Đối diện với vấn đề phụ nữ bên trong Giáo hội

156

Đối diện với vấn đề phụ nữ bên trong Giáo hội

“Mười chuyện Đức Phanxicô đề nghị với phụ nữ”, tác giả María Teresa Compte Grau

fr.zenit.org, Marina Droujinina, 2018-03-02

Nữ thần học gia người Tây Ban Nha María Teresa Compte Grau khẳng định: “Cần phải đối diện với vấn đề phụ nữ bên trong Giáo hội”, bà vừa xuất bản quyển sách có tựa “Mười chuyện Đức Phanxicô đề nghị với phụ nữ” (Diez cosas que el papa Francisco propone a las mujeres). Ngày thứ sáu 2 tháng 3, trong bài dẫn nhập quyển sách được báo L’Osservatore Romano đăng, tác giả nêu rõ: “Chúng ta phải đối diện với vấn đề này khởi đi từ Tin Mừng, qua kinh nghiệm cộng đoàn của đức tin và của thần học”. Đặc biệt bà đã trích dẫn nữ thánh Edith Stein.

Mở đầu quyển sách của bà María Teresa Compte Grau là bức thư cám ơn của Đức Phanxicô. Ngài cho biết ngài quan tâm đến việc, vai trò phục vụ mà mọi tín hữu kitô được kêu gọi, trong trường hợp các phụ nữ đôi khi lại trệch hướng qua vai trò phục dịch thay vì phục vụ thật sự, vấn đề này cũng xảy ra ngay cả trong Giáo hội.

Theo nữ thần học gia Tây Ban Nha, bà ấp ủ ý tưởng viết quyển sách này sau buổi họp báo của Đức Phanxicô trên máy bay từ Rio de Janeiro về Rôma ngày 28 tháng 7 năm 2013. Đức Giáo hoàng đã nói: “Phải có một thần học sâu đậm về phụ nữ”. Tác giả kể, hai mươi ngày sau, trong một cuộc phỏng vấn ở Nhà Thánh Marta, ngài tái khẳng định: “Phải làm việc nhiều hơn để thiết lập một thần học sâu đậm về nữ giới”.

Bà María Teresa xác định trong lời nói đầu quyển sách: “Giáo hội không những có quyền mà còn có bổn phận phải nói một lời và đưa ra các đề nghị hành động” về các vấn đề “liên hệ đến phụ nữ. Và chúng tôi phải làm việc này trong đối thoại với mọi người, với các lý thuyết được triển khai từ hàng chục năm nay dựa trên nền tảng của kinh nghiệm và các phong trào phụ nữ”.

Bà nói tiếp, vấn đề phụ nữ “không thể giảm thiểu vào khía cạnh sứ vụ kiểu nội-giáo hội, vào suy tư về chức phó tế dù cũng quan trọng, cũng không giới hạn vào sự hiện diện nhiều hay ít của các phụ nữ nổi bật trong công việc thần học, cũng không phải để tự đo theo số chức vụ phụ nữ có các địa vị khác nhau”.

Bà viết: “Tôi tin rằng, thay vào đó, chúng ta nên giải thích vấn đề từ nhân tính của phụ nữ và các biểu hiệu của nó, và theo chức năng mà các điều kiện vật chất và tinh thần của thực tế thể hiện trong việc cổ động hay ngăn chận sự phát triển toàn diện nhân tính của phụ nữ”.

Bà Compte Grau xác định, “phối cảnh này có thể giúp để làm sáng tỏ ý nghĩa tối hậu của các yêu cầu luôn gây tranh cãi trong việc giải phóng phụ nữ”, ý tưởng này được nữ thánh Edith Stein đưa ra trong tập Các bài diễn văn về phụ nữ (1928-1933). Edith Stein là thần học gia, triết gia Đức gốc Do Thái nhưng sau trở lại đạo công giáo và đi tu Dòng Kín Carmel.

Nữ thánh Edith Stein

Tác giả María Teresa mời gọi “đối thoại thẳng thắn và chân thành, đây là thời điểm đúng lúc”. Trong phần kết luận, tác giả cho biết, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (24-11-2013) và Tông huấn Niềm vui Yêu thương (19-3-2016), Thông điệp Chúc tụng Chúa (24 – 2015), các cải cách của giáo hoàng học viện về sự sống (18-12-2016) và của viện Thánh Gioan-Phaolô II (19-9- 2017), cũng như sự thành lập bộ phát triển nhân bản toàn diện (17-8- 2016) đã đóng góp rất nhiều cho các khát nguyện chân chính về bình đẳng, tự do và quyền phụ nữ”.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Các phụ nữ làm việc tại Vatican

Khi phụ nữ từ chối sự khác biệt của mình