Wim Wenders: “Tôi có cảm tưởng như tôi là tín hữu kitô đại kết”

92

Wim Wenders: “Tôi có cảm tưởng như tôi là tín hữu kitô đại kết”

Điện ảnh gia Wim Wenders là tác giả cuốn phim tài liệu về Đức Phanxicô

cath.ch, Sarah Stutte,Raphael Zbinden, 2018-11-29

Điện ảnh gia người Đức Wim Wenders là khách mời danh dự của Liên hoan phim Zurich năm 2018. Ông là tác giả cuốn phim tài liệu về Đức Phanxicô, ông nói về đức tin của ông, niềm đam mê điện ảnh và cuộc gặp với Đức Phanxicô.

Khi còn trẻ, ông muốn làm linh mục. Vì sao ông không đi đến cùng uước muốn này?

Ước muốn này bốc hơi một cách phủ phàng khi nhạc rock’n roll đột chiếm vào đời tôi. Quả âm nhạc là một cám dỗ rất lớn và tôi nhẹ nhàng rơi vào cám dỗ này.

Đó là đầu những năm 1960 với Beatles và Bob Dylan. Đó là thế hệ của tôi như bài hát Who đã hát lên. Với thế hệ này, cũng như tôi, thế hệ muốn cái gì cho chính mình. Tuy nhiên tôi không phải là người vô thần. Tôi rời Giáo hội công giáo vì tôi học xã hội học năm 1968. Nhưng vào cuối những năm 1980, tôi vào lại kitô giáo bằng một cánh cửa khác, tôi trở lại đạo tin lành.

Tại sao?

Vì tôi tin ở Chúa. Tôi không tin ở Giáo hội. Tôi cảm thấy tôi là tín hữu kitô đại kết. Tôn giáo có tính hệ thống kéo theo nhiều vấn đề và ngăn nhiều người có quan hệ mật thiết với Chúa.

Ông có nghĩ phim ảnh cũng là một Giáo hội?

Phim ảnh có nhiều chức năng và đó là một dụng cụ cực mạnh. Cũng như nhiều chuyện khác, nó cũng có thể là một Giáo hội. Trong quá khứ, nó thường là như vậy. Tôi ngưỡng phục các điện ảnh gia làm các phim mang tính cách rất tâm linh. Các điện ảnh gia như Danois Carl Theodor Dryer, như Robert Bresson người Pháp hay như điện ảnh gia liên-xô Andrei Arsenievitch Tarkovski. 

“Cuộc gặp với Đức Phanxicô đã thay đổi thái độ nội tâm của tôi”

Ngày nay các phim có đủ loại và nói đủ chuyện. Và đó là điều các điện ảnh gia phải làm. Nhưng một cách kỳ lạ và tôi rất buồn, định nghĩa phim ảnh bây giờ hạn chế hơn bao giờ hết. Càng ngày phim ảnh chỉ còn là giải trí. Nhưng phim ảnh còn có thể hơn thế. Bởi vì nó có thể nói với chúng ta, chúng ta có thể là những người tốt hơn và đôi khi cho chúng ta thấy có một thế giới tốt hơn.

Ông đã phỏng vấn Đức Phanxicô trong vòng 8 giờ. Xin ông cho biết ấn tượng của ông?

Ngài nói đến tất cả. Ngài không chỉ nói với người công giáo hay với tín hữu kitô giáo. Ngài không phải là người triệt để, nhưng là người thân tình và bình thản. Tôi nghĩ Giáo hoàng Phanxicô không đại diện cho Giáo hội mà cho những người có thiện tâm. Ngài cố gắng làm tăng trưởng hòa bình giữa các tôn giáo, vì cuối cùng, chẳng bao giờ có một hòa bình lớn giữa các tôn giáo. Đó là một công việc khổng lồ ngài cố gắng hoàn thiện. Ngài đến nơi nào có đau khổ và ngài thật can đảm.

Làm thế nào cuộc gặp với Đức Giáo hoàng lại có tác động trên đức tin của ông?

Cuộc gặp đã thay đổi thái độ nội tâm của tôi, tôi nhận ra ngài không sợ. Không những ngài can đảm, nhưng ngài thật gan dạ. Tôi để ý một số phim của tôi làm mang động lực thôi thúc bởi sợ. Ngài dạy cho tôi phải gan dạ hơn. 

Ông nghĩ gì về các lời chỉ trích chống Đức Phanxicô?

Đức Phanxicô là người có tinh thần cởi mở không thể tưởng tượng được. Khi ngài nói về ấu dâm, ngài thật sự muốn nói không nhân nhượng. Ngài muốn biến đổi thể chế cứng ngắc thành một thể chế minh bạch. Một phần lớn Giáo hội chống minh bạch và cởi mở. Rất nhiều người chỉ trích ngài là những người không thích đường lối chính trị của ngài trước khi ngài là giáo hoàng.

“Thách thức lớn của thời chúng ta là nhận thức lại các chuyện, các người chung quanh chúng ta”

Tôi nghĩ chúng ta ở trọng tâm của một cuộc chiến lớn. Một cuộc đấu tranh của những người không muốn Giáo hội mà Đức Phanxicô đại diện có tinh thần cởi mở và dịu dàng. Họ cứng ngắc trong các quan điểm của họ, một mặt ngài rất khó đấu tranh chống các thế lực bảo thủ trong chính hàng ngũ của mình, mặt khác chống với giới tự cho là tiến bộ.

Đâu là tác động lời của giáo hoàng với thời buổi chúng ta?

Một trong các sứ mạng chính của ngài là gần với giáo dân, tiếp xúc với giáo dân. Sự gần gũi trở thành một cái gì xa hoa trong thế giới ngày nay. Trong trọn cuộc phỏng vấn, một trong các chuyện lớn mà Đức Phanxicô nói lại là những chuyện rất khiêm tốn. Khi ngài giải tội cho người cha, người mẹ trẻ, ngài hỏi họ có bỏ thì giờ chơi với con cái đủ không.

Và đúng vậy, rất nhiều cha mẹ trẻ từ sáng đến tối không thấy con. Lý do là với sự xâm chiếm quá độ của “kỹ thuật số” đã nhận chìm chúng ta ngày đêm! Tin tức tràn ngập và chúng ta luôn có cái gì phải làm ngay lập tức. Sự lệ thuộc của chúng ta vào kỹ thuật số làm chúng ta bị cô lập và không biết gần gũi là gì. Sự cần thiết phải biết người khác, bỏ thì giờ ra với họ không còn. Tôi không biết nếu giáo hoàng có thể thay đổi được chuyện này. Nhưng thách thức lớn của thời chúng ta là nhận thức lại các chuyện, các người chung quanh chúng ta.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Wim Wenders: “Lòng can đảm của Đức Phanxicô làm lây lan”

Vì sao xem phim về Đức Phanxicô?

Wim Wenders: “Tôi rụt rè trước giáo hoàng”