Đắm mình trong đêm tối

292

Đắm mình trong đêm tối

Trích sách Tôi tin tưởng nơi con người, Đối thoại với Jorge Bergoglio. Je crois en l’homme, Conversations avec Jorge Bergoglio, Nxb. Flammarion

Khi đức giáo hoàng Gioan Phaolô II sắp mất, các tiên đoán ứng viên kế vị lan rộng; tên của hồng y Bergoglio xuất hiện trên hầu hết các tiên đoán của các ký giả chuyên nghiệp (cuộc phỏng vấn này thực hiện năm 2009-2010). Trong thời gian này, một cáo buộc của giới truyền thông, có từ những năm trước bỗng tái xuất hiện ở Buenos Aires, về một hành động tác hại được cho là của hồng y Bergoglio trong thời chế độ độc tài vừa qua. Còn tệ hơn: trước hôm mật nghị bầu người kế vị đức Gioan Phaolô II, một bản sao bản cáo buộc – ký tên cùng một tác giả -, được gởi tới hộp thư điện tử của các hồng y, trong mục đích duy nhất là giảm số phiếu của linh mục Á Căn Đình này.

Bản tố cáo gán cho hồng y một phần chịu trách nhiệm trong việc lực lượng hải quân bắt giam hai linh mục dòng Tên phục vụ trong khu vực nguy hiểm ở ven tỉnh Flores, vào tháng 5 năm 1976, hai tháng sau vụ đảo chánh. Theo bản tố cáo này, cha Bergoglio, lúc đó làm giám tỉnh dòng Tên đã yêu cần hai linh mục Orlando Yorio và Francisco Jalics từ bỏ nhiệm sở nhưng vì hai cha từ chối nên cha báo cho quân đội biết hai vị này không còn ở dưới sự bảo vệ của Giáo Hội, vì thế mới mở đường cho việc bắt giam, với tất cả hệ lụy có thể nguy hiểm đến tính mạng do việc này gây ra.

Hồng y không bao giờ muốn trả lời cho cáo buộc này, cũng như cha không bao giờ ám chỉ các quy tội liên quan đến việc quan hệ với nhóm đảo chính quân sự (cha cũng không bao giờ bày tỏ trước công chúng về thái độ của mình trong thể chế độc tài vừa qua). Nhưng để tiện cho việc điều tra của chúng tôi, cha thấy không được bỏ qua vấn đề này. Như vậy, cha chấp nhận kể về sự kiện và cho chúng tôi biết thêm thái độ của cha trong thời gian đen tối mà nước Á Căn Đình đã đi qua. Cha khẳng định: “Nếu tôi không nói vào lúc đó là vì tôi không muốn mình là ván cờ của bất cứ ai chứ không phải tôi có cái gì đó muốn giấu.”

– Cha có nói, trong thời chế độ độc tài, cha đã che giấu cho những người đang bị lùng bắt. Chuyện đó xảy ra như thế nào? Có bao nhiêu người được cha che chở?

– Tôi ở trường trung học Maximo của dòng Tên ở San Miguel, lúc đó tôi có giấu một vài người. Tôi không còn nhớ con số chính xác, nhưng có nhiều. Sau khi giám mục Enrique Angelelli, một giám mục nổi tiếng lo cho người nghèo ở giáo phận La Rioja chết, tôi đã cho ba chủng sinh ở lại giáo phận này để học thần học. Họ không sống lén lút nhưng họ được giúp đỡ và che chở. Khi đến La Rioja để tham dự buổi tưởng niệm ba năm ngày giám mục Angelelli địa phận Bariloche chết, Fernando Maletti đi cùng xe buýt với một trong ba cha xứ đang sống hiện nay ở Villa Eloisa, tỉnh bang Santa Fe. Hồi đó Maletti không biết cha này. Nhưng khi nói chuyện, cha này kể chính cha và hai người anh em khác đến trường trung học Maximo để theo khóa “linh thao dài hạn hai mươi ngày” và sau này, họ nhận ra đây là tấm màn chắn để che giấu mọi người. Sau đó Maletti lập lại cho tôi biết, thú nhận với tôi là hồi đó cha không biết việc này và bây giờ cần phải nói ra cho mọi người biết.

– Ngoài việc giấu người, cha dấn thân phục vụ như thế nào?

– Nhờ thẻ căn cước của tôi, tôi giúp cho một thanh niên trẻ trốn khỏi xứ, anh rất giống tôi, anh đi qua ngã biên giới Ba Tây, Foz do Ignaçu. Anh mặc áo linh mục, nhờ thế anh thoát mạng. Ngắn gọn, tôi làm những gì tôi có thể làm ở tuổi đó, tôi ít có các quan hệ để dựa trên đó có thể giúp được những người bị giam. Có hai lần, tôi có gặp đại tướng Jorge Videla và đô đốc Emilio Massera. Một trong những lần tôi muốn gặp để nói chuyện với đại tướng Videla là tôi tìm cách vào dâng thánh lễ trong tư dinh, tôi dò xem cha nào là tuyên úy quân đội sẽ dâng thánh lễ hôm đó, khi biết được, tôi thuyết phục cha giả đau để tôi được thay thế. Tôi còn nhớ, tôi dâng lễ vào một chiều thứ bảy ở nhà của tham mưu trưởng quân đội, có mặt tất cả gia đình của Videla. Sau thánh lễ, tôi xin gặp đại tướng Videla trong mục đích để biết tình trạng các linh mục bị bắt giữ. Tôi không đến nơi giam giữ, trừ một hôm, tôi đến căn cứ hàng không, gần San Miguel, bên cạnh cơ sở José C. Paz để biết số phận của một em bé trai.

– Có trường hợp nào cha nhớ một cách đặc biệt không?

– Tôi nhớ bà Esther Ballestrino de Careaga có đem một bà đến giới thiệu với tôi. (bà Esther là trưởng phòng thí nghiệm của tôi, bà dạy cho tôi rất nhiều điều về chính trị, sau đó bà bị bắt giam và bị ám sát; bà được chôn ở nhà thờ gần Santa Cruz.) Bà này người gốc Avellaneda, thuộc Buenos Aires, có hai đứa con trai đã lập gia đình được hai hoặc ba năm. Cả hai là đại diện công nhân và thân cộng sản, họ bị bắt giam. Chồng bà đã chết nên cuộc sống của bà chỉ quanh quẩn bên hai đứa con. Lúc đó bà khóc rất nhiều, tôi không bao giờ quên khuôn mặt của bà. Tôi làm vài cuộc điều tra nhưng không thể biết hai đứa con của bà ở đâu và tôi thường tự trách mình đã không làm việc hiệu quả hơn.

– Cha có thể kể cho chúng con biết có trường hợp nào cha can thiệp mà mang đến kết quả không?

– Tôi nhớ trường hợp một giáo lý viên trẻ bị bắt cóc và bị giam, họ nhờ tôi can thiệp. Trường hợp này tôi chỉ làm được trong khả năng giới hạn của tôi, tôi cũng không có uy thế bao nhiêu. Tôi không biết các gởi gắm của tôi có hiệu quả đến đâu nhưng một chuyện chắc chắn: nhờ ơn Chúa, anh giáo lý viên trẻ này được thả sau đó. Cả gia đình anh mừng biết bao! Tuy nhiên, tôi lặp lại: sau những tình huống như vậy, làm sao mà không thông cảm với phản ứng của tất cả các bà mẹ khi họ sống trong nỗi đau khổ dai dẵng cực kỳ này, những gia đình không bao giờ thấy lại con mình còn sống?

– Cha đóng vai trò nào trong việc các linh mục Yorio và Jalics bị bắt?

– Phải nói rõ ra tất cả, lúc đó, hai linh mục này đang dự định mở dòng. Họ viết bản phác thảo các lề luật gởi các giám mục Pironio, Zaspe và Serra. Tôi còn giữ bản sao các ngài đưa cho tôi. Cha giám tỉnh toàn quyền dòng Tên lúc đó là cha Arrupe có nói với họ, họ phải chọn dòng Tên hoặc cộng đoàn nào họ muốn sống và cha sẽ cho phép họ rời dòng Tên. Vì họ cố nài để duy trì dự án và nhóm đã giải tán, họ xin rời dòng Tên. Đó là một tiến trình nội bộ kéo dài hơn một năm. Đây không phải là một quyết định nhanh lẹ mà tôi là người xúi giục. Khi đơn từ nhiệm của cha Yorio được chấp nhận (cũng như đơn của cha Luis Dourron lúc đó làm việc bên cạnh họ), thì không thể làm như vậy với cha Jalics, vì cha đã khấn trọn và trong trường hợp này, chỉ có Tòa thánh mới có thẩm quyền nhận đơn. Lúc đó là tháng 3-1976, chính xác là ngày 19, năm ngày trước khi chế độ của Eva Perón bị lật đổ. Vì nghe tin đồn sắp có cuộc Đảo chánh nên tôi khuyên họ phải rất cẩn thận. Tôi còn nhớ tôi có đề nghị, nếu họ cảm thấy họ bị đe dọa, họ có thể đến nhà chính của dòng Tên để ở.

– Họ có thể gặp hiểm nguy vì họ ở trong vùng nguy hiểm?

– Đúng vậy. Họ sống ở khu vực Rivadavia del Bajo Flores. Tôi không bao giờ tin họ liên can đến các “hoạt động lật đổ” mà những người bắt họ đã vu cho họ. Thật sự họ không can dự vào. Tuy nhiên vì họ quen biết các cha xứ trong các vùng nguy hiểm, nên họ là con mồi khi quân đội đang cuồng hoảng muốn bắt cho được thủ phạm. Họ ở lại khu vực của họ, cha Yorio và cha Jalics bị bắt trong một cuộc bố ráp nghiêm trọng. Cha Dourron được thoát trong cuộc bố ráp này; cha đang đi xe đạp trong khu vực và chứng kiến mọi sự, cha trốn qua đường Videla. May thay, sau đó hai linh mục được phóng thích, trước hết vì người ta không thể tố cáo được chuyện gì, và sau là nhờ chúng tôi tích cực can thiệp để cứu họ. Ngay đêm khi nghe tin họ bị bắt, tôi đã hành động. Hai lần tôi gặp đại tướng Videla, hai lần gặp đô đốc Massera là vì lý do này.

– Theo báo chí, Yorio và Jalics cho rằng cha cũng xem họ là những người có âm mưu lật đổ hay ít nhất cũng như vậy, vì cha có thái độ sách nhiễu chống họ vì cách đối xử của họ.

– Tôi không muốn chịu thua để ai muốn khép tôi vào kiểu nào cũng được. Tôi vừa trình bày với tất cả lòng chân thành về vai trò của tôi với hai linh mục này và thái độ của tôi sau khi họ bị bắt. Khi cha Jalics về Buenos Aires, cha đến thăm tôi. Cha dạy nhiều khóa học với tôi. Sau khi biết Tòa Thánh chấp nhận cho cha từ nhiệm, cha xin ở lại với dòng Tên. Tôi lặp lại: tôi không đuổi họ ra khỏi dòng cũng không giữ họ lại mà không bảo vệ.

– Họ còn tố cáo rằng, ba năm sau, khi cha Jalics đang ở Đức và lúc đó Á Căn Đình đang ở dưới chế độ độc tài. Cha Jalics xin cha can thiệp với nhà cầm quyền Đức tái hạn hộ chiếu mà không cần phải ra khỏi xứ; dù có làm đơn nhưng cha khuyên các công chức có thẩm quyền ở văn phòng Phụng Tựï thuộc bộ Ngoại Giao không nên xét đơn vì trong quá khứ cha Jalics có dính líu đến việc lật đổ…

– Không đúng. Cha Jalics sinh tại Hung gia lợi nhưng là công dân Á Căn Đình, có hộ chiếu Á Căn Đình, khi tôi còn làm giám tỉnh cha xin tôi làm đơn vì cha sợ, nếu về lại Á Căn Đình sẽ bị bắt. Lúc đó tôi viết một đơn cho nhà cầm quyền, không giải thích lý do chính xác nhưng chỉ lấy lý do vì cuộc đi lại tốn kém, nên xin hộ chiếu từ tòa lãnh sự ở Bonn. Chính tay tôi đưa đơn cho một công chức, ông hỏi tôi về việc ra đi vội vã của cha Jalics. Tôi trả lời: “Họ tố cáo cha Jalics và một cha khác là những người phản loạn nhưng hai người này không dính gì đến việc đó.” Ông này nói: “Cha để lại đơn đây, chúng tôi sẽ trả lời sau.”

– Và sau đó là..

– Đương nhiên họ vứt lá đơn. Tác giả vụ tố cáo tôi đến tham khảo hồ sơ ở văn phòng Phụng Tự và điều duy nhất họ nói đến là họ tìm một mẫu giấy mà nhân viên kể lại cuộc đối thoại của chúng tôi, ông ghi chú tôi nói với ông, những linh mục này bị kết tội là những người phản loạn. Tóm lại, họ trích một câu mà không giữ lại nguyên văn, rằng tôi cho họ biết, các linh mục này không dính gì đến vụ phản loạn. Hơn nữa, tác giả của vụ tố cáo đã bỏ qua không đọc bức thư tôi chứng nhận rằng tôi hỗ trợ linh mục Jalics nên tôi đã làm đơn này.

– Người ta cũng nói cha can thiệp với đại học El Salvador, một đại học do các cha dòng Tên thành lập, để họ trao bằng tiến sĩ danh dự cho đô đốc Massera.

– Tôi nghĩ đây không phải là học vị tiến sĩ mà là giáo sư. Tôi không phải là người có sáng kiến này. Tôi có nhận thiệp mời nhưng không đi dự. Khi tôi khám phá có một nhóm muốn chính trị hóa trường đại học, tôi đến tham dự một buổi họp của Hội đồng dân sự và tôi đã yêu cầu các thành viên này ra đi dù đại học không còn thuộc quyền của dòng Tên, tôi không có một quyền nào khác ngoài cương vị một linh mục thường. Tôi nói điều này vì người ta còn gán cho tôi dính líu vào nhóm chính trị này. Dù sao, khi trả lời cho từng cáo buộc là đi vào ván bài của họ. Gần đây, tôi tham dự vào một buổi lễ ở một nguyện đường Do Thái. Tôi sốt sắng cầu nguyện và trong khi cầu nguyện, tôi nghe một câu trong sách Khôn ngoan mà tôi đã quên từ lâu: “Lạy Chúa, xin cho con biết giữ thinh lặng trước những lời chế nhạo.” Câu này đã làm cho tâm hồn tôi được bình an và tôi có một niềm vui không tả.

* * *

 

Khi vị linh mục trẻ Jorge Bergoglio gõ cửa văn phòng nữ luật sư Alicia Oliveira lúc bà đang ngồi chờ một phiên họp bình thường của công việc, bà là thẩm phán luật hình sự trong những năm đầu 1970, bà không nghĩ rằng bà sẽ hợp ý với linh mục này và từ cuộc gặp gỡ này đã nảy sinh ra một tình bạn lâu dài, đến độ đã biến bà thành một nhân chứng quan trọng trong hoạt động của Bergoglio dưới thời chế độ độc tài. Luật sư Oliveira có một quá trình hoạt động lâu dài để bảo vệ nhân quyền, bắt đầu từ khi bà làm trong chuyên ngành luật hình sự. Một sự dấn thân mà sau vụ Đảo chính Quân sự đã làm bà mất chức thẩm phán, hậu quả của luật miễn tội cho quân đội.

Bà đã ký hàng trăm habeas corpus nêu rõ các vụ bắt bớ bất hợp pháp và những vụ mất tích dưới chế độ độc tài gần đây, bà hành nghề như một luật sư và ở trong hội đồng chủ đạo Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Luật pháp, một trong những Tổ chức Phi chính phủ biểu hiệu nhất cho cuộc đấu tranh chống vi phạm nhân quyền.

Khi nền dân chủ trở lại, bà đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, bà cũng là thành viên Công ước Quốc gia năm 1994 (sau đó bà ứng cử trong danh sách của Frente Grande, một nhóm theo đảng Perón của phe tả) và luật sư của dân chúng thành phố Buenos Aires giữa năm 1998 và 2003. Sau đó, dưới thời tổng thống Nestor Kirchner, bà được cử làm đại diện đặc biệt bảo vệ cho nhân quyền của ngành tư pháp, chức vụ bà làm hai năm trước khi về hưu.

“Tôi còn nhớ, bà nói với chúng tôi, cha Bergoglio đến gặp tôi ở tòa về một vấn đề liên hệ đến một người thứ ba, vào khoảng năm 1974-1975; chúng tôi nói chuyện với nhau và có thiện cảm với nhau, từ đó có những cuộc gặp gỡ sau này. Trong một cuộc gặp gỡ, chúng tôi nhắc đến vụ đảo chánh. Trong cương vị giám tỉnh dòng Tên, chắc chắn cha được nhiều thông tin hơn tôi. Tên các bộ trưởng tương lai được đăng báo. Nhật báo La Razón tiên đoán ông José Alfredo Martinez de Hoz sẽ là bộ trưởng kinh tế. Bergoglio rất lo âu vì cha cảm thấy có chuyện gì sắp xảy ra. Và vì cha biết tôi tranh đấu cho nhân quyền nên cha sợ cho tính mạng của tôi. Cha đề nghị tôi đến ở trường Maximo một thời gian. Nhưng tôi từ chối, tôi trả lời cha theo kiểu cách biệt hoàn toàn với những sự kiện sắp xảy ra: “Thà bị quân đội bắt còn hơn ở với mấy cha xứ.”

Đương nhiên, bà thẩm phán rất đề phòng. Bà tuyên bố với bà thư ký của tòa, người mà bà hoàn toàn tin tưởng, nữ bác sĩ Carmen Argibay – bộ trưởng tương lai của Tòa Thượng Thẩm về đề nghị của Kirchner – mà bà nghĩ nên để lại cho ông giữ tạm thời hai đứa con của bà vì bà phải đi trốn, sợ quân đội bắt giữ. Cuối cùng bà thay đổi ý kiến và cũng không bị bắt. Ngược lại, bà Argibay bị bắt ngày Đảo chính. Bà Oliveira tuyệt vọng, cố tìm cách để biết bà Argibay bị giam ở đâu, cuối cùng có người cho bà biết bà Argibay bị giam ở Devoto. Nhưng bà không bao giờ biết vì sao bà Argibay bị bắt. Đương sự cũng không.

Sau khi chiqnh quyền Isabel Perón sụp đổ, bà Oliveiro và cha Bergoglio gặp gỡ nhau thường xuyên hơn. Bà kể: “Trong các cuộc nói chuyện, tôi thấy càng ngày cha càng sợ, đặc biệt đối với các cha dòng Tên của cộng đoàn. Bây giờ, tôi nghĩ cha Bergoglio và tôi ý thức hơn về não trạng của các tướng lãnh thời đó. Khuynh hướng rõ rệt bạn-thù, sự không có khả năng để phân biệt một hành động chính trị, xã hội hay tôn giáo của họ và cuộc chiến đấu võ trang của họ là một đe dọa. Và chúng tôi hoàn toàn hiểu các nguy hiểm của những người đi lại trong các khu vực bình dân. Không những họ mà cả người dân đều có thể bị nguy hại một cách gián tiếp.”

Bà còn nhớ một bà bạn cùng đi học giáo lý ở cộng đồng – không ở trong một nhóm hoạt động nào-; đã van xin bà đừng đi đến đó. Bà kể: “Tôi cảnh báo cho họ biết, các quân nhân này không hiểu gì hết, khi họ thấy một người lạ trong khu vực, họ nghĩ ngay đó là một người khủng bố Mác-Lê quốc tế.” Bà phải giải thích rất kỹ người kia mới hiểu. Cuối cùng bà ấy ra về, vài năm sau, bà cho biết những lời khuyên của luật sư đã cứu mạng sống của bà. Bà nói thêm: “Nhưng những người khác ở lại đó đã không cùng chung số phận; vì thế Bergoglio rất lo cho các linh mục trong khu vực và muốn họ ra đi.”

Oliveira nhớ, không những cha Bergoglio tìm đủ mọi cách để biết chỗ giam cha Yorio và Jalics và cứu họ ra khỏi tù, ngài còn làm mọi cách để biết chỗ giam của những người bị tù khác. Hoặc để giúp họ rời Á Căn Đình như người chủng sinh trẻ có gương mặt giống cha mà cha cho anh thẻ căn cước của cha. Bà kể: “Tôi thường đi lễ chúa nhật ở San Ignacio. Ở đó có những bữa ăn phục vụ để tiễn những người mà cha Jorge giúp để rời xứ.”

Bergoglio còn giúp cất giấu một thư viện của một gia đình có sách của các tác giả theo mác-xít. Bà nhớ lại: “Một ngày nọ, bà Esther Ballestrino de Careaga gọi cha đến để xin cha xức dầu cho một người thân, cha rất ngạc nhiên vì gia đình này không có đạo. Khi đến nơi, cha mới biết sự thật: bà muốn cha đem các sách của con gái bà đi vì con gái bà đang bị quản thúc. Cô con gái bị bắt, sau đó được thả, bà mẹ thì bị giết.”

Còn về ứng xử của đại học El Salvador dưới chế độ độc tài vừa qua và vai trò của hồng y tương lai ở đó, bà Oliveira bảo đảm rằng, trong thời gian bà sống ở trường đại học này, thì không thể gán bất cứ một đồng tình nào của trường đại học với chế độ độc tài. Bà nhấn mạnh: “Tôi không biết cái gì xảy ra cho trường đại học nhưng một số lớn trong chúng tôi đã dạy ở đó.” Bà kể bà cùng giữ chung ghế luật hình sự với luật sư Eugenio Zaffaroni (bị chế độ độc tài cách chức, nhưng ông là giáo sư trường đại học Buenos Aires, nên sau này ông được tổng thống Kirchner bổ dụng làm ở Tòa Thượng Thẩm). Và trong các khóa học này, bà được tự do dạy. “Khi tôi giảng về một bộ luật thời Trung Cổ, luật này cho phép tra tấn bị can với những hình phạt thể xác khủng khiếp để quyết định bị can có tội hay vô tội, sinh viên nói với tôi luật này quá khủng khiếp và tôi nói cho sinh viên biết, luật này đang được áp dụng ở trong nước chúng ta; cha Bergoglio lưu ý tôi, rằng quân đội sẽ bắt cóc tôi bằng xe Falcon xanh, loại xe quân đội  Á Căn Đình hay dùng để bắt cóc dân, vì thế xe này nhanh chóng thành biểu tượng của  khủng bố.

Với người bạn cùng dạy luật hình sự, Oliveira đã sống một giai đoạn mà dưới mắt bà, đã cho bà thấy rõ cương vị của hồng y Bergoglio trong thời của chế độ độc tài. Vào cuối thời chế độ quân phiệt, trước thời tiền bầu cử, Zaffaroni cho biết rằng luật gia Charles Moyer, cựu thư ký Tòa Án Quốc tế Nhân quyền, muốn đến Á Căn Đình để thuyết phục các ứng viên tầm quan trọng trong việc Á Căn Đình tham gia vào Hiệp Ước Liên-châu Mỹ về nhân quyền (hiệp ước San José de Costa Rica.) Lúc đó ông Moyer giữ chức vụ ở Tổ chức Liên bang Mỹ ở Washington. Thư ký của tổ chức này là người Á Căn Đình, ông Alejandro Orfila, nghe phong phanh việc này, đã đe dọa sẽ cho ông nghỉ việc nếu ông đến Buenos Aires. Vì Orfila có những mối liên hệ quan trọng với chế độ độc tài.

Dù sao Zaffaroni cũng xin bà làm sao họ có thể mời ông ấy đến với một lý do trại ra. Oliveira tìm cách tránh: “Tôi làm được gì? Đương nhiên tôi sẽ nhờ Jorge, cha sẽ nói tôi yên tâm. Một thời gian sau, bà đọc được một lá thư theo đó trường Đại học mời luật sư Moyer đến thảo luận về tiến trình Hiệp ước Liên Châu Mỹ về Nhân quyền… Người ta không thể tưởng tượng có chuyện nào có thể làm quấy rầy hơn! Nhân dịp đó, có một cuộc triệu tập các giáo sư về luật quốc tế. Bergoglio van xin tôi không vì bất cứ lý do gì mà đến tham dự. Ông Moyer không biết nói sao. Sau đó một cách kín đáo, chúng tôi đưa ông đến gặp các ứng viên của cuộc bầu cử. Thật là thống thiết: gần như không một ai biết hiệp ước San José. Về lại Washington, Moyer viết một bức thư cám ơn Bergoglio. Và Raúl Alfonsin buộc lòng phải phê chuẩn hiệp ước.”

Dù sao, Oliveira – phê phán hành động của nhiều giám mục dưới thời chế độ độc tài – cũng thừa nhận, luôn luôn có những câu hỏi về các thành viên của các giáo sĩ. Điều cần biết là, nếu họ lo cho từng nạn nhân của các vụ áp bức bất hợp pháp thì họ đã áp dụng một chiến lược tốt nhất. Họ có lý do để ưu tiên cho cách làm kín đáo hay họ phải chọn lựa cách tố cáo công khai? Đó có phải là cách hay nhất để bảo vệ và cứu mạng sống cho nhiều người? Bề trên của một cộng đoàn tu sĩ có nguy cơ bị “bắn một viên đạn dưới chân” và một mình đi xuống đấu trường.

“Thật ra, tôi không biết cái gì đáng làm, cũng không biết làm sao các thành phần khác nhau trong giáo hội hành động.” Dù sao, bà cho rằng nghi ngờ là hợp pháp – và thường thường với độ lùi của thời gian, sự việc sẽ được làm sáng tỏ  – trên những chọn lựa đã ấn định thì cũng không thể đặt lại vấn đề một vài sự kiện, như cách ứng xử của Bergoglio. Lại còn không nên tin vào những cáo buộc không có nền tảng. Vì thế bà Oliveira đánh giá việc gởi thư điện tử cho các hồng y khi mật nghị bầu người kế vị đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, thư giả tố cáo sự đồng tình của Bergoglio với chế độ độc tài là “tình báo thô bỉ.” Hơn nữa, theo bà, tác giả của nó “vài năm trước đó đã thảo một thư khác, họ nói những chuyện khác chuyện này và họ nói rằng họ nói sự thật.”

Tuy nhiên, bà thừa nhận bà đã thở phào khi nghe tin Bergoglio không được bầu làm giáo hoàng. “Thành thật mà nói, nếu cha được chọn, tôi có cảm nhận tôi bị bỏ rơi, vì, đối với tôi, cha như một người anh và đối với người Á Căn Đình chúng tôi, chúng tôi cần cha.” bà kết luận.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch