Phản kháng, Lành mạnh, và Phản ứng theo Kitô giáo

369

Phản kháng, Lành mạnh, và Phản ứng theo Kitô giáo

Ronald Rolheiser, 2018-05-07

Đôi lúc mơ mộng lại là điều thực tế nhất ta có thể làm. Hoặc, vẫn còn một điều gì khác ta có thể làm, như sự phản kháng công khai, hay là còn điều gì khác nữa?

Trong quyển sách về tính ngôn sứ, Các Giới răn của Đường Dài, Linh mục Daniel Berrigan đã khuyên như sau. Những biểu hiện ngôn sứ không phải lúc nào cũng hiệu quả về mặt chính trị. Thường thì chúng chẳng đạt được điều gì thực tế, nhưng cha cũng thêm rằng: Nếu bạn không thể cứu lấy thế giới, thì ít ra bạn có thể cứu lấy sự lành mạnh của mình.

Đôi khi đấy là tất cả những gì chúng ta cần đạt đến khi phản kháng chống lại bất công. Hơn nữa, đấu tranh để cứu lấy sự lành mạnh bản thân không phải là chuyện riêng như ta tưởng. Khi phản kháng điều gì đó sai trái, dù cho biết cuộc phản kháng của mình sẽ không thay đổi được gì về mặt thực tế, nhưng sự lành mạnh ôn hòa mà ta cứu lấy, không chỉ là của riêng ta thôi đâu. Ta còn cứu lấy sự lành mạnh của thời điểm đó.

Khi bàn về chủ nghĩa tích cực đương thời về các vấn đề nhân quyền và môi trường của tiểu thuyết gia đoạt giải Booker, Arundhati Roy, thì nhà phê bình nghệ thuật John Berger nói rằng: “Sự phản kháng chính trị sâu sắc là một lời kêu gọi đến với công lý đang vắng mặt, và đồng hành với nó là một hy vọng rằng trong tương lai, công lý này sẽ được thiết lập, tuy nhiên, hy vọng này không phải là lý do đầu tiên để thực hiện sự phản kháng đó. Người ta phản kháng vì nếu không phản kháng thì thật quá nhục nhã, quá tồi tàn, quá tàn phế. Người ta phản kháng (bằng dựng chiến lũy, cầm súng lên, tuyệt thực, cầm tay nhau, hò hét, hay bằng ngòi bút) là để cứu lấy thời khắc hiện tại đó, dù tương lai chưa biết sẽ thế nào… Một cuộc phản kháng không phải là một hy sinh để có một tương lai khác công bằng hơn, mà một cuộc phản kháng là để chuộc lại một cách mơ hồ hiện tại này.” Về căn bản, nó giữ gìn sự lành mạnh trong thời điểm hiện tại.

Nhưng nó có thể chẳng là gì khi xét về những đổi thay thực tế. Hầu hết mọi chuyện vẫn như cũ. Bất công vẫn tiếp diễn, người nghèo vẫn cứ nghèo, toàn cầu vẫn ngập trong chiến tranh, kỳ thị chủng tộc vẫn tiếp tục kỳ thị, môi trường vẫn tiếp tục bị tàn phá, tham nhũng vẫn cứ hoành hành, và sự bất lương tiếp tục tung ra những lời dối trá của nó. Và người ta đi biểu tình, bị bắt giam, tuyệt thực, và đôi khi bỏ mạng vì sự phản kháng này, trong khi bất công, tham nhũng và bất lương vẫn cứ còn đó. Đến một lúc nào đó, chắc chắn và hợp lý, chúng ta phải tự hỏi mình câu hỏi mà Marius trong Những kẻ khốn cùng, đã hỏi sau khi bạn bè anh chết trong cuộc phản kháng, mà mọi chuyện dường như vẫn chẳng thay đổi được gì. Các anh em hy sinh vì cái gì? Có đáng để chết vì nó không?

Những câu hỏi này rất xác đáng, nhưng có thể có một câu trả lời tích cực cho chúng. Họ không chết trong tuyệt vọng, không chết vô cớ hay vì một chủ nghĩa lý tưởng phi thực tế, một giấc mơ ấu trĩ. Cái chết của họ là một sự cứu rỗi nhỏ bé cho thời điểm hiện tại, nghĩa là tác động thực tế của nó có thể không đong đếm được, nhưng hạt giống tinh thần nó gieo trong thời điểm đó cuối cùng sẽ giúp tạo nên những thứ có giá trị. Mọi phụ nữ khởi xướng phản kháng đòi quyền bầu cử đều chẳng bao giờ được đi bầu. Nhưng phụ nữ ngày nay đã được đi bầu. Hạt giống tinh thần họ gieo trong những cuộc phản kháng tầm thường đó cuối cùng đã tạo nên một chuyện thực tế.

Đôi khi bạn sẽ thấy mình khá cô đơn khi phản kháng, và có vẻ như bạn chỉ làm việc để cứu lấy sự lành mạnh của mình và hối tiếc cho sự nhục nhã và bất lực của mình. Nhưng không ai là một hòn đảo. Sự bất lực, sự nhục nhã, và sự lành mạnh của bạn là một phần trong hệ miễn dịch của toàn nhân loại. Sự lành mạnh của mọi người, phần nào dựa vào sự lành mạnh của chính bạn, cũng như sự lành mạnh của bạn dựa vào sự lành mạnh của tất cả mọi người.

Và phản kháng luôn luôn là một điều mà đức tin chúng ta thôi thúc, và thật sự là truyền lệnh phải làm thế. Có lẽ chúng ta vẫn cứ thụ động trước sự bất công, bất bình đẳng, kỳ thị chủng tộc, bàng quan trước người nghèo và Mẹ Trái đất, tham nhũng, và bất lương. Chúng ta cần phải gieo hạt giống tinh thần trong hiện tại. Làm sao để được như thế?

Không phải tất cả chúng ta (thậm chí là hầu như không phải toàn bộ chúng ta) được kêu gọi để dựng áp phích, biểu tình, bị bắt hay bỏ mạng vì chính nghĩa, trừ phi khi sự bất công hay tham nhũng quá cùng cực đến nỗi đáng phải thế. Thường thì, với hầu hết chúng ta, cuộc phản kháng của chúng ta là có thật nhưng không cần là một chứng tá tử đạo.

Tôi thích một lời khuyên từ Tổng Giám mục Paul-Andre Durocher của Gatineau, trong một bài báo mới đây trên tạp chí America. Bình luận về những căng thẳng hiện nay giữa đức tin Kitô giáo và những thách thức phức tạp từ thế giới, sau khi nhìn nhận rằng không có giải pháp dễ dàng cho vấn đề này, đức cha đã khuyên thế này: “Bước thứ nhất là nhìn nhận những căng thẳng. Thứ hai là hiểu vì sao chúng xuất hiện. Thứ ba là chấp nhận và thậm chí là đón nhận nó. Và thứ tư, là sống một đời sống đức tin Kitô giáo trưởng thành bất chấp những căng thẳng đó.” (America, April 30, 2018)

Trước mọi chuyện đang xảy ra trên thế giới chúng ta, những chuyện đi ngược lại với mọi điều chúng ta tin và trân quý, đôi khi chúng ta chỉ có thể giữ vững nền tảng đạo đức của mình, một cách khiêm nhượng mà theo tinh thần ngôn sứ.

Và bởi đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm, nên chắc chắn thế là đủ rồi.

J.B. Thái Hòa dịch