Sống trong tinh thần trọn vẹn là một ân sủng

169

Sống trong tinh thần trọn vẹn là một ân sủng

Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis

Chàng thanh niên trẻ Bergoglio dưỡng bệnh ở bệnh viện, cha không thích các câu trấn an kiểu “không sao đâu, rồi sẽ lành;” “khi nào về nhà con sẽ khá hơn,” của bạn bè người thân khi họ đến thăm. Không một lời nào trong các lời đó có thể làm dịu cơn đau. Mọi sự thay đổi khi có một nữ tu đến thăm, các câu sáo ngữ bị rơi xuống. Đó là nữ tu đã dạy Jorge chuẩn bị rước lễ lần đầu.

Nữ tu đó là xơ Dolores. “Xơ nói những câu đánh động tôi rất nhiều và đã mang đến bình an cho tôi: “Em noi gương Chúa Giêsu nghe.” Khi nghe câu nói này, thì cơn đau hàng ngày mang một ánh sáng khác. Nó có một ý nghĩa. “Đau khổ,” như cha giải thích trong quyển El Jesuita: “Đau đớn tự bản thân nó không phải là một đức hạnh. Nhưng cách mình chịu đựng nó thì có thể là một đức hạnh. Thiên hướng của chúng ta là được trọn vẹn và hạnh phúc, trong chiều hướng này thì đau đớn chỉ là một giới hạn. Vì thế, ý nghĩa của đau đớn, tôi hiểu nó trong trọn vẹn của nó, là qua đau đớn của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô.”

Về vấn đề này, vị giáo hoàng tương lai nhớ lại mẫu đối thoại giữa một người theo thuyết bất khả tri và một tín hữu trong quyển tiểu thuyết của nhà văn Pháp Joseph Malègue. Người theo thuyết khả tri nói, theo ông, vấn đề là phải biết xem Chúa Kitô có phải là Thiên Chúa không; còn đối với người tín hữu, vấn đề là biết sự gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa không mạc khải qua Chúa Kitô, có nghĩa là nếu Thiên Chúa không xuống thế để mang một ý nghĩa cho con đường của chúng ta đi. “Vì điều này, điều then chốt là hiểu thập giá như hạt mầm của sự sống lại. Tất cả mọi cố gắng để vượt lên đau đớn đều chỉ mang lại kết quả phiến diện nếu nó không được xây dựng trên nền tảng của tính siêu nghiệm. Hiểu và sống sự đau đớn trong tinh thần trọn vẹn là một món quà. Sống trong tinh thần trọn vẹn là một ân sủng.”

Bergoglio cho rằng, ngay cả Giáo hội đã có một thời kỳ quá nhấn mạnh đến đau khổ. Về chủ đề này, cha nhắc cuốn phim yêu chuộng của cha là cuốn Buổi tiệc của Babette, Le Festin de Babette, do Gabriel Axel viết và thực hiện năm 1987, chuyển thể từ tác phẩm của Karen Blixen. “Người ta thấy đây là một trường hợp điễn hình của những giới hạn và những cấm đoán. Các nhân vật là những người sống theo phái Calvin thuần túy, đến mức họ xem Chúa Cứu Thế như một chuyện tiêu cực của thế giới này. Nhưng khi buổi ăn thịnh soạn được dọn ra, tự do tươi mới xuất hiện thì tất cả mọi sự đều được biến đổi. Sự thật, trước đó, cộng đoàn này không biết thế nào là hạnh phúc. Họ sống trong tình trạng bị đau đớn chà đạp. Họ bị trói cột trong kiếp nhân sinh. Họ sợ tình yêu.”

Chính vì lý do đó mà bức tranh Đóng Đinh Trắng, La Crucifixion Blanche của họa sĩ Chagall là một trong những bức tranh yêu thích của cha: “Bức tranh không dữ nhưng đầy hy vọng. Đau đớn ở đây được thể hiện một cách thanh thản. Theo tôi, đó là một trong những bức tranh đẹp nhất của Chagall.” Đối với cha Bergoglio, “đời sống kitô là làm chứng cho niềm vui, như Chúa Giêsu đã làm. Thánh Têrêxa đã nói, một vị thánh buồn là một vị thánh buồn. Và người đang đau khổ, họ cần trước hết “là biết có ai đó cùng đồng hành với họ, thương họ, tôn trọng sự thinh lặng của họ để Chúa đi vào trong khoảng không gian thuần túy cô đơn này.”

Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 5, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch