Cuộc đời do thần cảm thúc đẩy

309

Cuộc đời do thần cảm thúc đẩy

Ronald Rolheiser, 2012-06-24

Mysticism (thần cảm) là một từ kỳ lạ. Ít người trong chúng ta liên hệ thần cảm với trải nghiệm bình thường, đặc biệt với trải nghiệm của chính chúng ta. nhìn chung được coi như là một điều kỳ lạ, một điều dị thường, một loại ý thức đặc biệt chỉ trao cho những người ưu tú nhất trong đời sống thiêng liêng, một điều dành cho các vận động viên thiêng liêng, hay cho những viễn cảnh huyền cảm, những trạng thái khác của ý thức, kiểu trò chơi “rắn và thang” (bạn phải trả lời cho đúng câu hỏi, nếu không bạn sẽ bị tụt thang đi lại từ đầu) trong đời sống thiêng liêng.

Nhưng thần cảm không phải là phi thường, dị thường, huyền cảm, mà là một trải nghiệm bình thường, quan trọng được trao cho tất cả chúng ta.

Thần cảm là gì? Ruth Burrows, nữ tu sĩ dòng Kín người Anh, định nghĩa như sau: Thần cảm là được Chúa chạm đến một cách sâu thẳm hơn ngôn ngữ, suy nghĩ, tưởng tượng và cảm nhận. Đó là biết Chúa và bản thân chúng ta vượt lên trên suy nghĩ và cảm nhận rõ ràng.

Nhưng làm sao điều này lại có thể xảy ra? Làm sao chúng ta biết được điều gì đó vượt lên trên khả năng chúng ta nói về nó, tưởng tượng về nó hay thậm chí cảm nhận nó rõ ràng?

Có lẽ mô tả sau đây của Ruth Burrows về một trải nghiệm làm biến đổi cuộc đời của bà có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn: Trong cuốn tự truyện Trước Cuộc Sống Có Chúa (Before the Living God), bà chia sẻ câu chuyện sau: Khi còn là thiếu nữ trẻ 18,19 tuổi, một hôm bà ngồi trong nhà nguyện, bà ở đó không phải vì mục đích cầu nguyện gì cụ thể, mà vì bị phạt phải ngồi ở đó, vì đã hành xử cá biệt trong một chuyến đi chơi dã ngoại của lớp. Khi ngồi một mình trong nhà nguyện, bà trải qua một điều thần cảm, không phải có thiên thần hiện đến hay có một viễn tượng đặc biệt nào đó hay một trạng thái ý thức khác nào. Ngược lại: ngồi trong nhà nguyện đó bà có một giây phút trong sáng hiếm hoi, giản dị, đầy đặc ân, đặt nền móng sâu sắc trong tự thân và trong hiện tại, nơi mà, vào giây phút đó, bà tiếp xúc với cái sâu sắc nhất và chân thực nhất trong lòng mình và với cái sâu sắc nhất và chân thực nhất trong lòng thực tại. Và, lúc đó, bà biết, vượt lên trên những ngôn từ rõ ràng, sức tưởng tượng và cảm nhận, một điều gì đó về thực tại của Chúa và một điều gì đó về bản thể chân thực nhất của mình. Trải nghiệm này đã biến đổi cuộc đời bà. Trong giây phút đó, bà biết bà phải làm gì, và trái với phần lớn khí chất của bà, bà trở thành một nữ tu chiêm nghiệm – và cuối cùng, tất nhiên, một phụ nữ với tầm sáng suốt tâm linh đã hướng dẫn cho rất nhiều người trong số chúng ta.

C.S. Lewis, khi chia sẻ về việc ông trở lại đạo, mô tả một điều tương tự, mặc dù trải nghiệm của ông là một trải nghiệm kéo dài hơn và kết tinh thành một giây phút trong sáng đầy đặc ân, và giây phút đó đã khiến ông tiếp xúc với những gì sâu sắc nhất và chân thực nhất trong lòng mình và trong bản thân thực tại.

Tả lại trong cuốn tự truyện Kinh Ngạc Trước Niềm Vui (Surprised by Joy) về giây phút đầu tiên ông quỳ xuống tiếp nhận Chúa Kitô, ông kể rằng, đối với ông, giây phút đó chẳng hề có chút mê ly nào cả. Đúng hơn, ông quỳ xuống như một “kẻ trở lại đạo miễn cưỡng nhất trong toàn bộ lịch sử Kitô giáo”. Nhưng ông quỳ xuống bởi vì, như ông miêu tả: “Tôi đã đi đến chỗ nhận ra rằng sự khắc nghiệt của Chúa còn tốt hơn sự dịu dàng của con người, và sự cưỡng bách của Chúa là sự giải phóng cho chúng ta.”

Lewis hiểu sự cưỡng bách của Chúa như thế nào? Cũng rất giống cách bà Ruth Burrows hiểu về trải nghiệm thần cảm, nghĩa là giây phút trong trẻo giản đơn khi chúng ta chạm đến và đi tới chỗ nhận ra cái gì sâu sắc nhất và chân thực nhất trong lòng mình và trong bản thân thực tại, và trong sự trong trẻo đó, chúng ta biết điều gì mình phải làm – ngược lại với những gì mà trí thông minh của chúng ta nghĩ rằng nếu làm thì mới khôn ngoan hay những gì mà trái tim chúng ta xúc động muốn làm. Lewis trở thành Kitô hữu vì ông chạm với trải nghiệm này từ trọng tâm thần cảm của mình và nó nói với ông điều ông phải làm.

Vậy cái gì tạo nên trọng tâm thần cảm của chúng ta? Bernard Lonergan gọi đó là những nguyên lý đầu tiên – tính toàn thể, chân lý, tính thiện, và cái đẹp – trong tâm hồn con người. Henri Nouwen gọi đó là “mối tình đầu”, nghĩa là cái ký ức xa mờ về một lần từng được yêu thương và vuốt ve bởi đôi bàn tay dịu dàng hơn bất cứ đôi bàn tay nào chúng ta từng gặp trên thế gian này, ký ức trong tiềm thức về việc đã cùng với Chúa trước khi chúng ta sinh ra đời. Một số nhà thần cảm gọi đó là ký ức ban đầu về cái hôn của Chúa khi người thổi linh hồn vào thân thể chúng ta.

Phần lớn chúng ta không biết gọi tên nó là gì, nhưng chúng ta nói về điều gì đó như là “reo lên sự thực” hoặc “không reo lên sự thực”. Nhưng một cái gì đó reo lên sự thực hay không reo lên sự thực với điều gì? Chúng ta có mang một loại “chuông” nào đó trong lòng chúng ta hay không? Trên thực tế chúng ta có. Chúng ta gọi đó là lương tâm/ý thức, trung tâm sâu sắc nhất của chúng ta, trung tâm luân lý của chúng ta, trung tâm này nói với chúng ta những gì chúng ta phải làm, hoặc đó là một nơi trong lòng ta khao khát một người bạn tâm giao, nhưng chúng ta đều biết có một nơi trong lòng chúng ta, một nơi chúng ta chạm đến trong những phút giây thành thực nhất của mình, nơi chúng ta biết đến kiểu các nguyên lý đầu tiên, manh nha nhớ đến nụ hôn của Chúa, và biết chúng ta cần làm gì để chân thực với chính mình.

Khi chúng ta tiếp xúc với trung tâm sâu sắc này và hành động theo những thôi thúc và mệnh lệnh của nó, thì, như Ruth Burrows và C.S. Lewis, chúng ta đang sống một cuộc đời do thần cảm thúc đẩy.

J.B. Thái Hòa dịch