Véronique Lévy, tác giả quyển Xin cho con thấy nhan Chúa (Montre-moi ton visage, Cerf) chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng của mình và trả lời các câu hỏi của nữ nhà báo Sophie de Villeneuve trong chương trình “Ngàn câu hỏi về đức tin” trên đài Radio Notre-Dame.
croire.la-croix.com, Sophie de Villeneuve, 2017-02-09
Sophie de Villeneuve: Một cư dân mạng hỏi có nên tin vào phép lạ không? Có thể hy vọng vào phép lạ không?
Véronique Lévy: Dĩ nhiên là nên hy vọng vào phép lạ. Nhưng trước hết phải gắn bó với Chúa. Theo tôi, phép lạ đầu tiên là sự xuất hiện đời sống. Trước hết là nhận ơn của sự sống và phải tôn trọng nó. Quyển sách đầu tiên của sách Sáng Thế nói sự sống là tốt, thậm chí là rất tốt. Cùng với Thánh Gioan-Phaolô II trong Thông điệp Sự sống (Humanae Vitae), tôi nghĩ ngay khi bộ gien đơn bội xuất hiện là tâm hồn đã được thổi vào. Phép lạ đầu tiên, đó là sự hiện diện của Chúa trong chúng ta, ở trọng tâm các tế bào của chúng ta. Và tôi nghĩ, trong suốt cuộc đời chúng ta, chúng ta có ký ức này về Ngài, dấu ấn của chúng ta, như nụ hôn của tình yêu.
Nhưng có thể chúng ta thường nghe chữ phép lạ theo nghĩa đó là điều tuyệt vời: được chữa lành ngay lập tức, có một cuộc gặp gỡ phi thường ngoài mong ước của mình, và có quyết định dứt khoát trên cuộc đời mình… Một dấu chỉ của Chúa quan phòng.
Đúng vậy, với tôi, có một phép lạ thứ nhì trong sự hiện diện của Chúa, vẽ ra như con đường có cát hạt sỏi trắng nhỏ, có đường chỉ đỏ các thử thách mà đôi khi như để thanh lọc chúng ta như lọ vàng, để tháp tùng chúng ta. Có những lúc bức tranh ráp được cấu trúc lại và làm cho chúng ta nhận thấy các dấu chỉ này. Khi đó chúng ta hiểu Chúa luôn ở đó, bao phủ chúng ta bằng tình yêu của Ngài. Dù đó là người ít được mong muốn, ít được yêu thương thì cũng được tình yêu Chúa bao phủ. Trong sách tiên tri Isaia kể chuyện một em bé bị bỏ rơi ngoài cánh đồng, đắm trong máu, cuống rốn bị cắt lìa. Chúa đến bao phủ em bé bằng áo măng-tô của Ngài, rửa sạch và mặc áo cho em. Câu chuyện này nhắc đến phép lạ của phép rửa tội, giúp chúng ta được thấm vào nhiệm thể Chúa Kitô, vào Giáo hội, làm cho hòn đá sống là chúng ta bước vào cuộc thai nghén lần thứ nhì để vào Nước Trời. Theo tôi, rửa tội là một phép lạ, vì tôi xuất thân từ một gia đình do thái, nên tôi so sánh gia đình này như một lâu đài in hằn bởi các sự kiện đau đớn. Đó là giao ước thứ nhất được hoàn thiện nơi giao ước thứ nhì, Chúa Kitô đến để hoàn thiện lời của Sách Thánh và để hoàn thiện đời sống chúng ta, đó là phép lạ. Và cuối cùng, Thập giá là phép lạ. Với nhiều người, Thập giá là chuyện chướng khí, nhưng Thánh Phaolô nói “điều mà người do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ” vẫn còn đúng cho ngày nay. Các người vô thần và các người thuộc tôn giáo khác tôi quen, họ cho đây là hình thức thống khổ. Nhưng thực tế Thập giá là con đường nối kết Chúa Kitô với nhân loại.
Và đối với cô, đó là phép lạ?
Đương nhiên. vì Ngài dệt lại sợi dây đã bị tội nguyên tổ làm đứt. Ngài mặc cho mình đau khổ của chúng ta và biến đổi nó. Từ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, không còn một đau khổ nào là trở ngại. Ngài đã mở đau khổ ra. Chúng ta có thể kết hợp với Ngài trong đau khổ, để rồi đau khổ thành nhẹ hơn.
Cô cảm nhận đau khổ này được nhẹ đi?
Tôi cảm nhận điều này khi cha và mẹ tôi qua đời, đó là thử thách cay nghiệt đối với tôi. Một trong các anh tôi bị té từ tầng sáu xuống, mỗi ngày tôi đem nước Đức Mẹ Lộ Đức vào bệnh viện để y tá rửa vết thương cho anh. Một cô y tá người hồi giáo nhận làm, cô nói “Chúa thì cao cả”, vì chính cô thấy phép lạ trong sự việc anh tôi còn sống. Tôi vào lần chuỗi cho anh mỗi ngày, tôi đi lễ mỗi ngày, tôi mở quyển Thánh Kinh đọc và tôi rơi vào câu về Chúa sống lại. Và anh tôi ra khỏi hôn mê đúng vào ngày lễ Giáng Sinh. Các bác sĩ nói với tôi: “Chúng tôi không làm gì. anh cô ra khỏi hôn mê vượt ra ngoài các luật lệ của khoa học.” Chúa Giêsu nói bệnh tật không phải được làm cho sự chết, nhưng để vinh danh Chúa: “Qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh (Ga 11,4).
Có vẻ như cô còn muốn nói, không những phải tin vào phép lạ mà còn phải xin nó…
Chính Chúa Giêsu đã nói phải dám xin. Nhưng phải yêu Chúa trên hết mọi sự. Tôi xin Chúa chữa lành cho anh tôi, nhưng tôi luôn nói: “Nếu Chúa muốn”. Khi anh tôi ra khỏi hôn mê, tôi hỏi, nếu anh lành thì anh đi theo tôi đến nhà thờ, anh bằng lòng. Và ngày hôm đó ở nhà thờ, cả nhà thờ không biết anh tôi ở đó, cũng không biết anh tôi là ai, họ hát Kinh Lạy Cha bằng tiếng hê-brơ và bài hát Israel, Hãy nghe bằng tiếng hê-brơ. Tôi không thể tưởng tượng.
Cô xin Chúa nhưng để Chúa tự do làm theo ý Ngài?
Làm sao tôi có thể làm khác đi được? Chúa có tự do tuyệt đối, ngài là nguồn gốc của mọi nguồn gốc… Chúng ta không thể đòi hỏi gì ở Ngài, chúng ta chỉ có thể van xin.
Có một khác biệt giữa đòi hỏi và van xin?
Cả một khác biệt lớn! Trong đòi hỏi có rất nhiều kiêu ngạo. Khi anh tôi ở trong cảnh nửa sống nửa chết, tôi kết hợp với Chúa qua lời cầu nguyện, như qua cuống rún. Như đứa bé được nuôi trong bụng mẹ, chúng ta được nuôi dưỡng trong lời cầu nguyện, trong Thánh thể, trong thức ăn chính là Chúa, là tình yêu của Ngài. Khi đó tôi thật sự ở trong tình yêu này, mà không phải là tôi yêu anh tôi, nhưng là Chúa Kitô yêu anh tôi trong tôi. Chính Chúa Kitô đi trong tuyết vào tháng hai này để đến bệnh viện thăm anh tôi, chính Chúa Kitô nghe những lời không thể nghe được mà đôi khi anh tôi nói với tôi. Không có gì có thể có được mà không có tình yêu của Chúa Kitô.
Nếu đời sống là phép lạ mỗi ngày thì cô thường xuyên sống trong phép lạ!
Thi ca cũng như lời cầu nguyện, đều là ân sủng, là dịp để ngạc nhiên từng phút, không suy nghĩ đến quá khứ cũng như tương lai. Dù trong thử thách, và vẫn ở trong cuộc sống, chúng ta luôn để cho điều ngạc nhiên do dấu ấn của Chúa tác động trên chúng ta. Như người đàn ông tôi gặp mỗi ngày, ông mặc chiếc áo tee-shirt có hàng chữ: “Chúa là câu trả lời duy nhất”. Có những dấu hiệu và những phép lạ trong những chuyện rất nhỏ của cuộc sống nơi gương mặt của Chúa xuất hiện.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Trao đổi với Véronique Lévy: Kinh nghiệm trở lại tận căn
https://phanxico.vn/2018/11/26/trao-doi-voi-veronique-levy-kinh-nghiem-tro-lai-tan-can/