Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis
Ai đã quen cha Bergoglio đều biết tầm quan trọng cha đặt ở quan hệ, gặp gỡ, chú tâm đến người khác. Họ sẽ hiểu cha hơn qua câu chuyện sau đây. Vào thời đó, cha Jorge Bergoglio còn là giám mục phụ tá ở địa phận Buenos Aires. Một ngày nọ, sau khi xong việc, cha nhìn đồng hồ, các nữ tu ở một dòng thuộc giáo phận Buenos Aires đang chờ cha đến giảng tỉnh tâm, cha chỉ còn đúng thì giờ để ra ga xe lửa. Nhưng cha cũng vòng lại nhà thờ vì cha có thói quen vào chầu Thánh Thể dù chỉ vài phút, để cầu nguyện trước khi đi công việc khác. Trên đường đi, có một thanh niên trẻ, có vẻ như bị vấn đề tâm lý, đến xin cha giải tội. Anh như đang say, có thể đang bị ảnh hưởng của thuốc ngủ hay thuốc an thần. “Tôi, một chứng nhân cho Phúc Âm, tôi nói với anh: “Một cha khác sẽ đến và giải tội cho anh. Tôi đang trễ giờ.” Tôi biết là vị linh mục đó sẽ không đến trước bốn giờ, nhưng tôi tự nhủ, vì anh đang dưới ảnh hưởng của thuốc, anh cũng sẽ không biết đâu, và tôi ra đi, lòng nhẹ nhõm. Nhưng sau đó, tôi cảm thấy xấu hỗ khủng khiếp, tôi quay trở lại và nói với anh: “Cha đó sẽ đến trễ, cha sẽ giải tội cho con.” Sau khi giải tội cho anh, tôi đưa anh đến trước tượng Đức Mẹ để xin Đức Mẹ gìn giữ anh và lúc đó tôi nghĩ xe lửa đã đi rồi. “Khi đến nhà ga, tôi được tin xe lửa đến trễ và tôi kịp giờ đi như chuyến dự trù. Trên chuyến về, tôi không về nhà ngay mà đi thẳng đến cha giải tội của tôi, câu chuyện này đè nặng trên lương tâm tôi. Tôi nghĩ, nếu tôi không xưng tội thì ngày mai tôi không thể dâng lễ…”
Đối với Bergoglio, chuyến xe lửa trễ là “dấu hiệu của Chúa nói với tôi: ‘Con thấy đó, mọi chuyện đều do Ta sắp xếp.’ Bao nhiêu lần trong cuộc sống, cần phải ngừng lại, đừng muốn mọi chuyện phải giải quyết ngay lập tức!” Phải kiên nhẫn, đừng tự phụ tìm được giải pháp cho tất cả mọi chuyện và “phải tương đối hóa một chút huyền nhiệm của hiệu năng.”
Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 7, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch