internet, bà biết được nhóm con của các linh mục Coping International có trụ sở ở Ai Len. Susan liên lạc với họ và tìm được ở họ sự nâng đỡ chân tình. Bà kể: “Tôi nghĩ tôi là người duy nhất ở trong hoàn cảnh này, Ở Úc tôi không tìm ra một thông tin nào. Rồi tôi biết kể cho ai? Ai sẽ tin tôi?” Qua nhóm này, bà ngạc nhiên biết có những trường hợp tương tự như bà ở Ai Len, ở Mỹ, ở Pháp, Anh, Đức, Ba Lan, Kenya, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Ba Tây, Tân Tây Lan… Ở đâu có đạo công giáo thì ở đó có các linh mục có con. Bị xem là kết quả của tội lỗi và của vi phạm, các trẻ em được nuôi dạy trong nhục nhã và bí mật.
“Cha mẹ tôi hãi hùng nếu chuyện này bị lộ ra. Cha tôi sợ bị thuyên chuyển nếu giám mục biết chuyện này”
Vincent Doyle, nhà sáng lập tổ chức Coping International
Cho đến bây giờ chủ đề cấm kỵ bị các tai tiếng ấu dâm che khuất. Vấn đề ít được biết đến, Giáo hội tìm mọi cách để che lấp đứa con ‘quấy rầy’, chỉ bởi sự hiện diện của nó đã nói lên sự phản bội bậc sống độc thân, một luật lệ có từ thời Trung Cổ. Nhưng chiến thuật giữ bí mật này không còn giữ được với các kỹ thuật hiện đại. Nhờ Internet và nhờ các trang mạng xã hội, ngày nay, các người con của các linh mục tương trợ nhau, họ đi ra khỏi bóng tối và đòi hỏi Vatican phải biết sự hiện diện của họ. Đàng sau mạng xã hội được thành lập từ 4 năm nay là ông Vincent Doyle, người Ai Len 35 tuổi, nhà sáng lập tổ chức Coping International và chính ông là con của một linh mục, chuyên gia tâm lý, thần học gia, người giữ đạo sốt sắng. Quyết tâm làm cho các người con bị che giấu này có được tiếng nói, ông xem đây là sứ mạng đời mình. Một công việc như đi đàng thánh giá mà ông cương quyết đương đầu, đôi khi mất kiên nhẫn làm ông thiếu ngoại giao.
Vincent Doyle sống với vợ ở gần Knock, một Lộ Đức của Ai Len. Chúng tôi gặp ông một buổi chiều mùa thu trong một công viên vào giờ đi dạo hàng ngày của ông. Ông phẫn nộ: “Không ai nói đến con của các linh mục và Giáo hội cho rằng chúng không có. Đã đến lúc phải kết thúc sự im lặng tàn phá này. Là người công giáo chân thật phải đón nhận tất cả các trẻ em, không loại trừ em bé nào.”
Tuyệt vọng đi tìm thông tin
Tổ chức Coping International được thành lập năm 2014. Vào lúc đó, Vincent Doyle vừa khổ sở biết nguồn gốc của mình. Thời thơ ấu, ông ở làng quê gần Longford, cha mẹ ông làm cho ông tưởng linh mục đến thăm ông buổi chiều và cuối tuần là cha đỡ đầu của ông. Ông giữ các kỷ niệm đẹp những lúc ở bên cạnh ‘cha đỡ đầu’, được đi dạo, được cùng với cha xem loạt phim MacGyver trên đài truyền hình. Ông nhớ lại: “Cha tôi rất có duyên, có tài làm mê hoặc, tôi rất mê ông.” Năm 2011, 16 năm khi ‘cha đỡ đầu’ qua đời, khi nói chuyện với mẹ, ông mới hiểu đó là cha ruột của mình. Ông giải thích: “Cha mẹ tôi hãi hùng nếu chuyện này bị lộ ra. Cha tôi sợ bị thuyên chuyển nếu giám mục biết chuyện này.”
Biết được sự thật này làm cho ông nhẹ lòng. Ông hiểu lý do Giáo hội đã lôi cuốn ông: “Thật ra, qua Giáo hội, chính cha tôi là người tôi đi tìm.” Tin tưởng, ông trải lòng ra với một người trong gia đình. Phản ứng của họ như gáo nước lạnh. Người đó nói với tôi: “Anh phải im lặng và phải rời xứ. Vincent vẫn còn tức giận. Mệnh lệnh đưa ra có tác dụng ngược: ra lệnh ông phải im thì ông nói cho mọi người biết. Mẹ của ông hãi sợ nhưng bà để ông làm.Trang mạng Coping International được âm thầm đưa ra. Ý tưởng là để biết có bao nhiêu người tìm đến, qua trung gian nào và đến từ đâu. Trong vòng hai năm rưỡi ông thấy có 13 800 khách đến trang. Một vài tìm kiếm trên Google của các máy tính trên toàn thế giới lặp lui lặp tới là những câu: “Tôi mang thai với một linh mục công giáo”, “cha là linh mục công giáo”, “con của linh mục”. Ông Vincent Doyle cho biết: “Họ tuyệt vọng đi tìm thông tin.”
Ở Pháp, bà Anne-Marie Jarzac, 67 tuổi, con của một linh mục và một nữ tu, năm 2012, bà thành lập một hiệp hội riêng của mình, Những em bé của im lặng (Les Enfants du silence). Hội có trên năm mươi người tất cả, hàng năm họ họp nhau ở Lyon. Nhưng không có chuyện mời công khai: họ họp nhau ở một nơi kín đáo. Gánh nặng của bí mật và sợ bị lộ vẫn còn đè nặng nên hội phải rất cẩn thận. Ông Robert Jarzac, chồng của bà Anne-Marie và là thủ quỹ của hội cho biết việc này đôi khi cũng ngoài sức của ông. Ông đã về hưu, ông tiếp chúng tôi trong căn vườn của nhà hưu, không xa Grenoble, ông kể: “Phải giữ bí mật về tất cả, nhất là họ không muốn người ta biết họ, ô là là là! Ngay giữa chúng tôi người trong hội, chúng tôi gởi e-mail dưới dạng ẩn địa chỉ để không ai thấy tên! Cuối cùng là làm như trong tiểu thuyết gián điệp…”
Được nuôi dạy trong ‘không được nói’
Bà Anne-Marie ngồi bên cạnh, vừa cầm tay ông vừa cười. Bà chia sẻ sự bực mình của ông, nhưng bà hiểu các nỗi sợ này: “Chúng tôi được nuôi dạy trong ‘không được nói’. Đôi khi có một vài người thò đầu ra khỏi lồng nhưng rồi họ lại vào lồng ngay.” Cha mẹ ruột của bà đã rời Giáo hội sau khi sinh bà, bà luôn nghe căn dặn không được nói gì vì ở làng Franche-Comté của bà, “các lời đồn đại thì khủng khiếp”.
Có bao nhiêu con của linh mục trên thế giới? Không có một con số thông kê chính xác nào. Ước chừng có 4000 người nhưng con số này có thể cao hơn. Vì không có một con số chính xác, ông Vincent Doyle đưa ra một lý luận hợp lý: “Trên thế giới có 450 000 linh mục, có bao nhiêu linh mục tuân thủ luật độc thân? Và trong một ngàn năm? Dĩ nhiên có một số người có quan hệ tình dục và họ có con!” Ông cho biết trong số này, ông liên lạc với gần năm trăm trên khắp thế giới, ông giúp đỡ họ về mặt tâm lý, cho thông tin và giúp họ tiếp xúc với các giáo phận và với cha của họ.
Ông có thời khóa biểu làm việc mỗi ngày. 6 h 30 sáng ông vừa uống càphê vừa nghe Radio Vatican, xem có tuyên bố nào liên hệ đến vấn đề này. Sau đó ông qua văn phòng, cũng tại nhà, để làm việc trong tiếng nhạc gregorian, một loại nhạc “tạo cảm hứng và mở ra với vô thức” cho ông. Trao đổi không ngừng với con của các linh mục, với các đại diện giáo hội qua Facebook, WhatsApp, Skype, e-mail và điện thoại. Múi giờ thế giới là đồng hồ của ông: “Sáng ở Úc, trưa ở Rôma, chiều ở Mỹ”, nếu gặp vấn đề ngôn ngữ thì nhờ các dữ liệu phiên dịch.
”Hồi đó tôi là người bị ruồng bỏ”
Thinh lặng chỉ đến khi chiều đến, khi ông dắt hai con chó đi dạo. Giây phút quý báu sau khi nói chuyện cả ngày và thấm vào lòng những lời thổ lộ hung bạo. Ông cho biết: “Công việc này đòi hỏi phải bình thản vô cùng. Vì những gì họ sống thật nặng nề…” Những người mà người cha rời Giáo hội khi họ sinh thì khá hơn những người khác. Nhưng dù họ ở bất cứ nước nào, họ cũng bị đóng dấu và bị ruồng bỏ. Bị chế nhạo, bị sỉ nhục, bị khinh thường, có người còn bị cho là “con của quỷ” và bị tránh như tránh dịch. Chẳng hạn bà Marie, 45 tuổi, một kỹ sư người Pháp, lần đầu tiên bà chịu thổ lộ. Khi còn nhỏ, gia đình bà là gia đình trưởng giả công giáo ở một thành phố lớn, tại đây người ta không chịu được sự hiện diện của bà. Bà kể: “Dưới mắt họ, họ không chấp nhận bà là con của một linh mục. Tôi không được lộ ra, không được tồn tại. Tôi bị cấm không được có bạn, không có sinh hoạt, ngay cả đến thăm ông bà ngoại cũng không được. Tôi là người bị ruồng bỏ.”
Bà còn nhớ ngày bà muốn ôm bà ngoại: “Bà lấy hai tay đẩy tôi ra, mẹ tôi cúi mặt xuống.” Bà chỉ hiểu sau 30 tuổi khi bà biết được cha ruột mình là ai. Bây giờ cũng vậy, bà không dám nói vì sợ bị xét đoán. Đau lòng, bà nhắc lại một chuyện hiển nhiên: “Tôi, tôi không đòi gì! tôi ở đây, thế thôi.” Không một người con của linh mục nào muốn mình là con của linh mục. Cảm nhận bất công ở tận đáy sâu tâm hồn họ.
Rất nhiều người tố cáo “lời nói hai mặt của Giáo hội”, một mặt Giáo hội có thể ca ngợi tình yêu, gia đình, tinh thần cởi mở nhưng mặt khác lại đối xử tệ với chính con cái của mình. Vì sự ruồng bỏ là từ chính người cha ruột, một thái độ được thể chế khuyến khích để tránh tai tiếng. Trong các trường hợp này, việc đi tìm cha trở thành một ám ảnh. Như trường hợp của anh Gerald Erebon, 29 tuổi người Kenya. Từ mười năm nay anh đi tìm một linh mục người Ý mà anh nói là cha của anh, nhưng linh mục này không nhận anh. Anh kể câu chuyện của anh cho chúng tôi nghe qua lời kêu gọi trên video từ một chủng viện ở Nairobi, nơi anh làm việc để có tiền trả tiền học.
Mua im lặng của các bà mẹ
Mẹ của anh là người nấu bếp trong giáo xứ của linh mục đương sự ở miền bắc Kenya. Anh cho biết: “Khi bà mang thai, một tu sĩ khác đến dàn xếp để làm đám cưới cho bà với tài xế người Kenya của giáo xứ, mục đích là để che giấu tôi.” Nhưng màu da của anh không che được, vì thời đó chỉ có người trong Giáo hội mới da trắng. Ở trường, các học sinh khác hạch sách anh, gọi anh là “thằng da trắng, thằng con hoang, thằng con của linh mục”. Đó là những lời sỉ nhục, Gerald lúng túng, nhưng anh cam chịu bị nhục nhã.
Năm 2011 sau khi mẹ anh qua đời, anh tìm được dấu vết của người cha ruột khi xem niên giám của chủng viện và biết ông vẫn còn ở Kenya. Anh gởi cho ông một lá thư nhưng ông không trả lời. Rồi một đêm tháng 6 năm 2013, anh đi suốt đêm để đến gặp ông. Nhưng khi đến nơi thì anh vỡ mộng. Ông sắp về hưu và hét lên đuổi anh về. Anh nói: “Ông không để cho tôi nói với ông. Ông tố cáo tôi muốn làm nhục danh tiếng của ông và muốn tống tiền. Nhưng tôi không cần gì hết! Tất cả những gì tôi muốn là tôi nói chuyện với ông và ông phải xin lỗi tôi. Ông nợ tôi điều đó.” Mất định hướng, anh quyết định lật qua trang khác, không nghĩ đến nữa. “Nhưng mỗi lần vậy, câu chuyện này lại ám ảnh tôi.” Anh cũng tìm trên Google “cha là linh mục công giáo.” Cũng như cô Susan, bây giờ anh thuộc thành phần của cộng đoàn các đứa con bị tổn thương mà Giáo hội chận không muốn thấy.
Dù vậy, thể chế biết rõ vấn đề này và đã cố sức che đậy sự hiện diện của họ. Trước hết bằng cách mua sự im lặng của bà mẹ. Đứng trước các đứa con ngoài ý muốn này, Giáo hội thường đặt các thỏa thuận bảo mật, dự trù trả một số tiền hàng tháng để nuôi con với điều kiện phải giữ bí mật về người cha. Nói miệng, các đại diện giáo hội biết thuyết phục, có khi dùng đến biện pháp đe dọa. Ở Anh, một bà mẹ bị cảnh cáo: “Nếu nói ra thì sẽ không có tiền.” Các phụ nữ lại còn bị đối xử tệ, bị cho là người đi cám dỗ linh mục phạm tội.
Thuyên chuyển các linh mục
Các thỏa thuận bảo mật được phổ biến đến mức còn được chính thức bằng văn kiện viết. Báo Le Monde đã có thể có được tài liệu này. Tài liệu rất đặc biệt này được ký ngày 20 tháng 1 năm 1987 tại Mỹ giữa bà Patricia Halbach và Dòng Phanxicô, Dòng của cha đứa bé Nathan mới sinh một tháng. Thỏa thuận dự trù trả 350 đôla mỗi tháng cho đến khi em bé được 18 tuổi. Câu cuối ghi rõ: “Tất cả mọi tiết lộ thỏa thuận này, Dòng Phanxicô sẽ bải bỏ thỏa thuận này ngay lập tức.”
Để tránh mọi tiếp xúc giữa người cha và người con, Giáo hội áp dụng phương pháp họ quen làm, như đã làm trong các trường hợp ấu dâm hay các quan hệ vụng trộm; thuyên chuyển các linh mục. Vì thế, 8 tháng sau khi sinh Nathan, linh mục cha đứa bé được thuyên chuyển đến một giáo phận khác. Bốn năm sau, khi người mẹ vẫn muốn tiếp xúc với linh mục, bà chỉ có một câu trả lời duy nhất phải nhớ luật: Linh mục ‘cho biết rõ ràng, ông không muốn gặp Nathan’, một quyết định mà các bề trên của cha chấp nhận, cho rằng điều này “sẽ không có lợi cho ai”. Bà Patricia 62 tuổi sống ở Missouri. Ngoài một vài lần rất hiếm được gặp cha theo lời yêu cầu của đứa bé, đứa bé lớn lên không cha.
Năm 2006, khi Nathan bị ung thư não, bà Patricia xin Dòng giúp đỡ vì lợi tức của bà không đủ trả chi phí bệnh viện. Mới đầu họ trả lời là được… nhưng sau đó là không. Bà nhớ lại: “Họ thay đổi ý kiến, họ giải thích cho tôi biết họ không có trách nhiệm trên cuộc đời của Nathan”.. Nathan chiến đấu với căn bệnh ung thư trong vòng ba năm. Anh xin gặp cha lần cuối nhưng không được. Năm 2009, anh qua đời khi 22 tuổi. Báo Le Monde có xin gặp cha Michael Perry, bề trên Dòng Phanxicô người đã ký giấy thỏa thuận năm 1987, nhưng cha không trả lời. Tuy nhiên cuối cùng, ngày 5 tháng 11, cha chấp nhận sẽ thảo luận với tổ chức Coping International mà bà Patricia đã liên lạc để xin họ “tiếp tục làm phát ngôn viên cho con của bà, bà không muốn trường hợp con mình bị rơi vào thinh lặng”. Bà rất giao động và đau buồn: “Tất cả những chuyện này phải chấm dứt . Phương tiện duy nhất là Giáo hội phải nghe họ và xin lỗi để nỗi đau được ra đi.”
Bị ép buộc cho con nuôi
Ngoài các thỏa thuận bảo mật và thuyên chuyển linh mục, để làm biến mất con của các linh mục, Giáo hội còn dùng một phương tiện còn đi xa hơn, tuy ít được biết nhưng thường trở đi trở lại trong các chứng từ mà báo Le Monde thu thập ở Pháp cũng như ở các nước khác: ép buộc cho con nuôi. Bà Sarah Thomas người Anh 40 tuổi khẳng định: “Đây là cách làm bí mật nhưng rất thịnh hành. Rất nhiều phụ nữ bị buộc phải cho con nuôi”, từ hai năm nay bà Thomas làm luận án đầu tiên về các em bé này ở Open University, Luân Đôn. Bà cũng là con của một linh mục, bà dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn với hàng trăm người: con của các linh mục, các bà mẹ, các tu sĩ. Theo bà, “cách này vẫn tiếp tục làm ở nhiều nước, giúp cho Giáo hội giảm thiểu được tai tiếng”. Khi tách đứa bé ra khỏi cha mẹ thì thể chế giữ được luật độc thân và danh tiếng của mình. Với các thử nghiệm ADN, thì bí mật không còn là bí mật. Nhờ kỹ thuật này, từ từ các em bé được nhận làm con nuôi sẽ biết được cha ruột mình là linh mục.
“Chúng ta chỉ thấy phần trên của tảng băng. Nếu Giáo hội bắt đầu tìm kiếm, họ sẽ thấy cả hàng ngàn và hàng ngàn”
Bà Sarah Thomas, làm luận án ở Open University, Luân Đôn
Dù gặp áp lực, nhiều bà mẹ không muốn bỏ con mình. Như bà Susan người Úc là một. Vào thời đó, năm 1962, tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng: sinh ở một Bang khác, các chi phí đã chuẩn bị… Nhưng giờ chót không thành. Bà mở điện thoại ra, bà chỉ tấm hình giấy khai sinh ở bệnh viện. Tờ giấy đã vàng nhưng chữ viết tay ghi rõ ở dưới: “Em bé sẽ được cho để làm con nuôi”. Bà cho biết: “Mẹ tôi quyết định giữ tôi lại. Bây giờ tôi mới ý thức được sự can đảm của bà.” Bà lướt qua các tấm hình khác, đến tấm hình đen trắng của người đàn ông trẻ vui vẻ, mặc áo sơ-mi nhà tu. “Đây là cha tôi.” Bà lấy tấm hình ở báo địa phương, họ có bài báo khi cha chịu chức. Bên dưới là tấm hình của em bé gái tóc xoắn. “Tôi giống cái mũi đúng không? Và cả cái miệng.” Việc nhận diện qua sự… giống nhau.
Đối với bà Susan thì việc biết cha ruột mình quá trễ. Người trong hình đã qua đời gần ba mươi năm nay. Đầu tháng 10, bà đến thăm mộ ông ở Úc. Ngày hôm đó các câu hỏi xoáy trong đầu tôi: “Có phải cha thật sự muốn bỏ con không? Người ta bắt cha bỏ? Cha cảm nhận gì? Tôi có rất nhiều câu hỏi. Và không bao giờ có câu trả lời.” Bà chùi nước mắt. Bây giờ bà hy vọng tiếp xúc được với giáo phận của cha mình. bà quyết tâm: “Tôi muốn Giáo hội biết tôi là con của một linh mục.” Để làm được việc này bà nhờ ông Vincent Doyle giúp đỡ.
Luật độc thân bắt buộc. Giáo hội chưa bao giờ quy định một tiến trình phải theo khi linh mục có con trong đời sống chức thánh của mình. Tháng 5 năm 2017, Hội đồng giám mục Ai Len đã có một bước tiến lịch sử khi công bố các đường hướng phải theo, khẳng định cần thiết là phải “đảm nhận trách nhiệm cá nhân, pháp lý, đạo đức và tài chánh”, nhưng không bắt họ phải rời sứ vụ. Một quan điểm chưa từng có mà ông Vincent Doyle hy vọng đây sẽ là vết dầu loang.
Vấn đề thừa kế
Vấn đề vẫn còn xa mờ vì chủ đề vẫn còn là chủ đề cấm kỵ. Chúng tôi xin có bài phỏng vấn với hội đồng giám mục Pháp nhưng Hội đồng từ chối. Hội đồng chỉ trả lời qua điện thư, rằng vấn đề “được giải quyết từng trường hợp một và bây giờ Hội đồng chưa làm việc đến hồ sơ này”. Số phận của các con của linh mục vẫn còn khắc nghiệt nên Ủy ban Liên Hiệp Quốc bảo vệ quyền Trẻ em lần đầu tiên đã đưa ra báo động trong bản báo cáo được công bố năm 2014. Hội đồng cho biết “lo lắng” về tình trạng của “nhiều trường hợp không biết tính danh cha là ai”. Hội đồng không nêu lên các trường hợp cưỡng bức cho con nuôi nhưng tố cáo các thỏa thuận bảo mật và kêu gọi Vatican phải chấm dứt việc này. Phần báo cáo này, chỉ trích việc Giáo hội xử lý các vụ ấu dâm đã không được chú ý đến. Ủy ban ra hạn cho Vatican đến ngày 1 tháng 9 năm 2017 phải báo cáo các biện pháp đã được thực hiện. Nhưng họ chưa nhận được câu trả lời.
Im lặng vẫn tiếp tục. Vatican không bao giờ có một lời hay cử chỉ nào đối với các ông, các phụ nữ này. Năm 2014 chủ đề được nêu lên khi Vatican thành lập Hội đồng giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên để chống lại các lạm dụng tình dục, nói rộng ra là để bảo vệ trẻ em. Nhưng Hồng y chủ tịch Sean O’Malley cuối cùng đã bác bỏ.
Tuy nhiên vấn đề lại được nêu lên trong lần họp cuối của Hội đồng. Ngày 5 tháng 9, trong bức thư gởi cho Coping International, hội đồng bảo đảm các thành viên của hội “ý thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề” và hứa sẽ nghiên cứu cách để ứng phó. Được báo Le Monde hỏi về các thỏa thuận bảo mật và các trường hợp cưỡng bức cho con nuôi, ông Neville Owen, người ký bức thư, không bình luận về vấn đề này, ông cho biết mình được giao nhiệm vụ “thu thập thông tin để đưa cho ủy ban lên chương trình hành động”. Tiến trình còn rụt rè. Ông Vincent Doyle, người cố vấn cho ủy ban giáo hoàng về vấn đề này vẫn bám vào hy vọng. Ông biện hộ: “Chúng ta hãy cho họ một cơ hội”.
Nhưng nhiều người con của các linh mục thí ít có ảo tưởng. Công nhận sự tồn tại của họ là có bất trắc đặt lại vấn đề độc thân của linh mục. Vượt lên khó khăn để cắt đứt truyền thống có cả hàng ngàn năm, quyết định này tốn kém cho Giáo hội. Luật này – không phải là giáo điều và chỉ có Giáo hội công giáo la mã là giáo hội duy nhất áp dụng – được đặt ra là để tránh sự phân tán tài sản của giáo hội trong quá trình thừa kế. Chấm dứt nó là trở lại vấn đề mất của cải này. Thể chế dè chừng những gì người ta có thể đòi mình. Ông Robert Jarzac bực mình tóm tắt: “Họ chỉ sợ một chuyện: người ta đòi họ tiền!” Bây giờ chờ xem Giáo hội để ra bao nhiêu thời gian để phủ nhận sự hiện diện của họ. Bà Sarah Thomas tin chắc: “Chúng ta chỉ thấy phần trên của tảng băng. Nếu Giáo hội bắt đầu tìm kiếm, họ sẽ thấy cả hàng ngàn và hàng ngàn”. Từ nhiều tháng nay, Đức Phanxicô luôn nhận mình “xấu hổ” vì các vụ ấu dâm và xin lỗi. Có lẽ một ngày nào đó ngài cũng làm như vậy với các em bé bị giấu kín này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Vatican muốn giải quyết vấn đề tế nhị của các em bé sinh ra trong quan hệ với một linh mục