Đâu là linh đạo cho thế kỷ 21?
fr.aleteia.org, Jacques Gauthier, 2018-07-28
Trong tác phẩm mới nhất của mình, tác giả William Clapier chất vấn về các mối tương quan mới giữa con người và Thiên Chúa.
Trước ngưỡng cửa 60, tác giả William Clapier đưa ra một quyển sách đầy tham vọng vì chủ đề rộng lớn của nó, đậm đặc bởi các nội dung nhiều sắc thái mang lại. Được viết sau tai nạn xe đạp, ông làm chứng thế nào là đi đến tận con người mình, mà không ai có thể tự bộc bạch trọn cho bằng chính mình, để thay đổi mình tốt hơn, cũng như để thay đổi thế giới. Quyển sách dễ đọc và đòi hỏi, nó không giống như các khảo luận thiêng liêng bình dân. Thư mục cuối sách cho thấy nguồn tài liệu đa dạng của tác giả.
Theo dòng đời
Đâu là linh đạo cho thế kỷ 21? Câu hỏi mênh mông của trang bìa là chất vấn của tác giả. Với tinh thần phân định, tác giả triển khai đời sống thiêng liêng thời buổi của chúng ta và không xem nhẹ vấn đề tôn giáo và linh đạo, đức tin vào Chúa Kitô và các giá trị chung của nhân loại. Con đường đi tìm linh đạo của tác giả thì lo lắng không yên, với các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp, nhưng cũng đầy tin tưởng vì tác giả hy vọng vào con người và khả năng mở lòng ra với Chúa có trong tận đáy lòng mỗi người. “Làm thế nào ngày nay, vào đầu thế kỷ 21, lại có thể nghe lại và để mở rộng ra những gì ở tận đáy sâu tâm hồn con người? Làm thế nào để tái phục hồi nơi con người, để làm cho con người người hơn?” (trang 231)
Tác giả Clapier trả lời câu hỏi này bằng cách nhìn lại đời sống mình. Cách tiếp cận cá nhân làm cho quyển sách đáng tin cậy hơn: khởi đi từ đời sống cụ thể để khám phá chiều kích thiêng liêng của con người. Độc giả đi theo tác giả trong bước đường khám phá các linh đạo đông phương của ông, phật giáo, ấn giáo, học thiền, thinh lặng ngồi thiền hay khám phá nội tâm mình bằng chú ý đến hơi thở, đến thân thể. Qua các bóng tối, các vỡ mộng, ông nêu lên Tên mà ông không ngờ, một âm thanh lặng thinh làm nền cho đức tin và cho tâm hồn ông: Giêsu-Kitô “một Thiên Chúa thật và một con người thật”. Một kinh nghiệm theo trực giác của tình yêu siêu việt của “phía bên kia”, ông khám phá các bài thơ của Thánh Gioan Thánh giá, Câu chuyện của một tâm hồn của Thánh Têrêxa Lisiơ đã dạy cho ông con đường quên mình và bàn tay trống của tuổi thơ thiêng liêng: “Đến với Chúa, trong Chúa với tâm hồn đơn sơ của trẻ con” (trang 65). Sự trở lại này dẫn ông vào Dòng Camêlô năm ông 25 tuổi và ông ở lại đây 23 năm như một tu sĩ Dòng Camêlô. Ông trở lại đời sống giáo dân, xuất bản vài quyển sách, làm luận án tiến sĩ, Yêu cho đến chết vì yêu (Aimer jusqu’à mourir d’amour). Thánh Têrêxa và mầu nhiệm Phục Sinh, Thánh Lui và Zêlia Martin: một con đường thánh thiện cho mọi thời. Hiện nay ông làm việc trong lãnh vực giáo dục học đường.
Tác giả William Clapier khẳng định, đời sống thiêng liêng là công việc thực hành, khám phá gia tài mà chúng ta có và chôn giấu tận đáy lòng mình. Để thực hiện con đường thiêng liêng của mình, mỗi người phải đi xuống tận sâu cái đáy không đáy này, hướng về trọn con người mình, hoàn tựu nơi Đấng là tất cả. Không có phương pháp nào hoàn toàn để dấn bước vào chính con người mình, vì mỗi người có con đường riêng của mình. “Cẩm nang áp dụng cho phương pháp thiêng liêng là vượt lên phương pháp” (trang 191). Thánh Gioan Thánh giá đã nói: “Dựa mà không có một điểm dựa nào”. Đó là giải thoát quả tim mình qua công việc của Thần Khí, qua ngồi chiêm niệm, trong “thinh lặng tâm hồn”. Trong suốt tác phẩm, tác giả đề cập đến kỹ thuật này, cảm hứng từ yoga và zen, có mục đích “làm cho tâm hồn được yên tỉnh để giải phóng năng lực thiêng liêng” (trang 78). Tác giả tự đặt mình theo khuôn khổ hàng tuần, thực hành chiêm niệm theo con đường phật giáo. Ông ít nói đến kinh nghiệm ca nguyện của Dòng Camêlô. Cũng cần nhắc lại ở đây, ca nguyện trong tinh thần kitô giáo cũng là chiêm niệm, nhưng không phải để cảm nhận được thoải mái hay làm trống tư tưởng, nhưng để thông hiệp với Chúa Kitô, kết hợp với Chúa trong đức tin.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch