“Allô, Stefano? Và mình xưng hô anh em với nhau được không?”
Trích sách “Các cuộc gọi của Đức Phanxicô”, Rosario Carello, nxb. Fidélité
Đó là tháng 8 năm 2013 ở Castel Gandolfo. Castel Gandolfo, một thị trấn nhỏ bên bờ hồ, nơi nghỉ mùa hè của giáo hoàng, nơi người dân trong vùng có thói quen ở bên cạnh lịch sử sát gần, một lịch sử đẹp và đôi khi cũng đau đớn. Chính nơi đây ngày 6 tháng 8 – 1978, Đức Phaolô VI qua đời; chính nơi đây Đức Gioan-Phaolô II về nghỉ dưỡng sức một thời gian dài sau vụ ám sát năm1981; chính nơi đây Đức Bênêđictô XVI về ở hai tháng giữa thời gian mình từ nhiệm và mật nghị bầu Đức Phanxicô tháng 2 năm 2013 và cũng chính nơi đây, Đức Bênêđictô XVI chào giáo dân lần cuối trong cương vị Giáo hoàng, trước khi chuông đồng hồ đổ 20h, giờ chính thức ngài không còn là giáo hoàng.
Chúng ta nhắc ở đây, lời tóm tắt của một đời sống tận hiến cho Giáo hội, lời vang dội từ thị trấn nhỏ bé này đến các dinh thự Rôma, từ hang cùng ngõ hẻm vùng xóm nghèo ở Ba Tây cho đến Tòa Bạch Ốc.
Anh chị em thân mến, tôi hân hoan ở cùng anh chị em, được ở trong nét đẹp của tạo dựng và trong thiện cảm của anh chị em, điều làm cho tôi được khỏe, tôi xin cám ơn tình bằng hữu, tình thương mến của anh chị em. Như anh chị em biết, ngày hôm nay là một ngày đặc biệt khác với các ngày trước, tôi không còn là Đức Thánh Cha của Giáo hội công giáo. Cho đến 20h tối nay tôi vẫn còn, nhưng sau đó thì tôi không còn nữa. Tôi chỉ là người hành hương đi đoạn cuối cuộc hành hương của mình trên quả đất này. Nhưng với tất cả lòng thành, tình yêu, lời cầu nguyện, suy tư, với tất cả sức lực nội tâm của tôi, tôi vẫn còn mong muốn làm việc cho lợi ích chung, cho sự tốt lành của Giáo hội và của nhân loại. Và tôi tìm được sự ủng hộ rất mạnh nơi thiện cảm của anh chị em. Chúng ta cùng đi tới đàng trước với Chúa cho sự tốt lành của Giáo hội và của thế giới. Tôi xin cám ơn anh chị em. Bây giờ, với tất cả tâm hồn của tôi, tôi xin ban phép lành cho anh chị em. Xin cám ơn và xin chúc anh chị em một buổi tối an lành! Xin cám ơn tất cả anh chị em!
Với Đức Phanxicô thì mọi sự thay đổi: Đức Bergoglio không nghỉ hè và gần như không bao giờ đến Castel Gandolfo (bây giờ nhà nghỉ hè này dành cho khách du lịch đến viếng thăm).
Một bức thư đơn sơ
Nhưng ngày 15 tháng 8 này, 5 tháng sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đến đây. Theo như truyền thống, ngài cử hành lễ Đức Mẹ Lên Trời ở giáo xứ San Tommaso da Villanova, tại khuôn viên của làng.
9 siờ sáng, ngài đi xe từ Rôma đến. Giai đoạn đầu là đến đan viện Clarisse ở Albano, sau đó là cử hành thánh lễ. Trời nóng, tín hữu đông. Trong số các tín hữu có anh Stefano Obizza ở Camin, một thôn xóm của tỉnh Pađua. Anh 19 tuổi, sinh viên ngành kỹ sư. Ngày hôm đó, cùng với gia đình, anh có mặt ở đó. Anh mang theo bức thư, như bao người khác, trong thư anh mong muốn được biết về ngài và hỏi vài câu hỏi về đức tin. Anh Stfano nói với nhật báo Gazzettino: “Thật tình mà nói, tôi không nghĩ tôi có thể đưa thơ đến ngài, nhưng cuối thánh lễ, chúng tôi đã đưa cho một trong các linh mục cho rước lễ”.
Ba ngày sau, một ngày chúa nhật, điện thoại reo.
Lần đầu tiên, anh Stefano không trả lời.
Sau đó, Đức Phanxicô thử gọi một lần nữa.
“Allô?”
“Allô, cha là Giáo hoàng Phanxicô”.
Stefano khó tin và anh trả lời với ngài theo cách xưng hô kính trọng.
“Trọng kính Đức Thánh Cha, thật là một niềm vui lớn cho con! Đức Thánh Cha được khỏe không ạ?”
“Nào, mình xưng hô anh em với nhau được không”, đó là câu trả lời của Đức Phanxicô. “Con nghĩ là các Tông đồ nói với Chúa Giêsu một cách trịnh trọng như vậy sao? Chúa Giêsu và các thánh tông đồ là bạn với nhau như mình bây giờ với nhau, giữa cha và con là bạn. Cha có thói quen xưng hô thân tình”.
Hai người nói chuyện với nhau 8 phút. Anh Stefano tóm tắt như sau: “Ngài nhắc tôi cầu nguyện nhiều với thánh Stêphanô và cầu nguyện cho ngài nữa. Ngài ban phép lành cho tôi và tôi cảm nhận có một sức mạnh rất lớn trong tôi, ngài truyền cho tôi quyết tâm tin ở chính mình cho đến cùng”.
Nhưng cuộc nói chuyện đơn giản này lại trở thành một sự kiện: báo chí nói đến và chính Đức Phanxicô có nhắc đến trong bài phỏng vấn với linh mục Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo Civiltà Cattolica: “Tôi biết báo chí đăng rộng rãi cuộc điện thoại của tôi với một thanh niên trẻ, anh viết cho tôi một bức thư. Tôi gọi anh vì bức thư đơn sơ và dễ thương. Với tôi, đây là một hành vi rất phong phú. Tôi nhận ra đây là một thanh niên đang lớn lên, anh thấy ở tôi là người cha và anh nói một vài chuyện về cuộc đời của anh. Một người cha không thể trả lời kiểu “tôi cóc cần”. Bức thư của anh đã làm cho tôi rất vui”.
Qua cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đưa suy tư này vào trong một lập luận về sự phong phú của Giáo hội. Ngài nói với tạp chí Văn minh Công giáo: “Giáo hội rất phong phú, Giáo hội phải phong phú. Anh thấy đó, khi tôi ghi nhận các ứng xử tiêu cực của các thừa tác viên trong Giáo hội hay của các nam nữ tu sĩ tận hiến, ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là: “Lại thêm một chàng trai già, một phụ nữ già”. Họ không phải là người cha, người mẹ. Họ không có khả năng cho sự sống. Ngược lại, khi tôi đọc các gương về đời sống của các nhà truyền giáo Salê đi Patagonia, tôi đọc được câu chuyện của một đời sống phong phú”.
Về phần mình, anh Stefano, người sinh viên xưng hô thân mật với Đức Phanxicô cho chúng tôi biết sau cuộc nói chuyện này: “Tôi muốn đưa ra công chúng kinh nghiệm tuyệt vời này, chỉ vì một lý do duy nhất: để mọi người biết lòng khiêm tốn và sự gần gũi của Đức Phanxicô đối với giáo dân lớn như thế nào”. Vì thế, nói câu chuyện này ra để kinh nghiệm này trở thành phong phú khi nó để lại một dấu vết, một hương thơm, một tấm gương.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Các cuộc gọi của Đức Phanxicô
Các tù nhân: “Chúa đã ở trong đó với họ”
“Allô? Vậy thì khi nào các con rửa tội cho cháu?”