Các phụ nữ làm việc tại Vatican
parismatch.com, Caroline Pigozzi, 2016-12-23
Đây là lần đầu tiên trung tâm rất được bảo vệ «tổng đài điện thoại, centralino» mở cửa nhà họ! Mười nữ tu của Dòng Môn đệ Thầy Chí Thánh thay phiên nhau làm việc 7/7. Sáng nay là các xơ Maria Hilaria (Ba Lan), Maria Clara (Nam Hàn), Maria Rachele (Ý), Bề trên Maria Lucis (Ý), Maria Grazia (Ý) và Maria Peter (Phi) làm việc. Eric Vandeville / Paris Match
Ở Vatican, họ giữ các địa vị chiến lược. Để nói chuyện với chúng tôi, họ vi phạm luật im lặng.
Nữ quyền, quả quyết, bình thản… nhóm sốc của Đức Thánh Cha
Ở Vatican, người ta thường nói, có ba chuyện mà Đức Giáo hoàng không biết: «Có bao nhiêu người làm việc ở đây, các cha Dòng Tên nghĩ gì và con số các dòng nữ trên thế giới». Vì nếu Đức Phanxicô được cho là người «được thông tin nhiều nhất» thì ngài cũng không hình dung muốn gặp họ khó như thế nào, lại còn khó hơn nữa để chup hình những người quan trọng này. Các nữ tu hay các nữ giáo dân mà ngài thường khuyến khích, ngài nâng đỡ hay ngài bổ nhiệm thì các bà này không thích đóng vai anh hùng, họ thích giữ đức khiêm nhường. Nicla, Mary, Lucetta, Mariella, Barbara, Maria-Clara và chín nữ tu làm việc ở tổng đài điện thoại rất dè dặt cũng như rất tinh tường, họ biết nạn ghét phụ nữ vẫn còn ngự trị từ thuở tạo thiên, ở nơi quyền lực chỉ có một diện tích nhỏ bé 44 hếcta này. Như thế, để chụp hình họ, để làm cho họ «thố lộ», để họ kể quá trình của mình thì mới đầu như «đi đàng thánh giá», nhưng cuối cùng đường thánh giá lại trở thành đường nở hoa, vui vẻ vì các phụ nữ có cá tính này, không những chỉ năng nổ, chỉ tài năng mà họ còn là những nữ tu vui vẻ tươi cười, bình thản và tự phát. Đức Thánh Cha thật sự có tham vọng muốn làm nổi bật lại tương lai của đời sống thánh hiến và giáo dân làm việc cho Giáo hội không?
Nhìn về khía cạnh này thì sẽ thích thú khi quan sát thái độ quan tâm đặc biệt của Đức Thánh Cha ngày 1 tháng 11 vừa qua, khi ngài gặp Nữ Giáo chủ Antje Jackelen ở Malmư, người đứng đầu Giáo hội luther ở Thụy Điển. Tôi thật sự đánh động bởi thái độ quan tâm này của ngài, một thái độ nồng hậu nhiều hơn là phản xạ theo nghi thức xã giao của Đức Giám mục địa phận Rôma. Đây cũng là một bằng chứng mới cho sự tham dự của phụ nữ trong các công trường của Đức Jorge Mario Bergoglio, vì ngài hiểu các bà vẫn còn bị xếp xó ở vùng ngoại vi của Giáo hội. Như thế cuộc cách mạng của ngài vừa thay đổi não trạng và trước hết, vừa giao cho họ trách nhiệm. Năm phụ nữ, tượng trưng cho sự tiến bộ trong giáo triều, một giáo triều vẫn còn muốn cự lại, nhưng bây giờ các phụ nữ này đã nắm các chức vụ cao trong thứ trật Giáo hội La Mã: Nicla Spezzati, Mary Melone, Lucetta Scaraffia, Mariella Enoc và Barbara Jatta.
Barbara Jatta, 54 tuổi, giám đốc các Viện bảo tàng Vatican. Mẹ gia đình, tốt nghiệp lịch sử thiết kế, tranh khắc và đồ thị, bà đứng đầu 12 viện bảo tàng. Đó là các viện bảo tàng phong phú và được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới, vì ở đây tập trung nhiều sưu tập tác phẩm nghệ thuật lừng lẫy của các giáo hoàng từ thế kỷ 16.© Eric Vandeville / Paris Match
Nicla Spezzati, nữ tu Dòng Kính Máu Thánh Chúa Kitô, thứ trưởng Bộ các Dòng Tu và Hiệp hội Tông đồ, xơ ở trong môi trường đại học và chiến đấu cho vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Một sứ vụ mà nữ tu có dịp trình bày với Đức Giáo hoàng vào tháng 5 vừa qua, khi nữ tu đưa 900 Mẹ Bề trên đến gặp Đức Giáo hoàng nhân dịp Đại hội khoáng đại các bề trên dòng nữ họp ở Vatican. Xơ Mary Melone là viện trưởng đầu tiên của một đại học giáo hoàng. Bà là nữ tu Dòng Phan Sinh, bà cũng là Chủ tịch hội nghiên cứu thần học Ý, bà cai quản vững chải nhưng cũng thanh thản 700 sinh viên trong trường đại học của bà. Khi đề cập đến vấn đề nữ quyền, nữ tu trả lời không mặc cảm: «Không có ý thức hệ nữ tính nhưng có thần học do phụ nữ thực hiện, những người suy nghĩ một cách khác về các huyền nhiệm của Chúa. Tôi không phải là người chiến đấu cho nữ quyền nhưng phải biết lắng nghe và nâng cao giá trị của phụ nữ trong Giáo hội». Một cái nhìn được bà Lucetta Scaraffia, sử gia người vùng Piémont, nước Ý chia sẻ. Bà Scaraffia thì nhận mình chiến đấu cho nữ quyền, để chiến đấu chống tinh thần gia trưởng của đàn ông. Còn về phần bà Mariella Enoc, cựu giám đốc dịch vụ vệ sinh y tế ở miền Bắc nước Ý thì bà hoàn toàn không biết thế nào là làm việc trong bệnh viện, cho đến khi Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Parolin gọi bà, đề nghị bà quản trị bệnh viện nhi đồng Bambino Gesù, một trung tâm nghiên cứu y khoa quan trọng nhất Âu châu. Còn bà Barbara Jatta thì ở trong một lãnh vực hoàn toàn khác, bà vừa đứng đầu các Viện bảo tàng Vatican. Giấc mơ của mọi người quản thủ, đảm nhiệm mười hai viện bảo tàng sáng chói có một gia sản vô giá.
Mariella Enoc, 72 tuổi, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesù. Một giáo dân điều khiển trung tâm nhi khoa và nghiên cứu lớn nhất Âu châu. Bệnh viện thuộc về Tòa Thánh, có 600 giường chữa bệnh cho trẻ em bị bệnh đến từ khắp nơi trên thế giới. © Eric Vandeville / Paris Match
Các phụ nữ xuất sắc và có tinh thần chiến đấu này chứng tỏ cho Đức Giáo hoàng biết, họ không những có tâm hồn mà còn có trí óc, từ nay họ đặt các vấn đề và phải tìm cách giải quyết. «Một Giáo hội không có phụ nữ thì cũng như các thánh tông đồ không có Đức Mẹ (…). Giáo hội không phải là Giáo hội nếu không có phụ nữ, và vai trò của họ là thiết yếu», Đức Giáo hoàng đã từng nói. Một tư tưởng trong sáng, không mập mờ. Đức Phanxicô muốn cho họ có một vai trò quyết định, chứ không phải như một công chức. Dù có nguy cơ tạo ra tranh luận, nhưng ngài biết điều này, ngài hết lòng mong muốn vai trò của họ được khẳng định trong Giáo hội và mở cho họ một con đường. Không còn là con lộ, nhưng con đường. Thêm một thách thức mới cho Giám mục giáo phận Rôma!
Bà Lucetta Scaraffia, giám đốc phụ bản về phụ nữ của báo hàng tháng «Osservatore Romano»: «Đức Giáo hoàng Argentina này biết nói với phụ nữ, ngài không sợ họ và nhìn thẳng vào mắt họ.»
Paris Match. Bà là một trong năm phụ nữ đáng kể của Vatican, bà là chủ biên phụ bản «Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới». Các phụ nữ khác là nhà thần học, giám đốc bệnh viện, giám đốc viện bảo tàng hay viện trưởng đại học… Các bà có thành lập một hiệp hội đồng nhất?
Lucetta Scaraffia. Chúng tôi, mỗi người theo phương tiện của mình cùng lo làm sao để phụ nữ có một vai trò đúng và xứng đáng trong Giáo hội. Nhưng với Nicla Spezzati và xơ Mary Melone, chúng tôi còn làm nhiều hơn là chia sẻ một «chương trình chung». Chúng tôi là bạn bè, chúng tôi hợp nhau, chúng tôi vui đùa rất nhiều. Đừng tưởng tượng đây là một thế giới chỉ quy về mình. Chúng tôi rất cởi mở với thế giới bên ngoài.
Lucetta Scaraffia, ở văn phòng «Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới» bên cạnh chân dung Đức Bênêđictô XVI đang đọc báo «Osservatore Romano». © Eric Vandeville / Paris Match
Nhưng bà là người bênh vực cho nữ quyền ở Vatican!
Một phụ nữ công giáo bênh vực cho nữ quyền ở Vatican với một tinh thần hài hước. Một đức tính cần thiết, vì, không có đức tính này thì các nữ chiến binh sẽ trở thành loại tranh biếm họa, mỗi hành vi của mình đều có thể đoán trước được.
Có khó để đảm trách nhiệm vụ ở Vatican không?
Chúng ta nên nói đó là đặc biệt… Điều này có nghĩa mình phải chấp nhận bị đối xử theo tinh thần gia trưởng, đôi khi có các quý ông trẻ hơn chúng tôi, họ không ngừng cho chúng tôi lời khuyên, thậm chí họ còn độc đoán, một cách nào đó tôi giữ khoảng cách như người lạ, luôn ở trong tư thế «thử nghiệm» dù đã có 55 số báo «Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới» ra đời… Thêm nữa, bất cứ lúc nào, các cấp cao cũng có thể xét lại và họ có thể quyết định ngưng ngay phụ bản của chúng tôi.
Người ta nói bà được Đức Phanxicô đánh giá cao!
Ngài thích, có vẻ như thế, ý tưởng rằng mỗi «chủ đề nêu ở trang chính» phải được viết đến cùng, như căn tính phụ nữ, phụ nữ và hồi giáo, nạn dùng hiếp dâm làm vũ khí chiến tranh, các phụ nữ bị lãng quên,các phụ nữ phải đi trốn, các phụ nữ di dân ở Châu Mỹ La Tinh… Các chủ đề thiết thân của Đức Phanxicô nhưng các chủ đề này rất gay go. Ngài thấy chúng tôi can đảm khi chúng tôi xử lý có chiều sâu các vấn đề thời sự này. Tuy vậy, chúng tôi phải cẩn thận vì, dù chúng tôi được tự do nhưng đây là ấn bản của tờ báo chính thức của Tòa Thánh. Chắc chắn là không thể có chuyện ủng hộ việc phá thai. Chính vì vậy tôi nói đến một tự do tương đối.
Dù vậy, bà được Đức Giáo hoàng che chở…
Đúng vậy. Có một buổi chiều, ngài điện thoại khen tôi. Khi tôi nghe giọng của ngài, tôi choáng váng. Tôi vừa gởi cho ngài quyển sách của tôi «Từ hàng cuối. Phụ nữ và Giáo hội» được dịch ra tiếng Tây Ban Nha và ngài cho là «dễ thương, bellissimo», chữ của ngài. Điểm mới, đó là Đức Phanxicô biết nói với phụ nữ, ngài không sợ, ngài nhìn thẳng vào mắt họ, thêm nữa, ngài biết lắng nghe. Khi ấn bản tự lập ra mắt lần đầu, mới đầu ấn bản này kèm trong tờ «Osservatore Romano», sau đó tự lập riêng, thì chính Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin là người giới thiệu ấn bản mới cho Đức Giáo hoàng ở văn phòng báo chí. Một cử chỉ có tầm mức đối với ban biên tập tám phụ nữ mà tôi điều khiển, bằng chứng phủ Quốc Vụ Khanh, cơ quan quyền lực cao nhất Vatican nâng đỡ chúng tôi!
Và rằng Đức Phanxicô muốn cho phụ nữ có thêm chỗ…
Sau khi được mời, tháng 5-2016, 800 mẹ bề trên từ khắp thế giới về gặp Đức Giáo hoàng, ngài đã thành lập một ủy ban đại biểu để nghiên cứu về vấn đề phó tế cho phụ nữ. Đó là một điều rất đáng khuyến khích. Cũng như việc nâng Thánh Maria-Mađalêna lên hàng lễ phụng vụ cũng quan trọng như lễ của các thánh tông đồ. Trong các bài giảng, các bài giáo lý, các cuộc phỏng vấn của mình, Đức Phanxicô tỏ ra rất quan tâm đến phụ nữ… Nhưng ở Vatican, ngài phải đương đầu với chủ nghĩa bảo thủ thế tục làm cho ngài bị giới hạn, không hành động được đến cùng, không thúc đẩy một giáo triều còn bám vào quá khứ. Sau các dấu hiệu tích cực này, bây giờ đến lượt chúng tôi phải có phản ứng và phải có các đề nghị!
Còn việc ăn mặc của một giáo dân ở Vatican phải như thế nào?
Phải rất lịch sự, với y phục phù hợp… để nhấn mạnh phụ nữ công giáo không trịnh trọng trong các y phục buồn bã và không có hình dáng gì. Các nữ tu cũng rất lịch sự, nhất là các xơ Dòng Đa Minh với áo màu đen, màu trắng hoặc màu kem.
«Ở Vatican, nữ giáo dân phải mặc y phục phù hợp và rất lịch sự»
Bà thấy mình là văn sĩ hay ký giả được trả lương của Vatican?
Công việc chủ biên của ấn bản «Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới» như các nữ cọng sự của tôi là thiện nguyện. Chúng tôi chỉ được trả lương «ăn theo bài» như các ký giả khi chúng tôi viết bài cho báo «Osservatore Romano». Tôi có dạy môn Lịch sử cận đại ở Đại học Rôma của Sapienza.
Tất cả nhóm của bà đều là công giáo?
Không, một trong chúng tôi là do thái giáo, một cô khác theo thuyết bất khả tri. Tôi sinh ra trong một gia đình công giáo nhưng cha tôi theo Hội Tam điểm. Tôi bỏ môi trường này vào năm 1968 vì tôi cảm thấy cần phải chống lại hình thức theo phong tục tập quán, và tôi tiếp cận xã hội theo một cách khác. Và từ năm 1990, tôi đã tìm được lại niềm hăng say ở đó.
Các ký giả của bà được thông tin tốt hơn các ký giả khác?
Một cách nào đó, chúng tôi ở trọng tâm thế giới. Điều này có nghĩa là tầm nhìn quay 360 độ. Các sứ thần, 108 đại sứ của Tòa Thánh, các nhà truyền giáo, trong số này có rất rất nhiều phụ nữ, họ báo cáo cho chúng tôi biết các điều kiện sống cực kỳ khủng khiếp của một số người trong số họ. Điều này giúp cho chúng tôi nhìn vấn đề thsu một cách khác. Thường thường thì các ký giả nói về họ trước hết…
Ai là độc giả của bà?
Chúng tôi tin chắc là chúng tôi nhắm đến các phụ nữ công giáo hoặc không công giáo, các người theo nữ quyền hay không theo nữ quyền. Sứ vụ của chúng tôi là giải mã, là chứng tỏ tiến trình trí tuệ, vai trò của phụ nữ trong lòng tư tưởng hiện đại thiết yếu đến như thế nào. Làm cho những người đàn ông vốn tiết kiệm lời nói của họ, lại còn tiết kiệm hơn nữa lời khen phải nghe chúng tôi, đó là một việc làm không phải nhỏ!
Tham vọng của bà?
Tờ báo của chúng tôi được in ở Pháp, Đức, các nước ở vùng nói tiếng Anh… Ở Tây Ban Nha đã có. Phần còn lại, chúng tôi rất tự hào đã được bà chọn, vì đúng là chúng tôi tượng trưng cho sự cởi mở của Vatican.
Marta An Nguyễn chuyển dịch