Đức Giáo hoàng Phanxicô và con chim mòng biển
Trích sách “Phanxicô, Giáo hoàng của Thế Giới Mới, Michel Cool, nxb. Salvator
Chiều thứ tư 13 tháng 3 năm 2013, mưa rơi trên thành phố La Mã. Các nhiếp ảnh gia truyền hình khắp thế giới đang hướng ống kính về ống khói của nhà nguyện Sixtine. Họ đang giải trí khi nhìn con chim mòng biển đang đứng ở một vị thế lạ lùng: dửng dưng trước những dao động kích thích chung quanh, chẳng sợ hãi, nó đứng trên mái tòa nhà thần thiêng… Sẽ chẳng bao giờ có ai biết nếu nó không phải là Jonathan, tên một nhân vật trong quyển tiểu thuyết danh tiếng Mỹ. Nhưng con chim mòng biển này sẽ để lại dấu vết của nó trong lịch sử. Thật ra đó là chuyện tình cờ nhưng cũng có thể là do Quan Phòng, sự xuất hiện của nó có phải là lời dự đoán sẽ bầu một giáo hoàng, vị này phải vượt trùng dương để đến đây, trên bờ sông Tibre để cai quản Giáo hội không? Đám đông ước chừng một trăm ngàn người giẫm chân lên nhau trên vệ hè quảng trường Thánh Phêrô. Họ nhìn chằm chằm lên bầu trời để tìm làn khói trắng. Lòng kiên nhẫn của họ không hoài công. Trước bảy giờ tối, làn khói trắng dày đặc bay lên. Một ít lâu sau, đức hồng y thánh bộ người Pháp Jean-Louis Tauran xuất hiện trên ban công thánh đường Vatican loan báo tin vui: “Habemus papam!” Sau đó ngài đọc tên tân giáo hoàng bằng tiếng la-tinh. Một chút xáo động nhẹ, ai cũng nín thở để lắng nghe những lời vừa được loan báo, giờ đây nghe xong, họ òa lên la hét vui mừng. Con chim mòng biển không còn xuất hiện trên màn ảnh truyền hình. Nó đã bay, không biết về đâu, mang theo bí ẩn về sự hiện diện của nó vào buổi chiều lịch sử này.
Phanxicô! Tên ngài là Phanxicô như tên thánh Phanxicô Đaxi, ngài mặc áo trắng tiến ra bao lơn Thánh Phêrô. Ngạc nhiên đầu tiên chưa xong lại thêm một ngạc nhiên khác: ngài không mặc chiếc áo khoác đỏ truyền thống như các bậc tiền nhiệm. Chầm chậm và sâu lắng, ngài bắt đầu bằng lời “chào buổi chiều” và đưa tay chào đám đông một cách tự nhiên. “Anh chị em thân mến,” lời chào bằng tiếng Ý với đám đông đa số là người đi hành hương, những người này người thì cầm cờ, người cầm biển ngữ nồng nhiệt vẫy tay vinh danh đức thánh cha. Khuôn mặt biểu lộ cảm động nhưng lắng dịu, tay buông dọc theo thân mình, thái độ khi xuất hiện lần đầu trước công chúng trong cương vị giáo hoàng đã cho thấy nét chính yéu về nhân cách của ngài: giản dị. Cha nói tiếp với một nụ cười chân thành: “Có vẻ như các hồng y phải đi đến tận cùng thế giới để tìm tôi. Nhưng chúng ta đang ở đây. Tôi xin cám ơn tất cả, cám ơn cộng đoàn La Mã về sự đón tiếp này.” Ngài mời mọi người đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng để cầu nguyện cho vị tiền nhiệm, đức giáo hoàng danh dự Benêđictô XVI, người đang xem truyền hình ở biệt thự Castel Gandolfo, nơi mà từ khi từ nhiệm, 28 tháng 2 năm 2013, ngài về đó ở. Một ít lời và cử chỉ đầu tiên này đã tạo một tương quan trực tiếp và nồng ấm giữa tân hồng y La Mã và thành phố này. Dù trời đã tối nhưng mọi người có cảm tưởng như có thể sờ thấy được mối tương quan này, các khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt long lanh như ngàn vì sao trên bầu trời. Tân giáo hoàng so sánh mối tương quan vừa nảy sinh này với dân thành phố La Mã như một cuộc “du hành trong tình huynh đệ, tình thương và việc rao giảng Phúc Âm.” Sau đó là giây phút cực kỳ xúc động: vị giáo hoàng thứ 266 kế vị Thánh Phêrô mời tín hữu xin Chúa chúc lành cho ông. Ngài cúi mình xuống khi đám đông thinh lặng cầu nguyện trong vòng hai mươi giây. Thật chưa từng thấy! Đúng, chưa từng thấy trong cả chiều dài lịch sử, các cột đá Bernin của quảng trường Thánh Phêrô chưa bao giờ chứng kiến một sự thinh lặng sâu xa thấm đậm lòng sốt sắng và hy vọng như vậy để chào một vị tân giáo hoàng!
Nguyễn Tùng Lâm dịch