Món cơm Ý của gia đình Bergoglio
Khi làm giám mục, cha ít có thì giờ nấu ăn nhưng “khi ở Colegio Máximo de San Miguel, ngày chúa nhật không có bà bếp nên tôi nấu cho các sinh viên.” Cha nấu ăn ngon không? “Chúa tôi, tôi chưa bao giờ giết ai vì thức ăn của tôi…”
Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis
Tháng giêng năm 1929, một buổi sáng nghẹt thở. Sau một cuộc hành trình dài, gia đình ông Giovanni Bergoglio đến Buenos Aires. Dù trời nóng và ẩm, bà nội Rosa Margherita Vasallo của giáo hoàng vẫn mặc chiếc áo choàng có cổ lông cáo, bà rất lịch sự, chiếc áo của bà hoàn toàn không phù hợp với trời nóng ở đây. Chiếc áo lạnh này có giấu tất cả tài sản tiết kiệm được do bán của cải của họ ở Ý. Gia đình Bergoglio xuất thân từ Portacomaro, Piémont, một cộng đồng nhỏ của tỉnh bang Asti, vùng Piémont, nơi gia đình định cư từ đầu thế kỷ 19, sau khi rời vùng Castelnuovo, một tỉnh khác trong khu vực.
Các trao đổi buôn bán đã cầm chân gia đình một thời gian lâu trước dự định nên đã ngăn họ không bước chân lên chiếc tàu Principessa Mafalda, chiếc tàu sẽ bị đắm ở ngoài khơi phía bắc Brésila, gây thiệt mạng cho hàng trăm người. Vài ngày hôm sau họ đi trên chiếc tàu Giulio Cesare. Ở tỉnh Portacomaro, gia đình Bergoglio có tiệm kẹo bánh. Nếu họ rời bỏ xứ để di dân, thì trước hết không phải vì lý do kinh tế dù họ chưa phục hồi được sau Thế Chiến, họ thật sự không có nhu cầu để rời nước Ý. Sở dĩ gia đình Bergoglio chọn Argentina là lý do đoàn tụ gia đình: ở nơi tận cùng rẻo đất này đã có ba anh em của ông nội tân giáo hoàng và ở đây họ đã gây dựng được tài sản. Nhưng cũng có lý do chính trị như em của giáo hoàng nói: “Dù hoàn cảnh chung lúc đó có khó khăn nhưng gia đình không thiếu gì. Tôi còn nhớ cha tôi thường hay lặp lại, chính vì thể chế phát-xít sắp chiếm quyền nên đã thúc đẩy ông rời nước Ý.”
Hồng y Bergoglio đã giải thích cho hai ký giả Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti trong quyển sách phỏng vấn El Jesuita (bản tiếng Việt là Tôi tin tưởng ở con người) như sau: “Ba anh em của ông tôi đã ở đó từ năm 1922, họ có một cơ sở lát đường ở Paraná. Họ đã xây căn nhà Bergoglio bốn tầng, đó là căn nhà đầu tiên ở Buenos Aires có thang máy… Mỗi anh em ở mỗi tầng.”
Mario Bergoglio là con của ông Giovanni và bà Rosa. Giovanni lúc đó 21 tuổi. Ông là một trong 535 000 người Ý di dân ở Argentina trong thập niên đó. Quan hệ của họ vẫn thắt chặt với bà con còn ở Portacomaro, Ý. Hồng y Bergoglio luôn luôn giữ liên lạc với anh chị em họ ở Piémont; họ gởi e-mail cho nhau và vẫn còn dùng các thành ngữ của xứ Piémont.
Văn sĩ Fernando J. Devoto, một tác giả về lịch sử Ý tại Argentina viết: “Có một thúc đẩy của những người đi tiên phong khai khẩn và cái mà người ta gọi là dây chuyền di dân, những người đến với sự giúp đỡ của bạn bè thân nhân hy vọng tìm một cơ hội thuận tiện.”
Hồng y kể: “Với cơn khủng hoảng 1932, không ai còn một xu và họ buộc phải bán cho đến cái vòm của gia đình. Một ông bác, giám đốc công ty, đã chết vì ung thư, một ông bác khác bắt đầu lại từ số không, công việc làm ăn thịnh vượng và ông nội của tôi đã mượn 2000 pesos để mua một cửa hàng. Cha tôi, khi đó là kế toán trong xưởng lót gạch, ông làm ở khâu quản trị, giúp phân phối vật liệu với một cái giỏ, ông làm ở đó cho đến khi tìm được một việc làm khác. Họ bắt đầu làm lại cuộc đời, một cách tự nhiên giống như những người đến đây đã từng có của cải. Tôi nghĩ điều này chứng tỏ sức mạnh của gia đình chúng tôi. Lý do của việc di dân qua Argentina là một khái niệm có tính cách Âu châu, đặc biệt là nước Ý, đó là giữ một gia đình đoàn tụ.” Ngày 12 tháng 12 năm 1935, Mario Bergoglio lập gia đình với cô Regina Sivori, người Argentina gốc Ý, vùng Gènes-Piémont. Một năm sau, ngày 17 tháng 12, 1936 đứa con đầu lòng Jorge Mario Bergoglio ra đời. Gia đình sống ở khu vực Flores, Buenos Aires, trong một biệt thự nhỏ có mái gạch màu nâu, cha kể: “Tôi nghĩ cha mẹ tôi đã mua căn nhà đó, vì có một cái bếp khổng lồ. Và sau khi mua, họ không biết chất năm đứa con ở đâu.”
Cha nhớ lại: “Khi tôi mười ba tháng, mẹ sinh em trai thứ nhì, gia đình chúng tôi có năm anh chị em tất cả. Ông bà nội ở bên cạnh để giúp mẹ tôi, mỗi buổi sáng bà nội đem tôi về nhà bà, xế chiều đem tôi về nhà tôi. Trong nhà nói chuyện bằng tiếng Piémont, tôi cũng học được ngôn ngữ này. Ông bà rất thương anh chị em tôi, thương tự nhiên một cách ruột thịt, còn tôi, tôi được lợi thế là có thể nói tiếng mẹ đẻ của ông bà, được nghe các kỷ niệm của ông bà.”
“Nơi cha tôi, tôi chưa bao giờ thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ ông nhớ nhà: ông nhìn tương lai trước mặt. Bằng chứng là ông không bao giờ nói tiếng Piémont với tôi. Tôi còn nhớ, có hôm tôi nhờ cha tôi trả lời thư bằng tiếng Ý gởi cho một giáo sư ở chủng viện: khi tôi hỏi chính tả một chữ, ông trả lời thật nhanh như thử ông sốt ruột trả lời cho xong để bỏ đi.”
Tuy nhiên không nhớ nhà không hẵn là xóa bỏ nguồn gốc. “Cha tôi nói tiếng Ý: cách ngày xưa ông đã sống ở đó và các giá trị ở đó. Ông làm cho chúng tôi sống trong tình yêu quê hương.”
Nhưng với các con, Jorge Mario, Alberto Horacio, Oscar Adrián, Marta Regina và Maria Elena, ông luôn luôn dùng tiếng Tây Ban Nha. Trong các anh chị em của cha, chỉ có Maria Elena là thấy được Jorge Mario mặc áo trắng xuất hiện ở ban công thánh đường Thánh Phêrô. Bằng một giọng đầy xúc cảm, tân giáo hoàng còn có thể đọc thuộc lòng một bài thờ bằng tiếng Piémont, Rassa Nostrana của Nino Costa mà ông bà nội đã dạy cha:
Ngay thẳng chân thành, trung thực với mình:
Đầu vuông, tay vững, gan chắc
Ít nói nhưng biết họ đang nói gì
Dù đi chậm, nhưng đi xa.
Drit et sincer, cosa àia sun, a smijo:
teste quadre, puls ferm e fidic san
a parlo poc ma a san cosa ch’a diso
bele ch’a marcio adasi, a va luntan.
Cha Bergoglio nhớ lại những giây phút sống với gia đình: “Chúng tôi chơi bài birsca và các loại bài khác. Cha tôi chơi basket ở câu lạc bộ San Lorenzo, thỉnh thoảng cha dắt chúng tôi đi. Còn với mẹ thì mỗi buổi chiều thứ bảy, chúng tôi ngồi nghe opéra với bà qua đài Radio del Estado (bây giờ là Radio National). Chúng tôi ngồi quay quần chung quanh máy, bà kể cốt truyện trước khi vở opéra bắt đầu cho chúng tôi nghe. Trước khi nghe một đoạn hay, bà báo trước: “Nghe kỹ nhé, họ sắp hát một đoạn rất hay.” Đối với tôi, đó là giây phút hạnh phúc được thưởng thức loại nghệ thuật này bên cạnh mẹ và các em. Và kỷ niệm trong nhà bếp: “Sau khi sinh đứa con thứ năm, mẹ tôi bị liệt giường nhưng sau đó bà được hồi phục. Nhưng khoảng giữa thời gian đó, khi chúng tôi đi học về, chúng tôi thấy bà ngồi gọt khoai tây, bà để các gia vị bên cạnh, bà giải thích cho chúng tôi phải trộn như thế nào, phải nấu ra sao vì chúng tôi không biết gì, bà nói: “Bây giờ con để cái này, cái kia vào son, rồi đặt lên lò…” Cứ thế chúng tôi học nấu ăn. Anh em chúng tôi ai cũng biết nấu ăn, ít nhất là món milanesa.
Khi làm giám mục, cha ít có thì giờ nấu ăn nhưng “khi ở Colegio Máximo de San Miguel, ngày chúa nhật không có bà bếp nên tôi nấu cho các sinh viên.” Cha nấu ăn ngon không? “Chúa tôi, tôi chưa bao giờ giết ai vì thức ăn của tôi…”
Bà Maria Elena, em gái của giáo hoàng trả lời phỏng vấn báo La Repubblica về cuộc sống gia đình như sau: “Tôi là em út, anh Jorge hơn tôi 12 tuổi, trước khi sinh tôi, mẹ tôi mất một người con trai. Khi tôi 13 tuổi thì cha tôi chết vì bị nhồi máu cơ tim. Nhưng cho đến năm 1959, gia đình chúng tôi là một gia đình hạnh phúc. Trước hết, chúng tôi là một gia đình Ý, ở đây người Argentina gọi là “Tanos.” Tôi còn nhớ tính cách thiêng liêng của những ngày chúa nhật, trước hết là đi lễ ở nhà thờ San José, sau đó là bữa ăn trưa rất lâu. Những bữa ăn này rất trịnh trọng, có đến 6 hoặc 7 món ăn. Có cả món tráng miệng. Chúng tôi nghèo nhưng luôn luôn giữ phẩm cách và trung thành với truyền thống nước Ý. Mẹ tôi nấu ăn rất ngon. Bà làm bột tươi, các món ăn truyền thống Ý như cappelletti (ravioli) với nước xốt cà chua, món cơm Ý kiểu của người Piémont, gà nướng lò. Bà hay nói trước khi lấy ba tôi, bà còn chưa biết luộc trứng. Rồi bà nội Rosa, người bỏ Piémont ra đi năm 1929 vì chống phát-xít bày cho mẹ tôi nấu vài món. Đối với chúng tôi, bà nội Rosa là một nữ anh hùng, bà rất can đảm. Tôi không bao giờ quên câu chuyện bà kể, ở Ý, bà đã dám lên tòa giảng để lên án chế độ độc tài Mussolini và phát-xít.”
Em của giáo hoàng cũng kể các nét giống nhau của tân giáo hoàng và người cha. “Ba Mario làm kế toán và là người duy nhất trong gia đình đi làm việc. Khi ông đến Argentina, ông đã có bằng nhưng họ không chấp nhận bằng cấp đó nên ông phải làm việc trong nhà máy. Nhưng ông có thể ký các văn kiện mà người khác làm. Và cũng vì thế ông không được trả lương cao như đáng lẽ phải được.”
“Đó là một người vui tính và ông làm cho tôi nghĩ rất nhiều đến anh Jorge Mario. Ông không bao giờ giận và cũng không bao giờ đánh con cái. Đó là điểm khác biệt lớn giữa các gia đình di dân Ý và gia đình Argentina. Người đàn ông có uy quyền trong gia đình nhưng không hung tính. Chúng tôi, và cả anh Jorge, khi làm chuyện gì sai, chúng tôi rất sợ ánh mắt của cha. Nhiều lúc tôi thích bị đánh còn hơn chịu đựng ánh mắt khinh chê làm cho tôi cảm thấy bị hạ thấp. Cha tôi rất yêu mẹ tôi, ông hay tặng quà cho bà. Khi đi làm về, cha lén lén cầm tay tôi đi ra khỏi nhà để mua một cái gì nho nhỏ cho mẹ tôi. Anh Jorge làm tôi nhớ cha mẹ tôi. Anh làm tôi nhớ mẹ vì anh cũng nấu ăn rất ngon: anh làm món mực nhồi tuyệt vời. Nhưng anh làm tôi nhớ cha tôi nhiều nhất. Ngày chúa nhật, cha mang việc về nhà làm. Cha để một khối tập sách kế toán trên bàn và mở máy quay đĩa, căn nhà nhỏ của chúng tôi ngập tràn âm nhạc. Cha nghe opéra và thỉnh thoảng nghe các bài hát phổ thông nước Ý. Tất cả ngày chúa nhật đều đầy tiếng nhạc cổ điển. Bây giờ anh Jorge cũng như cha: anh thích opéra và một vài bài tango. Thỉnh thoảng anh cũng nghe Edith Piaf. Và cũng như bố, anh là người duy nhất trong anh em chúng tôi ủng hộ đội San Lorenzo.”
Gia đình Bergoglio không phải là một gia đình dư dã nhưng họ không thiếu gì. “Ở nhà, chúng tôi không vứt gì. Mẹ tái dùng lại áo quần cũ của chúng tôi, ngay cả áo quần của cha tôi. Mẹ sửa, may lại các áo quần bị hư cho chúng tôi mặc. Có lẽ từ đó anh em chúng tôi có tính thanh đạm. Nhưng cũng có một giới hạn. Cha tôi không thích ăn một món hai lần, vì thế các đồ ăn dư, mẹ tôi sáng chế ra một món khác. Mẹ có tài chế biến.”
Còn trẻ, anh Jorge chơi đá banh với các đứa con trai khác cùng tuổi trong xóm. Anh thích chơi thể thao. Lớn lên anh mê điệu tango. Năm 12 tuổi, anh quen Amalia, một cô bạn gái ở gần nhà. Bây giờ cô vẫn còn sống trong khu vực đó, con cháu đầy đàn. “Anh luôn luôn pha trò nhưng rất lịch sự.” “Gia đình chúng tôi làm chúng tôi xa nhau,” họ thấy hai đứa còn quá trẻ để thương nhau. Amalia không xem quan hệ của mình là nghiêm túc: “Thật tình là không! Chúng tôi là những đứa con nít và câu chuyện của chúng tôi hoàn toàn ngây thơ. Chúng tôi cùng lớn lên với nhau và khi chúng tôi 12 tuổi, chúng tôi mới thật sự gặp nhau nhiều hơn.” Bà nói đến một tuổi thơ ấu bình dị và êm dịu: “Chúng tôi chơi với nhau trên vĩa hè hay ở các công viên gần đó. Chiều nào chúng tôi cũng chơi với nhau.” Theo bà, khi lên tuổi vị thành niên, Jorge đã muốn đi tu, có một lần anh nói với tôi: “Nếu em lấy anh thì anh sẽ không làm linh mục!” Như thế chắc chắn ý tưởng đi tu đã lởn vởn trong đầu nhưng phải chờ vài năm sau anh mới quyết định. Thực ra, Jorge Bergoglio kể một câu chuyện khác về hoản cảnh đưa đẩy cha quyết định đi tu và vào Dòng Tên.
Khi học xong tiểu học, bố của cha nói muốn tiếp tục học thì phải đi làm việc. “Bây giờ con lên trung học, con phải đi làm việc, cha sẽ tìm việc hè cho con.” Jorge lúc đó mới 13 tuổi, bớ sớ nhìn cha. Hoàn cảnh gia đình không đến nổi bắt con phải đi làm. Tân giáo hoàng kể trong quyển sách El Jesuita (Tôi tin tưởng ở con người): “Ông không cho chúng tôi gì, chúng tôi không có xe hơi, không đi nghỉ hè nhưng chúng tôi không thiếu gì.” Dù không hiểu lý do, nhưng Jorge chấp nhận và vâng lời ý của cha.
Trước hết Jorge làm việc trong một hãng làm bít tất sau đó làm kế toán với cha. Những năm đầu tiên, công việc của Jorge là dọn dẹp, nhưng sau ba năm, người cha giao sổ sách để làm. Qua năm thứ tư, nhịp làm việc và cuộc sống hàng ngày của Jorge thay đổi nhiều. Cha vào lam trong cơ sở kỹ thuật chuyên ngành hóa học thực phẩm, làm ở phòng thí nghiệm từ 7 giờ sáng đến 13 giờ. Sau giờ nghỉ trưa, cha đi học đến 8 giờ tối. Một cuộc sống rất chặt chẽ, kiệt sức, đòi hỏi vì phải chia giờ học giờ làm. Dù vậy, cha luôn luôn biết ơn thân sinh đã có quyết định này khi cha mới 13 tuổi.
“Tôi biết ơn cha tôi rất nhiều đã bắt tôi làm việc. Công việc bắt đầu ở tuổi vị thành niên là một trong những điều lợi ích nhất cuộc đời tôi. Đặc biệt nơi phòng thí nghiệm tôi làm việc. Tôi học cả mặt tốt lúc nào mặt xấu cuộc các sinh hoạt con người.” Bergoglio nhớ lại tấm gương của bà trưởng phòng: “Tôi có một bà trưởng phòng phi thường, bà Esther Balestrino de Carega, một người Paraguay thân cộng sản, sau này dưới chế độ độc tài, bà đã chứng kiến cảnh con gái và rể bị bắt cóc, chính bà cũng bị bắt cóc với hai nữ tu người Pháp, cả hai đều bị mất tích, đó là hai nữ tu Alice Domon và Léonie Duquet, còn bà thì sau đó bị ám sát. Bây giờ bà an nghỉ ở nhà thờ Santa Cruz. Tôi đặc biệt yêu mến bà. Tôi còn nhớ khi tôi đưa cho bà xem một mẫu phân tích, bà nói với tôi: “Anh làm nhanh quá!”, rồi không chờ, bà hỏi tôi: “Nhưng anh có kiểm lại không? Tôi trả lời, tôi không hiểu tại sao phải kiểm lại, vì các mẫu đo lường này đã được làm sẵn từ trước, mẫu này ít nhiều cũng tương đương thôi. “Không, anh phải làm đúng mọi chuyện,” bà lặp lại, giọng trách cứ. Bà dạy cho tôi phải nghiêm túc trong công việc. Tôi học hỏi rất nhiều ở người đàn bà phi thường này.”
Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 4, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch