Cọ rửa chuồng heo

379

Cọ rửa chuồng heo

Trích sách Phanxicô, Giáo hoàng giữa lòng thế gian, François, un pape parmi les hommes, Christiane Rancé, Albin Michel

Thức dậy từ sáng sớm, ngài giặt đồ, nấu ăn, cọ rửa chuồng heo. Ngài cho việc làm là một đức hạnh, một đức hạnh như đức hạnh đối thần và không bao giờ ngài cám ơn cho đủ thân sinh ngài đã bắt ngài làm việc ngoài giờ học khi ngài mới 13 tuổi. Vì thế, ngay lập tức, ngài dựng lên phong cách của mình – nồng hậu và chặt chẽ; và các nguyên tắc – không được đòi cái gì mà mình không tự làm.

“Ở Rôma, người ta sẽ khám phá họ đang làm việc với ai! Khi cần phải làm một chuyện gì thì anh tôi sẽ làm. Và không có gì làm cho anh tôi thay đổi”, bà  Maria Elena em ruột Đức Phanxicô biết trước như vậy. Bà ở căn nhà số 785 đường Darragueyra, thuộc thành phố nhỏ Ituzaingo, cách trung tâm Buenos Aires khoảng ba mươi cây số. Ngay ngày hôm sau bầu chọn, bà nghe các nhà Vatican học bình luận là giáo triều sẽ chỉ là một nhúm người của Tòa Tổng giám mục Buenos Aires, ý tưởng này làm bà cười suýt nghẹt thở, bà, một người đàn bà cương nghị, nói thẳng, nghiền thuốc lá và bị nghẹt khí quản. Bà kể thêm hai kỷ niệm cảm động “không phải lúc nào tôi cũng ngoan ngoãn. Tôi đã ly dị. Anh chưa khi nào lấy đá ném tôi”: “Anh biết anh muốn gì. Anh hành động theo lệnh và rất chặt chẽ vì đó là một con người ngăn nắp và chặt chẽ.”

Vì thế khi hết hạn kỳ làm giám tỉnh, ngài được cử vào làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng và Khoa trưởng phân khoa Triết lý và Thần học của Đại học San Miguel, Jorge Mario Bergoglio tiếp tục con đường ngài đã vạch sẵn – thoát ra khỏi cơn khủng hoảng của Dòng Tên và khơi gợi thêm nhiều ơn gọi mới. Ngài 42 tuổi; cơn bão ngài đi qua không làm cho ngài suy yếu nhưng lại làm cho ngài có bản lĩnh hơn. Ngài suy nghĩ: dù có những rạn nứt bên trong Dòng Tên cho thấy một sự suy yếu trong việc học hỏi và lắng nghe các nguyên lý của thánh I-Nhã thì mình phải khởi đi từ một nhận định đúng trong đầu của mình. Chắc chắn, sự khai mở ra với thế giới bên ngoài bao gồm cả giáo điều này làm cho ngài đứng trước các sự mất quân bình, trước sự thế tục hóa. Tuy nhiên, nếu Thập giá vẫn là trụ chính, Phúc Âm vẫn là điểm tựa chính, các Bài tập Linh thao vẫn là khuôn phép thì sự thăng bằng giữa thế gian và Trời Cao vẫn được duy trì dù cho có khó khăn. Vì thế ngài đã đưa các giáo sư vào trong sứ vụ của ngài. Ngài cung cấp cho sinh viên những phương tiện, những dụng cụ tốt nhất. Để làm được điều này, ngài tái cấu trúc lại thư viện. Ngày 15-10-1981, Trường Maximo khánh thành một thư viện Thần học và Triết học lớn nhất Châu Mỹ La Tinh. Bốn năm sau, năm 1985, để kỷ niệm 450 năm ngày các tu sĩ Dòng Tên đến Argentina, ngài tổ chức một buổi Hội thảo quốc tế về Thần học và Triết học có sự tham gia của rất nhiều nước và rất nhiều tín ngưỡng: giới trí thức hồi hương và cuối cùng đã mở ra được một nền dân chủ cho Argentina. Trong số các thính giả tham dự có tổng giám mục La Plata, Antonio Quarracino, con của một gia đình người Ý di dân, mà danh tiếng của ông Hiệu trưởng đã đến tai ngài. Chủ đề suy nghĩ chung quanh vấn đề “Phúc Âm hóa của văn hóa và hội nhập hóa của Phúc Âm”. Buổi Hội thảo thành công rực rỡ. Sinh viên ghi tên vào học lên như diều.

Trong những năm dạy học, Bergoglio xây dựng một quan điểm giáo dục mà ngài ví như việc tập đi. Một đứa bé chỉ đi khi nó cảm thấy mình có khát khao muốn khám phá điều gì đó nó chưa biết. Nhưng nếu nó rời quá nhanh miếng đất nó đang rành thì nó sẽ té. Nếu nó không tự thoát ra thì nó sẽ bị tê cứng. Vậy phải kích thích khát khao muốn biết điều mới lạ từ các kho tàng cổ điển, từ những nền tảng vững chắc đã có được. Khi giảng dạy, ngoài biệt tài làm cho học sinh mê mẩn, ngài khám phá ra, nhà mô phạm không thể là người mị dân dù với học trò của mình, tất cả đều quyết định trong những giờ đầu tiên khi tiếp xúc. Vì thế, ngay lập tức, ngài dựng lên phong cách của mình – nồng hậu và chặt chẽ; và các nguyên tắc – không được đòi cái gì mà mình không tự làm. Học phải đi đôi với hành. Ngài đã cải cách nhà tập trong chiều hướng này. Ngài trải rộng phương pháp của ngài ra cho toàn bộ nhà trường. Nó tận căn: học hành, làm việc, cầu nguyện. Về chuyện này, các kỷ niệm của cha Ernesto Giobando đã tiếp tục luân lưu khắp thế giới. “Tôi không vào chủng viện để nuôi heo mà để học hành!” cha chống lại Bergoglio khi ngài bắt cha đi nuôi heo. “Anh làm cả hai”, vị giám đốc nhà trường trả lời với quyền uy mà ngài rất chán ghét ai chơi xấu.

Thức dậy từ sáng sớm, ngài giặt đồ, nấu ăn, cọ rửa chuồng heo. Ngài cho việc làm là một đức hạnh, một đức hạnh như đức hạnh đối thần và không bao giờ ngài cám ơn cho đủ thân sinh ngài đã bắt ngài làm việc ngoài giờ học khi ngài mới 13 tuổi.

Ngài bắt buộc các cánh cửa của trường học phải rộng mở cho các trẻ em nghèo trong khu phố và để phụ huynh học sinh có thể tìm ở đây như một nơi làm cho họ vững lòng yên tâm. Ngài cho tập thể các khu đất chung quanh trường học mà ngày xưa là đồng quê và bây giờ ngoại ô đã lấy lại được. Nơi không có người ở, với sự giúp đỡ của các chủng sinh, ngài cho xây lên năm nhà thờ có phụ thêm các nhà lưu trú của giáo xứ. Nơi này là nơi tổ chức các lễ hội lớn; trẻ con lóa mắt. Nhà thờ có tên Thánh Giuse là thánh bổn mạng toàn Giáo hội, nhà thờ Phanxicô Xaviê ở Manuelita, nhà thờ San-Alonso-Rodriguez ở khu phố Don Alfonso, ở khu phố  Parque là các nhà thờ San Pedro-Claver và Các Thánh Tử đạo. Ngài còn mở thêm trường học, trường dạy kỹ thuật mà ngài bổ nhiệm các giáo sư. Ngài còn làm sân đá banh và tổ chức các cuộc thi đấu. Trong ba năm, ngài đã biến đổi môi trường của trường học và đã ổn định được cư dân ở đây: “Họ không còn là những người mà cách đây không lâu, khi giận dữ đã ném đá vào người lạ”, một bài báo trong nhật báo El Litoral đã viết trong chuyên đề “Các phép lạ của cha Bergoglio”. Một người vừa là của Chúa vừa biết cai quản thì có ít, tiếp đó ngài huấn luyện các chủng sinh. Họ đến ghi tên vào chủng viện từ bốn phương trời – Chili và Paraguay, Brésil và Venezuela – và người ta còn thấy các thầy dòng Đa Minh, dòng Phan Sinh đến học, họ ở ngoại trú. Đúng vậy, tờ báo có lý. Một kỹ luật sắt đã thành công ở thời buổi mà chủ nghĩa hưởng lạc mời gọi người trẻ hưởng tự do không hạn chế, thì như vậy đã là phép lạ và cũng do, dù ít, đặc sủng lạ lùng của Bergoglio.

Vị giám đốc trường không trụ các cải cách của ngài trong mội trường đại học hay các công việc thực tiễn. Ngài còn trải rộng tầm hoạt động ra với các chủng sinh trong giai đoạn tiền thỉnh sinh của họ, đi ra khỏi tiện nghi của các phòng học và các ảo ảnh của những bức tường dày đặc đã làm cho họ quên thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Ngài đòi hỏi họ phải đi đến với người khác và xem đây là chuyện ưu tiên.

Trong các kỷ niệm kể ở Vatican nhân sinh nhật 77 tuổi của ngài, cha Yânez nhớ những giai thoại độc đáo – ngày mà Bergoglio nói cho cha biết, cha sẽ không được trở lại lớp học nếu cha không tìm một mái nhà cho người đàn bà có bốn đứa con đang ở ngoài cổng trường. Các quỹ thì luôn luôn có cho những trường hợp này: kẹo cho con nít còn nhỏ, tổ chức đi tắm biển, áo lạnh cho người già, sách giáo lý để tô màu, bút chì hay vé máy bay cho cô thư ký Paulina, mẹ chết ở Ý và cô khóc vì không có tiền để đi chôn mẹ. “Ngài là ông hiệu trưởng, là người hướng dẫn đời sống thiêng liêng không có ai có thể so sánh được, cha Ricardo Fiat nói với tôi, cha là bạn và thường hay đến thăm ngài ở tòa Tổng giám mục. Các thánh lễ của ngài thì đông nghẹt và ngài đã khơi lên lòng kính mến sốt sắng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Ngài ở đó và ngay lập tức, mọi chuyện đang chậm chạp bỗng bừng lên di chuyển, như những cây kim chạy như điên khi có từ trường.” Với ngài, đời sống của khu phố sẽ sống theo mùa phụng vụ. Noel là đoàn tụ gia đình, Tuần Thánh là rước Lễ Lá, là đi Đàng Thánh giá ngoài đường đất, nơi người dân chờ mãi đường cũng chưa được tráng nhựa; và ngày 15-8! Ngày 15-8, ngày lạnh nhất của mùa đông, các cô bé gái thắt nơ xanh, mắt nhìn trời, lần to chuỗi Mân Côi. Người ta thấy bóng dáng ngài lưót nhanh trong các hành lang ở trường, hai tay chắp sau lưng và luôn luôn ở cửa miệng là lời khuyến khích thân tình hay một trong những câu nói hài hước nổi tiếng của ngài. Hoặc, một cách kín đáo, đến giờ ngài âm thầm đi thăm người bệnh, trả lời cho một người đang bị thất vọng, ở bên cạnh người sắp chết – len vào trong tất cả sự nghèo khó này một chút tình thương của Chúa Kitô.

Marta An Nguyễn dịch