Giáo hội công giáo: Hồi cuối gần kề

381

Giáo hội công giáo: Hồi cuối gần kề

presence-info.ca, Jocelyn Girard, giáo sư thần học ở Saguenay, Quebec, Canada 2018-08-22

Cho đến gần đây, tôi vẫn còn trong số những người sẵn sàng so sánh các linh mục lạm dụng với những người cha loạn luân, những “ông chú dê xồm” của gia đình chúng tôi, hay với các huấn luyện viên thể thao, thậm chí còn so sánh với các huynh trưởng hướng đạo, để đặt bối cảnh các người đi săn trẻ con này như những người rải rác có mặt khắp nơi trong xã hội, ở nơi nào có mảnh đất thuận lợi cho việc họ lạm dụng địa vị của mình trên những người dễ tổn thương nhất.

Nhưng bây giờ tôi không còn so sánh như vậy nữa! Tôi đồng ý với những người cho rằng, điều này không thể giải thích cho tất cả. Rõ ràng, Giáo hội công giáo đã cho phép các tổ chức ấu dâm có cơ sở trong nhà mình và đã không tìm một biện pháp thích ứng nào để triệt hạ nó. Ngoài việc mô tả ghê tởm của 300 linh mục lạm dụng ở Pennsylvania, nhắc lại cho chúng ta ở đây (Québec) công việc làm trong bí mật của các tu sĩ Dòng Thánh Giá. Và chúng ta hãy nghĩ đến việc bao che một cách có hệ thống để những người ấu dâm yên tâm thụ hưởng, mà không làm cho tổ chức thánh thiện này xấu hổ.

Nếu công tố viên ở Pennsylvania đã không cho phép điều tra các linh mục ấu dâm thì có lẽ cần phải nhiều năm nữa câu chuyện này mới được tiết lộ. Thật vậy, Giáo hội cũng có thể phẫn nộ và tố cáo các việc làm xấu xa này của một số linh mục, và còn phải quyết tâm dò tìm để phát hiện, để nghiêm trị. Tuy nhiên, dù có vô số chứng cứ nhưng rất hiếm khi đủ để thuyết phục Giáo hội đưa sự việc ra ánh sáng nếu không có các đòi hỏi từ bên ngoài. Chính lúc đó và chỉ lúc đó, các nhà cầm quyền giáo hội mới chịu tách mình ra khỏi các người họ bảo vệ.

Các bài diễn văn ăn năn dù nghiêm túc thế nào cũng không đủ. Dù bức thư gởi Dân Chúa của Đức Phanxicô đã đi xa hơn nhiều so với các vị tiền nhiệm của mình, nhưng ngài cũng không đề nghị biện pháp nào khác hơn là ăn chay cầu nguyện để kêu gọi các thành viên trong Giáo hội góp phần triệt hạ loại văn hóa của sự chết này. Đó là lời thú nhận mình bất lực, dù rất cảm động, nhưng chứng tỏ cho thấy sự bất lực của Giáo hội để tự thoát ra khỏi chính mình. Như thử Giáo hội không nhận ra mình có bất cứ một quyền uy nào đối với chức năng và cơ cấu thần thánh của mình, vì thế Giáo hội không thể tìm được ai để giám hộ mình trong thời gian chờ chỉnh đốn xong.

Phải làm gì? 

Ma quỷ đang ở trong nhà. Sau 2000 năm, các nhà lãnh đạo Giáo hội bắt đầu hiểu, ma quỷ sẽ còn ở đây lâu nữa! Do đó, không phải chỉ triệt được sự dữ bằng các phương tiện thiêng liêng, dù các phương tiện này giúp hướng dẫn các tín hữu, nhưng cần các phương tiện để ngăn chặn bất cứ ai muốn làm. Điều này bao gồm các phương tiện nghiêm trọng hơn là chỉ “xuống cấp thành tình trạng thế tục” do giáo luật quy định. Mặt khác, đó có phải là một hình phạt đáng sợ không? Nói như vậy có phải là giảm giá trị tình trạng của đại đa số tín hữu không?

Ngoài sự nhục nhã thoáng qua, ai có thể tin sự đe dọa loại ra khỏi hàng giáo sĩ là đủ để triệt hẳn vấn đề? Giáo điều của chức thánh còn đi ngược lại: một linh mục sẽ không bao giờ là một “giáo dân đích thực” vì chức thánh không thể tẩy xóa được (điều 1582 Giáo lý Giáo hội công giáo). Cách hiểu về chức thánh như thế này là một ý thức hệ làm nổi bật chủ nghĩa giáo quyền hơn là thần học thực sự của các sứ vụ.

Hôn nhân của các linh mục hay cho những người đã lập gia đình làm linh mục cũng không phải là câu trả lời, dù nó phải cũng là một phần của câu trả lời. Trong thực tế, điều này sẽ mở rộng chủ nghĩa giáo quyền ra cho những người đã lập gia đình chứ không phải là triệt hạ tận gốc. Để làm được điều này, phải suy nghĩ lại cấu trúc kim tự tháp, một cấu trúc tập trung quyền lực từ trên cao. Cương vị giáo sĩ là một hệ thống cổ xưa tạo đặc quyền và quyền lực cho một số thành viên trong Giáo hội, có thể làm cho họ không thể bị phạt được.

Giải pháp nhất thiết là phải đi về lại quyền nguyên thủy của cộng đoàn địa phương. Cộng đoàn này phải được nâng đỡ trong quyền của mình, được Giáo hội Chúa Kitô công nhận đầy đủ, bằng cách có các bộ riêng của mình – được đào tạo và được công nhận – những người phải ở dưới quyền của Giáo hội trong bất cứ hoàn cảnh nào. Những người này không được giới hạn chỉ nam giới, hay độc thân, như thử đây là đặc nét duy nhất mới “định hình” hành động của Chúa Kitô.

Nữ giới và nam giới được công nhận trong sự bình đẳng hoàn toàn, ơn gọi cơ bản của họ không nên nhầm lẫn với các chức vụ họ giữ trong lúc đó, dù đây là chủ trì cuộc họp thánh thể, phục vụ cộng đoàn hay làm một công việc nào khác để duy trì công việc này.

Cuối cùng, mối quan hệ với tình dục phải được suy nghĩ lại. Giáo hội phải lắng nghe các nhóm có một cái nhìn khác về tình dục mà mục đích là đóng góp cho sự phát triển của các đối tượng. Giáo hội không còn có thể gây ra mặc cảm tội lỗi và kềm nén, đó là các yếu tố làm thuận lợi cho các lệch lạc như nạn ấu dâm. Các sự thật khác cũng sẵn sàng cho con người và dường như chính xác hơn một số giáo lý của Giáo hội, nhất là về đồng tính. Đó là điều cấp bách để nắm bắt cơ hội quan tâm đến những người đang đau khổ, tháp tùng họ trong sự khác biệt của họ thay vì làm nặng thêm với các khái niệm lỗi thời.

Tái sinh hay chết

Không có một con đường nào khác cho Giáo hội, hoặc tái sinh hoặc chết. Tất cả các dấu hiệu bên ngoài cho thấy Giáo hội sẽ mất mát. Đại đa số các tín hữu không còn thấy Giáo hội như nguồn nước tươi mát để làm dịu cơn khát thiêng liêng của họ. Còn những người không tin thì chẳng có gì thu hút sự chú ý của họ, dù chỉ là một hình thức tín nhiệm mang đến cho họ một lý lẽ chính đáng giữa các lý lẽ có ý nghĩa khác.

Đây có phải là hồi kết của Giáo hội không? Chúng ta có thể nhớ lại lời hứa của Chúa Kitô, khẳng định sự vĩnh cửu của mình dù phải đương đầu với nghịch cảnh, hay như lời thóa mạ của tiên tri Ê-dê-ki-en, rằng cái chết đoán trước của Giáo hội chỉ là hệ quả của sự kiêu hãnh, sự bất lực không chận được các bất công, sự quay lưng với những người thấp bé nhất, những người đau khổ nhất.

Còn về việc tái sinh, ai có thể nhận ra các tiền đề của nó?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Ly khai, công đồng: lựa chọn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng?

Lạm dụng tình dục: “Nhục nhã và ăn năn”, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết cho Dân Chúa   

Ấu dâm: “Đức Phanxicô muốn một cuộc chiến triệt để chống các vụ lạm dụng”