Đâu là chỗ đứng của các tôn giáo trong chế độ cộng sản ở Trung quốc?
Linh mục Benoît Vermander là giáo sư nhân chủng học tôn giáo ở trường Đại học Fudan, Thượng Hải © Bakas/Sinopix/rea
pelerin.com, Frédéric Niel, 2018-01-11
Linh mục Dòng Tên Benoît Vermander, giáo sư Đại học Fudan ở Thượng Hải giải thích cho báo Hành hương (Pèlerin) cách mà Nhà nước Trung quốc công cụ hóa các tôn giáo để vừa củng cố quyền lực vừa lấp chỗ trống ý thức hệ của họ.
Các tôn giáo có được cho phép hoạt động ở chế độ cộng sản Trung quốc không?
Trên quy chế, Đảng cộng sản Trung quốc theo chế độ vô thần. Tuy nhiên Quốc gia công nhận “quyền tự do tôn giáo” của người dân. Họ chấp nhận, nhưng họ đặt điều kiện: không được chiêu dụ và phải theo định hướng của Đảng. Khi đặt các tôn giáo dưới quyền kiểm soát tinh thần của chính quyền, chế độ cộng sản theo truyền thống của thời hoàng gia (cho đến ngày hoàng gia bị truất phế năm 1911).
Đảng cộng sản kiểm soát các tôn giáo như thế nào?
Mỗi tôn giáo phải vào khuôn khổ qua một hiệp hội, hội này là dây chuyền để nối với Đảng cộng sản. Từ khi thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân năm 1949, đã có một kiểu đối thoại có tính cách khúm núm giữa các tôn giáo và Đảng cộng sản. Cuộc Cách mạng văn hóa (1966-1976) đã mở ra một giai đoạn vừa lâu dài vừa đau khổ. Chế độ cộng sản đưa việc đấu tranh chống các chuyện “cổ lỗ” lên hàng đầu, trong số những chuyện cổ lỗ này có các tôn giáo.
Các ngôi chùa, các nơi thờ phượng bị phá hủy, các tu sĩ bị bách hại. Vào những năm 1978-1979 sau cái chết của Mao Trạch Đông (năm 1976), Quốc gia trở về hình thức chấp nhận các tôn giáo, nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng cộng sản.
Có một sự thức tỉnh tôn giáo không?
Có, kể từ những năm 1980. Người ta chứng kiến cả một phong trào bừng lên lòng sốt mến thật sự. Trong những năm 1990, một trong các hình thức thấy rõ nhất là phong trào khí công, một loại thể dục thể thao có nội dung tâm linh. Một trong các trường phái của khí công là “Pháp Luân Công” (Falun Gong), trở thành rất phổ thông (1) nên Đảng cộng sản càng tăng cường kiểm soát các tôn giáo.
Từ năm năm nay, khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm chính quyền, Đảng cộng sản “hán hóa” các tôn giáo, nhất là kitô giáo. Các tôn giáo buộc phải trở thành công cụ để xây dựng một ý thức hệ và một tinh thần tiêu biểu của Trung Hoa.
Chúng ta có thể nói có một sợi dây liên hệ giữa sự tăng trưởng kinh tế và thức tỉnh tôn giáo không?
Có, bởi vì người dân đã có nhiều phương tiện hơn. Khi những nhu cầu sơ đẳng đã được đáp ứng – thức ăn, chỗ ở, an toàn thì người dân bỏ nhiều tiền bạc và thì giờ vào các chuyện thứ yếu, kể cả vấn đề tâm linh.
Vì thế cả một “thị trường công đức” được phát triển, người dân mua công đức để mong biến đổi nghiệp kiếp của mình hay hồi hướng cho gia đình. Ngắn gọn, cũng như các nơi khác, Trung quốc cũng có một nhu cầu tiêu thụ tâm linh.
Đâu là các tôn giáo được công nhận ở Trung quốc?
Quốc gia chỉ chính thức công nhận năm tôn giáo: đạo lão, phật giáo, hồi giáo, tin lành và kitô giáo (2).
Không có đạo khổng?
Đạo khổng không phải là một tôn giáo nhưng chỉ là một hệ thống các giá trị truyền thống. Người dân đến thắp nhang cầu nguyện tạ ơn vì thi đậu ở một vài đền thờ Khổng Tử ở Trung quốc, cho thấy đây là một trung tâm văn hóa hơn là nơi thờ phượng.
Tuy nhiên quốc gia cổ động cho việc tôn trọng các giá trị đạo khổng vì đạo khổng đề cao lòng hiếu thảo và tuân phục quân sư phụ, các giá trị này biện minh cho sự tôn trọng thứ trật từ lãnh vực gia đình đến lãnh vực chính trị.
Đâu là chỗ của các tôn giáo nước ngoài như kitô giáo?
Tôi xin chận ông ở đây: có thể nào chúng ta nói đến một tôn giáo nước ngoài cho một đức tin đã bám rễ ở đây từ bao nhiêu thế kỷ không? Là người Trung quốc và có một tôn giáo không phải chỉ nghiêng mình vái dưới lớp áo tay dài! Ngày nay, kitô giáo là một tôn giáo hoàn toàn của người Trung quốc. Tuy nhiên một số người Trung quốc còn nghi đồng bào tin lành của họ là những người làm cho Mỹ, với lý do là rất nhiều nhà truyền giáo tin lành đến từ Mỹ, và họ cho người công giáo thì theo lệnh của Đức Giáo hoàng.
Còn về vấn đề tranh cãi trong việc phong chức các giám mục, một số người được phong ở Bắc Kinh mà không có sự đồng ý trước của Vatican, hoặc ngược lại thì sao?
Gần như tất cả các giám mục được Bắc Kinh “phong” sau này đều được tham khảo ý kiến một cách không chính thức với Vatican. Những trường hợp tranh chấp thì rất hiếm. Các cuộc thương thảo nhằm để thiết lập một hình thức chỉ định để tránh các vấn đề.
Đâu là tác động về mặt tâm linh trên các xáo trộn nhân số trong mấy chục năm vừa qua, nhất là đường lối chỉ cho phép có một đứa con duy nhất, đường lối này vừa được giảm nhẹ gần đây?
Như ở các nước phát triển, gia đình nguyên tử, là gia đình chỉ thu gọn vào cha mẹ con cái đã trở nên khuôn mẫu chính yếu. Các người trẻ ra thành phố, họ ít khi về quê thăm cha mẹ, ông bà vẫn còn ở đó.
Mà việc kính thờ tổ tiên là trọng tâm trong các tôn giáo cổ truyền của Trung Hoa. Theo huyền thoại dân tộc, tổ tiên là chính tinh thần của tổ quốc. Tinh thần “quê cha đất tổ” rất thiêng liêng ở đây, vì người dân tin tổ tiên họ còn ở nơi đây, cũng tựa như cách người La Mã ngày xưa tin.
Sự trao truyền giá trị không còn làm được nữa. Cảm nhận tôn giáo không còn dựa trên sợi dây liên kết xã hội.
Tinh thần biết ơn tổ tiên được thấy rõ trong những ngày Tết. Bây giờ phong tục này biến mất. Sự trao truyền giá trị không còn làm được nữa. Cảm nhận tôn giáo không còn dựa trên sợi dây liên kết xã hội. Vì thế có một cơn khủng hoảng tâm lý và tâm linh nơi nhiều người cắt đứt với vùng đất của mình, với gốc rễ của mình.
Ở nước Pháp chúng ta đã sống cơn sốc văn hóa tương tự như vậy vào thế kỷ 20 khi người dân bỏ làng ra thành phố. Nhưng đô thị hóa ở Trung quốc thì nhanh hơn và cú sốc mạnh hơn.
Có người cho rằng, kitô giáo là đạo đòi hỏi yêu người như mình vậy, nên tinh thần này không phù hợp với văn hóa Trung Hoa, vì người Trung Hoa ưu tiên cho gia đình và cho bà con thân cận. Có đúng như vậy không?
Thật là điên rồ! Về điểm này, văn hóa Trung Hoa không khác các văn hóa khác. Tôi có thể trưng ra vài triết gia Trung Hoa như triết gia Mặc Tử, ông chủ trương một tình thương phổ quát và không thiên vị từ bốn thế kỷ trước kitô giáo!
Kitô giáo đã là một sức mạnh xã hội và thiêng liêng ở Trung quốc.
Cha thấy tương lai của kitô giáo ở Trung Hoa như thế nào?
Kitô giáo đã là một sức mạnh xã hội và thiêng liêng ở Trung quốc. Và kitô giáo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Các thách thức trong vòng nội bộ của các Giáo hội tin lành và công giáo: không tự khép vào chính mình; phải phân định rõ để tìm phương cách kết hợp và phản ứng với các thách thức do chính quyền áp đặt.
Từ đâu cha có niềm say mê Trung quốc?
Chuyến đi năm 1987 đã cho tôi thấy sự phong phú của văn hóa cổ điển Trung Hoa và tiềm năng phát triển phi thường của nước Trung quốc hiện đại. Tôi muốn làm cho Tin Mừng vang lên trong nền văn hóa khác biệt này.
Đâu là vai trò của các bộ môn nghệ thuật như hội họa, thơ văn, mỹ tự học trong niềm đam mê ba mươi năm này của cha?
Các bộ môn nghệ thuật giúp tôi không nên ngừng ở “biết” mà phải “thưởng thức” văn hóa Trung Hoa, phải thấm nhập vào văn hóa Trung Hoa khi giao tiếp với thế giới này. Sau này khi tôi học vẽ, dưới sự hướng dẫn của người bạn họa sĩ Li Jinyuan, đây là một kinh nghiệm quyết định để tôi nói lên sự bứng rễ và tái cắm rễ của tôi.
Chúng ta tất cả đều cần suy niệm, các hình thức diễn tả qua đó chúng ta diễn tả không những với những gì chúng ta là, nhưng nhất là với những gì chúng ta đang trở thành.
(1) Vào thời cao điểm, ước chừng có 70 triệu người tập Pháp Luân Công.
(2) Theo báo chí Trung Hoa, có từ 11 đến 16 % người cho mình là phật tử, 4 % đến 5 % kitô giáo, 1,7 % hồi giáo, 1 % đạo lão. Đạo tin lành có đến hàng trăm triệu, đạo công giáo có 5 triệu ở trong Giáo hội chính thức và 13 triệu trong Giáo hội “chui”.
Linh mục Benoît Vermander
2 tháng 5 – 1960 Sinh tại Alger.
1987 Chuyến đi Trung quốc đầu tiên.
1996 Chịu chức linh mục, Giám đốc Viện Ricci, Đài Loan cho đến năm 2009. Hoàn thành quyển tự điển Ricci trung hoa-pháp văn, thành công của học thuyết trung hoa của Dòng Tên
2009 Giáo sư nhân chủng học tôn giáo ở Viện đại học Fudan (Thượng hải), giám đốc Trung tâm Xu-Ricci về đối thoại giữa các nền văn minh.
Linh mục Benoît Vermander là tác giả của nhiều sách khảo cứu về Trung Hoa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch