Véronique Lévy: Thiên Chúa có nói với chúng ta qua giấc mộng không?
Giấc mộng ông Giacóp thấy cái thang bắt lên trời có thiên thần đi lên đi xuống
Véronique Lévy, tác giả quyển Xin cho con thấy nhan Chúa và Thờ phượng (Montre-moi ton visage và Adoration, Cerf), trả lời các câu hỏi của nhà báo Sophie de Villeneuve trong chương trình Ngàn câu hỏi về Đức tin của đài Notre-Dame.
croire.la-croix.com, Sophie de Villeneuve, 2016-11
Chúa có nói với chúng ta qua giấc mơ không?
Cả phần đầu Cựu Ước đầy cả giấc mộng, giấc mộng của ông Giacóp thấy cái thang bắt lên trời, các thiên thần đi lên đi xuống, tiên tri Samuen khi còn nhỏ đêm nào cũng tỉnh dậy vì nghe tiếng Chúa, Thánh Giuse nằm mơ thấy thiên thần đến báo cho mình phải đưa Đức Mẹ đi trốn… Trong giấc mơ, Chúa cho chúng ta biết Ngài, Chúa đến với chúng ta. Có thể khi chúng ta ngủ, tâm hồn chúng ta lắng nghe Chúa sâu đậm hơn, vì tất cả các giao động bên ngoài cũng ngủ và Chúa có thể mở quả tim ra, như khi Ngài làm cho ông Ađam ngủ sâu để nhẹ nhàng lấy xương sườn của ông dựng nên bà Eva.
Cô nói Chúa cho chúng ta biết Ngài. Chính cô cũng được biết như vậy?
Đây không phải biết về mặt trí tuệ tách ra khỏi trái tim, hiểu theo hoạt động và tin ở sức mình. Đây là biết của trái tim, của tình yêu. Trong Thánh Kinh, động từ biết được dùng để nói lên một kết hợp mật thiết hơn, kết hợp của người đàn ông, đàn bà trong hành động yêu thương và tạo dựng. Động từ biết nói đến một kết hiệp sâu đậm hơn là biết về mặt tri thức.
Các giấc mộng là cách Chúa đến với chúng ta, kết hợp với chúng ta bằng tình yêu?
Đúng, đến với chúng ta trong mật thiết, trong các tổn thương, trong các mong manh, trong các nỗi sợ, khi mà trí óc đang trông và khi Chúa có thể trải rộng và rạng tỏa ra. Tôi có rất nhiều giấc mộng tôi kể trong quyển sách đầu và tôi chuyển qua lời cầu nguyện, qua thơ trong quyển thứ nhì. Khi còn rất nhỏ, tôi có giấc mơ trong đó tôi bị nhiều người đàn ông vây bủa, tôi ở trong tình trạng rất nguy hiểm. Tôi chạy, tôi ngã vật xuống kiệt sức. Tôi ngẫng mắt nhìn, tôi đứng trước nhà thờ chính tòa cửa đang mở, tôi vào núp và tôi nghe tim tôi đập rung tất cả tường của nhà thờ. Tôi ngẫng mắt lên nhìn lại, tôi thấy Chúa Kitô ở trên cây thập giá khổng lồ, hai tay giang đến vô tận, Ngài nói với tôi, nhịp tim vẫn còn vang lên: “Mong cho quả tim bằng đá của con thành quả tim bằng thịt”. Ngài đưa hai tay hướng về tôi mà lòng bàn tay bị hai lưỡi gươm xuyên qua và lưỡi lam đâm thấu tim tôi. Với tôi, đó là giấc mộng có tính ngôn sứ. Khi tôi ở tuổi vị thành niên, tôi không đến nhà thờ dù tôi có cô bạn nói với tôi về Chúa Giêsu. Tôi không bao giờ nghe câu mà Chúa Giêsu nói với tôi trong giấc mộng. Cha mẹ tôi là người do thái nhưng không giữ đạo. Tôi không có quyển Thánh Kinh ở nhà. Mấy năm sau khi học giáo lý, tôi mới biết câu này. Đó là câu của tiên trì Êdêkien loan báo phép rửa tội.
Như thế cô hiểu giấc mơ này theo ánh sáng của các đoạn trong Sách Thánh…
Ngay lúc đó tôi cảm nhận có một cái gì lạ lùng và như có phép lạ. Và nhất là một gặp gỡ, một thăm viếng, một kết hợp sâu đậm mà tôi không bao giờ quên được. Khi tỉnh dậy, tôi cảm nhận có một tình yêu sâu đậm, một tình yêu tôi đã đi tìm từ cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác mà tôi không tìm ra. Tôi đi tìm khuôn mặt của tình yêu này mà tôi không thấy qua những người đàn ông, dù tôi rất yêu họ vì đó là khuôn mặt của một Người Khác, khuôn mặt của của Chúa, Đấng quật quã cái chết.
Như vậy các giấc mộng trong Thánh Kinh không phải là những câu chuyện dựng lên, những chuyện này có thể đến với chúng ta như đã đến với cô.
Và nó đã đến với nhiều người, nhất là khi trở lại từ đạo này qua đạo kia, khi Chúa thể hiện một cách mạnh hơn. Trong giấc mơ của tôi, ngài đã thật sự túm lấy tôi. Ngài mở quả tim tôi như trong cuộc giải phẫu mổ tim mở. Trong một thánh vịnh, Chúa có nói: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê”. Quả tim tan nát là quả tim mở ra. Chúa muốn quả tim tôi, quả tim chúng ta. Rất nhiều người viết thư cho tôi, họ nói họ có các giấc mơ Chúa đến với họ, nhưng họ sợ bị cho là điên nên không dám kể. Chúng ta sống trong một thế giới vật chất và thực dụng, dùng lý lẽ giải thích mọi chuyện. Đức tin và lý lẽ không xung khắc nhau, nhưng tất cả không thể giải thích được. Phải dành chỗ cho huyền bí, cho vô tận của Chúa, các tư tưởng của Ngài thì xa các tư tưởng của chúng ta như “phương Đông xa phương Tây”.
Cô nói các giấc mộng này thường xảy ra nhiều hơn khi trở lại…
Giống như thử Chúa dùng các phương tiện lớn hơn. Như Ngài muốn hoàn toàn chinh phục một tâm hồn. Trong suốt cuộc đời tôi, sự quan phòng của Chúa đi trước việc tôi trở lại, nhất là với cô bạn nhỏ nói với tôi về Chúa khi tôi còn nhỏ, sau đó là các sự kiện tiếp theo. Giấc mơ này đến với tôi luc tôi mất định hướng, lúc tôi lang thang, lúc tôi đi lạc và Chúa đã kéo tôi ra. Tiên tri Hôsê đã nói: “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.” Đúng là như vậy. Phải nói đến khao khát như Thánh Âugutinô đã nói: “Ước gì lời cầu nguyện của con là khao khát, ước gì khao khát của con là lời cầu nguyện”. Chúng ta thường quên chiều kích dục lực (eros) trong đức tin. Dĩ nhiên cũng có đức ái (agapè) nhưng cũng có ước muốn, có khao khát Chúa, một khao khát không hiểu theo khái niệm tình cảm nhưng nó trụ trong tim, trong dạ.
Nhưng cô có lòng khát khao Chúa này từ lâu.
Khi tôi còn rất nhỏ, tôi xoay vòng vòng và nói: “Con yêu đời đến điên cuồng”. Tôi tưởng tượng mình đang nói với ai, tôi chưa biết người đó, trước khi cô bạn nói với tôi về Chúa Giêsu. Đấng là đường, là sự thật, là chân lý!
Rồi cô làm cho giấc mơ này thành một cái gì được hoàn tựu trong việc đi tìm của cô?
Không, chưa. Giấc mơ này là một loan báo, một sứ ngôn, và nhất là một ký ức sống trong thịt da, trong quả tim tôi, như một dấu in, dấu ấn của Chúa. Đúng, vào chính lúc đó, Ngài đã túm lấy cuộc đời tôi.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Có nên tin vào phép lạ?