Chuyến viếng thăm của nữ thần bóng đêm
Ít có quyển sách nào về linh đạo lão hóa sâu sắc hơn quyển “Uy lực của Đặc tính” của cố tác giả James Hillman. Trớ trêu thay, Hillman lại phê phán hơn là đồng cảm với linh đạo Kitô giáo, nhưng những thấu suốt thông tuệ của ông về kế hoạch của tự nhiên và những quan điểm sắc sảo về linh đạo lão hóa mà ông đem lại thường làm lu mờ các tác phẩm Kitô giáo về vấn đề này.
Hillman mở đầu quyển sách của mình, một đàm luận về bản chất của lão hóa, bằng câu hỏi: Tại sao thiên nhiên lại ấn định mọi sự sao cho loài chúng ta khi sống đến đỉnh cao của trưởng thành, cuối cùng cũng có được một nhận thức chân thực hơn về đời mình, thì cơ thể lại bắt đầu rã rời? Tại sao chúng ta phải chịu vô số những khổ sở thể lý khi già đi? Liệu đây có phải là trò chơi khăm khắc nghiệt mà thiên nhiên đã chủ đích dự định hay không? Thiên nhiên ấp ủ chuyện gì khi để những ốm đau bệnh tật và yếu đuối thể lý của tuổi già chơi trò tàn phá chúng ta suốt ngày đêm?
Và ông trả lời những câu hỏi này bằng một ẩn dụ: Thứ rượu tốt nhất phải già đi và dịu đi trong những thùng cũ rạn nứt. Tất nhiên cần giải nghĩa thêm về hình ảnh này. Tất cả chúng ta đều biết sự khác biệt giữa rượu cũ dịu và rượu mới nồng cần phải ủ thêm. Cái chúng ta không hiểu được ngay lập tức là cách rượu cũ trở nên dịu đến thế, và quá trình nó phải trải qua để loại bỏ cái nồng gắt lúc còn mới.
Như thế, ẩn dụ của Hillman thật sáng suốt: Thân xác thể lý của chúng ta là những thùng chứa để linh hồn chúng ta dịu đi và trưởng thành, và được như thế một cách sâu sắc khi thân xác chúng ta bắt đầu lộ ra những vết rạn nứt hơn là khi nó khỏe mạnh và nguyên vẹn về mặt thể lý, điều này cũng tương tự như những gì John Updike đã viết sau khi ông trải qua cơn bạo bệnh gần chết. Với Updike, có một vài bí ẩn không hé lộ khi chúng ta khỏe mạnh. Với Hillman, có một chiều sâu trưởng thành cũng không hé lộ khi chúng ta khỏe mạnh.
Với nhận thức sáng suốt căn bản này làm nền tảng, Hillman tiếp tục qua từng chương để nắm bắt khía cạnh của lão hóa, khía cạnh của việc mất sự nguyên vẹn của tuổi trẻ, và đưa ra những gì được định để giúp cho linh hồn dịu đi và trưởng thành. Vì những gì ông nói đến là các suy sụp trong cơ thể và sức khỏe của chúng ta, nên chúng ta thấy phần còn lại của quyển sách có vẻ phàm tục và không mấy hấp dẫn.
Ví dụ như, ông bắt đầu một chương sách với câu hỏi: Tại sao, khi già đi, chúng ta không còn ngủ một mạch mà phải thức dậy đi vệ sinh theo tiếng gọi của tự nhiên? Khôn ngoan và dự định của thiên nhiên trong việc này là gì?
Hillman trả lời bằng một chuyện tương tự đầy sáng suốt khác: Trong tu viện, các tu sĩ thức dậy mỗi đêm khi trời còn tối mịt và cử hành nghi lễ “canh thức”. Nếu bạn hỏi vì sao họ không cử hành giờ kinh này vào ban sáng để khỏi phải thức dậy lúc nửa đêm, họ sẽ cho bạn biết giờ kinh đặc biệt này chỉ có thể cử hành vào ban đêm, trong bóng đêm, trong bầu khí đặc biệt của màn đêm. Ban đêm, bóng tối, và các tác nhân u ám khác không thể có được trong giờ ban ngày, trong ánh sáng. Ánh sáng đem lại một bầu khí sáng sủa hơn, và có một số chuyện chúng ta không đối mặt với chúng vào ban ngày, nhưng chỉ vào lúc bóng tối bủa vây lấy chúng ta.
Vậy khi cơ thể lão hóa làm chúng ta thức dậy ban đêm và thuận theo tiếng gọi của tự nhiên, thì điều gì xảy ra? Chúng ta thuận theo tiếng gọi của tự nhiên nhưng lại không chìm vào trong giấc ngủ ngay được. Chúng ta nằm trên giường, cố gắng chìm lại vào giấc ngủ, và khi đó một chuyện không mong muốn và không dự tính xảy đến. Chúng ta được nữ thần bóng đêm Nyx ghé thăm. Và nàng không đến một mình, nhưng đem theo đàn con của mình, là những đắng cay chưa được giải quyết, những hận thù dai dẳng, những hoang tưởng không lường, những bóng ma đầy đe dọa, và một bè lũ những tinh khí tối tăm mà chúng ta vốn thường đẩy lui và tránh mặt được khi ở trong ánh sáng ban ngày. Nhưng bây giờ, trong bóng đêm, không thể ngủ được, chúng ta phải đương đầu với chúng, phải có hòa ước với nữ thần Nyx và con cái nàng, giúp làm dịu đi linh hồn và đào sâu sự trưởng thành chính chắn của mình.
Các tu sĩ biết điều này, nên mỗi đêm, họ đều có buổi hẹn với nữ thần bóng đêm. Tất nhiên họ không gọi giờ kinh canh thức của mình là cuộc gặp với một nữ thần trong thần thoại, nhưng sự khôn ngoan trong lòng của họ phản chiếu từ sự khôn ngoan của tự nhiên. Cả tự nhiên và các tu sĩ đều biết rằng có một số chuyện trong lòng chỉ được hoàn tựu trong bóng tối của màn đêm.
Các tu sĩ có những bí mật đáng để chúng ta tìm hiểu, và cuối cùng thì tự nhiên cũng dạy cho chúng ta điều đó, cho dù chúng ta có muốn học hay không. Đến cuối cùng, tự nhiên biến chúng ta thành các tu sĩ: Cơ thể tuổi già của chúng ta, cuối cùng trở thành gian phòng của một đan sĩ, để ở trong đó, linh hồn chúng ta được đào sâu, được dịu đi, và được trưởng thành, như rượu trở nên ngon ngọt trong những chiếc thùng cũ nứt rạn.
J.B. Thái Hòa dịch