Bốn câu hỏi về các điểm yếu của Giáo hội Chi-lê
la-croix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2018-05-21
Ngày 18 tháng 5, các giám mục Chi-lê đệ đơn lên Đức Giáo hoàng xin từ chức tập thể sau vụ lạm dụng tình dục làm chấn động Giáo hội Chi-lê. Không phải để làm chấm dứt sự việc nhưng ngược lại, quyết định này là điểm khởi đầu của một tiến trình tái xây dựng lại Giáo hội và dịp để Đức Giáo hoàng chọn lại các mục tử của ngài.
Đức Tổng Giám mục Ricardo Ezzati, giáo phận Santiago cử hành thánh lễ sau khi từ Vatican về ngày 18-05-2018 / Luis Hidalgo/AP
1. Vì sao các giám mục Chi-lê từ chức?
Ngày thứ sáu 18 tháng 5, ba ngày sau khi họp với Đức Phanxicô, các giám mục Chi-lê đã “giao chức vụ mục tử của mình vào bàn tay Đức Giáo hoàng” để ngài có thể “tự do chọn lựa, xếp đặt” cho họ. Một vụ từ chức do toàn hội đồng giám mục quyết định là chuyện chưa từng có trong lịch sử Giáo hội.
Sáng thứ ba 15-5, trong lần gặp đầu tiên của bốn lần gặp, Đức Phanxicô đã đọc một bức thư rút từ kết luận của bản báo cáo của Giám mục Charles Scicluna, chuyên gia về các vụ lạm dụng tình dục được Đức Phanxicô cử đi Chi-lê điều tra và gặp các nạn nhân ở đây.
Bức thư này nhấn mạnh, “có sự khinh suất trầm trọng của các giám mục trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên”, và các linh mục bị trục xuất có “hành vi vô đạo đức” lại được thuyên chuyển đi các giáo phận khác, giao cho họ có chức vụ “tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với trẻ vị thành niên”. Đức Phanxicô cũng nêu lên cho thấy, có “những vấn đề nghiêm trọng” của các kẻ lạm dụng” đã thấy từ khi họ còn ở chủng viện, các giám mục lại giao chức vụ điều hành chủng viện cho các “linh mục bị nghi là có hoạt động đồng tính tích cực”.
Còn về việc than phiền của nạn nhân, các giám mục đã coi thường các lời tố cáo này và giải quyết chậm trễ, các lời tố cáo còn bị cho là “không đúng” dù đã có các “dấu hiệu trầm trọng của phạm tội”, có những lời tố cáo bị xếp đi mà không mở cuộc điều tra. Đức Phanxicô cũng nêu lên đã có áp lực trên các người có nhiệm vụ đi điều tra và “hủy các hồ sơ nguy hiểm liên hệ” trong thư khố Giáo hội.
2. Giáo hội Chi-lê sẽ không có giám mục?
Sau một tuần ở Rôma, các giám mục trở về địa phận mình. Dù từ chức, các giám mục vẫn ở nhiệm sở cho đến ngày Đức Giáo hoàng chấp nhận đơn từ chức. Trong một vài trường hợp, Rôma giải quyết hồ sơ từ chức nhanh nhưng một vài trường hợp khác, Đức Phanxicô dùng thời gian để suy nghĩ, để xét lại hồ sơ.
Vì các chấn động của vụ này, những trường hợp tai tiếng khác đã được đưa ra ánh sáng. Ở giáo phận Rancagua, phía nam thủ đô Santiago, cuối tuần qua, một số linh mục ở đây bị tố cáo đã thành lập một mạng rộng lớn lạm dụng tình dục. Giám mục Alejandro Goic, đã nhận đơn tố cáo cách đây một năm nhưng không hành động vì không có bằng chứng dù ngài đứng đầu Ủy ban chống các vụ lạm dụng tình dục. Vào cuối tuần qua, ngài đã đình chỉ mục vụ của 15 linh mục trong địa phận, gần một phần tư số linh mục của địa phận!
Tuy nhiên, sự từ chức tập thể này giúp Đức Phanxicô có tự do hành động chứ không nhận chìm trách nhiệm. Từ ngày thứ ba, ngài đã lên tiếng, các vấn đề này “chỉ tìm được giải pháp trong từng trường hợp cụ thể, giảm việc thải hồi nhân sự. Chúng ta phải làm, nhưng như vậy chưa đủ, chúng ta phải đi xa gơn. Sẽ là thiếu trách nhiệm về phần chúng ta nếu không đào sâu và tìm gốc rễ, cơ cấu đã cho những chuyện này xảy ra và kéo dài”.
Ngài cũng nói đến một loại “tâm lý tự cho mình thuộc thành phần ưu tú nên dẫn đến chia rẽ, chia tách, tạo ‘vòng khép kín’ đưa đến các loại tâm linh tự mê và độc tài”. Theo như chính các nạn nhân giải thích, các giám mục Chi-lê đã không ngần ngại “lừa” Đức Phanxicô về thực tế các sự kiện, để kéo ngài theo phe họ mà bất chấp đến nạn nhân. Phải cần nhiều thời gian để Giáo hội Chi-lê có thể tái xây dựng trên nền tảng lành mạnh, nhưng Đức Phanxicô muốn tất cả tham dự vào, nên lần này giáo dân cũng không được ở bên ngoài.
3. Vatican phản ứng như thế nào?
Các cuộc gặp giữa Đức Phanxicô và các giám mục Chi-lê là diện đối diện. Duy chỉ hồng y Marc Ouellet, bộ trưởng Bộ Giám mục là tham dự, phần còn lại của giáo triều không can dự vào, chỉ một mình giáo hoàng là người trực tiếp đảm trách vụ này.
Tuy nhiên vào ngày thứ bảy 19 tháng 5, trùng hợp vào việc loan báo phong thánh cho Giám mục Oscar Romero và tang lễ của hồng y người Cô-lông-bi Dario Castrillon Hoyos, một hình ảnh của Giáo hội Châu Mỹ La Tinh dưới thời Đức Gioan-Phaolô II đã thúc đẩy một số người xem lại các chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Và người ta thấy một hình ảnh khác đặc biệt trong trường hợp nước Chi-lê: Hồng y Angelo Sodano, cựu ngoại trưởng của Đức Gioan-Phaolô II. Sứ thần ở Chi-lê dưới thời chế độ độc tài, phần lớn Giáo hội Chi-lê hiện nay do ngài định hình, xa những gì mà linh mục Dòng Tên trẻ Bergoglio được đào tạo. Ở nhiều khía cạnh, “tâm lý thuộc thành phần ưu tú” của hàng giám mục Chi-lê là do người đã can dự vào các công việc ở Chi-lê trong một thời gian lâu. Sứ thần hiện tại của Chi-lê được khuyên không nên đến Rôma tuần vừa qua là một trong những người được hồng y niên trưởng Sodano bảo vệ, dù đã 90 tuổi, hồng y Sodano vẫn là nhân vật rất có ảnh hưởng ở giáo triều.
4. Đây có là một sứ điệp cho toàn Giáo hội?
Nếu không nên ngoại suy trong trường hợp Chi-lê thì cách Đức Phanxicô giải quyết cơn khủng hoảng là một sứ điệp rõ ràng cho các hội đồng giám mục, những người nghĩ rằng các vụ giải quyết lạm dụng tình dục này là chỉ ở Rôma, thậm chí chỉ có giáo hoàng liên hệ. Trường hợp của Chi-lê rất đặc biệt, bám rễ trong một mảnh đất rất đặc biệt mà Đức Phanxicô đã tinh tế phân tích.
Song song với các vụ của hồng y Pell ở Úc hay hồng y Barbarin ở Pháp, thật khó để có một so sánh: đây là trường hợp mà tòa án quốc gia chưa tuyên bố; chính Đức Phanxicô cũng đã giải thích, phải chờ cho tòa xử xong. Cũng như việc áp dụng tự sắc Như người mẹ yêu thương năm 2016 về các khinh suất của giám mục: tự sắc này không hồi tố và không áp dụng trong đa số trường hợp của Chi-lê.
Tuy nhiên tất cả vấn đề này đều nhấn mạnh đến quan điểm “không nhân nhượng” của Đức Phanxicô, theo đường lối của Đức Bênêđictô XVI. Nhưng nó cũng cho thấy các giới hạn của đường lối Vatican trong vụ này, vẫn còn đụng với việc bảo mật của một vài hội đồng giám mục. Nhưng hơn bao giờ hết, ý tưởng được các cố vấn gia của Đức Giáo hoàng đưa ra, nên thành lập trên nhiều châu lục khác nhau các tòa án trực thuộc Vatican chứ không thuộc các giáo phận.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Lạm dụng ở Chi-lê, một vụ bê bối mới: Giám mục Goic đình chỉ việc mục vụ của 15 linh mục