Làm thế nào mà Thánh Phanxicô Axixi thay đổi tầm nhìn thế giới
lavie.fr, Anna Lesnevskaya, 2016-10-04
Ngày nay Bài Ca Thọ Tạo được xem như chuyện đương nhiên, nhưng vào thời của Thánh Phanxicô Axixi đây là cả một cuộc cách mạng của một cách nhìn thế giới và tạo dựng.
Khi Thánh Phanxicô Axixi qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1226 ở nhà nguyện Portioncule (một nhà thờ nhỏ ở Axixi) với các đồ đệ thân cận nhất bên cạnh mình thì ngài mới 44 tuổi. Cơ thể ngài kiệt sức do đời sống quá khổ hạnh, ngài sống “khó nghèo tuyệt đối”, liên kết một cách nghịch lý với “niềm vui trọn hảo”.
Những năm cuối đời ngài gần như mù. Một chuyện kỳ lạ: chính trong tình trạng này mà ngài viết tụng ca thiên nhiên đẹp nhất của mọi thời, Bài Ca Thọ Tạo (cảm hứng cho Thông điệp Chúc tụng Chúa của Đức Phanxicô). Các trình bày rất cụ thể về thế giới được tạo dựng là hoàn toàn cách mạng vào thời của ngài. Vào thế kỷ 13, khi nhìn về thiên nhiên, người đương thời chủ yếu xem thiên nhiên là nơi khổng lồ chức các biểu tượng, như sử gia Jacques Le Goff giải thích trong Văn minh hóa của Phương Tây thời Trung cổ.
Tư tưởng của thời trung cổ cho rằng, thế giới dựng lên được đồng hóa với sự dữ. Thực ra cái nhìn này là cái nhìn trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8, 22-23). Trong quyển Noi gương Chúa Giêsu Kitô, dấu hiệu của khái niệm này được đọc rất nhiều ở thế kỷ 15, tu sĩ người Đức Thomas Kempis cho rằng, không ai có thể đến với Chúa với suy nghĩ của mình mà trước hết không xa lánh tất cả những gì đã được tạo dựng ra.
Thánh ca của Thánh Phanxicô Axixi viết theo truyền thống văn chương xưa: phần Lauda, một loại bài hát thiêng liêng có nguồn gốc trong Thánh ca ba em bé trong lò lửa (Sách tiên tri Đa-ni-en, 3, 52-90) và Thánh vịnh 148. Trung tâm của những bài viết này là các thọ tạo ca tụng Thiên Chúa, làm chứng cho vinh quang của Đấng Tạo Dựng. Thánh Phanxicô Axixi nhìn từ bên trong và đưa ra một cái nhìn hoàn toàn mới.
Thánh Phanxicô Axixi nói về các tạo vật “như thử ngài nhìn chúng từ bụng của Chúa đi ra”. Chesterton
Người ta hiểu rất nhanh khi so sánh Bài Ca Thọ Tạo với một bài cùng loại của Adam de Saint-Victor, nhà thơ người Pháp sống gần như cùng thời với Thánh Phanxicô Axixi. Trong phần trình tự về lễ Giáng Sinh, bốn yếu tố lửa, khí, nước, đất là thuộc thành phần vũ trụ tái tạo lại với Chúa nhưng chúng không được xem như chính chúng. Ngược lại trong bài ca của Thánh Phanxicô Axixi có một cái nhìn rất mật thiết về các yếu tố tạo dựng: người chị Nước rất “hữu ích, khiêm tốn, quý báu và khiết tịnh”, người anh Lửa thì “đẹp và dễ nhìn, bất khuất và mạnh mẽ”. Nhà văn người Anh G.K. Chesterton, người trở lại đạo công giáo nhấn mạnh: “Thánh Phanxicô Axixi nói về các tạo vật như ngài thấy chúng từ bụng của Chúa đi ra, như những đứa con đi ra từ một căn nhà nóng”.
Các nhà viết tiểu sử giả tưởng của Thánh Phanxicô Axixi như Thomas de Celano cho rằng, Thánh Phanxicô Axixi trở về với sự ngây thơ ban đầu nên thấy thế giới được tạo ra theo con mắt của ông A-dong trước khi ông bị sa ngã. Thánh Phanxicô Axixi mong muốn cống hiến đời mình để cầu nguyện và suy ngắm, nhưng Chúa định cho ngài sứ vụ rao giảng. Con đường đôi này là con đường giữa một linh đạo cực đoan và đời sống của một người đi rao giảng lang thang đây đó, đắm mình trong đời sống hàng ngày và sự hung ác của thời đó, làm nảy sinh ra một thế giới quan độc đáo mà một vài học giả đã xem đây như một “loại thần nghiệm của thiên nhiên”.
Thánh Phanxicô Axixi rất nhân bản với các thọ tạo, ngài gọi các tạo vật “là anh, là chị” nhưng ngược lại ngài rất nghiêm khắc với chính bản thân.
Nhà văn Chesterton ghi nhận, thanh tẩy bản thân bằng khổ hạnh, Thánh Phanxicô Axixi mới nhìn thế giới như cái nhìn lần đầu. Dĩ nhiên đó là cái nhìn của một người thời trung cổ, không phải là cái nhìn của người ẩn núp trong nét đẹp vĩnh cửu của Chúa mà coi thường nét đẹp chóng qua của thế giới được tạo dựng. Thậm chí đối với Thánh Phanxicô Axixi, “người chị Chết” trong các chương cuối của bài thánh ca làm cho các tạo vật càng đẹp hơn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Cha Thánh Phanxicô Axixi sẽ nói gì
“Như Thánh Phanxicô Axixi”, câu tweet của Đức Phanxicô
Bà Angela Merkel nhận ngọn đèn Thánh Phanxicô Axixi, giải “Nobel” công giáo