Ở Vatican, Đức Phanxicô một mình ở Nhà Thánh Marta

1855

Ở Vatican, Đức Phanxicô một mình ở Nhà Thánh Marta

lemonde.fr/, Ariane Chemin, 2018-10-16

Nữ ký giả Ariane Chemin báo “Le Monde” có loạt bài về tiến trình của Đức Phanxicô.  Đây là bài thứ hai trong năm bài Theo dấu vết của Giáo hoàng Phanxicô. Ngay từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô quyết định ở Nhà Thánh Marta, nhà thường trú-khách sạn trong nội vi Vatican thay vì ở dinh tông tòa. Tại đây ngài vun xới sinh hoạt đơn độc của quyền lực.

Ở Rôma, các cửa sổ căn phòng của Đức Phanxicô nhìn ra là thấy cây xăng: phòng 201 ở tầng thứ nhì Nhà Thánh Marta, trước mặt là hai cây xăng. Khi cúi xuống nhìn, người đứng đầu một tỷ ba trăm ngàn giáo dân công giáo có thể thấy đội hiến binh và văn phòng hướng dẫn Vatican. Một đoạn xa hơn, đàng sau vòm Đền thờ Thánh Phêrô trải dài các ngôi vườn rậm rạp của quốc gia nhỏ bé này, với nghĩa trang Paris của Linh mục Lachaise, với các hang đá, các vườn rau, các suối nước và các bức tượng.

Trong cuốn phim Giáo hoàng Trẻ (The Young Pope), loạt phim tập của điện ảnh gia Paolo Sorrentino, diễn viên Jude Law hai tay khoanh sau lưng đi tới đi lui ở Vườn Vatican, trầm ngâm suy nghĩ, một suy nghĩ mang nét bí ẩn không dò tìm được. Còn Đức Phanxicô thì không bao giờ đi bộ. Khi không đi ra nước ngoài thì ngài ở ẩn ở Nhà Thánh Marta, ngôi nhà mang nét buồn buồn của các căn nhà Đông-Đức và doanh trại quân đội, khó mà làm nổi bật y phục phùng phình rữc rở của cận vệ Thụy Sĩ ở cửa ra vào.

Mùa hè Đức Phanxicô cũng không đến nhà nghỉ mát Castel Gandolfo, ngôi nhà thường trú mà Đức Phaolô-VI đã qua đời giữa tháng tám mùa hè nóng bức năm 1978, ngôi nhà Đức Gioan-Phaolô II đã cho xây một hồ tắm, còn Đức Jorge Bergoglio, tên thường dân của ngài, thì ngài không nghỉ hè từ năm… 1975 đến nay. Trong một chuyến bay, ngài thổ lộ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng có những ‘rối loạn tâm thần’. Một trong các rối loạn này là tôi quá dính vào chỗ ở của mình.”

“Tên Bergoglio đã luân lưu từ năm 2005”

Quyết định dọn về Nhà Thánh Marta có từ ngày chúa nhật 17 tháng 3 – 2013, bốn ngày sau khi ngài được bầu chọn. Lúc đó là buổi trưa. Sau khi đọc Kinh Truyền Tin đầu tiên của mình ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngài mời người bạn Nam Mỹ lâu đời nhất của mình, người mà ngài tin tưởng tuyệt đối: hồng y người Honduras Oscar Maradiaga.

Tân giáo hoàng nợ hồng y một phần cho sự chiến thắng của mình. Ông Pierre Morel, cựu đại sứ Pháp tại Tòa Thánh xác nhận: “Tên của Bergoglio đã luân lưu từ năm 2005”. Năm đó đối diện với hồng y Ratzinger, Đức Bergoglio đã có vài phiếu tên ngài.

Cựu đại sứ Pháp tại Tòa Thánh nói tiếp: “Khi đó người ta nói đến ngài như một người có cá tính đẹp, nhưng họ nói không khi nào thấy ngài ở Rôma và ngài chỉ còn một lá phổi.” Chẩn đoán quá đáng: sau khi bị sưng phổi nặng năm ngài 21 tuổi, ngài bị cắt một phần bên trên lá phổi mặt, lúc đó ngài là chủng sinh trẻ ở Buenos Aires.

Trong thời gian giữa lúc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm đột ngột và ngày hồng y đoàn vào mật nghị, các hồng y có một tháng để cổ động. Điện thoại qua về, ăn tối, gặp nhau… Hồng y  Oscar Maradiaga để hết sức mình để người bạn Argentina của mình được bầu chọn, đến mức, một buổi sáng vì kiệt sức, ngài trượt chân ở văn phòng đại sứ Honduras và bị thương ở mắt cá. Không có thì giờ để săn sóc, cũng không có thì giờ để đi bệnh viện. Hồng y Oscar Maradiaga, giáo phận Tegucigalpa cho chúng tôi biết, sau đó hồng y bị đau nhiều hơn và cuối cùng phải ngồi xe lăn, “băng bột và bắt vít ở chân” để dự lễ tấn phong nhà vô địch của mình. 

Đức Phanxicô không thích nghi thức gò bó của dinh tông tòa

Khi hai người gặp nhau để ăn sáng, Đức Phanxicô hỏi hồng y Maradiaga: “Anh nghĩ thế nào nếu tôi ở đây?”. “Ở đây” là ở Nhà Thánh Marta nằm trong khuôn viên Vatican, cả hai tầng dành cho các hồng y về dự mật nghị.

Trên nguyên tắc Đức Phanxicô ở dinh tông tòa nhìn xuống quảng trường Thánh Phêrô như tất cả các giáo hoàng đã ở đây từ giáo hoàng Piô (1792-1878). Đức Bênêđictô XVI tiền nhiệm của ngài đã tôn trọng truyền thống và làm nơi đây thành nơi nghỉ mát tuyệt vời mới của mình. Giữa hai lần tiếp kiến ở phòng Clémentin hay ở thư viện riêng, Đức Bênêđictô XVI lui về đánh đàn dương cầm, rồi đến đúng 4 giờ chiều, ngài đi dạo ngoài vườn.

“Về phương diện tâm lý, tôi không thể ở một mình. Tôi cần người khác, tôi cần gặp người khác, tôi cần nói chuyện với họ.”

Vừa kiến trúc, vừa nghi thức ở dinh tông tòa làm Đức Phanxicô cảm thấy bị gò bó. Quá nhiều hệ thống lọc: cửa ra vào các phòng, đầy những khó khăn trở ngại làm ngài nghĩ dinh như cái “phễu lộn ngược”, chỉ cho phép có những chuyến thăm nhỏ giọt, chỉ làm tăng thêm cảnh triều đình và cô đơn. Ở Nhà Thánh Marta an tâm hơn nhiều, với ban gác cổng, với hành lang rộng bằng đá cẩm thạch giả màu xám, xen vào đó là lao xao tiếng động không ngừng của những người qua lại. Tháng 7 năm 2013, Đức Phanxicô giải thích với báo chí: “Về phương diện tâm lý, tôi không thể ở một mình. Tôi cần người khác, tôi cần gặp người khác, tôi cần nói chuyện với họ.”

Hồng y Oscar Maradiaga không mất thì giờ để tìm các biện luận. Ngài khá biết rõ bạn mình, biết bạn mình đã quyết định. Như thế Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên ở nhà thường trú, nơi có thể dùng làm bối cảnh trang hoàng cho cuốn phim siêu-hiện thực của các điện ảnh gia trứ danh Ý như Roberto Rossellini hay Vittorio de Sica. Các quan sát viên bén nhạy thấy đây là chuyện tiện lợi hơn là tính chướng khí: nơi một người tin vào sức mạnh của cử chỉ thì đây là một cách khép lại kỷ nguyên của nghi thức Constantin bao phủ chung quanh các giáo hoàng cũng như các hoàng đế La Mã, Đức Phanxicô muốn mình là một giáo hoàng “bình thường”.

Ngài không muốn làm gì như người khác

Với các buổi tiếp kiến tương lai, ngài chỉ cần một phòng ở tầng một, đàng sau quầy lễ tân. Trang hoàng tối thiểu: cây xanh, ghế nâu và trên tường là bức tranh Đức Mẹ Tháo gỡ Nút thắt, bức tranh ba-rốc thời thế kỷ 18 mà ngài thấy ở nhà thờ Augsbourg năm 1986 khi ngài đến Đức học. Một cú sốc. Từ đó ngài có lòng tôn kính không bờ cho biểu tượng này, biểu tượng “gỡ mọi trạng huống”. Hiện nay bức tranh được sao chép và bày bán khắp các cửa tiệm lưu niệm ở đường Borgo pio, ngay cửa ra vào Vatican. Đức Bênêđictô XVI tổ chức các buổi hòa nhạc riêng ở Hội trường Phaolô VI; còn Đức Phanxicô thì từ chối lòng hiếu thảo mình bị lột trần trên các cốc uống nước.

Ngài không muốn làm gì như người khác. Trước hết là cái tên ngài chọn, để vinh danh Thánh Phanxicô Axixi. Phanxicô, không có số la mã đàng sau. Và tại sao không là Phêrô hay Giêsu? Lại còn lần chào cho thành phố Rôma và cho thế giới, urbi et orbi ngày 13 tháng 3-2013 ở ban-công Thánh Phêrô, nơi ngài nghiêng mình và xin giáo dân “đặc ân”: “Tôi xin anh chị em cầu nguyện để Chúa ban phép lành cho tôi.” Trên tài khoản Twitter @Pontifex (được Đức Bênêđictô XVI thành lập và bây giờ có 46 triệu người theo), một câu tweet của người lãnh đạo Giáo hội công giáo xin tiếp bước “lời cầu nguyện giáo dân”. Đối với rất nhiều người công giáo, đây là cả một bước đột phá kiểu big bang. Còn đối với người Argentina thì họ không ngạc nhiên. Họ biết các lời xin này.

Các giao tiếp bình dân này đã quen thuộc với họ. Linh mục Dòng Tên người Argentina Juan Carlos Scannone giải thích: “Ở Argentina chúng tôi, giáo dân họ cũng chúc lành.” Trong thần học quần chúng, được sinh ra từ cuối những năm 1960 ở thủ đô Argentina thì đây là “vấn đề trách nhiệm công dân.”

Ở văn phòng của nhà nữ tâm thần học Diana Rabinovich ở Buenos Aires, bà giải mật mã về lần đầu tiên Đức Phanxicô xuất hiện ở ban-công Thánh Phêrô theo một cách khác, bà vừa cười vừa rít điếu thuốc lá: “‘Tôi cần dân chúng’, một câu mang tinh thần rất Peron. Tổng thống Peron của Argentina ngày xưa đã kêu lên: ‘Tôi cần quý vị!’ Người Argentina biết ơn ngay lập tức sau kiểu nói này.” Buenos Aires biết chủ nghĩa cải cách bình dân của cựu tổng thống Peron không bao giờ dứt nơi tân giáo hoàng. Vài giờ sau mật nghị nổi tiếng này, vài áp-phích đã treo ở Buenos Aires  “Phanxicô I, người có tinh thần Peron của Argentina” (Francisco I, El Argentino peronista). 

Hàng ngàn giai thoại, hàng núi câu chuyện kể

Cũng theo Đức Phanxicô, chính trị lồng trong các biểu tượng của mình. Năm 2005, ở ban-công Thánh Phêrô, Đức Bênêđictô XVI chọn cây thánh giá nạm ngọc của lần lên ngôi Thánh Piô X. Trước giáo dân chiều 13 tháng 3 – 2013, “cha Bergoglio” giữ cây thánh giá cũ Argentina đeo ở cổ. Dưới chân thì tân giáo hoàng không mang hài da bò màu đỏ, ngài thích đôi giày đen cũ đã từng mang ở Buenos Aires – phải nói đây là đôi giày chỉnh hình.

Không khăn các phép, không áo nhung đỏ ngắn khi ngài xuất hiện trước giáo dân: người lo nghi thức lễ tân phải đóng gói lại tất cả y phục của mình đem về phòng nước mắt, một căn phòng bên cạnh Nhà Nguyện Sixtine. Áo chùng trắng bất ngờ choàng lên chiếc quần đen: người thợ may danh tiếng Gammarelli, tiệm lịch sự bắt buộc của các giáo sĩ, không biết ni tấc của tu sĩ Argentina này, cha không bao giờ nghĩ đến việc đẩy cánh cửa này để vào may áo.

Đôi giày to đùng, “thánh giá bằng sắt” chứ không bằng vàng, áo chùng may lại từ các áo lễ cũ, các chuyến thăm tượng Thánh Têrêxa, nơi bị hư nát nhất của Rôma: chẳng cần phải nói thêm để xây dựng một huyền thoại. Ông François Mabille, nhà khoa học chính trị, chuyên gia về tôn giáo của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia cười nói: “Đôi khi các câu chuyện này làm chúng ta nghĩ đến các bức tranh chấm phá cuộc đời của Thánh Phanxicô Axixi. Một người rao giảng cho loài chim, vị thánh biến chó sói thành cừu, biết chào cả vua hồi giáo và người Sarrasins… Người ta gọi đó là ‘lời hay ý đẹp, loại fioretti’ nhưng thực chất đó là hoa trái mở đầu cho các câu chuyện kể.”

Với khách lạ sững sờ khi thấy giáo hoàng trong thang máy: “Đừng sợ, tôi không cắn đâu”

Số phận của Bergoglio cảm hứng cho cả ngàn giai thoại, thường là không kiểm chứng được, nhắc lại các “hoa thơm cỏ lạ” đầy trong đời sống của nhà sáng lập Dòng Phanxicô. Bạn hồng y Maradiaga của ngài kể: “Ở Nhà Thánh Marta, ngài tự đi thang máy. Đức Gioan-Phaolô II thì không bao giờ bấm nút thang máy trong đời của ngài…”

Đôi khi các giai thoại về Đức Phanxicô làm người khác bực mình. Mùa thu năm 2017, villa Médicis, nơi ở huy hoàng của các nghệ sĩ Pháp tiếp hai nhà báo vừa ra mắt quyển sách đẹp gồm các hình ảnh của L’Osservatore romano, nhật báo chính thức của Vatican. Một trong các tấm hình này là hình Đức Phanxicô ngồi ăn trưa với thợ mộc, thợ ống nước. Trên một tấm hình khác, Đức Bênêđictô XVI “luôn được phục vụ đầu tiên” và “không có ai ngồi đối diện, như nữ hoàng Anh”. Bực mình, hồng y nước Pháp Paul Poupard, người đọc một bài diễn văn dài trước cử tọa, ngài nói: “Chúng ta đừng chống hai Giáo hội. Ngày sinh nhật của ngài, tôi ngồi trước mặt Đức Bênêđictô XVI với các hồng y khác.”

Ở Nhà Thánh Marta, Đức Phanxicô ăn ở phòng ăn chung, bàn bên trái cửa ra vào. Các giám mục và khách có thể đi qua ngài, ngài bưng đĩa thức ăn vitello tonnato hay khoai nướng lò, chờ đến lượt mình hâm ở lò vi sóng, hoặc vào tối chúa nhật thì ăn đồ ăn nguội. Nếu gặp may, khách vãng lai có thể gặp ngài ở thang máy. Ngài sẽ trao đổi vài câu nói đùa. Với khách lạ sững sờ khi thấy giáo hoàng trong thang máy, ngài nói: “Đừng sợ, tôi không cắn đâu.” Câu ngài thích nói: “Bạn có biết sự khác biệt giữa chế độ độc tài và nghi thức không? Chế độ độc tài thì bị lật đổ.” 

Công việc bủa vây hội đồng cố vấn nhỏ của ngài

Nghi thức, quản trị Giáo hội, phong cách, Đức Phanxicô muốn làm xáo trộn hết. Được các hồng y giao phó nhiệm vụ, ngài tấn công vào giáo triều la mã, guồng máy quản trị có cấu trúc từ mười lăm thế kỷ nay để hỗ trợ cho người mới được bầu.

Một vài ngày trước lễ Giáng Sinh năm 2014, dưới các bức họa của phòng  Clémentin, Đức Phanxicô nêu ra “mười lăm bệnh” gặm nhắm thể chế. Ghen tị, tham chức, tin đồn, nói xấu, “Alzheimer” và thời thượng thiêng liêng”… Thật tàn bạo. Các giáo xứ và ý kiến quần chúng thì hân hoan nhưng dưới các mũ đỏ thì một vài hồng y tái mặt với cảm nhận vô ơn. Ngài phải dọn dẹp, ngài phải cho họ bài học.

Để quét bụi giáo triều, giáo hoàng lập ra hội đồng 8 hồng y gồm các hồng y trên khắp thế giới. Sau này “C8” thành “C9” với sự tham dự của hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, “thủ tướng” của giáo hoàng, người vùng Venitie, rất thực tế mà nhiều người mơ ngài sẽ kế vị Đức Phanxicô. Giáo hoàng mời hồng y vào “nhóm người ngoài của mình”.

Khi giáo hoàng tiếp khách trong phòng cây xanh (nữ hoàng Anh năm 2014, chủ tịch Cuba Raul Castro năm 2015) thì hội đồng này họp mỗi hai tháng ở tầng trệt Nhà Thánh Marta, phòng giống các phòng hội ở các khách sạn ngoại vi thành phố: đèn vàng, màn hình phẳng, bàn trải khăn phớt xanh và chai nước suối San Benedetto.

Năm 2013, phòng họp này là phòng thánh của các thánh trong guồng máy quản trị của Đức Phanxicô. Bây giờ C9 lấy hết mọi nguồn năng lực. Hồng y Pietro Parolin quá mệt, Đức Phanxicô lo cho sức khỏe của ngài. Bị truy đuổi bởi các vụ lạm dụng tình dục và bị tố bao che các linh mục ấu dâm, hồng y người Úc George Pell đã phải về Melbourne, Úc để dự phiên tòa xử mình. Hồng y Pell là người được Đức Phanxicô tin cậy, ngài lập ra một bộ tương đương với bộ tài chánh để giao cho hồng y coi sóc. Hồng y người Chi-lê Francisco Javier Errázuriz đã không tố cáo với pháp luật các tu sĩ đi săn mồi tình dục trong nước mình: giáo hoàng buộc phải xin các giám mục Chi-lê từ chức hàng loạt. Hồng y Oscar Maradiaga người đầu tàu của “C9” vô sự, nhưng ngài bị vướng bùn vì giám mục phụ tá địa phận Tegucigalpa của ngài bị sa thải vào cuối tháng 7 do đã có “hành vi sai trái” về tình dục.

Cơn sóng thần tràn ngập các cột trụ của hội đồng. Từ đầu mùa hè, không ngày nào là không có phần số thảm họa của ngày đó: khám phá khuynh hướng đồng tính và các quan hệ với trẻ vị thành niên của hồng y Theodore McCarrick, giáo phận Washington; thư tố cáo xú uế của cựu sứ thần Tòa Thánh ở Mỹ, giám mục người Ý Carlo Mario Vigano; các tiết lộ tấn công tình dục của cố hồng y Cormac Murphy-O’Connor Giáo hội công giáo Anh; phản ứng quá chậm của giáo hoàng, truất chức linh mục của linh mục ấu dâm người Chi-lê Fernando Karadima ngày 27 tháng 9 sau tám năm bị lên án… Một mùa hè thảm họa.

Và còn vụ xét xử hồng y Philippe Barbarin, tổng giáo phận Lyon dự trù vào tháng 1-2019. Người đơn độc ở Nhà Thánh Marta có chuyện để mất ngủ. 

Trong túi xách của ngài, lịch làm việc của ngài

Các hiến binh láng giềng canh ánh đèn cửa sổ phòng ngài. Đèn sáng lúc 4h30 sáng: giống như chiếc đèn lồng ở Nhà Thánh Marta và cờ Vatican đập vào chìa khóa Thánh Phêrô. Đức Phanxicô suy niệm các trang Kinh Thánh trước khi xuống làm lễ lúc 7 giờ sáng. Nhà nguyện Thánh Marta lót đá cẩm thạch hình tam giác tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi. Ngài về phòng lúc chiều tối, đôi khi xương hông bị đau, ngài cất chiếc túi da đen mà ngay cả khi đi tông du, ngài cũng không rời nó. Bên trong là kho báu chiến cụ, “hai chuyện” mà ngài mang theo trong trường hợp có… hỏa hoạn: quyển nhật tụng và quyển sổ tay làm việc.

Các chính trị gia biết chuyện này, các quyển sổ nhỏ quý báu này. Nó là dấu vết của cả một sự nghiệp và đôi khi nó còn có thể giải thích cho sự nghiệp này. Lưu trữ qua năm tháng, bạn bè, giáo dân, người hoạt động, người quen để cuối cùng tạo thành một gia đình, một số người sẽ cho đây là cả một mạng lưới.

Khi chúng ta gặp người là giáo hoàng, chúng ta ngạc nhiên thấy họ như các trẻ vị thành niên muốn chụp selfie với thần tượng của mình, muốn có thư tín, thậm chí một thư tay ký tên tắt của ngài. “‘F’. Casa Santa Marta, Roma”, với người Argentina thì “Thành Vatican, Ciudad del Vaticano”, mặt sau  là chữ viết nhỏ xíu của ngài, kéo dài như chân trời không tường, không vướng sự cố – ngược hẳn với Donald Trump.

“Khi ngài nói chuyện với bạn, khi ngài nhìn bạn, Đức Phanxicô làm cho mình nghĩ, mình là người bạn thân nhất của ngài và mình chia sẻ giây phút duy nhất này với ngài”

Cha là Giáo hoàng Phanxicô, Io sono il papa Francesco” : khi điện thoại reo từ căn phòng của ngài ở Nhà Thánh Marta, nhiều người kể cả những người ở Vatican nghĩ đây là chuyện đùa. Nhưng không, đó là giọng của Bergoglio, giọng đơn điệu, hơi khàn (do di chứng của bệnh phổi), nhưng dễ nhận ra trong muôn ngàn các giọng khác. Không một sinh nhật người thân nào mà ngài quên, phải nói đây là truyền thống của người Argentina. Linh mục Scannone kể: “Ở San Miguel, chúng tôi có hai linh mục sinh đôi, ngài gọi cho cả hai.” Tòa Thánh cũng biết dùng WhatsApp: tiếng nói trực tiếp của Đức Phanxicô được ban thư ký của ngài gởi đi vì ngài không có điện thoại cầm tay. Các lời của ngài đục thủng các tâm hồn khép kín nhất. Nhà báo Thụy Sĩ Arnaud Bédat, tác giả hai quyển sách viết về ngài kể: “Khi ngài nói chuyện với bạn, khi ngài nhìn bạn, Đức Phanxicô làm cho mình nghĩ, mình là người bạn thân nhất của ngài và mình chia sẻ giây phút duy nhất này với ngài.”

Thỉnh thoảng khách đến thăm được ngài tiếp trong phòng riêng của mình. Bà Maria Elena, em gái nhỏ hơn ngài mười tuổi, một người ly dị vui tính với giọng khàn khàn của người hút thuốc, dưới mái tóc hoa râm, bà có gương mặt, có cặp mắt, có nụ cười in dấu Bergoglio không lẫn vào đâu được, bà không về Rôma vì quá yếu. Nhưng một ít người đã đến uống ly trà maté, loại thức uống đăng đắng của người Argentina có thể đánh thức cả trung đoàn cận vệ Thụy Sĩ dậy: người “thân Oscar” (Maradiaga) khi từ Honduras về, ông  Gustavo Vera, một đồng minh ở Buenos Aires, hay giáo sĩ do thái Abraham Skorka, bạn của ngài ở Argentina… Họ đến đây cho ngài biết tin tức ở Argentina hay cho tin đám cưới sắp tới của José Ignacio, cháu của ngài vào tháng 11 sắp tới, nói cho “Pépé” biết. Một chút nhớ nhung…

Người ta cũng thấy linh mục Antonio Spadaro, giám đốc báo Văn minh Công giáo (Civiltà Cattolica), tờ báo uy tín của Dòng Tên Ý, người đã có các buổi phỏng vấn lâu dài với Đức Phanxicô. Bây giờ có tin đồn linh mục là một trong các cố vấn truyền thông kín đáo của Đức Phanxicô. “Sai”, cha Spadaro vặn lại chúng tôi, dù vậy linh mục Spadaro là người theo sát tất cả các chuyến tông du và qua tạp chí của cha, cha tự nguyện là tiếng nói của giáo hoàng. Hồng y Poupart tóm tắt: “Bergoglio là tu sĩ Dòng Tên. Ngài hỏi ý kiến và cuối cùng, nói như đại tướng Gaulle đã từng nói, chỉ có một mình ngài là người quyết định.” Hay người áp đặt: hồng y nhà ngoại giao Pietro Parolin, cánh tay mặt của giáo hoàng có kinh nghiệm này, ngài biết tin một lần với tín hữu khi giáo hoàng tấn phong năm tân hồng y ngày 21 tháng 5 năm 2017. 

“Cách độc đoán và cá nhân”

Năm 2013, Đức Phanxicô thổ lộ với hai nhà báo Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti: “Không ai thoát được cô đơn khi phải quyết định. Mình có thể hỏi ý kiến, nhưng mình là người quyết định”. Đức Phanxicô nhắc đến những năm khó khăn nhất đời mình, khi dưới chế độ độc tài quân sự của Argentina, ngài được chỉ định đứng đầu Dòng Tên Argentina. Một kinh nghiệm đau đớn. Ngài thú nhận với linh mục Antonio Spadaro: “Tôi có các quyết định một cách độc đoán và cá nhân; và điều này đã tạo nên vấn đề.” Ngài cũng đã từng đi tham vấn với một nữ bác sĩ tâm thần, ngài đã cho nhà xã hội học người Pháp Dominique Wolton biết trong quyển sách Giáo hoàng Phanxicô, Chính trị và Xã hội, nxb. Observatoire.

Tương lai triều giáo hoàng Đức Phanxicô là ở đó, nơi căn phòng không giải trí, dưới cây thánh giá của ông bà nội để lại 

Một giáo hoàng tương lai trên đi-văng của chuyên gia phân tâm! Ở Âu châu, tiết lộ này là cả một quả bom; ở Buenos Aires, một trong các thủ đô của khoa phân tâm thế giới thì không ai để ý. Nhà Freud-học, giáo sư đại học người Argentina  Francisco Freda đặt câu hỏi: “Một người sẽ là giáo hoàng, họ có thể nào có các cơn khủng hoảng đức tin không? Tôi không nghĩ vậy. Đức Phanxicô có triệu chứng gì để thúc đẩy ngài đi tham vấn? Đó là vấn đề.” Các buổi tham vấn chỉ kéo dài sáu tháng. Một chuyên gia nước Pháp quan tâm đến thế giới công giáo suy nghĩ: “Các nhà phân tâm sẽ cho rằng bây giờ ngài bị một dạng lặp lại các tình trạng mình đã sống. Ngài thấy mình vô tình lặp lại các phản xạ đã có từ xưa.”

Câu trả lời được tìm thấy ở căn phòng số 201 Nhà Thánh Marta: tùy chọn, một căn phòng của chiến trường hay tịnh cốc thiêng liêng. Hồng y Maradiaga nhắc lại: “Đức Phanxicô không xem truyền hình từ rất lâu. Ngài khấn một lời khấn theo nghĩa này.”

Tương lai triều giáo hoàng Đức Phanxicô là ở đó, ở căn phòng không giải trí, dưới thánh giá của ông bà nội để lại, sách vở, một tập các hình ảnh, một bức tượng nhỏ khoảng bốn mươi xăng-ti-mét “Thánh Giuse ngủ”. Bức tượng ngài đem từ Argentina về và tin tưởng Thánh Giuse có các đức tính nhiệm mầu. Dưới bức tượng là các tờ giấy viết tay nhỏ: các “vấn đề” của giáo hoàng, ngài để dưới tượng Thánh Giuse.

 

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Giáo hoàng Phanxicô, người cháu của gia đình di dân