Vatican quay về với nghệ thuật

188

Vatican quay về với nghệ thuật

mobile.lemonde.fr, Bénédicte Lutaud, 2018-05-11

Hồng y Gianfranco Ravasi giới thiệu sự hợp tác chưa từng có với Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York, cùng với sự có mặt bà Anna Wintour (bên trái) và bà Donatella Versace ngày 26 tháng 2 tại Rôma. DOMENICO STINELLIS/AP/SIPA

Một cuộc triển lãm ở New York về thời trang và công giáo, một cuộc triển lãm khác về họa sĩ Mỹ Andy Warhol ở Vatican, một phòng triển lãm nhân dịp triển lãm hai năm một lần “Nghệ thuật của thành phố Venise”… Tòa Thánh muốn xóa bỏ hình ảnh một thể chế không cởi mở với các khuynh hướng nghệ thuật đương đại.

Một giám chức cao cấp của Vatican mặc áo chùng đứng bên cạnh các nữ hoàng thời trang Anna Wintour với mái tóc cắt vuông và Donatella Versace với mái tóc vàng môi phồng đã làm cho mọi người ngạc nhiên. Ngày 26 tháng 2-2018, ở dinh Colonna, Rôma, hồng y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về Văn hóa đã phát biểu trước sự hiện diện của bà chủ bút danh tiếng của tạp chí Mỹ Vogue và nhà thiết kế Ý để loan báo sự hợp tác của Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan của New York (Metropolitan Museum of Art (gọi tắt là MET). Thành quả của sự hợp tác là cuộc triển lãm “Thiên thể: “Thời trang và trí tưởng tượng công giáo” được khánh thành ngày 10 tháng 5 tại viện bảo tàng thế giá này. Một sự hợp tác không phải là không phù như bề ngoài cho thấy.

Ông Andrew Bolton, ủy viên của cuộc triển lãm cho biết: “Chúng tôi thương thuyết trong vòng hai năm và phải đến Vatican tám lần!”

Chúng ta có thể ghi nhận điều này ở Viện bảo tàng MET, các y phục giáo sĩ đã không ngừng tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ và nhà thiết kế. Năm 1985, nhà thiết kế thời danh Yves Saint Laurent đã làm chiếc áo viền vàng cho tượng Đức Mẹ El Rocío ở nhà nguyện Đức Bà Trắc Ẩn ở Paris. Năm 1997, nhân dịp Ngày Thế giới Trẻ, chính nhà thiết kế Jean-Charles de Castelbajac đã vẽ chiếc áo chùng Đức Gioan-Phaolô II mặc. Khách thăm Viện bảo tàng MET có thể ngắm các chiếc áo lấy cảm hứng trực tiếp từ phẩm phục giáo sĩ như toàn bộ y phục buổi dạ hội do nhà thiết kế John Galliano vẽ cho Dior, khảm đá quý trên mũ lễ giám mục. Ngoài ra còn có bốn mươi “phẩm phục tu sĩ nghệ thuật” của các giáo hoàng từ thế kỷ 18 đến 21 được Vatican cho mượn để triển lãm, trong đó có các đôi giày đỏ danh tiếng của giáo hoàng. 

Bà Barbara Jatta, giám đốc viện bảo tàng Vatican là “nhà kiến trúc” cho dự án phát sinh cách đây hai năm này. Các nhà điều hành Viện bảo tàng MET, cùng bà Anna Wintour của tạp chí Vogue đồng bảo trợ cho cuộc triển lãm đã đến viện bảo tàng Vatican. Bà Jatta cho biết: “Tôi khuyên họ nên đến đây để biết chính xác cái gì họ muốn tìm”. Với tinh thần ngoại giao, bà sứ giả Rôma lịch sự này đã đóng vai trung gian với cơ quan phẩm phục phụng vụ. Các giám chức Tòa Thánh không phải là những người cho mượn. Ông Andrew Bolton, ủy viên điều hành cuộc triển lãm xác nhận: “ Chúng tôi đã thương thuyết trong vòng hai năm và chúng tôi đến Vatican tám lần”.

Vua nghệ thuật pop ở Vatican: họa sĩ Andy Warhol  

Bà Barbara Jatta là phụ nữ đầu tiên điều hành Viện bảo tàng danh tiếng Vatican từ khi Viện mở cửa ra cho dân chúng xem năm 1771, tháng 1 năm 2017, bà được Đức Phanxicô đề cử làm giám đốc các Viện bảo tàng Vatican, bà là người đã làm việc lâu năm ở Vatican. Vì bà biết rõ Vatican nên bà có thể mang nét “trẻ trung” đến cho thể chế xưa hàng bao nhiêu thế kỷ này. Từ đó để làm cho Vatican, một biểu tượng của lỗi thời thành một Vatican siêu mới mẻ, nhiều hồng y sẽ không bỏ dịp… bóp cổ!

Xin đọc: Barbara Jatta: “Các viện bảo tàng Vatican, đó là ngoại giao về mặt văn hóa

 

 

Bà Barbara Jatta, giám đốc các Viện bảo tàng Vatican

Tháng 1-2018, tạp chí Anh Nghệ thuật báo chí, The Art Newspaper, cho biết một hợp tác tuyệt vời khác: Viện bảo tàng Vatican cùng với Viện bảo tàng Andy-Warhol của Pittsburgh, Mỹ sẽ có cuộc triển lãm khác về giáo hoàng của nghệ thuật pop Warhol. Lần này thì một phụ nữ khác, bà Micol Forti điều hành bộ sưu tập hiện đại của Viện bảo tàng giáo hoàng, bà cho biết: “Viện bảo tàng Warhol đã đề nghị với chúng tôi. Sau đó tôi đi tìm tài liệu trong thư khố của họ”. Và bà khám phá họa sĩ Warhol là một nghệ sĩ công giáo, vào cuối đời, ông rất mộ đạo. Bà Barbara Jatta, cấp cao của bà chấp nhận đề nghị này ngay. Cuộc triển lãm sẽ được tổ chức năm 2019 ở Pittsburgh và ở quảng trường Thánh Phêrô.

Xin đọc: Tác phẩm của nghệ sĩ Andy Warhol sắp được triển lãm ở Viện bảo tàng Vatican

Viện bảo tàng Andy-Warhol của Pittsburgh

Bà Micol Forti là một quân bằng xuất sắc. Bà Barbara Jatta dè dặt cho biết, nếu các phòng triển lãm của Vatican có một bộ sưu tập đương đại kể từ tháng 6 năm 1973 là vì theo ý muốn của Đức Phaolô VI, một quy định, có từ những năm 1970 là cấm triển lãm tranh của các nghệ sĩ còn sống. Mục đích là để tránh “áp lực” đôi khi có thể có của các hồng y “có bạn là nghệ sĩ”.

Hồng y Gianfranco Ravasi cho biết, “Đối thoại với nghệ thuật đương đại đôi khi khó, nhưng với ngành kiến trúc thì ít khó hơn”.

Bà Micol Forti, Hồng y Gianfranco Ravasi và ông chủ tịch Nghệ thuật Hiện đại Venise, ông Paolo Baratta 

Nhưng các luật lệ được đặt ra là để lách luật. Chẳng hạn muốn ra khỏi các bức tường nhỏ của Vatican. Điều này cho phép bà Micol Forti thực hiện một kỳ công khác: sự hiện diện của Tòa Thánh ở phòng triển lãm Nghệ thuật Hiện đại của Venise, cuộc triển lãm tổ chức mỗi hai năm một lần, năm 2013 và  năm 2015 chung quanh chủ đề tạo dựng từ “Khởi thủy… Ngôi Lời đã làm người”. Chương trình: triển lãm, hình chụp, tranh trừu tượng, các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ quốc tế trên nhiều lãnh vực.

Một cuộc triển lãm đầu tiên khác đang được chuẩn bị: vào cuối tháng 5-2018, Tòa Thánh sẽ khánh thành phòng triển lãm của mình ở cuộc Triển lãm mỗi hai năm Kiến trúc Venise. Vatican đã đặt mười mấy tác phẩm kiến trúc danh tiếng của các nghệ sĩ có đạo hay vô thần, trong đó có nghệ sĩ Mỹ Andrew Berman, nghệ sĩ Nhật Terunobu Fujimori và thu thập một loạt các nhà nguyện được thiết kế hiện đại. Để thực hiện được dự án này, bà Micol Forti phải dựa trên sự ủng hộ của hồng y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về Văn hóa của Vatican. Hồng y Ravasi, nhân vật chính của quyền lực mềm ở Vatican cho biết: “Đối thoại với nghệ thuật đương đại đôi khi khó, nhưng với ngành kiến trúc thì ít hơn. Tất cả các kiến trúc sư kỹ đều vẽ nhà thờ: Le Corbusier, Oscar Niemeyer, Renzo Piano. Bây giờ chúng ta cần những nơi thờ phượng có nét đa dạng của văn hóa đô thị. Đó là cách chúng ta tham dự vào đối thoại với văn hóa cận đại”.

 Piss Christ của Andres Serrano

“Khó”, đối thoại giữa Giáo hội và nghệ thuật đương đại? Nói vậy để cho thấy sự náo động gây ra của bức Piss Christ của Andres Serrano hay bức khắc La Nona Ora Đức Gioan-Phaolô II bị thiên thạch đè bẹpcủa Maurizio Cattelan. Giữa hàng giáo sĩ và nghệ sĩ là sự không hiểu nhau hoàn toàn: một bên cho là phạm thượng, một bên cho là kiểm duyệt. Như vậy, đối với Giáo hội, vấn đề khẩn cấp là phải hòa giải với thế giới nghệ thuật.

 

La Nona Ora của Maurizio Cattelan

Hồng y Ravasi lấy làm tiếc: “Từ nhiều thế kỷ nay, cả hai cùng đi tới với nhau. Nhưng kể từ thế kỷ 20, có một sự tách rời. Ý tưởng có thể nói: chúng ta có một cái gì cần học ở người kia”. Vì thách thức là phải hướng đến một công chúng lớn rộng hơn. Đó là một trong các chủ đích của Hội đồng giáo hoàng về Văn hóa: đối thoại với số lượng người vô thần, người theo thuyết bất khả tri ngày càng nhiều ở Tây phương qua trung gian của nghệ thuật. Qua Hội đồng của mình, các sáng kiến được đưa ra trên mọi địa hạt: khoa học, nghệ thuật, thể thao, thời trang. “Chúng ta phải quan tâm đến các sự kiện văn hóa. Nếu các sự kiện này không phải lúc nào cũng mang sứ điệp kitô giáo, nhưng chúng cũng truyền đạt một sứ điệp nhân bản quan trọng”.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Các Viện bảo tàng của Vatican: Bà Barbara Jatta sẽ là tân giám đốc