Các phương tiện truyền thông đại chúng: “Ý thức hệ kỹ thuật thay thế ý thức hệ chính trị”
lepoint.fr, Olivier Ubertalli, 2018-04-06
Tin giả, tin đồn… Theo chuyên gia truyền thông Dominique Wolton, các kỹ thuật công nghệ có tác hại đến thông tin.
Dominique Wolton là nhà sáng lập và là giám đốc Viện nghiên cứu khoa học truyền thông của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS, ông cũng là chuyên gia về truyền thông. Tác giả của hơn ba mươi tác phẩm về chủ đề này, ngày 6 tháng 4 vừa qua, ông tham dự buổi họp Tiếng nói Orléans (Voix d’Orléans) tổ chức hàng năm với chủ đề tiến bộ. Tác phẩm gần đây nhất của ông là các buổi nói chuyện với Đức Phanxicô, Chính trị và Xã hội, nxb. Observatoire, đã gây tiếng vang vào mùa thu vừa qua. Trong vòng một năm, Đức Phanxicô gặp nhà trí thức Pháp để nói chuyện về một số vấn đề lớn của thời buổi này. Trong kỳ tham dự buổi họp Tiếng nói Orléans, báo Le Point đã thảo luận với tác giả Dominique Wolton về các kỹ thuật của thế giới thông tin.
Le Point: Tin đồn, tin giả, tin bóp méo… Tiến bộ kỹ thuật có gây thiệt hại nặng cho thông tin không?
Dominique Wolton: Cuộc chiến giữa tiến bộ kỹ thuật và tiến bộ nhân loại đã có từ lâu. Lãnh vực thông tin không tránh được cuộc chiến này. Trên lãnh vực truyền hình, điều này đã xảy ra khi người ta yêu cầu người quay phim không phải chỉ có một việc là quay phim, và bây giờ chính người ký giả quay phim. Chúng ta nhớ lại khi chiến tranh vùng vịnh Golfe xảy ra lần đầu tiên năm 1990, các phương tiện kỹ thuật đã có các tiến bộ vượt bực, người ta đã quay phim trực tiếp. Nhưng một trong các “thảm kịch” của cuộc chiến tranh này là không phải lúc nào cũng có tin tức, vậy phải “làm cho có”. Cũng như bây giờ với các kênh thông tin: họ tận dụng hết tất cả tiến bộ kỹ thuật như iPhone để quay phim, nhưng trên thực tế họ chỉ duy trì, lấp đầy khoảng trống.
Sự xuất hiện của Internet cũng cách mạng hóa lãnh vực này…
Tất nhiên, Internet cho phép sản xuất, phát sóng và tương tác với bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhưng không có gì nói rằng nó có lợi cho thông tin. Trong các chế độ độc tài, có, Internet có lợi, Internet đóng vai trò như hồi đó truyền hình và đài phát thanh đã làm. Đó là công cụ không thể thiếu để khôi phục tự do. Trong chế độ dân chủ, Internet có lợi nếu nó đưa ra các phê phán tuyệt vời, người ta thường nghĩ sự phong phú sẽ làm thuận lợi cho thông tin. Nhưng lại có các tin đồn, các tin giả… Thật khó để thấy cho rõ trong đại dương thông tin này. Trên Facebook, Twitter và trên các trang mạng xã hội khác, sự nhầm lẫn thống trị. Diễn tả của một người nào đó tự nó không phải là một thông tin. Người ta nhận ra, tự do diễn tả không phải là tự do thông tin. Các huyền thoại này của Internet và tiến bộ kỹ thuật làm chúng ta bị mù quáng.
Còn các ký giả? Họ còn phục vụ một cái gì cho thông tin vào năm 2018 không?
Tất nhiên là có. Nghề ký giả bây giờ còn quan trọng hơn là nghề ký giả cách đây 50 năm. Và cũng khó hơn rất nhiều, vì ban biên tập đặt ra hạn định các phương tiện dùng. Ngày nay khi một ký giả cần làm một phóng sự 8 ngày thì ban biên tập chỉ cho 2 ngày, họ cho rằng như thế là đủ với cuộc gặp và tìm tòi trên Internet. Và đó là hậu quả rất xấu của kỹ thuật: thì giờ không còn. Trong khi người ký giả phải phân biệt cái đúng cái sai, nghề của họ rất cần thiết cho xã hội, cũng như nghề của người nghiên cứu tài liệu. Thế mà người ta hồn nhiên thích thú nghĩ, chỉ cần đi một vòng Wikipédia là tìm được dữ liệu cho đề tài. Trên thực tế, phải có thì giờ, phải có tài năng mới làm được. Thật phi lý khi người ta nghĩ không cần người nghiên cứu tài liệu!
Ngày nay, người ta tìm thông tin trên điện thoại, trên máy vi tính, trên iPad, trên đài truyền thanh, truyền hình… Đó cũng là tiến bộ, có được nhiều nguồn tin.
Không đặc biệt. Người ta nghĩ càng có nhiều đường dây móc nối càng có nhiều dạng thông tin. Nhưng chính ra ngược lại mới đúng. Mọi người đều quan sát, đều nhìn và thường có khuynh hướng sao chép lại. Sự phong phú các đường dây móc nối không có nghĩa là có nhiều thông tin. Ngược lại cần có một hiện tượng hợp lý hóa, tiêu chuẩn hóa thông tin.
Có nên thống nhất các phương tiện truyền thông đại chúng?
Chúng ta nhìn vào đài phát thanh, đó là sự tài tình của tiếng nói, chúng ta tưởng tượng ra hình ảnh, và đó là sự khác biệt với truyền hình. Vậy mà vì cạnh tranh khốc liệt và kỹ thuật dễ dàng, người ta nghĩ cần đặt camera ở các phòng thâu thanh. Và không ai nói một cách tự nhiên khi họ bị quay phim và truyền thông mất đi sự kỳ diệu của nó!
Mọi người nghĩ kỹ thuật không đến nổi tệ như vậy…
Vấn đề không phải là đi trở lại thời đèn cầy hay thời máy in Gutenberg. Không có công nghệ kỹ thuật mới nào hoàn toàn loại bỏ được điều này. Và báo giấy vẫn còn trong kỷ nguyên Internet. Nhưng ông cũng biết đó, có 7,5 tỷ người trên thế giới có thể nối mạng (năm 2018 có hơn 4 tỷ cư dân mạng) nhưng không có một milimét lòng quảng đại hay đức hạnh nào có thêm cho thời buổi này. Sự say mê đối với các kỹ thuật mới bắt nguồn từ thực tế, là không có một ý thức hệ chính trị nào nổi trội trên thế giới. Ý thức hệ kỹ thuật thay thế ý thức hệ chính trị. Đây không phải là điều sẽ thay đổi con người. Ngược lại. Chúng ta thấy rõ, càng có công nghệ kỹ thuật tự trị thì đời sống con người trở nên cứng nhắc. Người ta ngạc nhiên trước xe hơi tự động, nhưng lái xe là một hành động quan trọng, một hình thức khai phóng cá nhân. Chúng ta theo GPS để đi từ Paris đến Auxerre mà không thèm nhìn đến Bourgogne! Thậm chí còn đi thẳng xuống hồ nếu GPS nói đó là con đường! Người ta giải thoát con người khỏi số phận của mình, nhưng để làm gì? Tự do của con người, truyền thông, vẫn là giao lưu, vẫn là trao đổi trong đời sống xã hội.
Marta An Nguyễn dịch