Khi giáo hoàng từ nhiệm vì lý do già yếu
Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis
Jorge Mario Bergoglio, Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội được bầu lên vì đương kim giáo hoàng từ nhiệm do già yếu. Cũng như bao nhiêu sự kiện khác, cũng có những sự kiện đưa đến việc một hồng y Châu Mỹ Latinh, dòng Tên lên ghế Thánh Phêrô, đó là sáng thứ hai, 11 tháng 2 năm 2013. Ngày hôm đó, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI phải chủ tọa ở phòng Công nghị Hồng y lúc 11 giờ, một hội nghị công khai để phong thánh cho nhiều chân phước: Antonio Primaldo và các bạn († 1480) tử đạo ở Otrante; Laura di Santa Caterina da Siena Montoya y Upegui (1874-1949), trinh nữ, sáng lập Hội dòng Các nữ tu Truyền giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm và thánh Catơrina Siêna; Maria Guadalupe Garcia Zavala (1878-1963), đồng sáng lập viên Hội dòng Nữ tỳ thánh Margơrita-Maria và những người nghèo. Đức giáo hoàng đã ra ký sắc luật ghi tên họ “trong sổ các thánh ngày chúa nhật 12 tháng 5 năm 2013.”
Tuy nhiên đức giáo hoàng Bênêđictô XVI không ngừng ở đó. Ngài tiếp tục đọc một bản tuyên bố ngắn bằng tiếng la tinh, có chữ ký của ngài và ngày ký là ngày hôm trước, trong đó, ngài loan báo quyết định từ chức vì lý do tuổi tác và thông báo ghế giáo hoàng sẽ trống kể từ ngày 28 tháng 2 năm 2013 lúc 20 giờ tối. Bản văn này được đưa cho các thông dịch viên của phủ Quốc vụ khanh rạng sáng thứ hai, sau khi đã bắt họ thề giữ bí mật.
Với một giọng yếu ớt và xúc động, đức giáo hoàng Ratzinger đọc trước các vị hồng y sững sờ và rõ ràng chưa chuẩn bị gì để nghe tin này: “Anh em rất thân mến, tôi triệu tập anh em đến dự Công nghị này không phải để chỉ nói về ba cuộc phong thánh, nhưng còn để thông báo cho anh em một quyết định rất quan trọng đối với đời sống Giáo Hội. Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của mình, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa.”
Ngài nói thêm: “Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, những còn bằng đau khổ và cầu nguyện. Tuy nhiên, thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi.”
“Vì thế, ngài tiếp tục, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các Hồng Y ngày 19 tháng 4 năm 2005, để từ ngày 28 tháng 2 năm 2013 sắp tới, Tòa Roma, Tòa Thánh Phêrô sẽ trống tòa từ lúc 20 giờ và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật Nghị Hồng Y để bầu vị Giáo Hoàng mới.”
Ngài kết luận “Anh em rất thân mến, tôi chân thành cám ơn anh em vì tất cả lòng quí mến và công việc mà anh em đã cùng mang gánh nặng sứ vụ của tôi, và tôi xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy phó thác Hội Thánh cho vị Mục Tử Tối Cao, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và cầu xin Mẹ Maria của Ngài, với lòng từ mẫu xin Mẹ trợ giúp các Hồng Y trong việc bầu vị Giáo Hoàng mới. Về phần tôi, cả trong tương lai, tôi muốn hết lòng phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa bằng cuộc sống dành trọn cho việc cầu nguyện.”
Tất cả tóm trong hai mươi hàng bằng tiếng la tinh. Hai mươi hai hàng thay đổi cả một lịch sử Giáo hội. Ngay sau khi đọc xong, hồng y niên trưởng Angelo Sodano đến ôm đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Rồi trong thinh lặng, với bước đi ngập ngừng, gương mặt trầm lắng, cha và các vị giám quản của Tòa thánh lui về nhà của mình, nơi cha còn ở đó 17 ngày. Ở đây, xa các cặp mắt dòm ngó, cha không kềm giữ được cảm xúc đang dâng lên. Những giọt nước mắt rơi xuống trên khuôn mặt vị giáo hoàng lớn tuổi, mệt mỏi. Gương mặt của vị giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm từ sáu thế kỷ nay.
Như thế là đức giáo hoàng Bênêđictô XVI loan báo một quyết định chưa từng có. Lựa chọn có tiếng vang rất mạnh này đã được quyết định trong cô đơn. Một lựa chọn chính chắn từ lâu, sau chuyến công du ở Mexico và Cuba tháng 3 năm 2012, như ký giả Gian Maria Vian đã viết trong tờ báo L’Osservatore Romano. Trong chuyến đi này, đức giáo hoàng được tiếp đón rất nồng hậu, buổi tối, ngài bị truợt chân và bị thương trên đầu.
Từ lâu đức giáo hoàng Joseph Ratzinger đã suy nghĩ về quyết định này. Năm 2010, chính ngài trả lời câu hỏi của người bạn là ký giả Peter Seewald: “Khi một giáo hoàng nhận thức một cách sáng suốt về mặt thể lý, tâm lý, thiêng liêng rằng không thể đảm trách chức vụ của mình, thì lúc đó họ có quyền, tùy theo hoàn cảnh và có bổn phận phải rút lui.” Ratzinger đã chứng kiến nỗi đau khổ dai dẵng vì bệnh tật của vị tiền nhiệm thì khi đó, cha không mong kinh nghiệm này lặp lại với mình. Cha không muốn một ngày nào đó những người chung quanh sẽ “quản lý” mình.
Tháng 10 năm 2002, khi còn là hồng y, cha nhận từ tổng giám mục Pasquale Macchi một bản sao bức thư qua đó giáo hoàng Phaolô VI đưa ra các chỉ thị cho các hồng y trong trường hợp mình bị mất khả năng lâu dài và đề nghị họ mở mật nghị. Cha Ratzinger đã bình luận khi cầm trên tay bản sao này: “Đây là một quyết định rất khôn ngoan mà mỗi giáo hoàng phải làm.” Nhưng giả thuyết giáo hoàng Phaolô VI đưa ra là mất khả năng nặng, tàn phế như căn bệnh Parkinson của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II vào cuối nhiệm chức của ngài. Nhưng những chuyện này lại không xảy ra với đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngài chỉ bị thấp khớp và một vài dấu hiệu suy yếu tim.
“Giáo hoàng không bị suy thoái tinh thần cũng không có một căn bệnh nào đe dọa,” phát ngôn viên Tòa Thánh Federico Lombardi lặp lại. “Không có một dấu hiệu đi xuống nào,” bác sĩ Patrizio Polisca cũng lặp lại, kín đáo như ngầm nói khả năng trí tuệ của ngài vẫn còn nguyên, giáo hoàng đã có dịp cho thấy mấy ngày trước đó trong suy niệm ngài nói với các chủng sinh La Mã mà không cần nhìn giấy.
Vậy thì chuyện gì xảy ra? Tại sao cha Ratzinger đi đến quyết định này trước ngày sinh nhật 86 tuổi của ngài, biết rằng quyết định của mình sẽ như cơn động đất cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội?
“Bỗng đứng trước một công việc khổng lồ là một cú sốc đối với tôi, ai cũng biết điều này. Quả là một trách nhiệm nặng nề. […] Cha đã nói như thế trong buổi phỏng vấn của ông Peter Seewald khi nói về cuộc bầu chọn. “Đúng, tôi nghĩ như cái máy chém đang chờ tôi: bây giờ máy chém đã rơi và nó rơi trên mình.”
Nhiệm kỳ của cha Ratzinger thật khó khăn. Toàn những chướng ngại, đúng là Con đường của Thập giá. Bị công kích, các cơn khủng hoảng xảy ra liên tiếp, các vụ bê bối như vụ ấu dâm quả là tàn phá, mà giáo hoàng đương đầu với một quyết tâm chưa bao giờ thấy trong lịch sử, các áp lực trong triều chính ở Tòa thánh, các vụ rình rập, đấu tranh nội bộ. Các khó khăn, các kháng cự tới tấp, một vài dự án Tòa thánh đưa ra bị thất bại – “cải cách của cải cách” phụng vụ trong hòa bình với nhóm Lefebvre cho đến đối thoại liên tôn. Vù rò rỉ Vatileaks đưa ra ánh sáng một thực tại đau lòng, mà chắc chắn người ta không chỉ quy vào sự phản bội của quản gia Paolo Gabriele, như ba hồng y trung tín Julián Herranz, Jozef Tomko và Salvatore De Giorgi xác nhận điều này, những vị mà giáo hoàng Ratzinger giao để điều tra nội bộ, mà kết quả cũng chưa đưa ra cho các hồng y trước mật nghị. Hồ sơ sẽ chuyển trực tiếp qua cho giáo hoàng Phanxicô.
Trong những năm vừa qua, nhiều lần đức giáo hoàng Bênêđictô XVI buộc đã phải can thiệp trực tiếp để bảo vệ các cộng sự viên của mình, trong khi truyền thống đa thế tục của Giáo hội thì thường thường là ngược lại. Các khó khăn trở nên quá nặng, và gánh nặng của Tòa Thánh trở nên không chịu đựng được.
Hai quyết định đưa ra trong hai tháng cuối nhiệm chức sẽ được hiểu rõ hơn sau khi có quyết định từ nhiệm: tiểu công nghị tháng 11 năm 2012, qua đó giáo hoàng đã “sửa,” khi chỉ định sáu tân hồng y các châu lục khác nhau, tiểu công nghị tháng 2 năm 2012 có quá nhiều người Ý và nhiều người ở Tòa Thánh; và việc chỉ định linh mục Georg Ganswein, thư ký riêng của ngài làm giám mục và Chủ tịch Phủ giáo hoàng là ngài đã muốn bảo vệ trong trường hợp ngài sẽ từ nhiệm sắp tới. Từ nay đức tổng giám mục Ganswein đảm nhận hai chức vụ chưa từng có, thư ký riêng của giáo hoàng danh dự và giám quản Phủ giáo hoàng của giáo hoàng đương nhiệm.
Việc loan báo của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên. Chỉ có hồng y niên trưởng Angelo Sodano và hồng y Quốc vụ Khanh Tarcisio Bertone là đã được kín đáo báo trước. Đức giáo hoàng không tham khảo ý kiến của họ, chỉ đơn giản báo tin quyết định đã được “xét mình trước mặt Chúa” này.
Để đưa ra thời điểm từ nhiệm, ngài lựa thời điểm yên tĩnh sau vụ tai tiếng rò rỉ Vatileaks. Một hành vi có chủ ý và khiêm tốn mà ngài đã hoàn tựu và xin “tha thứ cho tất cả mọi suy yếu của mình,” để lại cho vị kế nhiệm một công việc không phải dễ dàng. Một hành vi mà một cách nào đó đưa chức vụ giáo hoàng về chiều kích “chuẩn hóa” giáo đoàn, với giám mục danh dự của Roma ở trong một căn hộ nội thành Roma, để sống trong cầu nguyện “xa lánh thế gian.” Từ nay, bên trong các bức tường, cựu giáo hoàng và tân giáo hoàng cùng ở chung, một điều chưa từng có trong lịch sử.
Ngày 24-04-2005, trong thánh lễ trọng thể ngày nhậm chức giáo hoàng, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã xin tín hữu cầu nguyện để “tôi không lẫn tránh vì sợ trước các chó sói dữ,” không một ai có thể tưởng tượng chức vụ giáo hoàng sẽ là con đường thập giá của ngài để ngài kết thúc qua hành vi từ nhiệm có tính cách hùng vỹ này.
Được bầu chọn chớp nhoáng trong vòng một ngày, Joseph Ratzinger, 77 tuổi. Ngay từ đầu đã cho thấy rõ ràng nhiệm chức của ngài sẽ khác vị tiền nhiệm do tuổi tác và do quá trình đào tạo của ngài. Tân giáo hoàng đã không muốn đưa ra một “dự án quản trị,” bởi vì “dự án quản trị đích thực của tôi không phải là làm theo ý tôi, theo đuổi các ý tưởng của tôi, nhưng là cùng với Giáo hội lắng nghe lời và ý Chúa, để Ngài hướng dẫn, theo cách mà chính Ngài hướng dẫn Giáo hội vào giờ phút lịch sử này của chúng ta.”
Vụng về và rụt rè ngay từ đầu, nhưng sau đó nhanh chóng Ratzinger khoác lên người bộ áo giáo hoàng lưu động, bắt đầu bằng Ngày của Giới trẻ ở Cologne năm 2005, một trong những sáng kiến năng động của vị tiền nhiệm. Một biển người, thử nghiệm đầu tiên, rất thành công với những thông điệp hiệu quả, những hình ảnh đập mạnh, như hình ảnh biến bánh và rượu thành Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong thời phân rã hạch nhân. Đầu tiên dè dặt trong cử chỉ, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã làm hay nhất trong khả năng có thể của ngài trong các bài diễn văn ứng khẩu. Chẳng hạn trong buổi gặp các em rước lễ lần đầu ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 15-10-2005, khi có em hỏi cha về Chúa Giêsu hiện diện trong bánh thánh mà em không thấy, cha đã trả lời: “Chúng ta không thấy dòng điện, nhưng nó lại làm cho máy vi âm này phát tiếng… Có những chuyện chúng ta không thấy nhưng nó có thật và rất thiết yếu!”
Người ta nghĩ vì lớn tuổi, tân giáo hoàng sẽ ít di chuyển. Nhưng ngược lại, ngài cũng lên đường như vị tiền nhiệm. Như cuộc viếng thăm Ba Lan tháng 5 năm 2006, ngài kết thúc chuyến thăm ở Auschwitz: “Ngõ lời ở nơi khủng khiếp này, nơi xảy ra các tội ác ghê gớm chống lại Thiên Chúa, chống lại nhân loại mà trong lịch sử không có tội ác nào tương đương – thì thật là một điều gần như không thể làm được, ngài nói, nó đặc biệt khó khăn và đè nặng cho một kitô hữu, một giáo hoàng gốc Đức. Ở một nơi như nơi này, lời nói trở nên nhạt: rốt cùng, chỉ có thể im lặng rụng rời – một im lặng qua tiếng thốt lên từ đáy lòng: “Tại sao Chúa ơi, tại sao Chúa im lặng? Làm sao Chúa lại dung thứ những chuyện này như vậy?”
Năm 2006 là năm đầu tiên có sự cố quốc tế, Ratzinger thích nói đến các vấn đề liên quan đến đức tin và lý lẽ, trong chuyến đi thăm Bavière, cha trở lại vai trò giáo sư. Sau một buổi diễn thuyết ở cựu đại học Ratisbonne, cha nhắc một câu trích cũ của Mahomet – mà cha không cho là của mình – được đưa ra trước thế giới và tạo sự phẫn nộ của thế giới Hồi giáo. Từ lúc đó, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI có rất nhiều dấu hiệu chú tâm đến Hồi giáo và tái khẳng định tình thân hữu và tôn trọng đối với Hồi giáo.
Ngay cả khi còn là hồng y, ngài thường bị coi là “hồng y xe tăng bọc sắt,” giống tâm hồn bảo thủ của giáo hoàng Wojtyla, giáo hoàng Ratzinger nói liên tục về “niềm vui được là kitô hữu” và dành cho bản thông điệp đầu tiên của mình có chủ đề là Deus caritas est, Thiên Chúa là tình thương. Ngài viết “Gốc cội kitô hữu, không có một quyết định luân lý hay một tư tưởng lớn, nhưng đúng hơn là cuộc gặp gỡ với một sự lên ngôi, Một Đấng, cho cuộc sống một chân trời mới và cùng một lúc một định hướng vĩnh viễn.”
Vị giáo hoàng thần học gia, trước khi trở thành người kế vị giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã mơ có thể về ở ẩn, bàn giao công việc của ngài ở Tòa Thánh để có thể viết một quyển sách về Giêsu Nadarét. Và vì thế, dù ở chức vị giáo hoàng, khi có chút thì giờ rãnh, nhất là thời gian nghỉ hè, ngài viết một tác phẩm gồm ba tập, xuất bản vào những năm 2007, 2011 và 2012. Thêm vào ba quyển sách này là tập sách phỏng vấn với ký giả người Đức, ông Peter Seewald, Ánh sáng của thế giới, quyển sách hay nhất để hiểu con người đích thực của Joseph Ratzinger.
Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đối diện với những cuộc du hành khó khăn, đối diện với sự thế tục hóa như ngựa phi của các xã hội không còn kitô giáo và sự bất hòa trong nội bộ Giáo hội. Năm 2008, ngài mừng sinh nhật của mình ở Nhà Trắng với tổng thống George Bush và vài ngày sau đó, 20 tháng 4, ngài đến Ground Zéro để cầu nguyện và ôm hôn thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Tòa Tháp Đôi ngày 11-09-2001.
Tháng 1 năm 2009, một cơn khủng hoảng bùng nổ khi giáo hoàng Bênêđictô XVI quyết định tháo vạ tuyệt thông cho bốn giám mục ly khai thuộc phái Lefebvre. Trong số họ, có giám mục Richard Williamson, người, trong một phỏng vấn trên đài truyền hình mấy tháng trước đã phủ nhận không có chuyện phòng hơi ngạt, đã gây phẫn nộ nơi người Do Thái. Đức giáo hoàng cảm thấy cô độc, đứng trước sự tan vỡ hiển nhiên của bộ máy triều chính, ngài viết thư cho tất cả giám mục toàn cầu, nhận hết tất cả trách nhiệm. Đã có một thời, giáo hoàng là mộc khiên che chắn cho các cộng sự viên của Giáo triều Roma thì bây giờ lại là trường hợp ngược lại.
Một năm sau, vụ bê bối ấu dâm bùng nổ: các tài liệu về các trường hợp cũ từng bị che giấu ở Mỹ, Đức được đem ra công bố. Một vài người muốn đem ngài ra tòa để trả lời cho các tội mà các linh mục đã phạm, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI thẳng thắn đối diện, không giảm nhẹ hóa sự việc: ngài sửa đổi lề luật yêu cầu Giáo triều và các giám mục trên toàn thế giới thay đổi não trạng. Mỗi lần đi ra nước ngoài, ngài đều đến gặp các nạn nhân của các vụ ấu dâm, và trong chuyến bay đi Portugal tháng 5 năm 2010, ngài còn nói tác hại nặng nhất cho Giáo hội không đến từ kẻ thù bên ngoài mà do tội lỗi từ bên trong Giáo hội.
Một vài sáng kiến và giải hòa cho đơn vị hiệp nhất Giáo hội bị ngộ nhận và không có được sự đáp ứng tích cực, như quyết định giải tỏa thánh lễ kiểu xưa có trước thời công đồng và tiến hành đối thoại với nhóm ly khai Lefebvre. Năm cuối cùng lại bị vụ rò rỉ tài liệu mật, Vatileaks, làm căng thẳng nội bộ Vatican và những cáo buộc tham nhũng. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tỏ ra bình thản, ngài kiên trì bảo vệ các cộng sự viên, trước hết là hồng y Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone, mục tiêu của những công kích càng ngày càng nhiều. Ngài cho phép kiện ông Paolo Gabriele, quản gia của ngài, bị phạm tội đã sao chép và phân tán tài liệu. Tuy nhiên sau đó, vào dịp lễ Giáng sinh, ngài vào nhà tù thăm và ân xá cho ông. Dù ngài khởi đầu Năm Đức tin để kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II, mà ưu tiên của ngài là rao giảng Phúc Âm trong những điều then chốt của Phúc Âm nhưng ngài phải rút lui vì mệt. Như bạn bè thời buổi hiện đại, ngài nhường lại Twitter cho người kế nhiệm.
Việc từ nhiệm chức giáo hoàng là một việc rất hiếm trong lịch sử Giáo hội. Cho đến năm 2013, không có bao nhiêu giám mục Roma từ bỏ trách vụ của mình, chưa ai trong số họ từ nhiệm vì lý do sức khỏe tuổi tác. Vì thế, không có trường hợp nào trước đó để đem ra so sánh với trường hợp của giáo hoàng Bênêđictô XVI. Vào thời đầu tiên của Giáo hội, khoảng năm 92 có trường hợp từ nhiệm của giáo hoàng Clément, vị giáo hoàng thứ ba kế vị thánh Phêrô, sau giáo hoàng Lin và Anaclet. Theo truyền thống, giáo hoàng này là tác giả một bức thư, trong đó ngài xin những người quãng đại nhất lánh ra thay vì tạo chia rẻ và bất hòa. Lời nói báo tin cho quyết định mà ngài đã viết.
Tuy nhiên trường hợp thứ nhất là trường hợp giáo hoàng Pontien, vị giám mục thứ mười tám của Roma, vào khoảng năm 230. Năm năm sau, ngài bị đày ra Sardaigne và bị bắt lao động khổ sai trong một hầm mỏ. Ngài từ chức ngày 28 tháng 9 năm 235, kế vị là giáo hoàng Antère.
Ba thế kỷ sau, thời giáo hoàng Silvère, con của giáo hoàng Hormisdas, phó tế Giáo hội Roma, được vua Théodat đặt lên chức giáo hoàng năm 536, ngài để công sức trong cuộc đấu tranh chống những người theo thuyết nhất tính thuyết (Đức Kitô chỉ có một bản tính là thiên tính.) Chính vì hành vi này đã làm cho nữ hoàng Théodora quan ngại nên đã phế truất và đày ngài ra đảo Palmarola.
Vài thế kỷ trôi qua, đến đời giáo hoàng Bênêđictô IX, tại chức từ tháng 10 năm 1031 đến tháng 9 năm 1044. Biểu hiệu “ăn chơi quá độ và văn bản hóa quyền lực giáo hoàng,” như đã ghi trong Osservatore Romano, cuộc phản kháng của dân chúng buộc giáo hoàng phải từ nhiệm. Ngài cũng thành công để đưa Silvère III lên kế vị và trở lại ngai chỉ vài tuần năm 1045, trước khi nhường chức lại, lần này cho giáo hoàng Grégoire VI. Ngài trở lại chức giáo hoàng một lần thứ hai sau cái chết đột ngột của giáo hoàng Clément II, vào tháng 10 năm 1047, nhưng cuối cùng bị Henri II truất phế. Ngài không phải là không được xem như một giáo hoàng đích thực tại chức.
Rồi đến một trong những vụ từ nhiệm lớn nhất, vụ từ nhiệm của giáo hoàng Célestin V, ẩn sĩ Pietro da Morrone, một vị thánh. Ngài được bầu chọn giáo hoàng tháng 8 năm 1294, lên chức ở Aquila, sau đó ngài về Naples. Ngài từ nhiệm ngày 13 tháng 12 năm đó.
Rồi đến Angelo Correr, con của nhà quý tộc Venise Niccolô di Pietro, vị giáo hoàng để trống ngôi trước đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Được bầu chọn năm 1406, ngài tại chức đến năm 1415 dưới tên Grégoire XII trước khi từ nhiệm theo lời yêu cầu của công đồng Constance, ở một trong những giai đoạn rắc rối nhất của Giáo hội, đặc biệt là những năm tranh cãi pháp lý, đấu tranh bằng vũ khí và ngoại giao. Ngài phải chạm trán với những người chống giáo hoàng Bênêđíctô XIII, được bầu chọn bởi vụ phiến loạn ở Avignon và Gioan XXIII – mà tên hiệu được hồng y Angelo Roncalli dùng lại vào tháng 10 năm 1958 – trong thời kỳ chia rẽ ở phương Tây. Sau khi lấy lại tên Angelo Correr, cựu giáo hoàng sống ở Recanati và chết ngày 18 tháng 10 năm 1417.
Vấn đề từ nhiệm lại quay trở lại thế kỷ vừa qua. Các tiến bộ y khoa đã thật sự gia tăng tuổi thọ và từ thời giáo hoàng Piô XII, công việc kế vị thánh Phêrô trở nên nặng vì nhiều bổn phận và chức vụ trở nên rất khó để thực hiện nơi một người không đủ sức khỏe thể xác cũng như tinh thần để đảm nhận. Hình như giáo hoàng Piô XI, tên ngoài đời là Achille Ratti, giáo hoàng từ 1922 đến 1939, trong những năm cuối đời đã suy nghĩ đến vấn đề này. Ngược lại, chắc chắn giáo hoàng Piô XII, Eugenio Pacelli, đã cân nhắc vấn đề này ít nhất hai lần. Được bầu chọn lúc khởi đầu Thế Chiến Thứ Hai, giáo hoàng đã phong phanh nghe Adolf Hitler có dự án muốn bắt cóc và trục xuất ngài ra khỏi nước Ý. Giáo hoàng Piô XII bắn tin cho những người chung quanh ngài rằng, đứng trước đe dọa cụ thể của người Đức, họ muốn “bắt cóc hồng y Pacelli, chứ không phải giáo hoàng,” như hồng y Quốc vụ khanh Domenico Tardini, cộng sự thân thiết của ngài làm chứng. Giáo hoàng Piô XII đã viết một bức thư từ nhiệm gởi đến hồng y Manuel Gonçalves Cerejeira, thượng phụ ở Lisbonne, cùng chịu chức hồng y một lần với ngài trong lần công nghị tháng 12 năm 1929. Chọn lựa không phải ngẫu nhiên: Portugal là nước trung lập và không tham dự vào chiến tranh. Trong trường hợp giáo hoàng bị trục xuất, các hồng y sẽ được tự do hội họp và bầu giáo hoàng mới. Khi chiến tranh chấm dứt, tài liệu bị hủy. Vài năm sau, năm 1954, đức giáo hoàng Piô xém từ nhiệm khi ngài vướng bệnh, nhưng sau đó ngài lành bệnh nên ý định này được bỏ qua.
Ýù tưởng từ nhiệm cũng đã lướt qua trong đầu giáo hoàng kế vị của ngài, chân phước Gioan XXIII. Thư ký của ngài, đức ông Loris Capovilla đã hé lộ: “Kỷ niệm còn khắc rõ trong ký ức tôi về cuộc nói chuyện với giám mục Alfredo Cavagna, cha giải tội và cố vấn của giáo hoàng Gioan XXIII, một xế trưa chiều thứ sáu mùa chay năm 1963, mà tôi không ghi nội dung trên giấy lúc đó. Đức ông Cavagna ra khỏi phòng ngài sau khi giải tội và bàn chuyện rất lâu với ngài về các luật lệ của Công đồng. Ngài kêu tôi vào phòng khách, không rào trước, ngài xem như tôi đã biết một cái gì đó, ngài nói giáo hoàng không thể từ nhiệm… Đương nhiên lúc nói chuyện, đức giáo hoàng Gioan XXIII đã đề cập đến chuyện ngài sẵn sàng từ nhiệm, vì sức khỏe và vì công việc khổng lồ của Công đồng.”
Vấn đề được đặt trở lại với giáo hoàng Phaolô VI. “Ngài rất quan tâm, theo như những gì cha Dezza, cha dòng Tên giải tội của ngài kể, trong ý tưởng nếu ngài bị yếu sức, không làm việc được và gây tai hại cho Giáo hội.” Giáo hoàng Montini đã nghiêm túc nghĩ, và nhiều lần đã muốn từ nhiệm. Ngài vội vã viết tay, hai trang giấy, trong đó ngài xin các hồng y triệu tập mật nghị trong trường hợp ngài yếu sức lâu dài và không đủ sức cho biết ý muốn từ nhiệm của ngài lúc cần phải lấy quyết định. Ngoài ra, giáo hoàng Phaolô VI còn muốn từ bỏ chức vụ khi ngài 80 tuổi, chính ngài ấn định giới hạn tuổi này cho các hồng y ứng viên bầu mật nghị. Ngài đã quyết định như đã hé lộ trong một tiểu công nghị năm 1977 – theo đó hai giám mục Giovanni Benelli và Joseph Ratzinger được nhận áo tím hồng y. Sau đó ngài thay đổi ý kiến và ở lại nhiệm chức.
Gần đây, vấn đề cũng đặt ra với giáo hoàng Gioan Phaolô II khi ngài bị bệnh quá lâu. Chân phước Karol Wojtyla đã thảo luận nhiều lần với các cộng sự viên về một khả năng từ nhiệm. Hồng y người Tây Ban Nha Juliân Herranz, nhà giáo luật thuộc dòng Opus Dei đã cho biết, vào cuối nhiệm chức của giáo hoàng Wojtyla, ngài đã được giáo hoàng tham khảo về vấn đề từ nhiệm. Trong quyển sách của mình, ngài ghi một ghi chú cá nhân ngày 17 tháng 12 năm 2004, “sau một buổi nói chuyện” với tổng giám mục Stanislaw Dziwisz, thời kỳ đó là thư ký riêng của giáo hoàng và bây giờ là hồng y ở Cracovie, người ta đọc: “Về một khả thể từ nhiệm vì lý do sức khỏe, tôi đã ghi trong ghi chú này, bây giờ là lúc thuận tiện để nêu lên, để nói lên tấm gương vâng lời và cẩn trọng anh hùng của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II: Giám mục Stanislaw bằng lòng giải thích rằng, giáo hoàng – người rất gắn bó với trách vụ – sống hoàn toàn phó thác theo ý Chúa.” Ngài phó mình trong bàn tay Chúa Quan phòng. Ngoài ra, ngài sợ tạo ra một tiền lệ cho các vị kế nhiệm, vì người ta có thể tìm cách thao túng để phế truất.”
Việc từ nhiệm của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI mở ra một pha kỳ chưa từng có. Sẽ gọi ngài là gì? Ngài sẽ làm gì? Ngài trở về là một giám mục thường? Các nhà giáo luật thuộc nhiều trường phái tư tưởng nghĩ rằng phải gọi ngài là “cựu giám mục Roma” hay “cựu giáo hoàng,” và ngài không còn được mặc lễ phục trắng của giáo hoàng nhưng mặc lễ phục hàng giám mục, cũng không mặc lễ phục hồng y, vì ngay khi được bầu chọn làm giáo hoàng, giáo hoàng không còn ở trong hàng ngủ hồng y. Nhưng cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Vatican, qua giám mục Ganswein, đã loan báo quyết định của giáo hoàng Ratzinger: ngài sẽ được gọi là “giáo hoàng danh dự,” ngài sẽ tiếp tục mặc áo trắng dài đơn giản (nhưng không mặc áo choàng pèlerine) và sẽ giữ tên “Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI”
Ngày thứ tư, 27-02-2013, trên quảng trường thánh Phêrô ngập nắng, trước hôm về ở ẩn, là buổi tiếp kiến cuối cùng của giáo hoàng Bênêđictô XVI. Đám đông rất lớn. Những người đi hành hương khắp nước Ý, khắp thế giới đến chào lần cuối giám mục Roma trước khi ngài rời chức vụ giáo hoàng để về ở ẩn. Bài diễn văn cuối cùng của ngài trên quảng trường thánh Phêrô là một bài ngợi ca hy vọng, tin tưởng vào Chúa. Một cách nào đó, đó là hình ảnh của vị kế nhiệm ngài hai tuần sau đó xuất hiện ở ban công chính của thánh đường thánh Phêrô. Một bản văn cần phải đọc đi đọc lại sâu lắng. Một bản “tóm tắt” tư tưởng của Joseph Ratzinger, “người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa.”
“Tôi thấy Giáo hội sống động! Giáo hội không phải của tôi, cũng không phải của chúng ta, nhưng Giáo hội là của Thiên Chúa, Ngài không để Giáo hội buồn thảm, chính Ngài dẫn dắt Giáo hội…”, một bản chúc thư thiêng liêng, một bài học cho các hồng y, những người sẽ bầu chọn tân giáo hoàng. Với tâm hồn bình thản và với một quả tim, nhưng càng ngày càng yếu, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI kết thúc tám năm tại chức, chứng tỏ cho thấy, dù sao đi nữa, khuôn mặt vui tươi và tích cực của một Giáo hội của dân chúng. Ngài không làm một bản kết toán nhưng ngài đưa ra, qua những tấm gương, cho vị kế nhiệm những gì giáo hoàng phải làm, qua phương cách của một giáo lý đơn giản. Không còn những thủ thuật quy luật, những rình rập, những chiến lược lý thuyết về chính trị trong hàng tu sĩ, những vụ bê bối, những lời nói tự quy về mình, hình ảnh của một Giáo hội thời xa xưa, quy về ngưỡng mộ chính mình. Một tín sứ mà những người đi hành hương đến chào ngài lần cuối, nghe và hiểu với một tấm lòng xúc động sâu xa.
Trong bài diễn văn của ngài, trước tiên hết là lòng biết ơn về “những tin tức” ngài nhận qua năm tháng trên khắp thế giới về chủ đề đức tin và đức ái “luân hành trong chi thể Giáo hội.” Đức giáo hoàng xuất hiện thêm một lần, hoàn toàn thanh thản và bình tâm sau khi đã quyết định, ngài mô tả nhiệm chức của ngài không hề dễ dàng: “Đó là một phần tiền trình của Giáo hội, một Giáo hội có những lúc vui và đầy ánh sáng nhưng cũng có những lúc khó khăn.” Một lời ám chỉ rõ ràng các sự cố xảy ra, các vụ bê bối, các công kích trong tám năm qua. Để kể lại những chuyện này, đức giáo hoàng Ratzinger nhắc lại đoạn Phúc Âm mô tả chiếc ghe của các thánh tông đồ trong cơn bão tố: “Tôi cảm nhận tôi như thánh Phêrô đang ngồi trong chiếc ghe trên bờ hồ Galilêa… Có những lúc biển động, gió thổi ngược chiều, như suốt quá trình lịch sử của Giáo hội và Chúa thì hình như đang ngủ. Nhưng tôi luôn luôn biết Chúa đang ở đây, trên chiếc ghe, và tôi cũng biết chiếc ghe Giáo hội không phải của tôi, cũng không phải của chúng ta mà của Chúa. Và Chúa không để nó bị đắm…”
Người ta nhớ lại một hình ảnh khác của chiếc ghe, trong bài giảng cuối cùng trong buổi lễ mở đầu mật nghị năm 2005, ngài nói đến “chiếc ghe nhỏ” của tư tưởng một số kitô hữu bị giao động bởi cơn bão của “những chủ thuyết,” từ vô thần đến bất khả tri. Bây giờ, lúc từ nhiệm, đức giáo hoàng không đi theo các “tiên tri của bất hạnh.” Ngài không đưa ra một dấu hiệu bi quan nào. Ngược lại, ngài mời tất cả chúng ta “hãy như những đứa trẻ trong tay Chúa, với lòng tin tưởng cánh tay này sẽ luôn luôn nâng đỡ chúng ta và giúp chúng ta hành trình mỗi ngày, dù trong những lúc khó khăn.” Rồi ngài nói thêm “Tôi muốn mỗi người chúng ta cảm thấy mình được Chúa thương, một Thiên Chúa cho chúng ta tình thương không điều kiện. Tôi muốn mỗi người chúng ta cảm nhận mình vui được là kitô hữu.” Một cái nhìn tích cực và đầy lòng thương xót.
Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng cám ơn các hồng y, các cộng sự viên, Quốc vụ khanh của ngài. Ngài không muốn có những bàn tán cho rằng những căng thẳng không chối cãi được trong Giáo triều là do ngài từ nhiệm. Sau đó ngày nói đến những lá thư ngài nhận của “những người bình thường,” những người “không viết cho ngài như viết cho hoàng tử hay các nhân vật lớn hay cho một người mà họ không biết,” nhưng “như anh chị em con cái trong nhà.” Ở đây người ta “chạm tay vào Giáo hội như một thân thể sống động, một hiệp thông với anh chị em chứ không phải một tổ chức, một hiệp hội có mục đích tôn giáo hay nhân bản.” Những lời mà tín hữu trên khắp thế giới sắp nghe vị kế nhiệm của ngài, giáo hoàng Phanxicô cũng sẽ nói.
Trong một phần diễn văn từ nhiệm, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI khẳng định “đã nài nỉ kiên trì xin Chúa,” khi thấy sức khỏe ngày càng yếu, được soi sáng để có “quyết định đúng đắn không phải cho thiện ích của tôi nhưng cho thiện ích của Giáo hội.” Ngài giải thích đã làm bước này “trong ý thức trọn vẹn tầm nghiêm trọng và mới mẻ của nó nhưng với một tấm lòng thanh thản sâu xa.” Sự thanh thản này thể hiện trên khuôn mặt ngài trong những lần ngài xuất hiện trước công chúng. “Yêu thương Giáo hội – ngài giải thích – cũng có nghĩa là can đảm có những lựa chọn khó khăn, đau khổ, nhưng luôn luôn có trước mặt thiện ích của Giáo hội, chứ không phải của chính mình.”
Cuối cùng giáo hoàng Ratzinger nhắc lại người trở thành giáo hoàng sẽ không còn cuộc sống riêng tư “Người ấy luôn luôn và hoàn toàn thuộc về tất cả mọi người.” Từ nhiệm không có nghĩa “quay lại đời sống riêng tư,” làm lại những gì mình làm trước khi làm giáo hoàng, nhưng “phục vụ trong lời cầu nguyện” “trong dấu ấn của thánh Phêrô.” “Tôi không từ bỏ thập giá,” ngài kết luận để trả lời cho những ai bình luận hành vi của ngài khi so sánh với thái độ của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, vẫn ở tại chức cho đến chết, “nhưng tôi ở lại trong một cách thức mới mẻ gần với Thiên Chúa bị đóng đinh.”
Ngày hôm sau ngài gặp các hồng y ở phòng Clémentine. Giữa những người ở lại lâu nhất với đức giáo hoàng có hồng y tổng giám mục Buenos Aires, Jorge Mario Bergoglio. Ngay xế trưa hôm đó, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI rời Vatican bằng trực thăng. Sau khi bay một vòng trên thành phố Roma, ngài về biệt thự Castel Gandolfo, nơi ngài ở lại vài tháng trong thời gian sửa chữa tu viện Mater Ecclesiae ở Vatican.
Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 2, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch