Jean Vanier: “Về quyền lực trong Giáo hội, phải nhìn lại Thánh Phanxicô Axixi”

439

Jean Vanier: “Về quyền lực trong Giáo hội, phải nhìn lại Thánh Phanxicô Axixi”

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki và Aymeric Christensen, 2018-10-10

Jean Vanier, nhà sáng lập Cộng đoàn Arche, 90 tuổi nói về quan điểm của mình về quyền lực trong Giáo hội theo tấm gương của Thánh Phanxicô Axixi và theo kinh nghiệm riêng của mình. 

Có cần phải suy nghĩ lại quyền lực trong Giáo hội không?

Trong Phúc Âm, vấn đề này được dạy một cách rõ ràng: Chúa Giêsu rửa chân. Cho đến lúc đó, Chúa Giêsu là thầy và ngài đã làm một hành vi mà Thánh Phêrô thấy chướng mắt. Không những ngài làm mà sau đó ngài còn nói: Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em!” và từ đó, đây là tấm gương. Thầy không còn là quan trọng hơn tớ. Quyền uy, đó là quỳ xuống. Thực hành quyền uy, đó là: tôi ở đây, nhưng anh là quan trọng. Tôi không tốt hơn anh, nhưng tôi muốn giúp anh đứng dậy.

Chúng tôi hỏi ông về quyền lực, ông trả lời về quyền uy. Tại sao?

Vì quyền uy trong Giáo hội là một chuyện phức tạp. Các chủng sinh trẻ, người sau này sẽ thành linh mục làm việc rất nhiều với trên cao (ông chỉ cái đầu), nhưng trong việc đào tạo họ, phải làm sao để họ làm việc nhiều ở đây này (ông chỉ quả tim). Hàng năm, chúng tôi tiếp nhiều nhóm khoảng hai mươi chủng sinh một nhóm. Họ rất tuyệt vời. Họ ở một tháng ở Cộng đoàn Arche. Họ đến với kiến thức ở trường, còn chúng tôi, tất cả những gì chúng tôi muốn là họ có giao tiếp với các người ở đây. Nhưng họ hơi khốn khổ, thật lạ lùng. Họ thật sự ở trên cao (ông chỉ lên đầu)… Chúng tôi xin họ tắm cho người khuyết tật và họ bị lạc hướng. Nếu tôi là giáo hoàng – mà tôi đâu có là giáo hoàng!  –, tôi sẽ xin tất cả linh mục phải ở một năm với người nghèo, người ngoài đường, người lớn tuổi trong các trung tâm hưu dưỡng, các em bé trong khu phố, các người bị tù..v.v… Rất nhiều người không biết học cách giao tiếp. Thông thường, trong Giáo hội, chúng ta nghĩ giao tiếp là nói với giáo dân họ phải làm gì. Trong trường học cũng vậy, các thầy cô nói với học sinh những gì học sinh phải làm. Chúng ta bị kẹt trong thói quen phải nói với người khác những gì họ phải làm, chứ chưa yêu thương họ đủ.

Nếu tôi là giáo hoàng – mà tôi đâu có là giáo hoàng!  –, tôi sẽ xin tất cả linh mục phải ở một năm với người nghèo.

Ngược lại, cơn khủng hoảng hiện nay có thể là điều tốt cho Giáo hội không?

 

Có một cái gì đang nhúc nhích. Trong mọi cái xấu lúc nào cũng nảy ra cái tốt. Qua năm tháng, trong cách mà Giáo hội tiến triển về hướng quyền lực, thì hiểm nguy hiện ra: nạn giáo quyền và ham muốn quyền lực. Đức Giáo hoàng đã nói. Đã có thời các ông hoàng trong giáo hội để cho giáo dân hôn nhẫn… Mọi thứ trật đang tan dần. Có một cái gì đưa chúng ta về với khiêm tốn, lắng nghe theo một nghĩa sâu xa: câu “ Các con hãy thương yêu nhau” có nghĩa là “Các con hãy gặp gỡ nhau”, không nhất thiết phải chờ các tu sĩ nói mình phải phải làm gì. Phong trào này sẽ tiếp tục 50 năm. Cần phải có thì giờ để nó nhúc nhích. Giáo dân thật sự không hiểu Vatican II. Vatican II là tuyệt vời, nhưng để tiếp nhận Công đồng Vatican II thì phải hoán cải thật sự. Một số người còn nghĩ quan trọng nhất phải là phẩm chất của nghi thức phụng vụ hay thứ trật với giáo hoàng như thứ trật vương quốc. Phải trở về với trọng tâm mọi sự, các cộng đoàn Tin Mừng nhỏ phải được nâng đỡ và được yêu mến. 

Một cách cụ thể, dựa trên khuôn mẫu nào để suy tư về vấn đề quyền lực này?

Về quyền lực trong Giáo hội thì phải nhìn lại Thánh Phanxicô Axixi. Tấm gương của ngài thật lạ lùng, vì vào thời Trung cổ, Giáo hội là các cha dòng, các ông hoàng, các giám mục, các tu sĩ. Họ ứng xử như những người ở trên cao và Thánh Phanxicô thì làm một cách khác. Trước đó, Thánh Phanxicô muốn làm hiệp sĩ, thân phụ của ngài giàu, mọi con đường đã được vạch sẵn. Nhưng ngài muốn làm tù nhân, ngài ở một năm trong ca-sô. Ngài bị bệnh. Cá nhân tôi, tôi nghĩ bệnh này là bệnh suy thoái tinh thần. Một năm sau, ngài khá hơn, ngài gia nhập vào nhóm hiệp sĩ và ngài lại bị bệnh. Ngài được chăm sóc nhưng lần này ngài lại rơi xuống thấp hơn sau khi đã là hiệp sĩ. 

Về quyền lực trong Giáo hội thì phải nhìn lại Thánh Phanxicô

Và rồi ngài gặp những người phung cùi. Một cái gì đã xảy ra giữa người cùi và ngài, ngài nói: “Sau khi sống với họ, tôi có một sự dịu dàng mới trong thân thể, và từ đó tôi theo Chúa.” Ngài trở lại nhờ người cùi. Tóm lại, ngài đã thay đổi. Sự kiện quan trọng thứ hai xảy ra ở Damiette, trong lần thập tự chính thứ năm. Ngài băng qua đường băng, ngài bị quân lính bắt và ngài gặp vua hồi giáo… để “hoán cải” ông, một số người cho là như vậy. Thật ra, chúng ta không biết ý thật của ngài là gì. Ngài đi vì ngài biết ngài phải đến đó, cũng như ngài biết, ngài phải đến với người cùi. Và lần đầu tiên vua hồi thấy một tín hữu kitô không mang kiếm. Họ nói chuyện với nhau. Sau đó, Phanxicô đến các nước hồi giáo với giấy phép của vua hồi. Và đó là quyền uy của Thánh Phanxicô! Cần thiết là phải khiêm tốn. Người làm sứ vụ là người phục vụ người khác. Là trở về với Tin Mừng, và tất cả mọi người đều có thể làm.

Từ Phanxicô này đến Phanxicô kia… Dựa trên cái gì giáo hoàng hiện nay mang viên đá của mình trong việc suy tư về quyền lực này?

Ngài đi đến vùng ngoại vi và ngài muốn mọi người học minh triết của người nghèo. Và minh triết của người nghèo là tiếng kêu: “Con có thương Ta không?” Tôi thường hay kể câu chuyện của một trong các bà có trách nhiệm ở cộng đoàn ở Úc. Bà lo cho các cô gái điếm. Một ngày nọ, bà gặp một thanh niên trẻ làm điếm, anh sắp chết ngoài công viên vì uống thuốc quá liều. Bà ôm anh trong tay và anh nói với bà: “Bà luôn muốn thay đổi tôi, nhưng bà không bao giờ gặp tôi.” Ngày nay, chúng ta thấy có hai Giáo hội, một Giáo hội ở Mỹ mà tôi biết nhiều, nhưng muốn trở về với một cái gì an toàn hơn, “chúng ta là người công giáo, chúng ta khác biệt và chúng ta hơn người công giáo khác, chúng ta có các bí tích”… Và một Giáo hội mà giáo hoàng nói, là Giáo hội giao tiếp, Giáo hội đi gặp người khác. Trên máy bay từ Băng-la-đét về, một ký giả hỏi ngài câu hỏi chính: “Ngài thích làm thuận lợi cho phúc âm hóa hay đối thoại?” Ngài trả lời: “Phúc âm hóa là gì? Là làm chứng bằng cách sống theo Phúc Âm, theo Tám Mối Phước Thật, theo dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, hay tha thứ 77 lần 7…” Tất cả đều khó cho thế giới ngày nay. Để sống theo thế giới ngày nay thì phải có tiền để con cái học trường tốt, chúng phải có điểm tốt ở trường, phải là người giỏi nhất. Chúng ta ở trong một thế giới rất phức tạp, với các giá trị của xã hội một bên và các giá trị Tin Mừng một bên.

Đó là tính bất biến sâu đậm trong bản chất con người, không tin vào tự do riêng của mình, nhưng muốn người khác cho mình sự an toàn. 

Sự căng thẳng này vẫn tồn tại trong Giáo hội?

Người ta vào chủng viện, rồi thành linh mục, cha phó, cha xứ rồi có thể là cha xứ một giáo xứ lớn, cha tổng đại diện, giám mục… Qua các khả thể này có thể tạo ra một loại nghề nghiệp hoàn toàn trái với cái nhìn của Chúa Giêsu. Làm thế nào để thay đổi điều này? Giáo hoàng cố gắng nói về nạn giáo quyền. Chẳng hạn ngài nói, không phải chỉ có các linh mục mới tháp tùng về mặt thiêng liêng cho giáo dân, nhưng giáo dân cũng có thể làm… Có một cái gì đang nhúc nhích.

Nơi nhiều tín hữu,  có thể có một mong chờ không đúng chỗ đối với linh mục, linh mục phải là bậc thầy, là người ở trên cao không?

Đó là tính bất biến sâu đậm trong bản chất con người, không tin vào tự do riêng của mình, nhưng muốn người khác cho mình sự an toàn. Vấn đề là: làm thế nào tìm được tự do riêng cho mình?

Giáo dân có thể làm gì?

Giáo dân phải là các người đàn ông, đàn bà dễ mến. Nhưng làm sao để được như vậy? Làm thế nào để tạo các môn đệ của Chúa Giêsu? Phải tạo nơi chốn, phải có tế bào và chúng ta còn ở rất xa các chuyện này. Trường học công giáo phải là trường học của giao tiếp, trước khi là trường học của thành công. Nhưng các cha mẹ không thích chuyện này. Họ thích con cái thành công 100%, phải đậu tú tài. Thành công là một chuyện tốt, nhưng làm sao giúp các em khám phá, điều quan trọng nhất là giao tiếp? Tôi quen các nữ tu Dòng Tiểu muội Chúa Giêsu, họ sống trong tòa nhà có 1100 người. Ở cửa ra vào, có tờ giấy ghi giá cả các loại ma túy khác nhau dán trên tường. Thỉnh thoảng cảnh sát đến gỡ đi, nhưng rồi cuối cùng thì tờ giấy này cũng được dán lại. Một ngày nọ có một giám mục đến ăn với các nữ tu, trên đường về, một người ở quán rượu gần đó đến nói với họ: “Hêlô, maxơ đến đây với chúng tôi, đem theo người đàn ông của xơ đến đây!” Nếu chúng ta không xây dựng giao tiếp thì chúng ta xây dựng các nhóm nghĩ mình tốt hơn người khác.

Vì thế, quyền uy trước hết là giúp họ đi ra khỏi sự sỉ nhục của mình để thấy họ cũng là một người nào đó.

Làm thế nào để thay đổi điều này?

Đó là vấn đề! Chúa Giêsu muốn thay đổi mọi chuyện bằng cách rửa chân! Tất cả những gì tôi biết, và từ đó tất cả những gì tôi có thể nói, tôi đều học ở Cộng đoàn Arche, với những người đến đây, trong nhục nhã. Để giúp họ đi tới thì phải giúp họ thấy được điều này: anh đẹp hơn là anh nghĩ! Từ đó họ mới bắt đầu thoải mái. Đa số các người ở đây đều cảm thấy mình nhục nhã, bị ở bên lề. Vì thế, quyền uy trước hết là giúp họ đi ra khỏi sự sỉ nhục của mình để thấy họ cũng là một người nào đó. Trong quyển Giêsu, tiếp cận lịch sử (Jésus, approche historique, nxb. Cerf), tác giả José Antonio Pagola cho thấy, người Galilê 500 năm trước khi Chúa đến là những người nghèo, họ bị người của Đền thánh bách hại. Chúa Giêsu đến với họ và nói với họ: “Nước Trời là của anh chị em.” Ngài cùng ăn với người thâu thuế, người tội lỗi. Ngài không rao giảng, Ngài yêu họ. Và vì thế, những người của Đền thánh phản ứng, họ nghĩ họ hơn người khác, họ dùng tôn giáo để khẳng định quyền tối thượng của mình. Họ dùng quyền uy để thống trị chứ không dùng dịu dàng. Và đó là thảm kịch!

Ông là nhà sáng lập của cộng đoàn, làm thế nào để ông không bị rơi vào cái bẫy quyền lực?

May thay chúng tôi có hợp đồng. Dĩ nhiên nó không giải quyết tất cả, nhưng cũng là tay vịn. Sức mạnh của Cộng đoàn Arche, đó là những người mà mình đón nhận, bởi vì họ là những người thật. Họ giúp chúng tôi chân đạp đất. Làm thế nào để tiếp tục? I don’t know, tôi không biết…  Và bây giờ cũng không còn là việc của tôi. Từ khi tôi bị lên cơn tim, tôi biết tất cả đã hết. Buổi sáng tôi đọc và cầu nguyện. Thỉnh thoảng tôi ăn ở nhà hưu dưỡng. Tôi có một cuộc sống thật đẹp. Các nhà sáng lập khác muốn ở lại thật lâu. Tôi may mắn là tôi biết mình không còn khả năng. Cộng đoàn Arche là một cấu trúc rất phức tạp, vì phải quản lý các liên hệ với Nhà nước, các vấn đề tài chính, các quan hệ với khoa tâm thần. Quá nhiều phức tạp hơn là một cơ sở tôn giáo. Đôi khi chúng tôi đón nhận những người bị bệnh rất nặng. Cộng đoàn Arche dựa trên sự tôn trọng của những người thấp bé nhất: tất cả là ở đó.

Các nhà sáng lập khác muốn ở lại thật lâu. Tôi may mắn là tôi biết mình không còn khả năng

Thông thường khi một người có quyền uy trong Giáo hội, họ thường hay nói đến phục vụ. Nhưng quyền uy và quyền lực vẫn tồn tại, vậy thì người ta có che cái phía mà người ta không thực hành không?

Một chút! Các nhà có trách nhiệm phải có ý thức về quy tắc và sứ mạng. Khi quy tắc được mọi người chấp nhận, khi một trong các thành viên của cộng đoàn không tuân theo quy tắc, hoặc họ không còn chỗ của họ, hoặc họ cần phải được giúp đỡ. Chúa Giêsu đã nói: khi người anh em làm một cái gì không đúng thì phải bàn thảo với họ. Nếu người đó cự lại, thì phải đi tìm hai hoặc ba người để nói chuyện. Nếu họ vẫn khăng khăng thì phải đưa họ ra toàn cộng đoàn. Đôi khi phải la lên! Chúng ta phải hét lên, đặc biệt khi điều này hủy diệt cuộc sống. May thay đã có Đức Giáo hoàng la lên. Điều tế nhị nhất là thú tội. Đôi khi vấn đề không thể giải quyết bằng thú tội, thì khi đó cần phải đi gặp một người khác. Tôi muốn nói trong số những người phạm những điều bất công, có những người đã được nghe “bạn đã được tha thứ” và họ bắt đầu lại. Cách đây ba mươi năm, không ai hiểu các vấn đề ấu dâm. Khi một linh mục khẳng định họ không tái phạm, chúng ta tin… Nhưng chúng ta đã đánh giá sai chuyện nghiện.

Khi một nhà sáng lập phạm các lạm dụng, thì phải làm gì với cộng đoàn mà họ sáng lập?

Thật phức tạp. Bởi vì chúng ta không muốn làm tổn thương… Thông thường là phải khởi đi từ ý tưởng phải tôn trọng mọi người và không đưa ra công chúng cái gì đó có thể làm tổn thương mọi người. Vậy thì làm thế nào trong sự tôn trọng cộng đoàn tối đa và phải rất cương quyết để có thể thay đổi lại trong sự thật? Phải cần rất nhiều khôn ngoan và cứng rắn để giúp mọi người đi qua đoạn đường này. Trong một vài trường hợp kinh khủng, tôi không chắc là có được nhiều khôn ngoan…

Sự khôn ngoan này dựa vào đâu?

Nơi các nhà hiền triết! Nhưng phải đi tìm họ. Tôi nghĩ đến nhà giáo dục người Mỹ bị trầm cảm và ông đã thoát ra được. Bị sỉ nhục và vẫn ở trong ánh sáng nội tâm. Đó là một ơn mà ít người có được. Điều này đòi hỏi phải có một ý nghĩa vô cùng to lớn của con người, thấy mọi sự trong ánh sáng của Chúa, và hành động trong lời cầu nguyện. Bởi vì có những chuyện quá phức tạp. Và Giáo hội là ơn của Chúa, một ơn rất quý báu, là Giáo hội nghèo cần nhiều sứ ngôn tuy Giáo hội bị nhiều người chỉ trích. Phải có khôn ngoan và có các khía cạnh ổn định. Và khi chúng ta thấy lịch sử các triều giáo hoàng cận đại, chúng ta thấy sự ổn định dù các giáo hoàng rất khác nhau. Mỗi người là một ngôn sứ. Sứ ngôn của Đức Phanxicô là những gì ngài nói về người nghèo. Và phải nghe ngài (ông đập đập ngón tay trên ghế bành như để nhấn mạnh các lời này). Đức Bênêđictô XVI nói: tương lai của Giáo hội là ở nơi các cộng đoàn nhỏ này. Đâu là các cộng đoàn nhỏ này? Tôi nghĩ tương lai sẽ có những cộng đoàn, nơi chúng ta đón nhận những người khốn khổ, vì có rất nhiều người khốn khổ. Các cộng đoàn sống động, yêu thương, vui vẻ. Nơi nào có Chúa, ở đó có niềm vui. Nếu không… thì không phải chuyện đùa! 

Ông Jean Vanier, sinh năm 1928 là người Canada. Năm 1964 ông thành lập các Cộng đoàn Arche; nơi cùng sống và cùng làm việc của những người khuyết tật tinh thần và những người giúp họ. Hiện nay có 147 cộng đoàn Arche ở khắp nơi trên thế giới.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Jean Vanier: “Thế giới ở mặt trái, Phúc Âm là thế giới ở mặt phải!”

Ông Jean Vanier chia sẻ với Đức Phanxicô tình yêu cho những người yếu đuối nhất