Gianluigi Nuzzi: “Nếu không thay đổi cách suy nghĩ thì mọi cải cách đều vô ích”
cath.ch, Francesca Trento, 2018-10-11
Rửa tiền hàng triệu, các trẻ em gái và các trẻ em giúp lễ đột nhiên biến mất và bị hiếp trong nhiều năm… Nhà báo Ý Gianluigi Nuzzi đưa ra các thực tế đen tối của Vatican trong cuốn sách thứ tư Tội tổ tông (Peccato originale). Ông đã ở Zurich,Thụy Sĩ vào đầu tháng 10 năm 2018 để giới thiệu ấn bản tiếng Đức.
Đây là quyển sách thứ tư của ông viết về Vatican. Ba quyển chưa đủ sao?
Gianluigi Nuzzi: Chỉ có bốn quyển về tài liệu Vatican trên hơn một trăm năm gần đây về lịch sử Vatican. Và đó là bốn quyển sách của tôi. Như thế ba quyển là chưa đủ.
Cái gì làm ông quyết định viết quyển sách mới nhất này?
Tôi gặp một em bé trai đi tắm 16 lần mỗi ngày. Bởi vì em cảm thấy mình dơ. Em đã bị các giáo sĩ lạm dụng trong nhiều năm. Khi bạn đứng trước một người như vậy, bạn không thể giả vờ như mình không thấy.
Tuy nhiên quyển sách không phải chỉ là một tác phẩm nói về các vụ lạm dụng.
Không, đây cũng là vấn đề tiền và máu. Tuy nhiên câu chuyện em bé trai này không bao giờ đi ra khỏi đầu tôi. Câu chuyện này nhắc cho tôi nhớ, tôi có một trách nhiệm nào đó khi tôi nghe những chuyện như vậy.
Đây có phải là ý thức trách nhiệm kitô hữu không?
Tôi làm công việc nhà báo của tôi… và với một tấm lòng thanh thản kitô giáo.
Nhưng ông có mất đức tin với tất cả những chuyện bẩn thỉu ông nghe không?
Bà biết đó, ở đây không có kế hoạch B. Tôi không có gì chống lại Giáo hội. Tôi chỉ có những chuyện chống lại bọn cướp. Và đó là quyển sách này. Những tên cướp khai thác người khác núp đàng sau bức tường Giáo hội, rửa tiền, làm việc với mafia và hiếp trẻ con.
Còn về các vụ lạm dụng, Đức Phanxicô chủ trương không khoan nhượng, ngài có giữ lời hứa không?
Không có gì, các lời hứa của ngài trống rỗng. Đó chỉ là đáp ứng thị trường.
Ý của ông là gì?
Tôi còn nhớ buổi chiều ngài được bầu chọn. Khi ngài ra ban-công ở quảng trường Thánh Phêrô, ngài không mặc áo ngắn đỏ, mang giày đỏ, các y phục tiêu biểu của giáo hoàng. Rồi ngài đơn sơ chào giáo dân “chào buổi chiều, buona sera” và chân thành xin giáo dân cầu nguyện cho mình. Thật phi thường! Nhưng trên thực tế, ngài không thay đổi gì, cũng không giữ lời hứa không khoan nhượng.
Đức Bênêđictô XVI tuy là giáo hoàng bảo thủ nhưng đã làm rất nhiều để chống các vụ lạm dụng: ngài sa thải hàng trăm linh mục ấu dâm trong Giáo hội, ngài đòi hỏi phải bồi thường tài chánh cho các nạn nhân. Ở Mỹ một số địa phận phải tuyên bố phá sản vì phải trả tiền cho các nạn nhân.
Đức Phanxicô phải làm gì để tiếp tục cuộc chiến đấu của Đức Bênêđictô XVI?
Có hai việc cần phải làm. Trước hết là mở thư khố. Các cánh cửa đen tối mà đàng sau các cánh cửa này là hàng trăm lời tố cáo của các nạn nhân lạm dụng được lưu trữ. Ngài phải tiếp tục những gì Đức Bênêđictô XVI đã bắt đầu. Sau đó là giai đoạn thứ nhì, tầm mức mà các lạm dụng được chiến đấu phải được thay đổi.
Bằng cách nào?
Tóm tắt, Giáo hội công giáo có thể chia làm ba tầm mức: các giáo xứ, các giáo phận và Vatican. Cho đến bây giờ, như Đức Bênêđictô XVI đã làm, các linh mục đã bị lên án. Như thế cuộc chiến đấu ở tầm mức các giáo xứ. Nhưng thực tế cho thấy, như thế vẫn chưa đủ. Như bà đã biết trong cuốn phim Spotlight (về các vụ lạm dụng tình dục ở giáo phận Boston, nước Mỹ). Các ký giả cho biết, các linh mục phạm tội được chuyển từ giáo xứ này đến giáo xứ khác. Bà hình dung xem! Các người đi hiếp được thả ra, rồi đi chỗ khác “tìm mồi” thay vì bị tố cáo, bị cất chức. Như thế các biện pháp chống ấu dâm vẫn chưa đủ, những người biết các vụ này cũng phải ra đi.
Gần đây cựu sứ thần Carlo Maria Viganò đòi Đức Phanxicô phải từ chức, cáo buộc ngài che chở cho một vài hồng y đã biết các vụ ấu dâm do các linh mục phạm. Ông nghĩ điều này có đúng không?
Cho đến khi chưa có bằng chứng thì tôi không suy đoán. Đây là hành vi chính trị chứ về mặt thần học thì không đứng vững. Không thể yêu cầu vị đại diện Chúa Kitô từ chức, đây không phải là quan điểm của người công giáo.
Giáo hoàng là người quyền lực nhất Giáo hội. Vì sao không chấm dứt được sự đau khổ của các nạn nhân.
Điều này chỉ đúng trên lý thuyết. Thực hành là một chuyện khác. Đức Phanxicô được bao quanh bởi những người không có cùng quan tâm giống ngài. Họ chận ngài, họ đặt bẫy cho ngài, chẳng hạn họ cố vấn sai. Hơn nữa, có vận động hành lang của những người đồng tính và những người đe dọa người đồng tính sẽ đưa ra ánh sáng khuynh hướng tình dục của họ.
Vậy thì Đức Phanxicô hoàn toàn thất bại?
Không. Đó là giáo hoàng tốt nhất thời chúng ta. Ngài đã thành công khi định hướng não trạng đàng sau các bức tường Vatican theo một chiều hướng khác. Cuối cùng, nếu người ta không thay đổi cách mình suy nghĩ thì mọi cải cách đều vô ích.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nhà báo và nhà văn Ý Gianluigi Nuzzi tố cáo các vụ bê bối ở Vatican | Facebook