“Chủ nghĩa giáo quyền là một yếu tố trong các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội”

460

“Chủ nghĩa giáo quyền là một yếu tố trong các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội”

la-croix.com, Anne-Bénédicte Hoffner, 2018-08-17Công tố viên bang Pennsylvania, ông Josh Shapiro lên tiếng trong buổi họp báo ở Harrisburg ngày thứ ba 14 tháng 8 – 2018.  / Matt Rourke/AP

Linh mục tâm lý gia Stéphane Joulain mô tả chủ nghĩa giáo quyền mà Đức Phanxicô thường hay tố cáo, đã dẫn đưa các giáo phận Pennsylvania phủ nhận và che giấu trong nhiều năm trời các tội ác của các linh mục ấu dâm.

Linh mục Stéphane Joulain là chuyên gia trong việc xử lý các vụ lạm dụng tình dụ, linh mục đã theo dõi trị liệu cho gần 200 người ấu dâm và đã đào tạo trong lãnh vực giáo dục và phòng ngừa trên nhiều nước.

Báo Thập giá: Nạn chủ nghĩa giáo quyền mà Đức Phanxicô không ngừng tố cáo từ đầu giáo triều của mình có phải là lý do sự phá sản của Giáo hội công giáo ở Pennsylvania không?

Linh mục Stéphane Joulain: Có, đó là một trong các yếu tố. Cũng giống như tất cả các nhóm xã hội khác, các linh mục cùng chia sẻ một văn hóa, với các bộ luật và các giá trị của mình. Chủ nghĩa giáo quyền bắt đầu khi văn hóa của hàng giáo sĩ này biến thể lệch lạc qua một loại chủ nghĩa đoàn thể: tự đặt cho mình các ưu đãi, khi đó họ bảo vệ lợi ích nhóm thay vì bảo vệ cho sự toàn vẹn về mặt tâm lý cũng như về mặt cơ thể của các em bé.

Điều mà Đức Giáo hoàng lên án là các linh mục này đặt quyền lực và uy quyền của mình để phục vụ cho lợi ích của mình, một hình thức công nhận mình là thượng đẳng, đặt mình trên bệ thờ trong khi mình là mục tử. Khi đương sự cảm thấy mình là người đặc biệt thì nhanh chóng họ tự cho mình có các ưu đãi đặc biệt… Nhưng đối với Đức Giáo hoàng thì ngược lại: quyền uy mà Giáo hội giao phó cho các mục tử là để phục vụ cộng đoàn, để mục tử “phải biết mùi của đoàn chiên mình”.

Như thế vấn đề không phải từ giáo dân và quyền uy mà họ công nhận nơi các linh mục?

Thật ra, chủ nghĩa giáo quyền chỉ có thể có được khi các linh mục áp đặt và giáo dân chấp nhận. Theo truyền thống, các linh mục có được một sự kính trọng do xác tín của họ và được giáo dân duy trì, làm việc cho sự thánh thiện này. Nhưng sự kính trọng này chỉ có giá trị trong hàng linh mục chung chung chứ không phải cho từng cá nhân.

Cho rằng vì đã chịu chức, nên linh mục có được một hình thức kính trọng nào đó là một sai lầm, và một số linh mục không ngần ngại lợi dụng sai lầm này… Văn hóa, lịch sử của một đất nước đóng một vai trò ở đây: nước Mỹ và cả Phi châu, nơi hiện nay tôi đang làm việc, giáo dân rất ttuần phục các linh mục. Một vài tín hữu kể – như trong bản báo cáo ghi lại -, khi có một linh mục đến nhà họ thì như chính Chúa đến nhà…

Làm thế nào để hiểu bí tích phong chức mà người ta cho đó là “hình dáng” của Chúa Kitô?

Sự biến đổi “bản thể học” của một người qua việc chịu chức là một hình thức cần phải xem xét rất cẩn thận. Trước hết sự biến đổi này không phải là biến đổi sinh lý: các ham muốn có trước đây vẫn còn sau khi đã chịu chức: đây không phải là chuyện các linh mục phủ nhận tính con người của mình.

Qua bí tích chịu chức, linh mục mở lòng ra trước sự hiện diện của Chúa Kitô để đến phần mình, linh mục là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa; chứ không phải là một Chúa Kitô khác. Để hiểu “đặc tính” này của linh mục, chỉ cần đọc Tin Mừng của Thánh Mát-thêu, Chúa Giêsu đã nói: “Ta không đến để được phục vụ, mà đến để phục vụ” ( Mt, 20-28). 

Làm thế nào để chống lại nạn chủ nghĩa giáo quyền?

Bao giờ cũng vậy, phải đi song song với việc phòng ngừa, hình phạt và giáo dục. Để phòng ngừa, việc đầu tiên là phải ấn định quyền của hàng giáo sĩ, buộc họ phải báo cáo về cách họ dùng quyền uy của mình. Một quyền lực không vào trong khuôn khổ thì sẽ tạo ra nạn chuyên chế và nguy cơ này càng cao khi đây là quyền uy có tính thiêng liêng.

Việc triệu tập các giám mục Chi-lê về Rôma, việc Đức Giáo hoàng chấp nhận đơn từ chức của một số giám mục cũng như đơn từ chức của hồng y McCarrick, Tổng Giám mục danh dự của Washington là các dấu hiệu mạnh mẽ chứng tỏ quyền uy mà Giáo hội giao phó cho họ không phải là bất khả xâm phạm.

Còn về hình phạt, thì dĩ nhiên một giám mục phải hành động ngay khi được báo động, chứ không chờ xem hoặc thuyên chuyển đương sự đi giáo xứ khác. Theo tôi, đó là một sai lầm khi tạo ra các trung tâm xét xử đặc biệt cho các linh mục lạm dụng tình dục vì như thế là duy trì sự kiện: họ phải bị xét xử như các tội phạm tình dục khác.

Cuối cùng, các linh mục tương lai phải được giáo dục để biết dùng quyền uy của mình và để biết hành xử đúng tính dục của mình. Lý tưởng là làm việc dựa trên công việc về mặt thần học, giáo hội học, thần học đạo đức.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Phân tích của Linh mục Stéphane Joulain về vụ ấu dâm Chi-lê