Lạm dụng tình dục: Tổng Giám mục Paul-André Durocher tự vấn trong một thánh lễ trên truyền hình
Đức Giám mục Paul-André Durocber, Tổng Giám mục giáo phận Gatineau, Québec, Canada. (Présence/Philippe Vaillancourt)
presence-info.ca, Philippe Vaillancourt, 2018-08-30
Đức Giám mục Paul-André Durocber, Tổng Giám mục giáo phận Gatineau, Québec, Canada, cựu Chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada (2013-2015) nhân dịp lên truyền hình trong một thánh lễ của kênh truyền hình Ngày của Chúa, đã công khai tự vấn mình về cơn khủng hoảng mà Giáo hội công giáo đang đi qua hiện nay.
Trong bài giảng, Đức Giám mục Paul-André Durocher đã đề cập đến vấn đề này dưới góc cạnh chức vụ giám mục của mình.
Ngài cho biết: “Trong bức thư xin lỗi Đức Phanxicô vừa viết cho Dân Chúa, ngài đã khẳng định, chúng ta tất cả phải đóng góp phần mình để vực dậy tình trạng này. Mỗi người, nam cũng như nữ chúng ta đều phải tự vấn mình chúng ta có thể làm gì, bắt đầu là tôi, trong chức vụ giám mục”.
Theo ngài tai tiếng các vụ lạm dụng tình dục bùng ra ở Mỹ, Chi-lê, Ai Len “cho thấy chiều kích khủng khiếp của tội lỗi độc hại này trong hàng giáo sĩ và đặt lại vấn đề sự hợp thức ngay trong cơ cấu uy quyền của Giáo hội”.
Ngài nói tiếp: “Sự thiếu minh bạch và khôn ngoan của một số các giám mục trong quá khứ và gần đây trong nhiều trường hợp đã không quan tâm đến luật dân sự và giáo hội, tạo ra hoặc mong ước sâu đậm là giáo hội được cải cách, hoặc ghê tởm, chán nản và cuối cùng là muốn loại bỏ Giáo hội”.
Đức Giám mục Durocher muốn dấn thân để “thay đổi tình trạng không thể chấp nhận này”, ngài nói phải thêm vào danh sách các nạn nhân lạm dụng là các gia đình, các bạn bè của họ và các “tín hữu có thiện tâm”.
Tiếp tục trong suy tư của mình, ngài nhắc đến bài đọc ngày chúa nhật 26 tháng 8, thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêsô. Một “bức thư không được yêu chuộng” vì Thánh Phaolô nói người phụ nữ phải vâng phục chồng mình. Giám mục Durocher cho biết mình được “cảm hứng” vì Thánh Phaolô nói trước hết hai vợ chồng phải tuân phục “người này người kia”.
Ngài giải thích: “Đây là tuân phục hỗ tương và ngang nhau. Nói cách khác, Thánh Phaolô kêu gọi người chồng cũng như người vợ phải lắng nghe nhau, đối xử với nhau trong sự tôn trọng và quan tâm để mang hạnh phúc đến cho nhau”.
Ngài nói tiếp: “Anh chị em sẽ hỏi vì sao trong cương vị giám mục tôi lại nói chuyện này trong bối cảnh các vụ lạm dụng tình dục trên các trẻ vị thành niên của hàng giáo sĩ? Giống như tất cả các giám mục, tôi mang chiếc nhẫn này trên tay. Chiếc nhẫn này nhắc tôi nhớ tôi đã kết hôn với Giáo hội giáo phận của tôi, tôi phải yêu thương Giáo hội theo cách Chúa Kitô đã yêu, “và Giáo hội này không phải là một thể chế cần được bảo vệ, nhưng là một gia đình gồm những con người cụ thể, một số trong họ dễ bị tổn thương hơn các người khác. Và tôi, là giám mục, tôi phải yêu hiền thê của tôi, có nghĩa là tôi phải đi đến tận cùng trong ước muốn được nhìn thấy những người thấp bé nhất, nghèo nhất trong giáo phận tôi phải được triển nở, cho họ thấy lòng trắc ẩn và tình yêu của Người Cha, mở cho họ các nơi chốn để họ được lắng nghe, được đón nhận bất kể vết thương của họ như thế nào, bất kể tiến trình của họ như thế nào”.
Ngài tự hỏi, Giáo hội có ở trong cơn khốn cực này nếu các giám mục biết áp dụng “bài học của Thánh Phaolô” không. Ngài cho biết: “Nhưng tôi không muốn làm cho tôi vui bằng cách phán xét các vị tiền nhiệm của tôi, tôi chỉ muốn đáp trả lại tiếng Chúa gọi tôi ở đây và bây giờ, làm sao tôi biểu lộ được lòng thương xót đến những người bị tổn thương và mong manh nhất trong giáo phận của tôi”.
Kết thúc bài giảng, giám mục Durocher xin giáo dân cùng suy tư với mình để tất cả là “chứng nhân sống động của đức tin, của tình yêu và của hy vọng”.
Cách đây hai năm, trong một buổi cử hành phục vụ, Tổng Giám mục giáo phận Gatineau đã xin lỗi các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Phản ứng như thế nào