Từ nô lệ đến hành hương, quá trình chông gai của một thanh niên di dân trẻ

164

Từ nô lệ đến hành hương, quá trình chông gai của một thanh niên di dân trẻ

Ra đi từ Libya, rồi từ Ý, một thanh niên di dân trẻ khám phá được con đường của đức tin.

lavie.fr, Jean-Pierre Denis, 2018-04-30

Đầu tháng 1 năm 2018, tuyết bắt đầu rơi nặng hạt khi anh Arouna, 23 tuổi  (tên riêng đã được thay đổi) đi từ đèo Échelle để vào Pháp. Có nơi người thanh niên trẻ lún chân xuống tuyết đến nửa đùi, cái lạnh thật khủng khiếp. Ban ngày anh bị nguy cơ trả về nước rất nặng. Anh Arouna rời làng mình ở Đảo Ngà từ hơn một năm nay. Khi đến Briançon, có người thương cho anh vé xe lửa để đến Paris, đến đây có người cho anh vé xe điện ngầm, lần đầu tiên anh biết tuyến xe điện ngầm. Anh ở trong nhà thờ ba tháng, anh ở chung với những người ngoài đường phố trong chương trình Mùa đông Tương trợ, một chương trình được huy động trong 27 giáo xứ của thủ đô nước Pháp.

Đèo Échelle, cao điểm của các căng thẳng

Đối với anh Arouna, kinh nghiệm đón tiếp này là một kinh nghiệm đảo ngược đời mình, đến độ anh xin vào đạo. Anh nói: “Chưa bao giờ tôi được đối xử như vậy. Tôi muốn biết Chúa Giêsu, Đấng đã thúc đẩy quý vị đối xử với tôi như vậy”. Các thiện nguyện viên cũng như các cha xứ ngạc nhiên bởi sự trong sáng và chân thành trong tiến trình của anh. Họ quyết định tháp tùng anh trên bước đầu anh ở mảnh đất mới này, mảnh đất đức tin công giáo. Anh suy niệm: “Khi tôi ngồi xuống suy nghĩ về cuộc đời mình, tôi nghĩ Chúa nhân lành phải rất quyền lực”. Trong vài tuần nữa, anh Arouna sẽ đi Lộ Đức, anh làm thiện nguyện viên khiêng cáng cho các người bệnh. Chuyến đi của anh sẽ là chuyến đi hành hương.

“Khi cánh cửa đóng lại, tôi biết là đã quá trễ”. Như những người khác, anh bị lừa và bị đem bán

Đến Pháp không phải là mục đích của anh. Khi anh trốn khỏi làng mình, nơi anh bị đe dọa vì liên hệ đến “rừng thiêng”, anh thổ lộ nhưng không nói rõ mấy, đầu tiên anh tìm đến Algeria, nơi anh hy vọng tìm được người quen biết. Nhưng sau Burkina Faso thì con đường đi qua Mali trở nên quá nguy hiểm. Anh được biết người Touareg bắt cóc người di dân để đem đi bán. Vì thế anh quay về Niger, cuối cùng anh tìm được một chiếc xe tải chịu chở anh về lại Algeria với giá 100.000 quan CFA. Sau chuyến đi dài, chiếc xe đậu ở sân một tòa nhà. “Khi cánh cửa đóng lại, tôi biết là đã quá trễ”. Như những người khác, anh bị lừa và bị đem bán. Anh bị đem đến Libya chứ không phải Algeria. Anh không nói nặng thêm cảnh đối xử ngược đãi mà anh chịu đựng ở chỗ giam, anh chỉ kể là anh chỉ được ăn và uống mỗi ngày một lần. Một bữa ăn vỏn vẹn nằm trong lòng bàn tay. Người di dân không có một viễn ảnh nào trước mặt. Không có ai trong làng để trả tiền chuộc, số phận của anh như chấm dứt ở đây.

Nhưng hai tháng sau có một người Libya đến tìm anh trong tù. Anh nói: “Tôi không biết ông đó trả bao nhiêu”. Anh về chăn cừu cho chủ, gặt lúa bằng liềm, anh được chủ thương vì làm việc chăm chỉ. Cặp vợ chồng cứu anh ra khỏi tù đối xử tốt với anh. Những người Libya Công chính này mua anh lại của những tay buôn người. Nhưng họ không ngừng ở đó. Hai tháng sau họ tài trợ để anh vượt qua biển Địa Trung Hải, họ đưa anh đến bờ biển. Anh sợ run vì anh không biết bơi, anh lên tàu với 145 người khác trên chiếc thuyền bơm. Vào hừng đông, một chiếc tàu tải Pháp vớt các người trên thuyền, có hai phụ nữ chết vì bị đè bẹp. Lên tàu, những người sống sót được nuôi ăn, được cho áo mặc và được đưa đến thành phố cảng Napoli nước Ý. Anh tóm tắt hành trình của mình: “Chúa đã giúp tôi, đã cứu tôi”. Iéshua, tên riêng tiếng hê-brơ có nghĩa là “Chúa cứu” được dịch ra tiếng Pháp là Giêsu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch