Gia đình Bergoglio thời gian đầu ở Buenos Aires

440

Gia đình Bergoglio thời gian đầu ở Buenos Aires

Cha nhớ lại: “Khi tôi mười ba tháng, mẹ sinh em trai thứ nhì, gia đình chúng tôi có năm anh chị em tất cả. Ông bà nội ở bên cạnh để giúp mẹ tôi, mỗi buổi sáng bà nội đem tôi về nhà bà, xế chiều đem tôi về nhà tôi. Trong nhà nói chuyện bằng tiếng Piémont, tôi cũng học được ngôn ngữ này. Ông bà rất thương anh chị em tôi, thương tự nhiên một cách ruột thịt, còn tôi, tôi được lợi thế là có thể nói tiếng mẹ đẻ của ông bà, được nghe các kỷ niệm của ông bà.”

Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis

Tháng giêng năm 1929, một buổi sáng nghẹt thở. Sau một cuộc hành trình dài, gia đình ông Giovanni Bergoglio đến Buenos Aires. Dù trời nóng và ẩm, bà nội Rosa Margherita Vasallo của giáo hoàng vẫn mặc chiếc áo choàng có cổ lông cáo, bà rất lịch sự, chiếc áo của bà hoàn toàn không phù hợp với trời nóng ở đây. Chiếc áo lạnh này có giấu tất cả tài sản tiết kiệm được do bán của cải của họ ở Ý. Gia đình Bergoglio xuất thân từ Portacomaro, Piémont, một cộng đồng nhỏ của tỉnh bang Asti, vùng Piémont, nơi gia đình định cư từ đầu thế kỷ 19, sau khi rời vùng Castelnuovo, một tỉnh khác trong khu vực.

Các trao đổi buôn bán đã cầm chân gia đình một thời gian lâu trước dự định nên đã ngăn họ không bước chân lên chiếc tàu Principessa Mafalda, chiếc tàu sẽ bị đắm ở ngoài khơi phía bắc Brésila, gây thiệt mạng cho hàng trăm người. Vài ngày hôm sau họ đi trên chiếc tàu Giulio Cesare. Ở tỉnh Portacomaro, gia đình Bergoglio có tiệm kẹo bánh. Nếu họ rời bỏ xứ để di dân, thì trước hết không phải vì lý do kinh tế dù họ chưa phục hồi được sau Thế Chiến, họ thật sự không có nhu cầu để rời nước Ý. Sở dĩ gia đình Bergoglio chọn Argentina là lý do đoàn tụ gia đình: ở nơi tận cùng rẻo đất này đã có ba anh em của ông nội tân giáo hoàng và ở đây họ đã gây dựng được tài sản. Nhưng cũng có lý do chính trị như em của giáo hoàng nói: “Dù hoàn cảnh chung lúc đó có khó khăn nhưng gia đình không thiếu gì. Tôi còn nhớ cha tôi thường hay lặp lại, chính vì thể chế phát-xít sắp chiếm quyền nên đã thúc đẩy ông rời nước Ý.”

Hồng y Bergoglio đã giải thích cho hai ký giả Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti trong quyển sách phỏng vấn El Jesuita (bản tiếng Việt là Tôi tin tưởng ở con người) như sau: “Ba anh em của ông tôi đã ở đó từ năm 1922, họ có một cơ sở lát đường ở Paraná. Họ đã xây căn nhà Bergoglio bốn tầng, đó là căn nhà đầu tiên ở Buenos Aires có thang máy… Mỗi anh em ở mỗi tầng.”

Mario Bergoglio là con của ông Giovanni và bà Rosa. Giovanni lúc đó 21 tuổi. Ông là một trong 535 000 người Ý di dân ở Argentina trong thập niên đó. Quan hệ của họ vẫn thắt chặt với bà con còn ở Portacomaro, Ý. Hồng y Bergoglio luôn luôn giữ liên lạc với anh chị em họ ở Piémont; họ gởi e-mail cho nhau và vẫn còn dùng các thành ngữ của xứ Piémont.

Văn sĩ Fernando J. Devoto, một tác giả về lịch sử Ý tại Argentina viết: “Có một thúc đẩy của những người đi tiên phong khai khẩn và cái mà người ta gọi là dây chuyền di dân, những người đến với sự giúp đỡ của bạn bè thân nhân hy vọng tìm một cơ hội thuận tiện.”

Hồng y kể: “Với cơn khủng hoảng 1932, không ai còn một xu và họ buộc phải bán cho đến cái vòm của gia đình. Một ông bác, giám đốc công ty, đã chết vì ung thư, một ông bác khác bắt đầu lại từ số không, công việc làm ăn thịnh vượng và ông nội của tôi đã mượn 2000 pesos để mua một cửa hàng. Cha tôi, khi đó là kế toán trong xưởng lót gạch, ông làm ở khâu quản trị, giúp phân phối vật liệu với một cái giỏ, ông làm ở đó cho đến khi tìm được một việc làm khác. Họ bắt đầu làm lại cuộc đời, một cách tự nhiên giống như những người đến đây đã từng có của cải. Tôi nghĩ điều này chứng tỏ sức mạnh của gia đình chúng tôi. Lý do của việc di dân qua Argentina là một khái niệm có tính cách Âu châu, đặc biệt là nước Ý, đó là giữ một gia đình đoàn tụ.” Ngày 12 tháng 12 năm 1935, Mario Bergoglio lập gia đình với cô Regina Sivori, người Argentina gốc Ý, vùng Gènes-Piémont. Một năm sau, ngày 17 tháng 12, 1936 đứa con đầu lòng Jorge Mario Bergoglio ra đời. Gia đình sống ở khu vực Flores, Buenos Aires, trong một biệt thự nhỏ có mái gạch màu nâu, cha kể: “Tôi nghĩ cha mẹ tôi đã mua căn nhà đó, vì có một cái bếp khổng lồ. Và sau khi mua, họ không biết chất năm đứa con ở đâu.”

Cha nhớ lại: “Khi tôi mười ba tháng, mẹ sinh em trai thứ nhì, gia đình chúng tôi có năm anh chị em tất cả. Ông bà nội ở bên cạnh để giúp mẹ tôi, mỗi buổi sáng bà nội đem tôi về nhà bà, xế chiều đem tôi về nhà tôi. Trong nhà nói chuyện bằng tiếng Piémont, tôi cũng học được ngôn ngữ này. Ông bà rất thương anh chị em tôi, thương tự nhiên một cách ruột thịt, còn tôi, tôi được lợi thế là có thể nói tiếng mẹ đẻ của ông bà, được nghe các kỷ niệm của ông bà.”

“Nơi cha tôi, tôi chưa bao giờ thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ ông nhớ nhà: ông nhìn tương lai trước mặt. Bằng chứng là ông không bao giờ nói tiếng Piémont với tôi. Tôi còn nhớ, có hôm tôi nhờ cha tôi trả lời thư bằng tiếng Ý gởi cho một giáo sư ở chủng viện: khi tôi hỏi chính tả một chữ, ông trả lời thật nhanh như thử ông sốt ruột trả lời cho xong để bỏ đi.”

Tuy nhiên không nhớ nhà không hẵn là xóa bỏ nguồn gốc. “Cha tôi nói tiếng Ý: cách ngày xưa ông đã sống ở đó và các giá trị ở đó. Ông làm cho chúng tôi sống trong tình yêu quê hương.”

Nhưng với các con, Jorge Mario, Alberto Horacio, Oscar Adrián, Marta Regina và Maria Elena, ông luôn luôn dùng tiếng Tây Ban Nha. Trong các anh chị em của cha, chỉ có Maria Elena là thấy được Jorge Mario mặc áo trắng xuất hiện ở ban công thánh đường Thánh Phêrô. Bằng một giọng đầy xúc cảm, tân giáo hoàng còn có thể đọc thuộc lòng một bài thờ bằng tiếng Piémont, Rassa Nostrana của Nino Costa mà ông bà nội đã dạy cha:

Ngay thẳng chân thành, trung thực với mình:

Đầu vuông, tay vững, gan chắc

Ít nói nhưng biết họ đang nói gì

Dù đi chậm, nhưng đi xa.

Drit et sincer, cosa àia sun, a smijo:

teste quadre, puls ferm e fidic san

a parlo poc ma a san cosa ch’a diso

bele ch’a marcio adasi, a va luntan.

Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 4, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch