Giáo hội Chi-lê: “Cần thay đổi tận căn”
fr.aleteia.org, Aymeric Pourbaix, 2018-05-21
Đối với Linh mục Hans Zollner, ủy viên Ủy ban Tòa thánh Bảo vệ Trẻ vị thành niên thì cơn khủng hoảng các vụ lạm dụng tình dục có thể mang đến một điều tốt đẹp.
Cha đánh giá như thế nào về tầm quan trọng quyết định của các giám mục Chi-lê khi họ đệ đơn từ chức lên Đức Giáo hoàng?
Trong lịch sử Giáo hội chưa bao giờ có chuyện toàn hội đồng giám mục đặt trách vụ của mình vào tay Đức Thánh Cha! Đây không phải chỉ một giám mục, hoặc nhiều giám mục nhưng toàn bộ Giáo hội địa phương chấp nhận thách đố đi đến tận cùng vấn đề. Và đó là điều Đức Phanxicô viết trong thư gởi các giám mục: thay đổi nhân sự, thuyên chuyển từ chỗ này qua chỗ kia là chưa đủ, phải nhận ra gốc rễ của vấn đề.
Trong số các vấn đề mang tầm vóc lớn như thế này, theo cha việc so sánh với vụ ở Ai Len dưới thời Đức Bênêđictô XVI có phù không?
Năm 2002 Đức Gioan-Phaolô II đã mời các giám mục Mỹ về Rôma sau các vụ tai tiếng tình dục, năm 2010 Đức Bênêđictô XVI đã nói với tất cả các giám mục Ai Len. Điều này muốn nói đây không phải là lần đầu tiên hội đồng giám mục của một nước được triệu tập. Nhưng đây là lần đầu tiên – và cũng là điều duy nhất trong trường hợp này – là tất cả các giám mục, không trừ một ai, bày tỏ việc xét mình của mình: sự cần thiết của một thay đổi tận căn, về mặt cơ cấu một cách hệ thống.
Theo cha, thực chất sự dữ nằm ở đâu?
Chắc chắn một trong các gốc rễ là điều mà Đức Phanxicô đã nhiều lần tố cáo trong các bài giảng của mình và trong các tài liệu khác nhau về Chi-lê: đánh mất ý nghĩa phục vụ của linh mục, giám mục, cảm nhận mình có quyền để có mm đối xử đặc biệt. Và cả sự cứng nhắc tâm hồn, đặt danh tiếng và quyền lực lên trên thực tế của đau khổ và của các rối loạn tâm hồn của nạn nhân.
Đâu là các quyết định cần phải có, các hành động phải cam kết để cải cách Giáo hội Chi-lê, thanh tẩy và làm mới lại như Đức Phanxicô nói?
Chúng ta vừa mừng lễ Chúa Hiện Xuống. Thần Khí Thiên Chúa luôn tác động một cách mới mẻ, và tôi tin chắc Ngài sẽ làm chúng ta ngạc nhiên thêm một lần nữa! Đã có rất nhiều cơn khủng hoảng trong Giáo hội. Đức tin dạy cho chúng ta, chúng ta không thể tự cứu mình, cũng như với Giáo hội, Giáo hội không thể tự cứu mình. Người chủ của lịch sử và sự Cứu chuộc vẫn là Chúa. Chính Ngài sẽ dạy lại cho chúng ta phải để cho Tin Mừng chất vấn mình, để hoán cải tâm hồn chúng ta, để các sự kiện này dẫn chúng ta đến gần với Chúa hơn và làm cho Giáo hội được tín nhiệm hơn, xác thực hơn. Để làm được như vậy, tôi tin chắc, một trong các yếu tố cần thiết là nghe tiếng nói của các nạn nhân trong các vụ lạm dụng tình dục. Cá nhân tôi, tôi rất xúc động khi nghe chứng từ của những người bị tổn thương sâu đậm, qua sự chia sẻ con đường đau khổ, thập giá và sống lại của họ.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Một chuyên gia khẳng định lạm dụng quyền lực là gốc rễ của khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội