Các tín hữu kitô tị nạn

95

Các tín hữu kitô tị nạn

Hình: Một trại tị nạn ở Erbil

Trích sách “Các cuộc gọi của Đức Phanxicô”, Rosario Carello, nxb. Fidélité

“Allô? Anh chị em giống như Chúa Giêsu”

Vừa vào nhà thờ, các quân khủng bố Hồi giáo ISIS bắt đầu bắn. Đó là lúc thánh lễ vừa bắt đầu cử hành, chúng tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Ngay lập tức, họ bắn vào anh Oday và con trai 3 tuổi của anh, anh Oday là anh của tôi, anh ngồi bên cạnh tôi. Adam hét lên “Thôi! Thôi!”. Em mới 3 tuổi, em không lớn con và tôi nghe em tiếp tục hét lên “Thôi! Thôi!”, tôi không thể đứng dậy để bồng em vì quân khủng bố đang đứng gần đầu tôi và em Adam thì cứ tiếp tục hét. Sau đó cảnh sát tới, khi đó khoảng 11 giờ, sau khi chúng tôi bị bắt làm con tin 5 giờ, tôi không còn nghe tiếng hét của Adam.

Khi đó anh Oday của tôi bị thương ở tay, một trong các tên khủng bố nói với tên kia: “Bắn thêm vào người đàn ông nằm dưới đất này”. Và tên khủng bố đó bắn thêm.

Sự hấp hối của các tín hữu kitô ở Trung Đông

Sau đây là câu chuyện của người phụ nữ đã mất anh và cháu mình, bà kể cho đài truyền hình công giáo NourSat ở Liban, bà cho biết lúc đó bà nghe tiếng cầu cứu của anh và cháu mình mà không thể nào giúp được, cho đến khi bà không còn nghe tiếng của họ nữa.

Đó là ngày 31 tháng 10 năm 2010. Cháu bé Adam, cha và dì của em đi lễ như mọi chúa nhật khác ở nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở trung tâm thành phố Bagdad, Irak.

Vào thời đó người ta chưa biết nhiều về nhóm Hồi giáo ISIS, nhưng họ đã hoạt động ở đó. Sau đây là câu chuyện của một trong các nạn nhân đầu tiên của ISIS:

“Một ngày nọ, có rất nhiều người đến, họ mặc đồ đen, họ ghi chữ “n” trên nhà chúng tôi, “n” có nghĩa là người Nadarét, người gần với Giêsu Nadarét, tóm lại là tín hữu kitô. Vài ngày sau đó, họ bắt chúng tôi phải từ bỏ Chúa Giêsu Kitô. Tôi thấy nhiều người lớn, người già, trẻ em bị giết nhưng họ không cải qua đạo hồi giáo. Chúng tôi may mắn trốn thoát được. Từ xa, chúng tôi thấy họ đốt nhà thờ, đốt nhà của chúng tôi. Chúng tôi chạy trốn với chỉ hành lý duy nhất là bộ áo quần mặc trên người. Chúng tôi cõng con mình trên lưng, đi ngày này qua ngày khác dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời sa mạc. Chúng tôi đến được Erbil, vùng biên giới gần nhất với Kurdistan ở nước Irak. Người dân ở đây đón tiếp chúng tôi, họ mang thức ăn, nước uống và áo quần đến cho chúng tôi. Trong vùng Erbil có các trại tị nạn của Ankawa, nơi có hàng ngàn người sống ở đây”.

Làm sao các tín hữu kitô này có thể sống trong trại tị nạn, đó là nội dung bức thư của linh mục công giáo người Irak Behnam Benoka viết cho Đức Phanxicô trong một bức thư thống thiết:

Trọng kính Đức Thánh Cha, 

Điều kiện sống của các con chiên của cha thì thật bi thảm, họ chết, họ đói, trẻ con hãi sợ, chúng không còn đứng vững trên đôi chân, còn con, con sợ mất những em bé nhỏ nhất, những em bé nhỏ nhất của cha, những em bé sơ sinh, những em bé yếu dần và không sống sót nổi, con luôn sợ có thêm người chết. Chúng con, các linh mục, các tu sĩ nam nữ, chúng con có ít người và chúng con sợ không đáp ứng được các đòi hỏi về mặt tinh thần cũng như thể xác của các con chiên của con, cũng như của cha. Con viết thư cho cha trong hai hàng nước mắt, bởi vì chúng con ở đây, trong thung lũng đen tối, giữa những bầy chó sói hung dữ. 

Xin cha gởi cho chúng con phép lành của cha để chúng con có sức lực đi tới đàng trước.

Với tất cả tình thương của chúng con.

Đức Phanxicô trả lời

Đức Phanxicô nhận thư này trên chuyến bay từ Nam Hàn về Rôma ngày 18 tháng 8-2014. Một ký giả nhận thư qua máy điện thoại cầm tay, lập tức ông dịch lại và chuyển đến Đức Phanxicô. Ngày hôm sau, vừa về Rôma, ngài gọi cho linh mục L Behnam liền.

“Allô?”

“Allô, cha Behnam? Cha là Giáo hoàng Phanxicô, cha cám ơn con về tất cả những gì con đã làm các kitô hữu ở trại tị nạn”.

Bốn tháng sau, hôm trước ngày lễ Giáng Sinh, qua hệ thống liên lạc do đài truyền hình TV 2000 nối kết, Đức Phanxicô nói chuyện với người dân ở trại. Đó là những người mà cuộc sống bị chận lại.  Họ không còn gì, không nhà cửa, không tiền bạc, không công ăn việc làm. Trong sự im lặng hoàn toàn của các cường quốc, nhóm Hồi giáo ISIS đã dùng vũ lực để làm cho họ không còn gì, bây giờ họ bị chất đống ở Ankawa, sống một cuộc sống không tương lai. Nhờ sự trợ giúp của Giáo hội, họ có được thức ăn, có được mái nhà che để ngủ, nhưng họ sống không có một bảo đảm nào cho tương lai. Tâm hồn họ như bị giết chết. Đức Phanxicô nói chuyện với họ:

“Xin chào buổi chiều, cha xin chào tất cả chúng con nhân ngày canh thức Giáng Sinh. Cha xin chào tất cả chúng con đang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh và cha cùng kết hợp với chúng con trong thánh lễ này. Cha xin ôm tất cả các con vào lòng và gởi lời chúc mừng Noel đến các con. Các con giống như Chúa Giêsu trong đêm Giáng Sinh của Ngài: Ngài cũng không có chỗ ở, cũng bị đuổi và cũng phải trốn qua Ai Cập để được thoát. Chiều nay, các con cũng giống như Chúa Giêsu, cha ở bên cạnh các con và xin chúc lành cho các con. Các con hãy nghĩ, trong hoàn cảnh này, mình cũng giống như Chúa Giêsu, và điều này làm cho cha còn cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các con. Các con thân mến, cha ở bên cạnh các con chiều nay và cha xin Chúa Giêsu yêu thương các con, xin Mẹ Maria cho tất cả chúng ta tình yêu của Mẹ. Cha ở rất gần với các con. Chiều nay, Chúa Giêsu đến, Ngài đến như một em bé đơn sơ, dịu dàng. Những em bé đơn sơ trần trụi, những em bé đã chết giữa các con. Chúng ta hãy nghĩ đến các em: Hài đồng Giêsu đến giữa chúng ta, đó là tình yêu và sự dịu dàng của Thiên Chúa. Xin Chúa cho chúng ta ơn để lãnh nhận Ngài trong tình yêu. Và cha nghĩ đến các người lớn tuổi, các ông bà đã sống trọn đời mình, và bây giờ đau khổ với thánh giá này. Ước mong những người lớn tuổi cho chúng ta tất cả minh triết của cuộc sống. Đêm nay, cha mang các em bé, các người lớn tuổi trong tâm hồn cha. Và bây giờ, với tất cả các con, đặc biệt với các trẻ em và người lớn tuổi, từ đáy lòng cha, cha xin ban phép lành cho tất cả chúng con”.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Các cuộc gọi của Đức Phanxicô

Lán của Reggio Emilia

Các tín hữu kitô tị nạn

Marco Pannella: “Tình thương biểu lộ như thế này thì làm cho tôi rất xúc động”